Mua sừng tê giác qua mạng: Không thể đòi lại tiền vì thông tin mù mờ

Mua sừng tê giác qua mạng: Không thể đòi lại tiền vì thông tin mù mờ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Bằng cách giao dịch qua điện thoại, email, sau khi "con mồi" đã thực hiện đầy đủ mọi yêu cầu, bọn siêu lừa lặn mất tăm không để lại dấu vết.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tình trạng lừa đảo bằng cách vẽ ra một dự án đầu tư hấp dẫn đang ngày càng phổ biến. Các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo tới các cá nhân và tổ chức về vấn nạn này nhưng có nhiều người vì thiếu thông tin, mong muốn làm giàu nhanh đã nghe theo những lời mời gọi của những kẻ siêu lừa đảo. Những giao dịch qua mạng có ưu điểm là tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức nhưng khả năng rủi ro lại rất cao. Đã có không ít trường hợp khách hàng phải trắng tay khi chuyển tiền qua tài khoản để giao dịch.

Xã hội - Mua sừng tê giác qua mạng: Không thể đòi lại tiền vì thông tin mù mờ

Cơ quan chức năng đang kiểm tra số sừng tê giác nhập lậu vào Việt Nam

Anh Phạm Xuân Q., (34 tuổi, ngụ ở Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Cách đây một tuần, tôi có nhận được một email từ một người nước ngoài có tên là Johnson chào mời đầu tư dự án hợp tác nuôi tê giác lấy sừng. Trong dự án đó, người gửi cam kết rằng việc khai thác sừng tê giác là hợp pháp.

Để tạo lòng tin từ khách hàng, người này còn đưa ra một vài thỏa thuận như: Không phải chuyển tiền trước, được sang thăm trực tiếp dự án, lấy lại vốn chỉ sau một năm... Tôi truy cập vào một dường link gửi kèm để xem chi tiết dự án thì được yêu cầu nhập địa chỉ email, mật khẩu và số điện thoại. Hai ngày sau, tôi lại nhận được một thư kêu gọi góp vốn đầu tư dự án nuôi tê giác lấy sừng, tối thiểu mỗi thành viên sẽ đóng 10% tổng giá trị một kg sừng tê giác (1kg sừng tê giác có giá khoảng 45- 65 ngàn USD - PV).

Vì không đủ vốn nên tôi không tham gia. Đem chuyện này nói với đồng nghiệp thì được biết trước đó anh này cũng nhận được những thông tin tương tự. Dù đã thực hiện đúng những gì phía "đối tác" yêu cầu nhưng anh ấy vẫn không nhận được bất kỳ một thông tin nào nữa. Biết đã bị lừa nhưng không thể đòi lại tiền vì những thông tin này quá mập mờ, không thể xác định được".

Anh Phạm Hồng Sơn, chủ một doanh nghiệp XNK ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay: "Không chỉ có dự án nuôi tê giác lấy sừng, những kẻ siêu lừa đảo ở nước ngoài còn đưa vào "kinh doanh" nhiều dự án khác. Những dự án này nhìn rất chuyên nghiệp. Vì thế, những người thiếu kinh nghiệm rất dễ bị dắt mũi mà vẫn không hề hay biết. Nếu những thông tin về người gửi không rõ ràng, tốt nhất là nên cẩn thận, tránh bị mất tiền oan".

Đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên nhiều người coi lời mời gọi này là chỗ bấu víu để cải thiện tình hình tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một hình thức lừa đảo mà đối tượng nhắm vào những người nhẹ dạ. Khi các cá nhân, doanh nghiệp biết được sự thật thì đã rơi vào tròng, không thể cứu vãn. Việc đòi lại tiền sẽ trở nên vô vọng vì những thông tin mập mờ, không có căn cứ.

Xuất hiện hàng loạt chiêu lừa mới tinh vi

Bà Lại Việt Anh, trưởng phòng pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ công thương) cho biết: "Các tên tội phạm quốc tế lừa đảo qua điện thoại như tin nhắn trúng thưởng, cuộc gọi với đầu số lạ… Bên cạnh đó, hàng loạt chiêu trò lừa đảo trên mạng như webside, nick chat, bán hàng qua mạng cũng liên tục xuất hiện. Thường thì bọn tội phạm này sẽ tìm cách lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu thư điện tử của "con mồi", sau đó có thể là tài khoản và mật khẩu ngân hàng.

Mạc Vấn - Hoàng Minh