Mức án lương tâm nào dành cho người bà bán cháu ruột lấy 20 triệu?

Mức án lương tâm nào dành cho người bà bán cháu ruột lấy 20 triệu?

Thứ 6, 10/03/2017 | 14:22
0
Vì mâu thuẫn với con gái, bà Xê đã nhẫn tâm viết giấy trao tay bán đi đứa cháu ngoại mới hơn 3 tháng tuổi. Hành vi này của bà đáng bị lên án và trừng trị nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM vừa nhận được đơn kêu cứu của chị Lê Thị Kim P. (20 tuổi, trú tỉnh Hậu Giang), báo về việc con ruột bị mất tích. Theo trình báo, ngày 7/10/2016, chị sinh bé gái nhưng chưa làm giấy khai sinh nên gọi là bé B.. Sau đó, P. cùng mẹ ruột là bà Lê Thị Xê (40 tuổi) về phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức thuê phòng trọ ở.

Tuy nhiên, ngày 28/1, mẹ con chị P. xảy ra mâu thuẫn nên chị để con lại cho bà ngoại rồi bỏ đi. Đến ngày 19/2, P. quay lại phòng trọ thì không thấy con đâu, hỏi mẹ cũng không nói nên nghi ngờ con bị bắt cóc và trình báo lên công an.

Qua quá trình nghiệp vụ, cơ quan chức năng cho rằng đây là vụ buôn bán trẻ em nên triệu tập bà Xê lên làm việc. Tại đây, bà này đã thừa nhận đã mang cháu ngoại đi bán.

Cụ thể, sáng 22/2, bà này đưa bé B. đến trước bệnh viện phụ sản Cần Thơ tìm gặp một phụ nữ không rõ lai lịch bàn bạc về việc mua bán. Sau khi thỏa thuận, bà Xê đã viết giấy bán cháu với giá 20 triệu đồng, trong đó trả nợ hết 19 triệu, 1 triệu còn lại dùng vào việc tiêu xài cá nhân.

Công lý trái tim - Mức án lương tâm nào dành cho người bà bán cháu ruột lấy 20 triệu?

 Hình ảnh minh họa.

Sự việc bị phát hiện khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Với cương vị của một người bà, cũng đã từng làm mẹ, hơn ai khác, khi cô cháu gái thiếu hụt tình yêu thương cha mẹ, bà càng phải thương yêu, bù đắp cho cháu. Thế nhưng, lương tâm có lẽ đã bị mục nát khiến bà Xê không ngần ngại trao tay đổi cháu lấy tiền rồi ung dung như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Liên quan đến sự việc, luật sư Lương Thành Đạt, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã đưa ra ý kiến của mình dưới góc độ pháp luật.

Mặc dù, trong lúc mẹ con giận nhau, P. bỏ đi để lại con cho bà ngoại cũng là điều sai vì tại thời điểm cô bỏ đi, con gái mới được hơn 3 tháng tuổi. Nỡ lòng để con lại bỏ đi biền biệt gần một tháng, trong việc này, P. cũng là người đáng trách. Nhưng việc làm nông nổi, bồng bột của cô gái mới 20 cũng không khiến người đời cảm thấy phẫn nộ, cay đắng bằng việc làm mất hết lương tâm của bà ngoại.

Vì giận con hay thiếu tiền trả nợ để viết giấy bán lại cháu gái cho người lạ, bất kể lý do gì, đạo đức và lương tâm của một con người bình thường cũng không bao giờ chấp nhận được. Việc trao tay mua bán trong trường hợp này chẳng khác nào coi cháu gái của mình như một món đồ, và món đồ ấy chỉ có giá trị 20 triệu đồng thôi sao (?).

Công lý trái tim - Mức án lương tâm nào dành cho người bà bán cháu ruột lấy 20 triệu? (Hình 2).

 Mọi hành vi mua bán trẻ em đều bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị.

Nếu như đứa trẻ bị bán được làm con nuôi của một gia đình nào đó thì có thể sẽ không sao, mẹ bé và cơ quan chức năng sẽ nỗ lực tìm ra để đưa em về cùng đoàn tụ. Nhưng nếu không may, bé rơi vào tay kẻ xấu bị lợi dụng, bị bán đi nước ngoài hay trường hợp xấu hơn là bị bán nội tạng thì người làm bà ngoại liệu có đáng được tôn trọng, lương tâm và trách nhiệm để đâu? Hơn nữa, khi được giải cứu, đưa trở lại sống cùng mẹ, mai sau lớn lên biết được sự thật phũ phàng này, em sẽ có suy nghĩ thế nào?

Trong sự việc này, điều cần thiết và quan trọng nhất bây giờ là tìm ra đứa trẻ và người phụ nữ đã thực hiện giao dịch mua bán với bà Xê để xử lý theo quy định của pháp luật. Vì trẻ em là mầm non tương lai của đất nước nên bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền lợi của đối tượng đặc biệt này đều bị cả xã hội lên án.

Căn cứ quy định tại Điều 160, Bộ luật Hình sự hiện hành về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em: Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Ngoài ra, nếu phạm phải các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, người phạm tội có thể phải chịu mức án chung thân.

Như vậy, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, dựa vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng mà trong trường hợp này, bà Xê và người mua đứa trẻ có thể chịu mức phạt tù cao nhất là chung thân. Tuy nhiên, mức phạt này có thể không đáng sợ bằng chính hình phạt của lương tâm một người bà. Liệu sau sự việc, suốt phần đời còn lại, lương tâm bà có được thanh thản?

P.V