Nét bình yên tại con phố ồn ào nhất Thủ đô

Ở Hà Nội cũng có một xóm nhỏ không tên sống sát mép đường tàu như trong truyện của nhà văn Thạch Lam. Con phố này nằm trên phố Khâm Thiên, được người dân gọi bằng cái tên thân thương là "xóm đường tàu".

Trước khi đi tới các tỉnh thành thì cung đường sắt bắt đầu từ ga Hà Nội chạy dài len qua nhiều dãy phố, khu dân cư nội đô Hà Nội dài gần 20km. Người dân Hà Nội sống gần đường tàu cũng chẳng nhớ đường ray tàu hỏa có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi có ga Hà Nội thì song hành với nó là bấy nhiêu năm tồn tại tuyến đường ray chạy quanh co khắp thành phố. Nó cứ vậy, lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này, chứng kiến đủ chuyện buồn vui nơi xóm tàu.

Khoảng cách nhà dân đến đường ray tàu hỏa chỉ từ 3 đến 5m, có chỗ chắc chỉ được khoảng hơn 1m. Vì thế, đường tàu bỗng biến thành không gian sinh hoạt công cộng, thành đường đi, nơi tụ họp, nấu ăn, làm việc của người dân nơi đây. Và với ai, chưa một lần tới “xóm đường tàu” đều nghĩ rằng việc sống ngay sát mép đường ray này là một điều gì đó thực sự nguy hiểm. Vậy, hãy thử một lần đến đây, cảm nhận và trải nghiệm xem cuộc sống người dân nơi đây thế nào?

Với những con người sống ở gần đường ray xe lửa, những chuyến tàu, tiếng còi tàu, tiếng xình xịch của động cơ đã trở thành thứ âm thanh cuộc sống thân thuộc chẳng thể thiếu. Và tôi chợt nhớ đến phố huyện nghèo không tên trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Liên và An cũng như người dân ở phố huyện đó đã coi hình ảnh chiếc tàu lửa như một phần cuộc sống thường ngày.

Ai cũng tưởng rằng con phố nơi tàu lửa chạy qua quanh năm ồn ào bởi tiếng còi tàu, tiếng động cơ xình xịch đêm ngày ấy hẳn rất nguy hiểm. Thế nhưng, phải đến tận nơi, cảm nhận cuộc sống ở đây mới thấy rằng suy nghĩ đó thật phiến diện. Cuộc sống của những con người nơi đây rất bình yên, chậm rãi.

Tìm đến “xóm đường tàu” khu Khâm Thiên vào một ngày nắng rực lửa tháng 5, tôi loay hoay không biết dựng xe ở đâu để có thể đi bộ dọc theo đường ray. May mắn có một bác nữ đang rửa xe ngay cạnh đó hỏi: “Muốn vào đường tàu chơi phải không? Dựng xe sát mép tường này, bác trông cho mà vào, nhưng phải dựng sát vào để người khác còn lấy lối đi”.

Người phụ nữ đó là Nguyễn Thanh Tâm (60 tuổi), hiện đã về hưu, làm thêm nghề rửa xe máy tại nhà để kiếm thêm đồng ra đồng vào và cũng để có công việc làm cho đỡ chán. Bác kể, từ khi lấy bác trai chuyển về đây đã 37 năm. 37 năm đó cùng sống chung với cảnh đoàn tàu qua lại mỗi ngày, cùng với đó là tiếng còi tàu, tiếng xình xịch của động cơ.

“Hôm nào đông khách tôi rửa được khoảng 10 – 15 chiếc xe, còn hôm ít thì cũng được tầm 5 chiếc. Vì nhà tôi ngay đầu đường ray tàu hỏa, xe cộ qua lại nhiều nên làm nghề này cũng được. Cả dãy này có mỗi tôi làm nghề rửa xe thôi còn đâu trong kia mỗi nhà làm một công việc khác nhau”, bác Tâm chia sẻ.

Vừa trò chuyện với bác được vài câu thì bác ra bảo tôi ngồi dịch vào mép tay phải, sát với nhà. Hóa ra là sắp có đoàn tàu chạy qua. Bác kể: “Chẳng phải xem giờ và cũng chẳng nhớ nổi giờ nào tàu chạy đi, chạy về. Nhưng như đã hình thành phản xạ rồi, người dân như ngửi thấy, nghe thấy mùi tàu, âm thanh của tàu đang tiến đến từ rất xa.

Nói hoa mỹ là vậy đấy cháu. 37 năm ở đây, chắc là bác hình thành thói quen quan sát rồi. Khi có tàu sắp chạy qua thì từ xa đã thấy có các anh, chị bảo vệ đường tàu đứng tít ở trạm trên kia thông báo kìa. Hoặc là nghe thấy tiếng còi thông báo, lúc đó là mình biết sắp có tàu qua. Lâu rồi, chả cần quan sát kỹ, liếc một cái là biết sắp có tàu chạy qua hay không”.

Bác đang kể thì đoàn tàu lao tới, vun vút lướt qua át đi cả tiếng của bác, tôi chẳng còn nghe rõ những lời bác nói. Lần đầu tiên, tôi đứng sát đường tàu khi tàu đang chạy như thế. Lúc này mới thấy được tàu chạy không hề chậm rãi như mọi khi mình quan sát từ xa. Thực sự không hề chậm, tàu chạy rất nhanh, lao vun vút. Không còn là tiếng xình xịch, xình xịch mà với tốc độ chạy như sẵn sàng san bằng mọi thứ xuất hiện trên đường ray, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, sống ở xóm đường tàu, nguy hiểm biết bao nhiêu! Nhưng kỳ thực khi đem điều này hỏi người dân, họ chỉ cười...

Bác Tâm cười nói với tôi: “Nguy hiểm chứ, tất nhiên rồi! Nhưng đấy là với những ai chưa sống quen. Còn cháu cảm nhận đi, ở đây có thấy mát mẻ không, cháu có nghe thấy tiếng chim hót không? Đấy, ở đây quanh năm mát mẻ, cây xanh nhiều, cuộc sống thanh bình. Đó là lý do bác gắn bó ở đây mấy chục năm mà không muốn chuyển nhà đi chỗ khác”.

Xóm đường tàu này khá nhộn nhịp dù là ban ngày hay ban đêm. Mỗi ngày, có khoảng 10 chuyến tàu chạy qua đây. Người dân ở đây đã quen với việc cuộc sống của mình có sự xuất hiện của những chuyến tàu. Con tàu cứ đi theo đúng lịch trình, không ngày nào ngơi nghỉ, còn người dân hai bên đường cứ lặng lẽ, bình thản sống cuộc sống của mình.

Mải lang thang chụp ảnh, tôi giật bắn mình khi nghe thấy tiếng quát: “Đi sang bên phải nhanh. Tàu đến đấy. Cẩn thận đấy con”. Tiếng nói đó là từ một bà già đi nhặt ve chai. Bà Lê Thị Minh (70 tuổi) cũng từng quát tôi khi không để ý gì chỉ mải mê chụp ảnh. Người ta bảo, người già thường khó ăn, khó nói nhưng tính tình rất tốt. Bà chính là một người như vậy.

Bà Minh bảo: “Ngày nào cũng nhắc những người Tây với những người đến đây chụp ảnh chú ý tàu chạy, phải đứng sát vào mép đường bên phải kẻo tàu nó hút. Thế mà nhiều người không nghe, cứ tưởng bà già này nói đùa. Nói nhiều đến khản cả cổ nhưng nhìn thấy nguy hiểm mà mình không nhắc thì không an tâm được”.

Cũng như chia sẻ của bà, việc nhắc nhở đó như thói quen khi nghe tiếng còi tàu hú từ xa cả xóm cùng ngó đầu ra ngoài nhìn quanh xem có trẻ con hay ai đó lang thang lơ đễnh gần đường ray thì kêu ầm lên nhắc, rồi nhiều du khách/sinh viên tới quay phim, chụp ảnh... đều công nhận một điều - xóm đường tàu Khâm Thiên quả là độc nhất vô nhị, ấn tượng từ vẻ bề ngoài đến vẻ đẹp cuộc sống thường nhật.

Xóm đường tàu ở con phố Khâm Thiên này không buồn bã và thiếu ánh sáng như phố huyện không tên trong truyện ngắn của Thạch Lam, song nhịp sống ở xóm đường tàu này vẫn gợi lại một nét gì đó rất xưa cũ, hoài niệm. Nhìn qua thì chỗ này có vẻ lôi thôi lếch thếch, với đủ thứ linh tinh văng vật trên khắp đường ray. Trước thềm nhà, ai cũng tận dụng từng chỗ trống để đặt đồ trước cửa: Vài chậu hoa, tủ bếp, hay chiếc bếp tổ ong…

Song nếu chịu khó ngồi một góc ngắm nghía, bạn sẽ thấy nơi này có gì đó rất cuốn hút, khiến đôi chân muốn bước đi, và bàn tay giơ máy ảnh lên để ghi lại từng chi tiết không thể rời mắt. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy trên ban công nhà ai toàn cây và hoa, vài chiếc mẹt phơi ớt tỏi màu mè sặc sỡ... hay đơn giản, là một mái nhà kiểu cổ được gìn giữ suốt mấy thập kỷ vẫn còn nguyên. Những ngôi nhà cũ mới lẫn lộn, đủ màu sắc từ trầm đến sáng khiến mọi ngóc ngách góc quanh của xóm đường tàu đều mang nét đẹp mộc mạc.

Dân cư ở đây có đủ các thế hệ người Hà Nội lẫn những người lao động từ khắp mọi nơi đổ về thuê trọ, nên cuộc sống nơi đây khá phong phú mang nhiều nét sinh hoạt pha trộn. Chị Nguyễn Thị Đào (36 tuổi, Nam Định) thuê một căn nhà nhỏ nơi xóm tàu được hơn một năm nay. Chị Đào chia sẻ: “Sống ở đâu quen đó. Mà ở xóm này, cuộc sống như ở quê, mọi người quan tâm, giúp đỡ nhau. Chiều chiều, lũ trẻ con ra đường tàu vui đùa, nghịch ngợm. Các gia đình mang bếp than ra trước cửa nhà thổi nấu, có món gì ngon san sẻ cho nhau. Hay như bác Lâm kia kìa, chiều đến ra tập thể dục. Cuộc sống ở đây là thế, trước lạ sau quen, mọi người sống rất có tình”.

Lúc ra về, tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng quát: “Gọn vào, tàu đến” cùng tiếng còi tàu hú từ xa.