Năm 2011, Petrolimex lỗ hơn 2 nghìn tỷ đồng

Năm 2011, Petrolimex lỗ hơn 2 nghìn tỷ đồng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Số liệu mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) công bố về báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính tại Petrolimex cho thấy, năm 2011 tập đoàn này lỗ 2.604 tỷ đồng.

Theo KTNN, nguyên nhân thua lỗ tại Petrolimex trong năm qua chủ yếu do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến.

Riêng với Petrolimex, đánh giá lại số dư vay và nợ vay phải trả bằng ngoại tệ ngày 11/2/2011 thì lỗ chênh lệch tỷ giá đã lên tới 1.853 tỷ đồng. Tiếp đến là giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện các biện pháp bình ổn giá xăng dầu.

Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là do chi phí kinh doanh tăng do các yếu tố tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng và một số nguyên nhân khác.

Xã hội - Năm 2011, Petrolimex lỗ hơn 2 nghìn tỷ đồng

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn dẫn số liệu cụ thể cho thấy, lợi nhuận trước thuế năm 2011 theo báo cáo tài chính hợp nhất, Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng. Bao gồm: lỗ của khối kinh doanh xăng dầu là 2.358 tỷ đồng (trong đó lỗ kinh doanh xăng dầu là 2.604 tỷ đồng), lãi của khối các công ty cổ phần, kinh doanh khác và do bù trừ hợp nhất báo cáo tài chính 935 tỷ đồng. Số lỗ 1.423 tỷ đồng chưa tính đến khoản lỗ do định giá lại các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần là 949 tỷ đồng.

Một số đơn vị kinh doanh xăng dầu khác theo số liệu từ KTNN cũng cho thấy sự thua lỗ như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 18 tỷ đồng trong năm 2011 (năm 2009 lỗ 54 tỷ đồng và năm 2010 lỗ 136 tỷ đồng). Nguyên nhân lỗ của Mipeco cũng tương tự như Petrolimex. Song nơi này lỗ lũy kế toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh đến 31/12/2011 là 568 tỉ đồng. Thị phần của Mipeco hiện còn 2,2% (theo thống kê của Bộ Công Thương). Saigon Petro năm 2011 cũng lỗ 63 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc ngừng trích quỹ bình ổn xăng dầu vì bộ này cho rằng không thể trích quỹ từ túi người tiêu dùng mãi mà không có thời hạn và quy định cụ thể.

Khánh Tuân (Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)