Muôn vàn “chiêu” phù phép trái cây

Muôn vàn “chiêu” phù phép trái cây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Vào mùa hè, vì rau quả nhanh hư nên những chủ vựa trái cây thường sử dụng nhiều hóa chất bảo quản hơn các mùa khác để giữ cho trái cây tươi lâu hơn.

Dạo qua các rạp trái cây tại các chợ, khách hàng sẽ thấy ở đây toàn trái cây tươi và rất bắt mắt, nhưng nếu đến thẳng các vựa, các đầu mối phân phối trái cây, người tiêu dùng sẽ không khỏi giật mình khi ở đây, có nhiều loại trái cây còn non, bị ép chín, thối rữa hay thậm chí đang được ngâm trong hóa chất để giữ cho trái cây tươi hơn, trong đó trái cây Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ có lượng hàng nhiều hơn cả.

Xã hội - Muôn vàn “chiêu” phù phép trái cây

Vì lợi nhuận, dân buôn sẵn sàng "phù phép" trái cây lừa người tiêu dùng

Trong bối cảnh lương thực, thực phẩm nhiễm độc thuốc trừ sâu hoặc chứa dư lượng thuốc trừ sâu phổ biến như hiện nay đã dấy lên một mối lo ngại không chỉ với người tiêu dùng Trung Quốc mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng các nước khác vì hoa quả, nông sản từ Trung Quốc xuất sang các nước khác khá nhiều. Ngày càng nhiều người tỏ ra lo ngại về tính an toàn của các mặt hàng nông sản, trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc do thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản một cách bừa bãi.

Vào mùa hè do rau quả nhanh hư, nên người ta thường sử dụng nhiều hóa chất bảo quản hơn các mùa khác. Bởi thế, các tiểu thương không ngại tẩm hóa chất bảo quản cho hoa quả hòng giữ cho hoa quả tươi lâu. Vì thế, so với các mùa khác, ăn rau quả mùa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.

Các loại trái cây nhập ngoại thông thường phải để lâu hơn trước khi bán ra thị trường, việc tẩm hóa chất độc hại để bảo quản trái cây tươi hơn là không tránh khỏi. Điều này càng nguy hiểm hơn khi các loại trái cây nhập ngoại này thường được bán với giá rẻ hơn, người tiêu dùng vì ham rẻ nên sử dùng nó mà lờ đi những loại trái cây được cho là sạch và ngon trong nước.

Dạo qua một vài nơi bán trái cây ngoại nhập vào thời gian này và hỏi mua nho Mỹ, cửa hàng nào cũng sẵn có. Khách mua vẫn tin rằng mình đã mua được loại quả ngon mà không hề biết nho Mỹ đã hết mùa từ tháng 11 năm trước. Như vậy, nếu người bán khẳng định là nho Mỹ thì chỉ có thể xảy ra 2 khả năng, hoặc họ đánh lừa người mua, hoặc nho đã được chích thuốc bảo quản nên mới giữ được lâu như vậy.

Nghiêm trọng hơn, việc làm tem, nhãn mác giả là không khó nên trái cây kém chất lượng đội lốt trái cây sạch cũng nằm trên kệ bên cạnh các giống trái cây uy tín. Trong khi đó, công tác kiểm định chất lượng trái cây ngoại nhập khá lỏng lẻo bởi chính những người kiểm định cũng không hiểu biết hết về các loại trái cây.

Đáng ngại hơn, người kiểm định nhiều khi cũng không biết người trồng có sử dụng hóa chất gì, thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình trồng và bảo quản để phân tích xem có dư lượng chất độc hại hay không.

Có đến 70% các nhà nhập khẩu chọn cách gom hàng tại các chợ đầu mối của nước xuất khẩu nên chất lượng trái cây khó được đảm bảo. Điều này mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà nhập khẩu. Tất nhiên, người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Như vậy, người tiêu dùng rất khó biết trái cây mình đang trả giá cao có thực sự cao cấp hay không.

Lợi nhuận lớn và nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng đã thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu trái cây ngoại về phân phối. Giá bán cao hơn thì đã rõ, nhưng liệu chất lượng và độ an toàn có cao tương xứng hay không lại là chuyện không phải ai cũng biết. Nếu nhìn vào sự chênh lệch giá của trái cây ngoại nhập tại lúc xuất xưởng so với khi đến tay người tiêu dùng, có thể thấy kinh doanh trái cây nhập khẩu mang lại lợi nhuận không nhỏ. Cũng là trái cây ngoại nhập nhưng nguồn gốc đã bị người bán nhập nhèm nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Nhiều loại trái cây khi không tiêu thụ hết, một số công ty nhập khẩu đã tiến hành sấy khô, làm xí muội, ô mai… Và để bảo quản được lâu hơn, các nhà sản xuất đã thêm vào các chất phụ gia nhiều hơn cho phép. Kết quả là hoa quả sấy khô không đạt chỉ tiêu đường hóa học, gây hại đường ruột mà còn nhiễm chất tẩy trắng gây rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, có nguy cơ gây ung thư, thoái hóa gan... Điều đáng lo ngại là các sản phẩm trên hiện bày bán tràn lan ở TP.HCM.

Công Thư