Một ngày theo giới trẻ lên chùa “sống chậm”

Một ngày theo giới trẻ lên chùa “sống chậm”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Trước đây các em chỉ đến chùa để “lễ lạy cầu xin” thì sau khi “giác ngộ”, các em sẽ hiểu rằng “gieo nhân gì gặt quả ấy”

Mọi người thường nghĩ lên chùa chỉ dành cho các bà, các cô lớn tuổi đến lễ bái, tụng kinh, thế nhưng giờ đây, số lượng bạn trẻ đến chùa tham gia các lớp học giáo lý của nhà Phật ngày một đông. Thậm chí số người đăng ký vượt quá giới hạn cho phép của nhà chùa.

Xã hội - Một ngày theo giới trẻ lên chùa “sống chậm”

Niệm phật trước khi “thụ trai”

Không khí khai trường nơi cửa Phật

Trong khi nhiều bạn trẻ đi nghỉ ngơi, xả hơi trong kỳ nghỉ hè thì số khác lại về chùa hành thiện theo sự hướng dẫn của các bậc tu hành. Aáp lực cuộc sống đang đè nặng lên vai và đời sống giới trẻ vẫn đang bị những trò tiêu khiển không lành mạnh cám dỗ thì việc tìm đến cửa chùa để học đạo lý, hay đơn giản hơn chỉ là để tĩnh tâm, giảm đi những ưu tư muộn phiền cân bằng cuộc sống cũng là một việc làm tốt.

Như thường lệ, ngay từ tinh mơ sáng chùa Bằng A (phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã náo nhiệt bởi rất nhiều nam thanh nữ tú nô nức đến đây “tầm sư học đạo”. Sân chùa vốn rộng lớn bỗng trở thành “bé nhỏ” bởi hàng trăm bạn trẻ trong độ tuổi từ 13 đến 22, cùng các phụ huynh tề tựu để đăng ký tham dự “khóa tu Hương Sen mùa hè”. Tham dự khóa tu này, các bạn trẻ sẽ cùng đàm thoại giải đáp những thắc mắc, chia sẻ những kinh nghiệm của cuộc sống, nhằm kết nối mọi người, giúp nhau hiểu thêm về cuộc sống, nâng cao giá trị bản thân.

Đặc biệt, chương trình “học Phật” này hoàn toàn miễn phí. Tất cả các bạn trẻ tham dự đều không phải đóng góp bất kỳ khoản kinh phí nào. Sau 4 ngày kết thúc khóa tu các bạn trẻ sẽ có cách học tập và suy nghĩ về lối sống tích cực hơn.

Buổi sáng, nhà chùa đã nhận được hơn 400 người đăng ký tham dự khóa tu, nhiều bạn khác phải đăng ký vào buổi chiều. Trong khi giới hạn khóa tu tối đa chỉ 450 người. “Không chỉ những vùng lân cận Hà Nội mà có rất nhiều người khác ở các địa phương, thậm chí tận miền Trung cũng đăng ký theo học. Tuy nhiên, khả năng nhà chùa có giới hạn, nên chỉ nhận đủ số học sinh là dừng lại” - Phật tử Phạm Đình Nội, cho biết. Ngay từ sáng tinh mơ, rất nhiều phụ huynh “khăn gói” theo con đến chùa (cùng với các tình nguyện viên, các bà, mẹ, cô lân cận chùa) quét tước dọn dẹp, nhặt rau, nấu nướng chuẩn bị hàng trăm suất cơm chay kịp thời cho các học viên đến bữa “thụ trai”.

Tu thiền để hướng thiện

Theo con đến tham dự khóa tu này, chị Nguyễn Thị Hạnh tâm sự: “Tôi có hai con, một trai một gái, nhưng chỉ có cháu trai được tham dự khóa tu này thôi, cháu gái chưa đủ tuổi. Thế hệ trẻ bây giờ có quá nhiều những điều cám dỗ, trong đó có không ít em bị tiêm nhiễm những điều độc hại. Những hoạt động nhà chùa tổ chức như thế này sẽ giúp các cháu sống hướng thiện hơn”.

Hầu hết các bạn trẻ đến tham dự khóa tu này đều bày tỏ sự hoan hỉ vui mừng. Đây là dịp họ mở rộng mối quan hệ và hướng tâm hồn trí tuệ của mình đến sự hoàn thiện hơn. “Trước đây nhiều khi do “vô tâm, vô ý” nên những hành vi của chúng em khiến mọi người khó chịu. Tham dự khóa tu này, chúng em học hỏi được nhiều điều bổ ích, từ cách chào hỏi, nói năng đi lại, sao cho nhẹ nhàng thanh lịch. Lớp học giúp chúng em lưu tâm hơn trong lối ứng xử của mình, để được mọi người yêu quý tôn trọng” - bạn Thu Hiền, thường trực CLB tình nguyện Mùa Hè Xanh cho biết.

Các em cũng học được cách thực tập để nuôi dưỡng niềm bình an cho mình trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó làm chủ được những tập khí buông thả, dữ dằn và để tìm thấy an lạc. Sau khóa tu thiền này, các bạn trẻ sẽ có niềm an vui, thương và hiểu mọi người hơn, biết tự mình phục vụ cho chính mình. Tại đây, các bạn sẽ được sư thầy dạy giáo lý nhà Phật, đọc sách, nghe kinh. Ngoài các buổi học giáo lý thì các thầy còn tổ chức các hoạt động xã hội lành mạnh. Vì đối tượng là thanh niên nên mỗi bài giảng của các thầy đều được tiết chế sao cho phù hợp, dễ cảm thụ và tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.

Đại đức Thích Quảng Tín - Chùa Bằng A, cho biết: “Nhu cầu “tu học” rất lớn, tu có nghĩa là sửa đổi những đức tính xấu để trở nên tốt. Đây vừa là dịp để các em có thể vừa chơi vừa học được những điều thực sự bổ ích. Nhà chùa sẽ dạy các em biết quan tâm và thương yêu mọi người, nhìn lại chính mình, để các em biết cách ứng xử tốt hơn trong cuộc sống. Các em sẽ hiểu rõ hơn về Phật pháp. Nếu như trước đây các em chỉ đến chùa để “lễ lạy cầu xin” thì sau khi “giác ngộ”, các em sẽ hiểu rằng “gieo nhân gì gặt quả ấy”, mọi thành quả của con người đều là do sự khổ công cố gắng là chính”.

Nhiều chùa mở khóa tu vẫn không đáp ứng hết nhu cầu

Ba năm trở lại đây, giới trẻ lên chùa tập tu dịp nghỉ hè ngày càng nhiều. Các khóa tu ngắn ngày và dài ngày tại các chùa và thiền viện cũng ngày càng gia tăng để đáp ứng nhu cầu. Thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), thiền viện Sùng Phúc (Long Biên, Hà Nội), chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội), chùa Di Đà (Thường Tín, Hà Nội),... là những nơi có tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên ở Hà Nội. Mặc dù các thiền viện, các chùa đã mở thêm nhiều khóa tu học hè nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu. Hè 2012, chùa Bằng tổ chức khóa tu thu hút hơn 400 bạn trẻ tham gia tu tập.

Cao Tuân