Ngập tràn thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Ngập tràn thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Nhiều loại “phao thi” hiện đại như đồ nghề của ngành tình báo.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh có điều kiện khá giả hơn đã tự sắm cho mình những loại bút ghi âm tốt, đây được xem là công cụ gian lận thi cử tinh vi nhất, hầu như không bị phát hiện… Gian lận trong thi cử là điều đã được nói đến từ lâu, mặc dù Bộ GD&ĐT đã thực hiện quy chế nói không với tiêu cực trong thi cử, nhưng trên thực tế hiện tượng này vẫn còn. Không chỉ học sinh gian lận mà còn cả những bậc phu huynh sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sự an toàn cho con trong kỳ thi tốt nghiệp.

Xã hội - Ngập tràn thiết bị tinh vi gian lận thi cử

Phao thi vẫn tràn lan

Dạo một vòng quanh “thủ phủ” phao thi Thủ đô Hà Nội như Triều Khúc (Thanh Xuân), Đại học Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Bách Khoa…, chúng tôi không khỏi “mắt tròn mắt dẹt” trước những “chiêu bài” mà sĩ tử chuẩn bị để ứng phó với cuộc thi đang đến. Năm nay, để tránh công an, các điểm bán phao thi đã rút dần vào hoạt động bí mật. Không còn cảnh rao bán công khai, chình ình biển hiệu mời chào, phao thì nằm “nép” mình trong những quán phô tô gần trường học. Tuy nhiên, các sĩ tử rỉ tai, vẫn không khó để “săn lùng” những “bảo bối” này, quan trọng nhất là phải “mua nhanh, rút nhanh”, để tránh phát hiện.

Vốn có sức học tương đối khá nhưng vẫn chọn cách “ăn chắc mặc bền”, kiếm ít phao thi để “phòng thân”. “Cả tuần rồi bận ôn tập, nay em mới có thời gian tìm “tài liệu”. Nghe mấy anh chị khóa trước kể lại, vào phòng thi nếu gặp phải giám thị “mát tính”, coi như số hên. Phao thi đem ra dùng thoải mái miễn đừng lộ liễu quá là được. Em cứ kiếm ít phao cho yên tâm, nếu được “quay” thì “ra tay” còn không “nằm im bất động” có trời mà biết”, Thỉnh nói.

Theo tiết lộ của một chủ quán phô tô khu vực ĐH Quốc gia Hà Nội (Cầu Giấy), khoảng một tuần trước, học sinh các trường lân cận đổ xô đến đây để mua phao. Những bộ phao được gấp hình “ruột mèo” hay được chế theo hình cuốn sách thu nhỏ, kích cỡ bằng nửa lòng bàn tay. Tài liệu được buộc bằng dây chun, soạn sẵn như một bộ đề cương ôn tập, cuối mỗi tập đều có mục lục để người xem chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết câu trả lời. Loại “ruột mèo” này giá dao động từ 30-40.000 đồng/bộ. Loại phao “cổ điển” hình quyển sách thu nhỏ, kích cỡ bằng nửa lòng bàn tay có giá từ 60-80.000 đồng/bộ tùy dung lượng.

Tại TP.HCM, năm nay, các điểm nóng về phao thi như Đường Nguyễn Văn Cừ, Q. 5, đoạn qua trường ĐH Sư Phạm, ĐH KHTN TP.HCM khá yên tĩnh, chúng tôi hỏi thăm cần mua phao thi nhưng đều nhận được cái lắc hay ánh mắt dò xét của nhận viên tiệm phôtô. Một ngày trước kỳ thi tốt nghiệp, các điểm bán phao thi vẫn còn nhiều học sinh đến mua phao, những học sinh này đến mua rồi đi rất nhanh và hầu như không thấy kỳ kèo giá cả.

Theo tìm hiểu tại nhiều điểm thi tại TP.HCM, Bình Dương, Long An, Cà Mau…, chúng tôi thấy phao thi vẫn được bán. Phao thi được in, viết tay đủ mọi kích cỡ khác nhau. Một vài học sinh chọn cách đem sách hướng dẫn ôn thi ra quán photo, nhờ copy nội dung thành những phao ruột mèo, hay nhỏ bằng bàn tay. Em này cho chúng tôi biết: “Đây là cuốn vở mà cô giáo cho ôn tập, nội dung khá kỹ, em photo làm phao cho yên tâm, phòng khi cần đến”.

Hầu hết các phao thi đều thuộc các môn xã hội, bởi kiến thức nhiều và khó học. Do kiến thức ôn tập nhiều, nếu chỉ in thành một loại thì quá dài, khó tìm. Một em ở Long An cho biết: “Em đem tất cả phao thi đến trường, trước giờ vào thi khoảng 30 phút, em vào nhà vệ sinh nhét phao thi vào thắt lưng quần theo sơ đồ đã được làm sẵn. Sơ đồ này rất nhỏ và gọn, được cầm riêng ở tay, khi phát đề em sẽ tìm theo số thứ tự trong sơ đồ là lấy đúng tài liệu mà mình cần”. Em này cho biết thêm, một số câu được in kích thước nhỏ và dài để trong ruột bút bi, vào phòng thi em đem theo ít nhất 3 cái bút, và như thế là yên tâm rồi.

Xã hội - Ngập tràn thiết bị tinh vi gian lận thi cử (Hình 2).

“Bút thần” ém phao và máy ghi bài giảng

Ngoài sử dụng phao thi, nhiều thiết bị từ đơn giản đến tinh vi đã xuất hiện để “hỗ trợ” thí sinh gian lận trong thi cử, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến là chiếc “bút thần”.

Khoe chiếc bút có một không hai, Bùi Nam Thỉnh, học sinh một trường THPT tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) lôi trong túi ra một tập giấy giày cộp, kích thước bằng nửa bàn tay. Cậu học sinh nhanh nhảu: “Cái này là thô thôi, về nhà em phải tự chế lại. Thực ra, cũng đơn giản, chỉ cần cắt ra gấp nhỏ lại, “phao” này chỉ mang tính hỗ trợ thôi, cơ bản vẫn là dùng “bút thần”.

Theo Thỉnh, phải ngụy trang trong chiếc bút mới khó phát hiện được. Loại bút này không khác gì các loại bút bi bình thường, chỉ cần gạt nhẹ cái lẫy, tài liệu sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay. Trong lúc thi, nếu thấy dấu hiệu bị theo dõi, chỉ cần đẩy ngón tay, lập tức cuộn giấy sẽ lại trở về nằm gọn trong thân bút, đảm bảo an toàn”, cậu học trò nói. Khi được hỏi về nguồn gốc những chiếc bút đa năng này, Thỉnh cho biết, chúng được chính những cửa hàng phô tô sáng tạo ra. Mỗi chiếc có giá chỉ 40-50.000 đồng, “hàng quý nhưng không hiếm…”!

Ngày nay, đa phần học sinh đều có điện thoại di động, máy ghi âm…nên việc gian lận trong trong thi cử ngày càng tinh vi. Kiểu dùng phao “mp3” bằng cách thu âm toàn bộ bài giảng vào “mp3”, sau đó che chắn bởi mái tóc dài cũng đã xuất hiện mấy năm gần đây. Thí sinh thường sử dụng các loại tai nghe Bluetooth, loại nhỏ, bỏ lọt vào tai của mình nên việc bị giám thị coi thi phát hiện là rất khó xảy ra.

Còn một “chiêu” khác cũng khá độc là, nhiều thí sinh đã dùng bút không có mực, viết chữ lên giấy, rồi mang vào phòng thi, đến giờ thi, chỉ việc mở ra chép. Nếu giám thị coi thi không để ý, không cầm lên nhìn sẽ rất khó phát hiện. Bạn Hà Q.H, học sinh lớp 12 trường THPT H.X.H (Bình Dương) cho biết: “Lớp em, hầu như đứa nào cũng có phao thi, đứa thì mua sẵn, đứa tự làm. Có bạn còn dùng máy ghi âm ghi lại nữa. Vẫn biết sử dụng phao có thể bị đình chỉ nhưng bọn em cứ chuẩn bị để đấy cho yên tâm, may mắn vào phòng thi có giám thị dễ thì đem ra sử dụng, không thì thôi”. Không chỉ riêng H, nhiều thí sinh cho rằng, mang tài liệu vào phòng thì là dự phòng, nếu giám thị khó thì án binh bất động, cũng chẳng mất công gì.

Anh Đức - Công Thư - Đăng Văn