Mù vẫn thành… nhiếp ảnh gia

Mù vẫn thành… nhiếp ảnh gia

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Trong khi người sáng mắt còn phải nhiều thăng trầm mới trở thành nhiếp ảnh gia, thì anh Ngô Văn Biểu, lại nuôi dưỡng đam mê này bằng đôi mắt mù lòa.

Bước ngoặt cuộc đời

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ven biển của xứ Thanh, (thôn Yên Ổn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa), anh rất hiểu ý nghĩa của chiếc radio - bạn đồng hành với mỗi ngư dân đi biển. Các thiết bị điện tử này không chỉ giúp ngư dân nắm rõ mọi thông tin về thời tiết, mưa bão ngoài khơi xa mà duy trì việc phát tín hiệu, giữ liên lạc với đất liền cũng vô cùng cần thiết. Sau khi rời ghế nhà trường năm 1989, anh Biểu tham gia học nghề sửa chữa điện tử với mong muốn giúp đỡ cho bà con trong vùng.

Anh Biểu và con trai bên những tấm hình mới chụp

Năm 2000, một tai nạn nghề nghiệp đã cướp đi ánh sáng cuộc đời anh. Trong một lần cưa bình ga nhỏ để hàn cánh quạt thổi bếp than, anh đã bị mạt sắt bay vào mắt. Những tưởng đơn thuần chỉ là bụi ở mắt, anh dùng thuốc nhỏ mắt chữa trị. Sau gần một tháng thấy mắt vẫn ngứa và đau, anh đi Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa khám thì được bác sĩ kết luận trong mắt có dị vật.

Điều kiện kinh tế gia đình lại gặp nhiều khó khăn nên việc chữa trị mắt cho anh cũng thường bị ngắt quãng. Đến năm 2002, anh tiếp tục đi Viện mắt Trung ương để kiểm tra lại thì nhận được kết quả: Đục thủy tinh thể cực đáy, Hội tụ cầu hóa, Dịch kính bị tiêu hủy hoàn toàn. Và rồi, việc nhìn thấy ánh sáng với anh cũng tắt dần từ đấy.

Quá trình dùng kháng sinh liều cao chữa mắt trong thời gian này đã để lại di chứng cho con gái thứ hai của anh. Cháu Ngô Thị Diện, hiện đang học lớp 5, trường Tiểu học Quang Lộc cũng bị khuyết tật về mắt. Mang trong mình mặc cảm thua kém bạn bè, đã nhiều lần Diện đòi nghỉ học. Anh trở thành chỗ dựa tinh thần cho vợ con, lại động viên con gái tiếp tục đến trường. Riêng “cậu cả” Ngô Văn Duy năm nay bước sang tuổi 18 nhưng chỉ cao khoảng 1,1m, đang học lớp 8 do bị thiểu năng trí tuệ.

Nghĩ lại quãng thời gian ấy, anh Biểu kể, người ta bảo “giàu hai con mắt”, cứ nghĩ mình không thể giúp được gì cho vợ, con đã có lúc tôi định buông xuôi tất cả. Thế nhưng mỗi đêm nằm bên cạnh vợ, tôi vẫn nghe tiếng động viên “anh hãy cố lên vì anh, em và các con”, thì mình lại càng thương vợ hơn. Một mình vợ anh quần quật quanh năm với 5 sào ruộng cũng không đủ nuôi 3 người khuyết tật trong nhà, rồi còn thêm các khoản chi phí thuốc men cho chồng, con.

Thương vợ, anh quyết định vượt qua những dị nghị của người đời và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi. Từ địa chỉ tình thương này, anh bắt đầu đến với nghề ảnh bằng đôi mắt không còn ánh sáng. Năm 2008, tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED) tài trợ kinh phí mở lớp nhiếp ảnh cho người khuyết tật tại Thanh Hóa. Trong lớp chỉ có mình anh là bị khiếm thị. Anh tâm sự: “Lúc đầu, thấy hoàn cảnh của mình như vậy, các thầy dạy ảnh cũng e ngại. Nhưng thấy tôi ham học nên các thầy đã tận tình chỉ bảo. Tôi nhờ người cài chế độ tự động cho chiếc máy ảnh kĩ thuật số của mình, còn khoảng cách zoom xa gần thì tự cảm giác và đo lấy. Tôi cảm nhận âm thanh, lắng nghe câu chuyện của người đang nói để chọn thời điểm bấm máy”.

Sau 5 tháng tập huấn, lớp học của anh đã có tác phẩm tham gia triển lãm ảnh “Đối mặt” ở Viện Goeth thuộc dự án “Những tấm hình biết nói”. Trong suốt thời gian học, anh chụp được hơn 3000 tấm ảnh và chọn ra 16 tấm tham dự triển lãm. Cuối năm 2010, anh tiếp tục tham dự lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhiếp ảnh cho người khuyết tật. 20 học viên với 80 bức ảnh tham gia triển lãm “Vượt dốc” do tổ chức DED tài trợ diễn ra tại Thanh Hóa, anh có 6 bức hình được đánh giá rất cao.

Đam mê nghề bằng cả trái tim

Là người sống ở huyện ven biển, nên khi bước vào nghề ảnh, anh ví nghề chụp ảnh như người làm nước mắm. Anh bảo: “Chụp ảnh cũng như người làm nước mắm vậy, phải có chất cốt mới tạo nên một bức ảnh đẹp và có hồn!”

Sau thời gian đào tạo, nắm vững các kĩ năng, kĩ thuật nhiếp ảnh, anh tham gia chụp ảnh hồ sơ, ảnh hoạt động cho bà con trong xã. Khi mắt không nhìn thấy ánh sáng, anh căn ảnh, xác định đối tượng bằng cách nghe và cảm nhận.

Anh nghe âm thanh để đoán tọa độ và dựa vào cảm nhận thần kinh ở những đầu mút ngón tay để tiếp xúc với các nút bấm trên máy ảnh tự động. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều trường học ở các xã lân cận cũng mời anh về chụp ảnh thẻ cho học sinh. Thậm chí, có đám cưới, liên hoan mừng tân gia, đoàn viên, gặp mặt… cũng tìm đến anh nhờ chụp ảnh. “Họ gọi mình tới chụp một phần muốn thử xem người mù chụp ảnh thế nào, một phần cũng để giúp đỡ mình có thêm thu nhập cho gia đình”, anh Biểu chia sẻ.

Đề tài mà anh hướng đến cho mình khi chụp ảnh, đó là người khuyết tật, trẻ em mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạt động của người khuyết tật và cuộc sống đời thường. Mỗi bức ảnh là một cuộc đời. Những tấm hình ghi lại bằng sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ những người khuyết tật vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng cũng chính là mơ ước của anh.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với người khiếm thị khi tác nghiệp nghề ảnh chính là sự kì thị. Lòng tin tưởng giành cho người khuyết tật là một trở ngại không dễ gì vượt qua được. Do đó, “để chụp được một tấm ảnh thì mình phải trò chuyện cởi mở với khách, thuyết phục họ cho mình chụp thì ảnh mới có hồn. Mình bấm dăm bảy kiểu, sau đó nhờ người nhà chọn xem ảnh nào đẹp hơn sẽ mang đi rửa và trả ảnh cho khách hàng”, anh Biểu cho biết.

Anh cũng chia sẻ rất thật lòng rằng, ngay từ buổi đầu, cứ nghĩ đến việc dạy kĩ năng nhiếp ảnh như từng truyền nghề cho người bình thường thì chắc những người khuyết tật, nhất là với người không còn cảm nhận được ánh sáng như anh, sẽ không bao giờ tiếp cận được. Nhưng các thầy giáo đứng lớp đã truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh, truyền đam mê cuộc sống cho anh. Từ những cảm nhận về cuộc sống quanh mình đẹp hơn, đời hơn, anh đã đặt những viên gạch niềm tin đầu tiên cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

Kỉ niệm vui nhất với anh chính là những ngày đầu cầm máy đi thực tế. “Hôm đầu tiên tôi ra chợ, gặp một người mù và xin được chụp ảnh chân dung. Vì mình không sáng mắt nên chỉ ghi lại hình ảnh theo những gì mình cảm nhận được. Khi về nộp ảnh cho thầy giáo, cả lớp học đều không nhịn được cười vì tôi chụp được ảnh người mù đeo cái kính đen chỉ có một mắt”, anh Biểu hào hứng kể. Một lần, gia đình anh được tặng cuốn lịch Tết có hình tượng Phật bà Quan Âm ở bìa lịch. Nghe mọi người tả bức tượng đẹp quá, không quản ngại đường sá xa xôi, anh lặn lội vào tận Vũng Tàu, đích thân chụp bằng được tấm ảnh tượng Phật đó.

“Từ khi bước vào nghề ảnh, tuy thu nhập không cao nhưng đã giúp chúng tôi rút ngắn khoảng cách, xóa bỏ sự kì thị đối với người khuyết tật”, anh tâm sự. Lời chia tay của anh trong câu chuyện hôm ấy khiến chúng tôi càng thêm ngậm ngùi: “Ai xem ảnh cũng khen tôi chụp có hồn, nhưng tiếc là mình chẳng nhìn được để xem “hồn nó ra sao”, nhiều lúc kể cũng buồn!”.

Với tâm nguyện “người khuyết tật được học dạy lại cho người khuyết tật chưa biết”, anh Biểu mong muốn tìm được doanh nghiệp hoặc nhà hảo tâm giúp đỡ anh mở lớp truyền nghề nhiếp ảnh. Việc thành lập câu lạc bộ nhiếp ảnh cho người khuyết tật không chỉ giúp họ có một nghề để sống mà còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa đam mê nghệ thuật trong cộng đồng người khuyết tật tại địa phương.

Thái Dương

Cùng chuyên mục

Chuỗi siêu thị Lamason 10K bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc

Thứ 7, 20/04/2024 | 09:12
Chuỗi siêu thị tiện ích Lamason 10K kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không tem, nhãn phụ tiếng Việt.

Phá đường dây trộm cắp cáp ngầm trị giá 19 tỷ đồng ở Phú Thọ

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:22
Công an tỉnh Phú Thọ cho biết Cơ quan CSĐT công an tỉnh đã tạm giữ hình sự 14 đối tượng trong đường dây trộm cắp 9.265 mét cáp điện ngầm trị giá khoảng 19 tỷ đồng.

Cảnh báo lừa cài đặt App “Dịch vụ công”, chiếm đoạt tài sản

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:18
Đối tượng mạo danh công an gọi điện yêu cầu xác nhận thông tin dữ liệu dân cư, sau đó chiếm đoạt 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Bắt 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt sính lễ

Thứ 7, 20/04/2024 | 06:30
Ngày 19/4, Công an thành phố Hà Nội thông tin, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ 4 đối tượng lừa kết hôn với người Trung Quốc để chiếm đoạt quà sính lễ.

Bình Phước: Bắt giữ đối tượng chém 2 người trọng thương

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:43
Mâu thuẫn trong quán nhậu, Nguyễn Hồng Tâm đã rủ bạn đem bình xịt hơi cay và rựa đi chém người, khiến 2 người trọng thương.
     
Nổi bật trong ngày

Bắt 2 người liên quan vụ án đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện Vũng Tàu

Thứ 6, 19/04/2024 | 16:16
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một người là Phó phòng Sở Y tế và một giám đốc công ty liên quan vụ án vi phạm đấu thầu.

Phá đường dây trộm cắp cáp ngầm trị giá 19 tỷ đồng ở Phú Thọ

Thứ 7, 20/04/2024 | 08:22
Công an tỉnh Phú Thọ cho biết Cơ quan CSĐT công an tỉnh đã tạm giữ hình sự 14 đối tượng trong đường dây trộm cắp 9.265 mét cáp điện ngầm trị giá khoảng 19 tỷ đồng.