Ngày định mệnh kinh hoàng khiến cô giáo mầm non mang “vết sẹo” cuộc đời

Mai Thu

Quãng thời gian giam mình trong bóng tối sau vụ nổ bóng bay thảm khốc khiến thân thể bị bỏng nặng, Trang đã không ít lần nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi, những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể lại chính là lý do để cô giáo mầm non trẻ kiên cường đứng dậy giống như “hoa đá” trổ bông.

Vài phút…thay đổi cả cuộc đời

Trước khi xảy ra vụ nổ bóng bay thảm khốc, cô giáo mầm non Lý Thị Đài Trang (27 tuổi, sống tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) từng là một cô giáo xinh đẹp, tài năng, mang trong mình ước mơ, hoài bão cùng với những tiếng cười hồn nhiên của học sinh. Thế nhưng, một ngày tháng 9 năm 2016 đã cướp đi của Trang mọi thứ.

Cô giáo Đài Trang kể lại rằng, năm 2016, Trang cùng nhiều thầy cô trong trường mầm non H.T.N háo hức chuẩn bị, trang trí để đón học sinh vào năm học mới thì không may cô bị bỏng toàn thân do quả bóng bay phát nổ.

“Sáng hôm đó, tôi cùng đồng nghiệp trang trí để chiều tổ chức khai giảng cho các em học sinh. Trường tôi có chuẩn bị một quả bóng bay cỡ đại được bơm bằng khí Hydro, to gần bằng chiếc xe ô tô con. Nhưng chưa kịp mang quả bóng đó ra ngoài sân trường mà để dọc nó ở hành lang, khi quả bóng chạm vào trần mái tôn ở trường, cũng có thể do mái tôn quá nóng nên quả bóng bay lập tức phát nổ. Thời điểm đó tôi đứng ngay sát quả bóng nên đã hứng trọn. Vụ tai nạn đó chỉ diễn ra có vài phút nhưng ảnh hưởng cả cuộc đời tôi”, Trang nhớ lại ngày định mệnh.

Sau vụ nổ cô giáo mầm non bị bỏng toàn thân.

Khi quả bóng phát nổ, Trang bị bỏng toàn thân nhưng cô đã nhanh trí nhảy xuống bể bơi và sau đó lấy ngay vòi nước cạnh bể bơi của nhà trường xả thẳng vào mặt. “Đây cũng là điều khá may mắn với tôi hơn những bạn khác nếu bị bỏng. Vì xử lý được nên khuôn mặt của tôi không bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ cánh tay và đôi chân của tôi bị bỏng nặng. Ngay sau đó tôi được đưa đến bệnh viện đa khoa Thái Nguyên băng bó rồi chuyển xuống Viện Bỏng quốc gia để điều trị.

Từ khi xuống Viện Bỏng quốc gia Trang phải nằm điều trị một tháng ở phòng cấp cứu và 10 ngày ở phòng phục hồi chức năng. Những ngày đầu tiên, cô phải lột hết da bỏng, mái tóc dài Trang vốn yêu thích nhưng giờ bắt buộc phải cạo trọc để bôi thuốc tránh viêm nhiễm. Một tháng cô phải phẫu thuật 3 lần để thay da, lấy da ở những phần lành đắp vào những chỗ bị thương.

Những ngón tay biết múa ngày nào giờ không còn được như xưa nữa.

“Thời điểm đó tôi đau đớn cả về tinh thần và thể xác. Nhiều lúc tôi nằm bất động như một cái xác vô hồn và mong mình đừng bao giờ tỉnh lại nữa. Bởi, tôi khóc cũng không thể lấy tay lau nước mắt, đôi tay tôi đã không còn lành lặn và phải treo lên cao.

Đến khi tôi bắt đầu tập đi, giống như những bước đi đầu đời sau khi từ cõi chết trở về, nhưng nó xót xa, cay nghiệt quá. Tôi không ngủ được vì đau đớn, vì những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Mỗi bữa cơm của tôi đều chan nước mắt. Tôi khóc ròng rã, trong mơ nước mắt tôi cũng lăn dài”, Trang nghẹn ngào kể.

“Nghĩ thì đơn giản chỉ là một quả bóng trang trí bình thường. Nhưng khi là một nạn nhân mới thấy nó thật kinh khủng, chưa một giây phút giây nào tôi quên được cảnh tượng vụ nổ kinh hoàng và ám ảnh đó. Mong mọi người từ câu chuyện của mình sẽ cẩn thận hơn với bóng bay hydro nhé”, Trang chia sẻ.

Lý Thị Đài Trang

Khao khát được nghe tiếng trẻ nhỏ ê a

Ngày đầu từ viện trở về nhà, Trang hụt hẫng khi nhớ lại khung cảnh kinh hoàng và “cảm giác bỏng rát thấu xương” của vài tháng trước. Thế nhưng, chuỗi ngày đáng sợ cũng bắt đầu từ đây. Cô phải gào thét thật lớn để quên đi sự đau đớn khi các vết thương do bỏng co rút lại. Nhiều lần, cô thấy máu chảy dưới chân hóa ra các vết sẹo căng rách ra. Đôi tay thon, nhỏ gọn ngày nào có thể dạy múa cho học sinh giờ biến chứng co quắp lại.

“Quãng thời gian đó tôi không dám soi gương, thậm chí không dám nhìn xuống đôi tay của tôi. Tôi bất lực và chán ghét cơ thể. Tôi nghĩ, nếu chết đi thì mọi sự đau đớn đã không còn nữa. Chết là giải thoát. Nhưng rồi, tôi nghĩ đến gia đình, đến mẹ và em gái đã ngày đêm chăm sóc tôi. Tôi buông bỏ ý nghĩ ấy, 2 năm sau tai nạn tôi đã mạnh hơn để có thể đi lại và sinh hoạt bình thường”, Trang bộc bạch.

Ngày đầu có thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình, việc đầu tiên Trang làm là đến trường để thăm học trò của mình, được nghe tiếng trẻ e a và nụ cười giòn tan trên khuôn mặt các em. Nhưng trái tim cô như mũi cả ngàn mũi dao đâm thấu khi học trò chỉ đứng từ xa nhìn cô. Giây phút ấy cô chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà, giấu mình vào một góc để khóc lớn. Cô có lỗi gì mà cuộc đời lại đẩy cô đến đường cùng? Còn lối thoát nào cho một người cơ thể như tàn phế không?

Trang đã mạnh mẽ, lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Những câu hỏi đó luôn day dứt trong tâm can cô khiến cô quyết thay đổi mọi thứ. Bằng sự nỗ lực của chính bản thân, cô lấy lại nụ cười và sự tự tin trước đây. Cô không chọn con đường cũ – đi dạy học mà cô chuyển sang bán hàng online. Cô phẫu thuật thẩm mỹ tay để các ngón tay có thể tách nhau ra, cử động dễ dàng hơn. Hàng ngày, cô phải uống thuốc giảm đau “thay cơm”.

“Gần 4 năm trôi qua rồi, giờ cũng chuẩn bị khai giảng cho năm học mới, tôi cũng nhớ trường, nhớ lớp nhưng chân tay như vậy làm sao đi dạy được nữa. Vì thế, tôi học bán hàng online, đây cũng là cơ hội để tôi có nhiều mối quan hệ hơn và tự tin giao tiếp với mọi người. Tôi đã lấy gia đình và bạn bè làm thăng bằng và chỗ dựa tinh thần.

Bố mẹ luôn ở bên an ủi, động viên và khích lệ con đường tôi chọn. Nói thật, tai nạn đó không ảnh hưởng đơn giản như mọi người nhìn vào đâu. Biến chứng sức khỏe chỉ có mình tôi biết và chịu đựng, đến bây giờ tôi cũng không thể đứng được khoảng 5 phút nhưng tôi đã đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi chuyện”, Trang cho biết.

Nói đến đây, cô rẽ mái tóc, soi mình trong gương cô nói mình đã cố gắng và bắt đầu từ chính những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể. Cuộc đời đã thử thách Trang quá nhiều nhưng cô không còn than trách hay oán hờn. Bởi cô biết, sau mỗi khó khăn cô sẽ trưởng thành hơn gấp bội

M.T