Nan giải công tác bảo tồn đàn voi ở Nghệ An

Anh Ngọc

Không có voi đực, có 3 đàn voi đơn lẻ ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ theo thời gian vì chưa có phương án khả thi để bảo tồn.

Cá thể đơn lẻ nên không thể tăng số lượng

Nghệ An hiện có 16 con voi đang sống tự nhiên trong rừng, đứng thứ ba cả nước sau tỉnh Đăk Lăk và Đồng Nai. Trong đó vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát (nằm trên 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương) có 3 đàn với tổng 13 con. Những đàn còn lại, gồm 1 con voi cái sống đơn độc tại huyện Quỳ Hợp và đàn voi hai mẹ con ở huyện Quỳ Châu.

Hai cá thể voi xuất hiện tại xã Châu Phong.

Mới đây, vào chiều muộn 23/10/2022, hai mẹ con voi bất ngờ kéo về gần khu dân cư ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu để kiếm ăn. Cặp voi này tỏ ra khá hiền lành, song người dân vẫn lo lắng khi chúng xuất hiện vì chúng giẫm đạp khiến cây trồng của dân bị hư hại. Sau đó, người dân và lực lượng kiểm lâm đã phải mất 2 ngày dùng âm thanh mạnh để xua đuổi voi trở lại rừng.

Theo ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, đây là những con voi còn sót lại trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Trước đây, đàn voi này cũng khá đông đúc, nhưng dần bị sát hại, chỉ còn hai mẹ con này.

Trong đó con voi mẹ khoảng 70 tuổi và con voi con khoảng 30 tuổi. Tuy nhiên, cả hai con voi này đều là voi cái nên không còn khả năng sinh sản và nguy cơ đàn voi này xóa sổ là hiện hữu nếu không được nhập với đàn voi khác.

“Trước đây người dân thường mang theo muối lên rừng bẻ măng rồi để lại, voi thường tìm đến để ăn, nhưng nay không còn nữa. Ngoài ra, voi con đã 30 tuổi, bắt đầu đến thời gian động dục, nhưng không có voi đực nên chúng thường tìm ra khỏi rừng hơn trước đây”, ông Lê Xuân Đình nói.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu thông tin, mỗi con voi thường có tuổi thọ khoảng 100 năm. Do không có voi đực, chỉ còn hai con voi cái nên đàn voi trên địa bàn huyện này sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới là điều đương nhiên.

3/5 đàn voi ở Nghệ An là cá thể đơn lẻ.

Ngoài hai mẹ con voi rừng ở huyện Quỳ Châu, còn có 1 con voi cái sinh sống ở những cánh rừng tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp. Con voi này thường xuyên ra bìa rừng, gần khu dân cư để quấy phá.

Theo thống kê của UBND huyện Quỳ Hợp, năm 2021, con voi này nhiều lần về gần khu dân cư phá hỏng cây trồng, gây thiệt hại của người dân 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn hơn 120 triệu đồng.

Tại vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát có 3 đàn. Trong đó, có một đàn 8 con thỉnh thoảng xuất hiện ở gần khu dân cư bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn có khả năng phát triển, vì có con đực, con cái. Cơ quan chức năng ghi nhận, đàn voi sinh sản được 2 con vào năm 2013 và 2016.

Khu vực Cao Vều của huyện Anh Sơn trước đây là những cánh rừng tre nứa và chuối tự nhiên – nguồn thức ăn chính của voi rừng. Mấy năm trở lại đây, 4000 ha rừng ở đây được đưa vào quy hoạch trồng cây cao su. Sinh cảnh và môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn ngày một khan hiếm đang dần thay đổi tập tính của voi rừng.

Hoạt động của đàn voi không theo quy luật và ngày càng trở nên hung dữ, tấn công con người. Để ngăn voi đến nhà dân quấy phá, cơ quan chức năng đã phải cho xây hào ngăn voi tốn nhiều tỉ đồng. Tuy nhiên, hào này chỉ ngăn được một phần mà đàn voi thường xuất hiện để di chuyển xuống khu dân cư.

Hào ngăn voi ở xã Phúc Sơn.

Trong 2 đàn voi còn lại, một đàn voi khoảng 4 con thường sinh sống trong Vườn quốc gia Pù Mát thuộc địa bàn xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, gần biên giới Việt - Lào. Những năm gần đây, đàn voi này không còn được ghi nhận và nhiều khả năng này đã di chuyển sang Lào.

Đàn còn lại là một con voi cái thỉnh thoảng xuất hiện tại xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Đây là con voi cái sống đơn độc hơn 20 năm nay ở trung tâm vườn. Trước đây, đàn voi này có ít nhất một cặp, nhưng năm 1996 con voi đực đã bị sát hại.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát thông tin thêm: “Con voi này vẫn đang độ tuổi sinh sản. Vào mùa động dục, không có con đực, nó trở nên hung dữ. Mỗi lần như vậy, nó thường ra khỏi rừng tìm đến những đàn trâu của người dân mà đặc biệt là những con trâu đực to lớn”.

Vườn quốc gia Pù Mát đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ này với hai đàn cùng sống trong vườn. Tuy nhiên, quãng đường từ khu vực này đến hai đàn voi còn lại qua rất nhiều sông suối, đoạn đường dài nhiều ngày nên hiện vẫn chưa thể thực hiện được.

Chưa có phương án bảo tồn khả thi

Thực tế, năm 2013, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án khẩn cấp bảo tồn voi và một trong những nhiệm vụ khẩn cấp là di chuyển, nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để di chuyển voi nhập đàn.

Phương án khả thi nhất là di chuyển những con voi đơn lẻ này về nhập đàn với đàn voi ở Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rừng rộng lớn, có chức năng bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Tuy nhiên, việc di chuyển voi rừng rất phức tạp, thường phải sử dụng phương án bắn thuốc mê để chuyển voi. Hiện nay có hai loại thuốc mê là loại tác dụng nhanh và chậm. Loại tác dụng nhanh bắn xong voi bị mê lập tức, như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe voi.

Đặc biệt ở địa hình núi dốc, voi dễ bị rơi xuống vực hoặc lăn xuống dốc mà chết. Gây mê voi xong, việc di chuyển voi cũng rất khó vì địa hình hiểm trở, phương tiện máy móc khó tiếp cận.

“Loại còn lại có tác dụng sau khoảng 30 - 40 phút. Nếu dùng loại này, sau khi bắn, voi sẽ hoảng loạn mà chạy vào rừng sâu. Như vậy những người bắn sẽ khó đuổi theo kịp để biết nó sẽ bị hạ gục ở vị trí nào”, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát nói.

Một tình huống khác, giả sử di chuyển được thì cũng có thể voi đơn lẻ cũng khó hợp với sinh cảnh nơi mới để tồn tại. Trong đó, điển hình là việc di chuyển đàn voi Tánh Linh ở tỉnh Bình Thuận lên tỉnh Đắk Lắk vào năm 2001. Dù việc di chuyển được tính toán rất kỹ lưỡng, nhưng sau đó những con voi này đã bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không phù hợp.

Biển cảnh báo người dân khu vực đàn voi hay xuất hiện để tránh xung đột.

Bà Võ Thị Nhung, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, việc sáp nhập voi sang Vườn quốc gia Pù Mát đã được chính quyền bàn bạc từ nhiều năm trước, song chưa có giải pháp khả thi. Sở đang đề xuất các viện, trung tâm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã khảo sát, điều tra đầy đủ về các yếu tố cần và đủ để di chuyển voi.

Vì vậy, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An khuyến cáo người dân sống gần bìa rừng phải chấp nhận sống chung với voi rừng, dùng kẻng, loa và các dụng cụ khác tạo âm thanh để xua voi vào rừng khi voi xuất hiện gần khu dân cư và tuyệt đối không được dùng bất cứ biện pháp nào xua đuổi gây tổn thương đến voi rừng.

Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae và là động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Ba loài hiện được công nhận: Voi đồng cỏ châu Phi, voi rừng châu Phi và voi châu Á. Voi ở Nghệ An là loài voi châu Á (Elephas maximus) bộ có vòi (Proboscidea), thường sống ở rừng hỗn giao tre nứa, ăn các loài thực vật chủ yếu trái cây, thân các cây mềm như cây chuối...

A.N