Muôn kiểu sinh viên sao nhãng việc học

Muôn kiểu sinh viên sao nhãng việc học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Sự lôi cuốn của internet và các xu hướng xã hội khác nhau, khiến cho sinh viên ngày càng... lười học.

Bận từ nhà ra... lớp

Sinh viên bây giờ đang ngày càng trở nên bận rộn với hàng tá những lí do không đâu vào đâu. Theo một tài liệu điều tra xã hội học, các sinh viên nam mất nhiều thời gian hơn qua những trò game online, xem phim. Trong khi các sinh viên nữ tiêu tốn thời gian vào việc "chat"...

Bạn nữ sinh viên tên Hường, trường đại học Ngoại Ngữ cho biết: "Ngoài việc học, em thường giành thời gian để vào mạng tán gẫu, đọc tin tức giải trí, viết blog hoặc xem phim. Lâu dần thành quen. Bây giờ nếu không vào mạng mỗi ngày, em cảm thấy rất khó chịu". Tuy nhiên, ngoài internet ra, sinh viên còn rất nhiều mối quan tâm khác nữa. Thời gian ở nhà không đủ, họ tranh thủ lên lớp "làm thêm".

Bạn Vũ Quỳnh Hương (ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết: "Hiện nay, sinh viên chúng em đang rộ lên phong trào thêu tranh chữ thập. Họ thường mang đến tận lớp để thêu. Nếu thầy giáo nghiêm khắc, nhiều người nghỉ luôn ở nhà để làm thêm". Trong khi đó, bạn Cao Sĩ Cường (sinh viên năm 2, trường đại học Bách Khoa) lại sẵn sàng bỏ ba buổi học để ở nhà tự học... kèn Acmonica.

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao, bạn trả lời thẳng thắn: "Em vừa được tặng một chiếc, thích quá, nghỉ ở nhà để tập thổi. Đến lớp có chăng cũng chỉ ngủ, thà ở nhà tập kèn cho đỡ mất thời gian".

Xã hội - Muôn kiểu sinh viên sao nhãng việc học

Sinh viên thích thêu tranh hơn là học bài.

Có nhiều sinh viên đến lớp để... đánh bài. Bạn Hương chia sẻ: "Mọi người thường đánh bài vào giờ ra chơi. Nhưng có nhiều người lợi dụng lớp đông, thầy giáo không chú ý, nên lén lút chơi ngay trong giờ học. Ban đầu chỉ có vài ba người chơi, nhưng số lượng tăng dần. Nếu đông quá, họ rủ nhau trốn tiết ra ngoài chơi cho thoải mái".

Đa phần lí do được sinh viên đưa ra là: "Học sớm rồi lại quên. Chuẩn bị thi, bọn em dồn sức vào học là kịp, vừa đỡ công học mà không mất thời gian chơi".

Hậu quả nhãn tiền

Những hậu quả của việc sa đà quá mức vào những trò tiêu khiển trên mạng, hay những trào lưu sống mới của giới trẻ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kết quả học tập của sinh viên. Chúng tôi biết một người bạn tên là Nguyễn Thanh Tùng (ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Hồi học phổ thông, Tùng học giỏi và thi đỗ hai trường đại học lớn ở Hà Nội. Bẵng đi một thời gian không gặp, chúng tôi nghe tin cậu ta bị đuổi khỏi trường đại học Mỏ địa chất.

Theo bạn bè kể lại, Tùng bắt đầu chơi game từ năm nhất đại học. Gia đình ở xa không biết, bạn bè can ngăn đều không được. Hàng ngày, ngoài hai bữa cơm và những lúc đi chơi với bạn gái, Tùng giành trọn thời gian bên bàn vi tính để chơi game. Có những hôm, Tùng chơi thâu đêm, suốt sáng. Hậu quả là, cuối năm thứ hai, cậu ta bị đuổi khỏi trường vì học lực yếu. Cũng may, Tùng mới chỉ ham game chứ chưa đến mức nghiện các loại tệ nạn xã hội khác.

Những nguyên nhân làm sinh viên sao nhãng việc học hành không chỉ có vậy. Một số trào lưu vừa nhắc ở trên, cũng tác động không nhỏ đến việc học tập trên giảng đường. Trên thực tế, sinh viên đến lớp nghe giảng là để... có mặt và điểm danh nếu cần thiết. Khi đặt câu hỏi này với nhiều bạn sinh viên, chúng tôi hầu như đều nhận được câu trả lời né tránh, không đi vào vấn đề.

Bạn Nguyễn Hoài Nam (trường đại học Thương Mại) cho biết: "Việc ảnh hưởng đến kết quả học tập hay không, chúng em không dám khẳng định. Bởi hầu hết sinh viên hiện nay, chỉ khi nào đến kỳ thi mới bắt đầu học. Làm việc riêng trong giờ là không tốt, nhưng nếu không làm ảnh hưởng đến buổi học, cũng không phải là việc xấu".

Sinh viên Hương mà chúng tôi có dịp trao đổi ở trên thì cho rằng: "Việc đan khăn hay thêu tranh không ảnh hưởng đến kết quả học tập của chúng em. Công việc được làm khi ra chơi, hoặc lúc rảnh rỗi. Khi vào học, tất cả đều được gác lại và tập trung nghe giảng”.

Tuy nhiên, có rất nhiều bạn nữ đã thức trắng đêm để đan khăn tặng cho người yêu. Có người còn nhờ bạn bè giúp đỡ, làm ngày, làm đêm để có một chậu hoa bằng vải voan, kịp gửi về tặng... mẹ của người yêu. Những câu chuyện này, không phải là hiếm trong đời sống sinh viên hiện nay và ngày càng trở thành một trào lưu, được sinh viên nữ đặc biệt ưa chuộng.

Theo số liệu điều tra của một nhóm nhà xã hội học do TS. Nguyễn Quý Thanh đứng đầu cho thấy, hiện nay có khoảng 1/3 sinh viên thường xuyên vào mạng để xem phim và nghe nhạc. Ngoài ra, việc sử dụng internet vào những mục đích khác như: "Chat" (66,3%), đọc báo, đọc truyện và học trên mạng (65,6%), kết bạn (8,8%), tìm việc làm (10,5%), và chỉ có 29,% dùng internet để gửi email. Ngoài ra, chưa có thống kê cụ thể thời gian thực mà mỗi sinh viên bỏ ra mỗi ngày để tập trung cho việc học.

Phạm Thiệu