‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’

‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’

Chủ nhật, 30/04/2017 | 07:04
0
Dù đang sống nhưng linh cảm trước điều không hay, người lính trẻ Lê Văn Huỳnh đã viết thư và nhắn nhủ với người vợ mới cưới: ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về...'

Về với Thành cổ Quảng Trị dịp cuối tháng 4, khi cả nước đang trong không khí kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông (30/4/1975 - 30/4/2017), không khó để bắt gặp hình ảnh cựu binh đang lặng lẽ đứng nhìn các kỷ vật của đồng đội; nữ cựu thanh niên xung phong lau vội giọt nước mắt trước lời thuyết minh của hướng dẫn viên về quá khứ bi hùng đầy đau thương nơi vùng đất lửa.

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’

 

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 2).

 Thành cổ Quảng Trị những ngày cuối tháng 4.

81 ngày đêm - mùa hè đổ lửa năm 1972, biết bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng của Thành cổ. Nơi ấy, giờ đây như một “bảo tàng chiến tranh” không chỉ với các chứng tích về những đoạn tường thành đổ nát, ghi dấu sự khốc liệt của bom đạn mà còn lưu giữ hàng trăm kỷ vật có giá trị lịch sử, nhân văn của những người chiến sỹ nguyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 3).

 

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 4).

 Một số hình ảnh đang được trưng bày trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

Mỗi kỷ vật được lưu giữ là một câu chuyện về hành trang, về cuộc đời của mỗi người lính từng tham gia cuộc chiến bảo vệ mảnh đất này. Trong hàng trăm kỷ vật đó, có lẽ bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, khiến nhiều người xem, người nghe xúc động nhất.

Liệt sỹ Huỳnh trước khi lên đường nhập ngũ là sinh viên năm thứ 4 khoa Xây dựng, khóa 13 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bức thư được anh viết vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của chiến tranh đang vào lúc cao trào. Đó là ngày 11/9/1972, trước ngày anh hi sinh 3 tháng 20 ngày (2/1/1973).

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 5).

 Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh thu hút nhiều người.

Bức thư viết vội ấy mang biết bao nỗi niềm, tâm tư của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới được 7 ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con hàng xóm, láng giềng nơi quê nhà.

Trong nội dung bức thư, người lính Lê Văn Huỳnh dường như dự đoán được sự ra đi của mình nên đã viết lời dặn dò đến những người mà anh yêu thương nhất.

Mở đầu thư, anh đã linh cảm điều chẳng lành: “Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột…”.

Tiếp đó là những lời trăn trở của một người con trai út được mẹ già nuôi nấng lớn khôn tuy nhiên chưa một ngày đền đáp công ơn đã vội lên đường nhập ngũ.

Đọc đến đoạn anh động viên mẹ già gác lại những đau thương, cùng hi vọng vào ngày chiến thắng, nhiều người không khỏi xót xa: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 6).

 Trang đầu bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh.

Không chỉ gửi đến mẹ lời biết ơn về công dưỡng dục sinh thành, trong thư anh còn dành cho người vợ mới cưới 7 ngày những lời yêu thương dạt dào tình cảm, cùng với sự tiếc nuối khi để vợ sớm chịu đựng “nỗi buồn nhất” và là “nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời”.

Theo lời thư, dù biết mình sẽ hi sinh nhưng anh không ích kỷ giữ mãi tình yêu cho riêng mình mà vẫn khuyên vợ “nếu có điều kiện thì đi thêm bước nữa”, chỉ cần “hằng năm, vào ngày này, em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ đến anh”.

Đặc biệt, nội dung bức thư có đoạn nhắn nhủ cùng lời hướng dẫn: “Ngày hòa bình, em hãy vào Nam đưa hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hi sinh khi đưa hàng sang sông. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng. Về đấy, tìm sẽ thấy mộ anh ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

Theo lời người hướng dẫn viên tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, nhờ sự chỉ dẫn đó, vào năm 2002, chị Đặng Thị Xơ (vợ liệt sỹ Huỳnh) và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ của anh. Những lời trong bức thư đúng đến kỳ lạ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều 1. Tuy nhiên, hai thôn này lại nằm cạnh nhau.

Xã hội - ‘Ngày hòa bình, hãy vào Nam đưa hài cốt anh về…’ (Hình 7).

 Một số di vật của người lính tham gia cuộc chiến bảo vệ Thành cổ.

Người hướng dẫn viên cũng cho biết, chị Đặng Thị Xơ, người vợ mới cưới 7 ngày của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, từ ngày nghe tin chồng mất đã không nghe theo lời anh “đi thêm bước nữa” mà vẫn đằng đẵng thờ chồng suốt bao nhiêu năm.

Cuối thư, dòng cảm xúc của người lính trẻ Lê Văn Huỳnh kết thúc bằng lời chào tạm biệt nhẹ nhàng và dòng dự đoán ngày mình hi sinh khi bản thân vẫn đang còn sống, đã khiến nhiều du khách không cầm được nước mắt: “Thôi con đi đây, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương. H đã hi sinh ngày 2/1/1973 (tức ngày 28/11/1972, Âm lịch). Con của gia đình”.

Một bạn trẻ quê ở Hà Tĩnh, hiện đang là sinh viên của một trường Đại học ở Huế đi cùng đoàn tham quan chia sẻ: “Đọc xong 10 trang thư của liệt sỹ Huỳnh, dù không hề có bất kỳ hình ảnh nào miêu tả về súng mìn, bom đạn, máu me nhưng qua những lời nhắn nhủ của anh, em cũng có thể hình dung ra sự khốc liệt của chiến trường bấy giờ. Thật đáng khâm phục khi dù biết trước mình sẽ hi sinh nhưng những người lính ấy vẫn kiên cường xung trận để mong nước nhà, non sông quy về một mối. Tinh thần, ý chí ấy, thật sự đã để lại dấu ấn sâu sắc trong bản thân những người trẻ như em…”

Thật đúng vậy, chiến tranh dù đã đi xa, máu xương các anh có thể đã hóa thành từng cây cỏ, thớ đất Thành cổ nhưng hình ảnh cùng ý chí của các anh vẫn còn mãi sống, khắc sâu trong lòng người ở lại:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió

Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng…”

Lê Kông