Siết hàng rong: Đã làm phải thực hiện đến cùng

Siết hàng rong: Đã làm phải thực hiện đến cùng

Thứ 3, 22/01/2013 | 08:26
0
Sau khi Thông tư 30 của bộ Y tế được đưa vào thực hiện, đại đa số những người thuộc diện bán hàng ăn đường phố vẫn không hề biết đến việc mình sẽ phải chịu phạt nếu không đảm bảo những điều kiện kinh doanh như trong thông tư hướng dẫn.PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, bộ Y tế.

Thưa ông, Thông tư 30 của bộ Y tế đã có hiệu lực từ ngày 20/1, bên cạnh việc đưa ra các yêu cầu về điều kiện chất lượng và điều kiện kinh doanh còn đặc biệt chú trọng tới các cá nhân buôn bán thức ăn đường phố. Theo đó, người kinh doanh thức ăn đường phố phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định và giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định... Ông có đánh giá như thế nào về mức độ khả thi của thông tư này?

Đây không phải là một quy định mới. Tôi cho rằng, việc ban hành thông tư lần này chỉ là bổ sung cho các thông tư trước đó. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở. Căn cứ trên tình hình thực tế mà nói thì đây là thông tư rất khó để thực hiện. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, vấn đề ở đây là các cơ quan ban ngành phải tìm cách thực hiện làm sao cho triệt để, giúp thông tư đi vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết yếu cho người dân.

> Đọc thêm: Người dân coi 'siết hàng rong' là chuyện đùa

Xã hội - Siết hàng rong: Đã làm phải thực hiện đến cùng

Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ Y tế.

Nhiều người đồng tình với mục đích tốt đẹp của thông tư này. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại tình trạng đánh trống bỏ dùi, đưa ra quy định chỉ để có. Theo ông, lý do nào khiến một bộ phận người dân mất niềm tin như thế?

Việc người dân lo lắng thông tư trên đi vào bế tắc cũng là điều không khó để giải thích. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng thực tế trên thị trường thời gian gần đây, các cơ quan chức năng thường xuyên phát hiện thực phẩm bẩn, ôi thiu, kém chất lượng được nhập lậu, không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra bắt nguồn từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc có mang trong nó những mầm bệnh lạ. Điều này không chỉ người tiêu dùng mà chính những người bán hàng ăn cũng lo ngại. Tuy nhiên, để quy định trên có hiệu quả cần quan tâm đến nhiều yếu tố. Điều quan trọng là người dân phải nói không với những nguồn thực phẩm không rõ xuất xứ.

Có nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cho rằng, họ chỉ có thể chú trọng trong việc chế biến và đảm bảo vệ sinh cho thức ăn. Nếu nguồn gốc của thực phẩm không đảm bảo thì không thể trách họ. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

Thức ăn đường phố tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Bên cạnh đó, người bán hàng cũng có thể khiến khách hàng nhiễm bệnh nếu họ không có sức khoẻ tốt. Nếu không khám sức khỏe, chỉ cần một người bán hàng có bệnh thì hàng trăm người khác sẽ bị lây. Trong trường hợp người dân không học thì không biết gì về kiến thức an toàn thực phẩm. Ví dụ đơn giản như một động tác rửa tay. Tưởng rất đơn giản nhưng lại cực kỳ quan trọng. Nếu rửa tay sạch sẽ phòng được 70% bệnh tiêu chảy. Chính vì vậy, người dân phải học để biết. Không phải nước mình mà các nước trên thế giới đều trang bị kiến thức cho người bán hàng. Các nước văn minh rất chú trọng đến thức ăn đường phố. Ở nước ngoài, cán bộ đến từng quán ăn để tuyên truyền, giảng dạy những bài học cơ bản như rửa tay, nấu thức ăn.

Để thông tư này nhanh chóng đi vào thực tế theo ông cấp quản lý nào cần phải giám sát tích cực nhất?

Quy định của chúng ta ban hành là rất đúng. Tuy nhiên phải làm thế nào để thực hiện đúng và có hiệu quả thì đó là cả một vấn đề lớn mà không phải ngày một ngày hai là có thể thành công được. Kể cả việc khám sức khỏe cũng rất hợp lý nhưng phải giải thích và tuyên truyền cho người dân hiểu và tự nguyện tích cực thực hiện.

Vấn đề đặt ra ở đây là phải giao cho ai tổ chức, tổ chức như thế nào cho đảm bảo thực hiện được. Ví dụ như học như thế nào? Nếu chỉ có chủ cửa hàng đến học mà nhân viên không học thì rất khó, chỉ là hình thức... Những người làm thức ăn đường phố đa số là từ quê ra, nhận thức còn hạn chế. Chính vì vậy, đào tạo ở đây là phải cầm tay chỉ việc: Tại sao phải cắt móng tay, tại sao phải đi một chiều trong bếp ăn... Không nên đào tạo một cách chung chung. Mặt khác, nếu phát hiện sai phạm trong quy trình thực hiện thì phải kiên quyết xử phạt...

Theo ông, khi thông tư này đưa vào thực tế sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất vẫn là ở khâu thực hiện một cách triệt để. Nhiều quy định rất đúng, rất trúng nhưng khi đưa ra thực hiện, gặp phải sự phản đối của dư luận thì chìm dần và rồi mất hẳn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một khi chúng ta đã quyết tâm làm thì phải làm cho bằng được. Bản thân những người làm chính sách và những người thực hiện chính sách nếu làm đúng quy trình và làm một cách triệt để thì sẽ có được kết quả thắng lợi.

Hiện nay, khi thông tư đã được thực hiện, nhưng nhiều người dân vẫn băn khoăn về khâu tổ chức thực hiện. Có ý kiến cho rằng thông tư ban hành chưa có một quy định rõ về các cấp giám sát. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Vấn đề ở đây là chúng ta cần thời gian để cụ thể hóa quy trình thực hiện một cách chuẩn mực. Bản thân người quản lý cũng phải chú trọng đến khâu thực phẩm nhập về của người chủ cửa hàng. Nếu mua nguyên liệu không đảm bảo chất lượng thì cần xử phạt chủ cửa hàng. Không thể ỷ vào lý do thực phẩm nguồn không được kiểm soát mà thực hiện một cách chung chung được. Theo tôi, các ban ngành, đặc biệt là chính quyền phường phải mạnh tay và thường xuyên giám sát thực hiện thì mới có được kết quả thành công.

Xin cảm ơn ông!

Dương Thu - Phạm Hạnh

Hôm nay Bộ Y tế 'siết' hàng rong: Dân nghèo ăn đâu?

Chủ nhật, 20/01/2013 | 09:44
Hôm nay (20/1), thông tư 30 của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực. Nếu Bộ thực hiện "chặt" thì có thể ngàn người sẽ thất nghiệp.

Muốn ăn mì tôm nên chờ... Bộ Y tế?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Trong khi trên báo chí cập nhật liên tục vụ "đại chiến mì tôm" liên quan đến một quảng cáo "nhạy cảm" thì trên diễn đàn mạng cũng sục sôi bởi thông tin khiến nhiều người lo lắng: Chất E102, một loại phẩm tạo màu có hầu hết trong các loại mì tôm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em(?).

Nguy hiểm chực chờ sau những gánh hàng rong

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
"Đã nghèo còn gặp cái eo", bị ăn quỵt, móc túi, xin đểu... là nỗi ám ảnh thường trực của một số người buôn thúng bán bưng trên những đường phố của Sài Gòn.

Mông lung dự án “nâng đời” cho hàng rong

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Sẽ không còn thấy cảnh dăm ba cô túm năm tụm ba bên những gánh bún đậu mắm tôm vỉa hè; không còn nghe tiếng rao: "Cháo trai ơ..." mỗi buổi chiều muộn trong nhiều con phố nhỏ. Bức tranh phố xá Hà Nội sẽ phong quang hơn nếu một đề án mới về quản lý hàng rong được thực hiện...

Cần sắp xếp lại hàng rong

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Mặc kệ biển báo cấm, nhiều người vẫn cứ thảnh thơi buôn bán chốn cửa chùa gây mất trật tự, vệ sinh.