Mùa khô, lên rừng săn 'đặc sản hàng độc

Mùa khô, lên rừng săn 'đặc sản hàng độc

Thứ 6, 29/03/2013 | 16:25
0
Mùa khô, cư dân vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lại lên rừng đi săn “hàng độc” (mối chúa, bù rầy, bò cạp…) được nhiều người cho là “sung dược” làm tráng dương, bổ thận…

Hành trình tìm mối chúa

Những ngày đầu năm 2013, được người quen giới thiệu, chúng tôi theo chân anh Trần Lý Vũ (ngụ khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) bắt đầu một cuộc hành trình săn tìm mối chúa ở vùng Bảy Núi. Anh Vũ cho biết: "Mối có nhiều loại (mối đen, mối đỏ, mối xanh, mối trắng). Tuy nhiên, trong số này chỉ có tổ mối đỏ mới có con mối chúa to bằng ngón tay cái". Để chứng minh cho chúng tôi xem, anh Vũ dùng chiếc thuổng xắn mạnh vào tổ mối xanh, rõ ràng bên trong trống rỗng toàn mối nhỏ bò dày đặc mà chẳng có con mối chúa nào.

Dẫn chúng tôi đi tiếp các triền núi Dài, núi Phú Cường để tìm tổ mối đỏ để bắt mối chúa. Những tưởng dễ tìm nào ngờ đi cả buổi trời mà kiếm chỉ được vài ba tổ. Quệt mồ hôi ngang trán, anh Vũ xuýt xoa: "Hồi đó, mỗi ngày tôi đào được vài chục con mối chúa là chuyện thường. Đào được bao nhiêu cũng có người mua hết, với giá 20.000 đồng/con, mỗi ngày tôi kiếm vài trăm ngàn suớng hơn chạy xe ôm. Từ đó, sau mùa vụ, một số thanh niên trai tráng kéo nhau đi đào mối chúa theo đơn đặt hàng của thương lái". Hiện nay, mối chúa hiếm hàng nên giá cả cũng đắt đỏ, bình quân mỗi con (bằng ngón tay) có giá 30.000-40.000đ/con. Thường thì mỗi ngày, anh Vũ đào được gần chục con.

Dân đi đào mối chỉ bắt con mối chúa lớn nhất. Bình quân mỗi một ụ mối có đến 2 con mối chúa, một con trưởng thành, còn một con còn nhỏ nằm cạnh bên. Khi người đào bắt con trưởng thành thì con nhỏ nối tiếp nhiệm vụ sinh sản và duy trì nòi giống.

Anh Vũ cho biết thêm: "Một tổ mối chỉ có một con mối chúa nên quý lắm. Con mối chúa có nhiệm vụ sinh sản nên tất cả các con mối còn lại miệt mài xây tổ, tìm mồi nuôi mối chúa. Do đó, mối chúa to, trọng lượng gấp hàng trăm lần so với các con mối đực. Con mối chúa có màu trắng, giống như con nhộng được những con mối thợ xây cho một cái tổ rất chắc và an toàn tránh thú rừng đục khoét. Con mối này chất dinh dưỡng rất cao, khi bắt con mối lớn thì con mối nhỏ được những con mối thợ nuôi lớn để sinh sản…".

Việt Nam Xanh - Mùa khô, lên rừng săn 'đặc sản hàng độc

Trần Lý Vũ đào và bắt được những con mối chúa vàng ươm.

Năm nay là năm thứ 7 anh Vũ bước vào nghề "săn" mối chúa. Lúc đầu, anh tập tành học theo một lão nông Khmer ở xã An Cư. Về sau thấy dễ làm, anh Vũ mua dụng cụ để hành nghề. Anh kể: "Mối chúa ngâm rượu bắt nguồn từ đồng bào Khmer. Món rượu mối chúa ngon, thơm, bổ dưỡng nên người thành phố mỗi lần đi chơi Tết hoặc lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đều tìm mua mối chúa vùng Bảy Núi cho bằng được. Mấy ông cho rằng, mối chúa ở vùng Bảy Núi ăn những cây cỏ mang vị thuốc nên hấp thụ được nguồn dược liệu, khi ăn hoặc ngâm rượu rất bổ dưỡng không loại côn trùng nào sánh bằng…".

Một ụ mối cao khoảng 1m rất cứng. Giữa ụ mối là một khu vực rỗng, khô ẩm, liên kết bằng những chất xốp. Người đào dùng thuổng xoắn tròn khu vực giữa ụ mối để tìm một vật giống như ổ bánh mì làm bằng hỗn hợp đất đá trên núi… Sau khi tách vật này ra thì sẽ bắt được một con mối chúa trong đó.

Vừa móc một cục đất màu nhạt trông giống như khúc gỗ mục, anh Vũ tách đôi ra và cho biết: "Ụ đất này duy chỉ có một con mối chúa to bằng ngón tay cái. Con mối chúa nằm nhúc nhích gọn trong ổ đất, xung quanh là những con mối thợ, mối đực giơ đôi càng to, khỏe như "chiến binh" dũng mãnh để bảo vệ mối chúa khi có kẻ thù xâm chiếm". Thường những người "săn" mối chúa mang theo 1 chai rượu gốc, khi đào được, họ bỏ ngay vào rượu cho tươi ngon, vì để ngoài không khí khoảng 5 phút, mối chúa sẽ vỡ bụng chết.

Hiện tại, ở chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên có nhiều tiểu thương bày bán rượu ngâm côn trùng, trong đó rượu ngâm đặc sản mối chúa được du khách mua rất mạnh. Một chị bán rượu giới thiệu: "Mối chúa phải ngâm với rượu gốc và bổ củi thì mới hợp "gu". Khi uống vào sức khỏe sung mãn, đặc biệt là những người lớn tuổi" (!?).

Và thưởng thức món bù rầy

Loài côn trùng bù rầy mới thấy qua đã ghê người. Thế nhưng, đối với người dân vùng Bảy Núi, bù rầy được xem là món ăn "khoái khẩu" và trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều quán nhậu. Bù rầy được bạn hàng bày bán quanh năm ở các chợ nông thôn vùng Bảy Núi.

Chợ Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên) vào buổi tinh mơ đã thấy người dân lỉnh kỉnh xách rọng bù rầy đếm lại cho bạn hàng. Vài năm gần đây, loài côn trùng này không còn là món ăn xa lạ nên được bày bán rôm rả ở chợ. Đặt 2 chiếc rọng bù rầy bắt được từ tối hôm qua, thấy chúng tôi rụt rè, ông Chau Rươnl (ngụ xã An Phú), cười: "Bù rầy sống lẩn khuất trên những chồi lá xoài, điều, mít… để ăn đọt non. Con nào con nấy mập ú nên được nhiều bạn hàng thu mua nườm nượp. Nó xấu xí vậy thôi, nhưng ăn là ghiền".

Việt Nam Xanh - Mùa khô, lên rừng săn 'đặc sản hàng độc (Hình 2).

Món bù rầy

Mỗi đêm ông Chau Rươnl cùng con trai sang vùng núi Ô Tà Bang hoặc len lỏi vào các khu vườn xoài, vườn điều của người dân, bắt được khoảng 4 thiên bù rầy (1 thiên là 1.000 con) bán lại với giá 70.000đ/thiên, cũng kiếm được trên gần 300 ngàn đồng. "Bù rầy được dân nghèo tụi tôi xem như là chiếc cần câu cơm hằng ngày. Khoảng 9, 10 giờ đêm là thời điểm thích hợp để bắt bù rầy, bởi lúc này loài côn trùng xuất hiện nhiều để cắn phá vườn tược. Chỉ cần dùng chiếc đèn bình rọi thẳng lên cây, thấy ánh sáng, bù rầy bắt đầu xuất hiện và bay quanh quẩn ánh đèn. Khi lượn khoảng vài vòng, bù rầy mệt rớt xuống đất ngay ánh đèn, mình chỉ cần lượm từng con bỏ vào rọng. Một đêm chịu khó, bắt ít nhất từ 4 đến 5 thiên" - ông Rươnl chia sẻ.

Bù rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm. Bù rầy được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn. Cách chế biến món ăn từ bù rầy cũng rất dễ. Khi đem bù rầy về, công đoạn đầu tiên là phải bỏ cánh. Sau đó, móc bỏ phần đít, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Bước tiếp theo để bù rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào.

Cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bù rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, xà lách chấm với tương ớt, muối tiêu chanh, ngon khó tả.

Theo Công an Nhân dân

Từ đặc sản tiến vua đến sự man rợ của con người

Thứ 5, 28/03/2013 | 12:35
Tôi có anh bạn từng đi và nghiên cứu tại hơn 80 nước trên thế giới. Một lần vui chuyện, lấp nhấp tí “rượu dân tộc” ở Hà Nội, anh ta nhận xét rất đáng giật mình: Tớ đi nhiều nhưng chưa thấy nơi nào mà người ta nhét đủ thứ (từ hổ báo hươu nai cho đến ong đất dế mèn, rồi chim cá tiến vua, rồi lá thân rễ cây thuốc phiện và trăm thứ bà giằn khác…) vào hũ “rượu dân tộc” như ở ta.

Thịt lợn biến thành đặc sản... rắn Lệ Mật

Thứ 5, 24/01/2013 | 17:04
Đã từ lâu, làng Lệ Mật (thuộc quận Long Biên, Hà Nội) đã nức tiếng cả nước với đặc sản rắn. Tuy nhiên, các thượng đế "thịnh" rắn không hề biết rằng mình đã "ăn quả lừa" bởi những độc chiêu "hô biến" thịt lợn thành... đặc sản rắn vô cùng tinh vi...

Sĩ diện, 'thượng đế' ăn đặc sản hàng nhái

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:04
Người "lắm tiền, nhiều của" đã đua nhau đi nhà hàng thưởng thức các đặc sản như ba ba, cá tầm, cá song, cá vược... nhưng nhiều "thượng đế" đã ăn phải đặc sản hàng nhái. Song, họ vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt", "hòa chung giọng điệu" của người sành ăn rằng, thịt nó thơm, giòn, dai, ngon, bổ.

Thâm nhập chuyến đi 'săn'... đặc sản vùng cao

Thứ 2, 28/01/2013 | 08:32
Lạp sườn hun khói, thịt gác bếp - món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Tây Bắc đang được giới sành ăn Hà thành đánh giá rất cao. Đặc trưng từ cách làm cho tới hương vị của nó khiến bất kì ai thưởng thức đều trầm trồ, khen ngợi. Và, trong chuyến công tác nơi rẻo cao Yên Bái gần đây nhất, tôi cũng không bỏ lỡ dịp đi... "săn" đặc sản.