Mượn tiếng trùng tu, phá tan đình cổ gần ngàn năm tuổi?

Mượn tiếng trùng tu, phá tan đình cổ gần ngàn năm tuổi?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Cắt đất di tích bán cho dân, nhập nhèm chuyện trùng tu và di chuyển, những sai phạm xung quanh việc di dời đình làng Ngu Nhuế, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thời gian vừa qua khiến dư luận càng thêm bức xúc.

Di tích lịch sử Quốc gia bị đập đi xây mới

Nhận được thông tin từ người dân, ngày 7/9, nhóm phóng viên Người đưa tin đã có mặt tại khu vực thôn Vĩnh Khúc. Được biết đình làng Ngu Nhuế đã có tuổi thọ gần ngàn năm tuổi, được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Tuy nhiên, khi đứng trước cảnh đổ nát, tiêu điều của ngôi đình, chúng tôi vẫn không thể tin vào mắt mình. Đình dựng gần bờ sông Nghĩa Trụ, mé bên trái là chùa làng, chếch sang bên phải đình, nằm ngay cạnh con đường bê tông là bia đá đề: "Đình thờ Đại đô tướng công hầu Lê Bá Đại, Triều Lý- thế kỉ XI". Với người dân trong thôn, đình vừa là nơi thờ Thành hoàng làng, nơi hội họp cho cả làng những dịp lễ tết; đồng thời cũng là niềm tự hào về người anh hùng xuất thân từ làng mình.

Xã hội - Mượn tiếng trùng tu, phá tan đình cổ gần ngàn năm tuổi?

Ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia giờ chỉ còn nền đất hoang tàn và khu hậu cung đã bị tháo dỡ

Theo thần tích để lại, ông Lê Bá Đại sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Đinh, thôn Ngu Nhuế. Ông lớn lên đúng thời điểm quân Tống xâm lược nước ta. Sức trẻ, lòng quả cảm, thông minh và tinh thần yêu nước đã giúp ông lập nên những chiến công lớn, được vua Lý ban tặng chức Đại Đô hầu. Đến khi quân Chiêm thành tràn sang đánh phá ở phía nam, vua Lý lại cử ông đi dẹp loạn. Với tài thao lược của mình, tướng quân Lê Bá Đại đã triển khai thế trận dẹp tan quân giặc, trở về Thăng Long trong cờ hoa chào đón của dân chúng và triều đình. Vua Lý mới ban tặng cho ông chức Đại Đô tướng Công hầu và 300 lạng bạc để về vinh quy bái tổ. Về sau, ông còn lập nên nhiều chiến công hiển hách khác để phò vua giúp nước và giữ vững sự yên bình của người dân. Đạo quân của ông đi đến đâu đều khiến kẻ thù khiếp sợ và dân chúng vững tin. Đến khi ông chết, dân làng tiếc thương và tự hào tôn ông lên Thành hoàng làng.

Đình Ngu Nhuế bắt đầu được xây dựng từ thế kỉ thứ 12, lúc đó là ngôi miếu nhỏ được xây dựng trên nền nhà cũ của Đại Đô tướng Công Hầu Lê Bá Đại. Sau đó năm Chính Hòa thứ 2 (1699) nhân dân Ngu Nhuế đã đóng góp và hưng công xây dựng lại ngôi đình to lớn. Xét về mặt phong thủy, đình được cất đặt nằm trên cung ất Mão, Đại Trạch Thổ, Tả phù Hữu bật, Thủy sinh chảy vào lòng, đây là một vị trí được đánh giá là long mạch, có tác dụng phù trợ cho sự phát triển của dân làng.

Kiến trúc tổng thể của đình theo chữ Đinh, các đầu đao đều được gắn hình phượng mềm mại, bờ nóc, bờ đao đều được trang trí hình hoa chanh hài hòa. Tòa tiền tế có 5 gian, kiến trúc kiểu chồng tường. Gian trung tâm trần gỗ sơn son, 4 đầu dư gian trung tâm được chạm thủng hình đầu rồng. Các bức cốn gian giữa chạm các họa tiết sông nước, tứ linh. Ngoài ra, trong kiến trúc của đình, ở mỗi cây cột chính đều được chạm khắc tinh vi với những văn tự cổ bằng tiếng Hán khắc tinh vi ghi lại lịch sử của đình...

Những gì còn lại của đình làng Ngu Nhuế hiện nay chỉ còn lại phần hậu cung đã bị tháo dỡ một phần, trên nền đất cũ của tòa tiền tế là những thanh cột chính bị cắt gọt nham nhở và chính thức bị bỏ đi. Những cây cột này đều làm bằng gỗ lim, có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng vẫn còn chắc chắn, đặc ruột. Những họa tiết, hoa văn, văn tự trên các thân cột vẫn còn rõ. Chỉ một vài thân cột bị mọt, khi so sánh với những di tích đã được trùng tu tôn tạo ở các nơi, những thân cột này hoàn toàn có thể phục chế bằng các biện pháp hiện đại mà vẫn giữ nguyên được nét cổ. Nền móng của đình vẫn còn chắc chắn với những trụ đá nổi.

Theo chân dân làng sang khu vực đình mới được dựng cách đó chừng chục mét, vốn cũng thuộc khu di tích nhưng là phần vườn. Về tổng thể, việc dựng đình chỉ còn lợp ngói và lát nền là hoàn tất phần thô. Do người dân đấu tranh phản đối, việc lợp đình đã bị hoãn lại để yêu cầu các cơ quan có chức năng xem xét.

Ngôi đình mới vẫn theo đúng kiến trúc của ngôi đình cũ, gồm phần tiền tế và hậu cung. Song, thực tế chúng tôi nhận thấy chỉ có 3 cây cột cái trước kia là ở gian tiền tế được sử dụng lại để dựng hậu cung, một vài cây cột con lại được dựng ở gian ngoài, phần còn lại đều là gỗ mới (trong khi những cây cột bỏ lại trên nền đình cũ vẫn còn rất tốt? - PV). Ở gian giữa của tiền tế và các gian hai bên, do không có sự tính toán chu đáo, các mối ràng, mộng ở xà không khớp nhau, phải cưa gọt và chêm vào. Gỗ được sử dụng khi báo với người dân là gỗ lim, nhưng có những phần lại làm từ gỗ xà cừ được đốn từ cây xà cừ cổ thụ nằm trong khu di tích. Nhìn những râu rồng, râu phượng bị cắt ngang khiến lòng người không khỏi xót xa. Trên 4 con rồng ở xà, có mắt bằng đá đen đều đã bị nạy mất. Mắt rồng không còn, phương hướng làng về đâu?

Đã sai thì sai cho trót?

Phá đình, vứt bỏ luôn cổ vật

Tiếp xúc với PV Người đưa tin, ông Hoàng Khắc Dược, một người dân trong làng bức xúc: "Họ tháo dỡ đình để di dời sang chỗ khác đã đành, đến những cuốn sách cổ, bản khắc gỗ cổ được lưu trong đình cũng bị đem ném đi". Vừa nói, ông Dược vừa chìa cho chúng tôi xem một ống quyển đựng sách và một bản khắc gỗ mà người dân đã moi được trong đống đổ nát

Theo phản ánh của người dân và ban quản lý di tích cũ do ông Lê Đức Oanh là quyền trưởng ban từ 2010 đến 2011 cho biết: Đến thời điểm năm 2010, đình đã có dấu hiệu của sự xuống cấp nhưng không đáng kể. Phần mái ngói có một vài chỗ bị mưa gió làm hư hỏng, bên trong thì chỉ có hai thanh xà bị võng. Lúc đó ông Oanh thay mặt ban quản lý đi xin kinh phí của tỉnh thì được 20 triệu đồng bằng hiện vật (gỗ) để chống sập. Đến 3/2011 thì bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thêm 100 triệu để trùng tu. Sau khi có quyết định, sở Văn hóa tỉnh Hưng Yên đã về kiểm tra toàn bộ cấu kiện của đình. Dự án trùng tu đình được kết hợp với sở tiến hành, tuy nhiên với số tiền 100 triệu thì không đủ. Ban quản lý và sở quyết định chỉ đảo phần ngói của đình. Ngoài ra ban quản lý còn có đề nghị xin dỡ cánh cửa bị mọt và thay mới. Lúc này, giám đốc sở mới đề nghị việc nhà nước và nhân dân cùng làm, ngoài số tiền mà bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho sẽ kêu gọi người dân trong làng cùng chung tay đóng góp.

Đến tháng 7/2011, sau nhiều cuộc họp thì quyết định cuối cùng giữa xã và thôn được đưa ra, việc thi công trùng tu đình do công ty TNHH Thành Đông có trụ sở ở 41 Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương đảm nhận. Hợp đồng được kí kết là 202 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng do bộ đã cấp trước đó. Đến 21/9, ban quản lý di tích giải tán do hết nhiệm kì, dân làng mới cử ra một ban xây dựng mới. Ban kiến thiết mới tiếp nhận công trình.

Đến 30 tết âm lịch, ban kiến thiết họp dân nhưng có sự phản đối nên cuộc họp phải dời đến mùng 6 tết mới tiến hành. Ý kiến di chuyển đình làng sang địa điểm mới gần hơn được đưa ra, trên nền đình cũ sẽ chuyển chùa dựng vào, còn lại sẽ xây dựng thêm tam quan, ngũ quan cho khang trang và đẹp hơn trước. Tôn trọng lịch sử nên nhiều người có mặt đã phản đối, tuy nhiên ý kiến trên vẫn được tiến hành.

Đến tháng 2/2012 việc di dời đình bắt đầu tiến hành. Dân làng có ý kiến lên xã thì xã bảo chờ. Đến 30/4/2012, người dân bức xúc gửi đơn thư đến các bộ, ngành thì đến ngày 9/5, có đoàn thanh tra của bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về kiểm tra và ra quyết định đình chỉ việc di dời đìn. Tuy nhiên, quyết định trên vẫn không ngăn cản được việc dời đình của ban kiến thiết.

Để có kinh phí cho việc trùng tu di tích, theo phản ánh người dân, họ đã đóng góp vào xấp xỉ 500 triệu đồng. Ngoài ra, ban kiến thiết mới còn tự ý bán đi 3 mảnh đất cạnh sông Nghĩa Trụ, vẫn thuộc phần đất của khu di tích, mỗi mảnh khoảng 300 triệu đồng, chưa kể đến phần đất của giếng làng đã bán cho gia đình ông Hạnh với giá 189 triệu đồng. Tính ra, tổng số tiền đầu tư vào dự án này đã lên tới hơn 1,5 tỷ đồng và số tiền này vẫn chưa được công khai minh bạch trước nhân dân.

Đã 2 năm qua, dân làng Ngu Nhuế không có nơi để tiến hành tế lễ, thờ tự. Ngôi đình cũ đã bị tháo dỡ chỉ còn nền đất hoang tàn, ngôi đình mới còn dang dở. Nhưng điều quan trọng hơn là những đúng sai xung quanh việc di dời đình làng Ngu Nhuế vẫn chưa được làm rõ, khiến người dân bức xúc.

Chủ tịch xã thừa nhận sai sót và hứa sẽ tiến hành kiểm điểm?

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Năng thừa nhận, thời gian vừa qua xã đã không có sự sát sao với công tác trùng tu di tích ở thôn Ngu Nhuế. Ông Năng còn cho biết thêm: "Vấn đề trùng tu đình làng thôn Ngu Nhuế xã đã có sự thống nhất và được sự đồng ý của sở và bộ, tuy nhiên theo hợp đồng chính thức với công ty TNHH Thành Đông thì nội dung công việc chỉ gồm hạ giải phần mái, sau đó có phần nào hỏng thì sửa chữa, kê kích lên và lợp lại như cũ. Toàn bộ giá trị hợp đồng kí kết chỉ có 230 triệu(?). Ngoài ra, xã không hề biết có việc cắt đất, bán đất của khu di tích để bán cho người dân. Sau khi có thông tin, xã đã triệu tập những người dân mua đất đến để phân tích làm rõ và ngăn chặn".

Ông Năng còn cho biết thêm, xã đã tiếp nhận biên bản họp của thôn ngày mùng 6 tết, trong đó có đề nghị di chuyển đình. Do đây là di tích mang tầm quốc gia nên xã đã không phê duyệt. Tuy nhiên, do việc hạ giải đình tiến hành đã lâu nên các cụ trong thôn đã tự ý cho di dời vì sợ bị hỏng. Khi đình đã được di dời thì việc đã rồi, xã không thể cho người đến để tháo dỡ công trình (?). Đến khi có quyết định đình chỉ của bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 9/5 gửi về địa phương, việc di dời đình đã phần lớn xong phần khung. Ông Năng thừa nhận việc di dời này là trái với quy định của pháp luật, tuy nhiên xã vẫn "lực bất tòng tâm" (?)

Để sửa sai, ông Năng bày tỏ: "Thứ nhất, chúng tôi đã tiến hành mua bạt và dọn dẹp để bảo vệ những phần còn lại của đình làng cũ. Thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành nghiêm túc kiểm điểm đối với cá nhân và tập thể sai phạm. Thứ ba, chúng tôi sẽ hoàn tất đầy đủ các thủ tục, giấy tờ để gửi lên các cấp và chờ chỉ thị".

T.N

Đỗ Huệ