Mua máy

Mua máy "giải độc" thực phẩm có thể rước thêm... ngộ độc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Canh cánh trước nỗi lo thực phẩm không an toàn, gần đây, người dân đổ xô đi mua máy "giải độc" thực phẩm bằng khí ozon...

Liên tục trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc gây "sốc" về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện. Đó là việc phát hiện ra hàng loạt những mẫu lòng lợn, nội tạng, vó bò... thối thành đồ nhậu. Ngay cả rau sạch cũng ngâm tẩm hóa chất. Người tiêu dùng hoang mang không biết phân biệt đâu là thực phẩm "sạch" đâu là thực phẩm "bẩn".

Xã hội - Mua máy 'giải độc' thực phẩm có thể rước thêm... ngộ độcSử dụng máy khử khuẩn Ozon lợi bất cập hại - Ảnh minh họa.

Giải độc đến 99,99% mới chỉ là... quảng cáo

Theo tìm hiểu của PV, những ngày qua, người dân lại rộ lên xu hướng mua máy "giải độc" thực phẩm bằng khí ozon. Nhiều người xem đó như là giải pháp tự bảo vệ mình cùng gia đình khỏi nguy cơ ngộ độc tiềm ẩn từ rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu đến thịt gia cầm, gia súc nhiễm khuẩn hay có dư lượng hóa chất tăng trưởng...

Chị Nguyễn Thị Loan (ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã sử dụng máy khử thực phẩm bằng khí ozon hơn 3 năm. Nhưng gần đây, thông tin các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vận chuyển thịt "bẩn", nhiễm hóa chất khiến gia đình chị nơm nớp lo sợ. Chị đã mua thêm một máy khử độc bằng khí ozon để hạn chế những chất độc trong thực phẩm.

Khi được hỏi về công dụng của máy "giải độc" thực phẩm, chị Loan phần trần: "Tôi chỉ nghe người bán giới thiệu, máy "giải độc" có năng phân hủy hoàn toàn thuốc trừ sâu và diệt 99,99% vi khuẩn có hại trong rau quả thực phẩm nên mua về sử dụng. Nghe nói, máy "giải độc" có thể khử mùi hôi trong tủ lạnh, lò vi sóng, bảo quản rau quả thực phẩm tươi ngon lâu hơn, làm nước tiệt trùng bát đĩa, máy ozon còn diệt khuẩn trong không khí làm giảm khả năng lây bệnh qua đường hô hấp?".

Mặc dù đã sử dụng máy "giải độc" thực phẩm bằng khí ozon từ mấy năm qua nhưng chị Loan cũng không biết thực hư công dụng của máy đến đâu, chị chỉ biết sau khi ngâm rau, quả trong 10 phút thì rau xanh hơn, các loại quả trông đẹp hơn...

Cùng chung nỗi lo sống chung với thực phẩm "bẩn", chị Thu Hiên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, gia đình chị mua máy sục ozon được hơn 2 tháng. Hàng ngày, cứ mua rau, quả, thịt về chế biến chị đều cho vào máy "giải độc". Sau 5-10 phút sục khí ozon, miếng thịt lợn trông đỏ hơn, tươi hơn.

Chị Hiên cho biết đã tìm hiểu kỹ về công năng của ozon từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Đặc tính hóa học của ozon là phân hủy nhiều chất hữu cơ, tiêu diệt bào tử nấm và vi khuẩn. "Một đặc tính nổi bật của ozon là sau khi xử lý bản thân nó lại biến thành dưỡng khí (oxy), hoàn toàn không độc hại", chị Hiên nói.

Cũng vì tính năng "giải độc" đa năng, nhiều người quay lại trào lưu mua máy khử độc thực phẩm bằng khí ozon (hay còn gọi máy sục bằng khí ozon). Sản phẩm này được bán phổ biến tại các siêu thị, trung tâm điện tử, điện máy với giá từ 720 nghìn đồng đến 2, 5 triệu đồng/máy.

Thậm chí có nhiều loại máy được quảng cáo là hàng xách tay có giá 5- 6triệu đồng /máy, cá biệt có loại máy lên tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, việc sử dụng ozon để rửa thực phẩm nhằm khử các loại nấm bệnh và thuốc bảo vệ thực dẫu có phần nào tác dụng nhưng các chuyên gia khuyến cáo, máy "giải độc" tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Xã hội - Mua máy 'giải độc' thực phẩm có thể rước thêm... ngộ độc (Hình 2).TS. Khải đang chuẩn bị làm thí nghiệm sục ozon với thực phẩm.

Ozon không phân biệt được chất độc

Theo một số hãng quảng cáo, tác dụng của ozon có thể phân hủy hoàn toàn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực phẩm trên rau và hoa quả, diệt sạch đến 99,999% vi khuẩn, khử mùi hôi tanh trên thực phẩm, hay có thể loại bỏ tới 99% thuốc trừ sâu bám trên bề mặt rau quả, tiêu diệt nấm mốc, hóa chất ướp thịt cá, khử trùng, diệt khuẩn 100%...

TS. vật lý Nguyễn Văn Khải - người có nhiều năm nghiên cứu về ozon (còn được gọi là "ông già ozon") cho biết, trong thực tế đúng là ozon có khả năng phân hủy thuốc trừ sâu (và các thuốc bảo vệ thực vật nói chung). Tuy nhiên, việc phân hủy này hiệu quả đến đâu còn tùy loại thuốc, có loại bị phân hủy ngay cũng có loại phải ngâm đến 6 giờ cũng không "sạch" và khả năng phân hủy cũng tùy lượng ozon được đưa vào (nghĩa là tùy vào công suất, chất lượng máy phát ozon).

TS. Khải nói: "Tôi thật sự đau lòng khi trên truyền hình có quá nhiều sản phẩm được quảng cáo với mỹ từ có cánh, thổi phồng lên. Nhiều người quảng cáo máy sục ozon có thể khử độc, khử khuẩn và làm sạch thực phẩm, nhưng khử độc đến mức độ nào là điều đáng bàn".

TS. Khải dẫn chứng, khi rửa nhiều loại quả cùng một lúc, nó sẽ cọ vào nhau thì chất bẩn bám bên ngoài (ví dụ đất, nấm mốc) có thể trôi đi. Nhưng khi tôi thử nghiệm, cho một quả cà chua vẫn còn ít đất bám ở vỏ vào máy sục ozon thì sau 10 phút quả cà chua vẫn không được làm sạch đất. Vậy thì tương tự với các chất độc, có những loại chất độc sẽ không khử được. Có những hóa chất sau khi sục ozon sẽ được giảm đi, nhưng có loại thì tính chất không thay đổi, thậm chí tăng lên.

Còn nếu chỉ để làm sạch đất cát, giun sán thì chúng ta có thể ngâm với muối loãng, sau đó rửa dưới dòng nước chảy để loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất có hại khác trước khi sử dụng.

Theo TS. Khải, ozon chỉ có thể phân hủy thuốc trừ sâu, vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm, nếu các loại hóa chất, vi khuẩn này thấm vào bên trong thì cũng... "bó tay". Do đó, đừng nghĩ rằng với các loại virus gây bệnh H5N1, lở mồm long móng... thì chỉ cần bỏ cả miếng thịt vào nước, sục ozon là loại bỏ được vi khuẩn hoàn toàn.

Hơn nữa, ozon không phân biệt được chất độc hại hay chất bổ dưỡng. Nghĩa là cứ gặp hóa chất trong thực phẩm là nó phân hủy, do đó một phần chất hữu ích bị mất đi do tác dụng của ozon. TS. Khải quả quyết: "Có một quan điểm sai lầm, cứ dùng máy "giải độc" là sẽ làm sạch thực phẩm, nhưng khi ngâm rau, quả lâu trong ozon cũng làm mất chất (giảm lượng vitamin -PV), thậm chí có thể làm nẫu rau.

Cần chú ý thêm một câu hỏi rất khó giải đáp là liệu sau khi bị ozon phân hủy thì các thuốc trừ sâu đó sẽ tạo thành các chất mới độc tính đến đâu, ít độc hơn bản thân thuốc trừ sâu hay ngược lại?".

Theo nghiên cứu của TS. Khải, trong quá trình hoạt động máy còn tạo ra oxit nitơ rất hại cho đường hô hấp. Một máy ozon đúng tiêu chuẩn cần phải có bộ phận xử lý làm khô không khí (thiết bị khử ẩm) để khắc phục tình trạng tạo ra oxit nitơ. Nhưng hiện đa số các máy ozon bán trên thị trường đều không có bộ phận này vì làm giá thành máy tăng cao.

Khí ozon dễ gây ra những bệnh về hô hấp

Theo các chuyên gia khuyến cáo, một tác dụng ngược của ozon cần được cảnh báo: Để có tác dụng phân hủy các hóa chất, sát khuẩn thì máy tạo khí ozon phải đạt nồng độ ozon đủ lớn. Nhưng khi đó, ozon thoát ra từ quá trình sục rửa thực phẩm có hại cho sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với những người phổi yếu hoặc hen suyễn. Khí ozon dễ gây ra những bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi... chủ yếu ở hệ thần kinh và đường hô hấp.

Ngân Giang