Mức viện phí mới sẽ “dễ chịu” hơn mức đề xuất

Mức viện phí mới sẽ “dễ chịu” hơn mức đề xuất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
– Theo dự thảo về giá dịch vụ viện phí mới của các bộ Y tế, Tài chính, LĐTB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới được hoàn thành, số loại hình dịch vụ tăng giá được nâng lên, nhưng giảm mức tăng ở từng dịch vụ.

Sau nhiều lần lấy ý kiến cũng như tính toán khá thận trọng các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, đến thời điểm này, dự thảo thông tư về giá dịch vụ viện phí mới của các Bộ Y tế, Tài chính, LĐTB&XH và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được hoàn thành với sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành.

Theo dự thảo mới nhất này, sẽ có hơn 400 danh mục dịch vụ, kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá. Con số này nhiều hơn với số dịch vụ mà Bộ Y tế từng công bố trước đây là 350 dịch vụ, ban hành tại Thông tư 14 (năm 1995) và cũng nhiều hơn 220 dịch vụ được rà soát điều chỉnh mà bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong cuộc đối thoại trực tuyến qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hồi đầu tháng 1 vừa qua.

Đáng chú ý, mức tăng của các dịch vụ này thấp hơn nhiều lần so với đề xuất trước đó.

Theo dự thảo này, công khám bệnh sẽ điều chỉnh từ 3.000 đồng/lượt lên tối đa 20.000 đồng (tuyến Trung ương) và giảm dần theo các tuyến, 15.000 đồng (tuyến tỉnh), 10.000 đồng (tuyến huyện) và 5.000 đồng (trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng).

Xã hội - Mức viện phí mới sẽ “dễ chịu” hơn mức đề xuất

Số loại hình dịch vụ tăng giá lên được nâng lên, nhưng giảm mức tăng ở từng dịch vụ.

Giá giường bệnh thông thường cũng được tính từ 10.000 đến 18.000 đồng/ngày, còn các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày. Với những giường hồi sức đặc biệt mức thu tối đa là 160.000 đồng trong khi trước đây đề xuất từ 300.000 đến 350.000 đồng. Những bệnh nhân phải nằm giường ghép sẽ có khả năng được giảm giá. Theo mức giá này, giá tiền khám mà người bệnh phải trả đã giảm 30%-50% so với đề xuất ban đầu.

Như vậy, trong dự thảo lần này số loại hình dịch vụ tăng giá lên được nâng lên, nhưng giảm mức tăng ở từng dịch vụ.

Đây là mức giá viện phí được xây dựng trên những cơ sở thực tiễn từ y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các bệnh viện đa khoa chuyên đầu ngành ở Trung ương như trước đây. Chính vì thế, danh mục giá viện phí lần này nhận được sự đồng thuận của liên bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, LĐTB&XH.

Theo đó, Bảo hiểm y tế sẽ nâng mức chi trả cho bệnh nhân hướng tới mức gần sát nhất khi người bệnh thực hiện khám chữa bệnh. Qua đó, người bệnh sẽ không phải chi thêm những khoản “phụ phí” như lâu nay.

Trong năm 2012, Bảo hiểm xã hội sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo tỉ lệ xác suất tại 15 tỉnh, TP sau khi thí điểm thực hiện tại TPHCM. Giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10% - 20% số hồ sơ các khoa của bệnh viện để giám định. Đây là hoạt động kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng hoặc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh.

Nếu viện phí tăng như mức Bộ Y tế đề xuất, chi khám chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế sẽ tăng 6.000-7.000 tỉ đồng/năm. Với tình hình như hiện tại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sẽ đề nghị lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng.

Ninh Cơ