Nghệ An: Tết ấm áp nơi cơn lũ dữ đi qua

Anh Ngọc

Dù phải sống tạm trong những túp lều do nhà cửa đã bị cuốn trôi nhưng bà con vẫn cố gắng động viên, hỗ trợ nhau để có một cái Tết ấm áp nhất.

Đối diện khó khăn, vui vẻ đón Tết

Túp lều tạm của bà .

Chiều 30 Tết, bà Lô Thị Liên (SN 1960), trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lúi húi chuẩn bị mâm cơm thắp hương đêm Giao thừa trong túp lều tạm được che chắn bởi tấm bạt.

Bà nói, mặc dù còn đối diện với trăm nghìn khó khăn, song vẫn chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng. Bàn thờ của gia đình nằm ở góc giường, nơi kín đáo nhất. Mâm cỗ vẫn có hoa quả, rượu, gà luộc, xôi và không thể thiếu bánh chưng.

“Năm nay, toàn bộ tài sản bị lũ cuốn trôi hết nên tôi cũng không mua sắm gì nhiều. May mà vừa rồi bà con dân bản chung nhau mổ lợn rồi gói bánh để tặng những gia đình thiệt hại như tôi nên mới có bánh chưng”, bà Liên kể.

Chồng mất đã lâu, gia đình có 5 người con nhưng đều đã đi xa hết. Vì vậy, hiện bà đang sống cùng một người cháu nhỏ. Tết năm nay sẽ không buồn nếu như không xuất hiện cơn lũ quét vào đầu tháng 10/2022.

Ngôi nhà sàn của bà cạnh con suối Huồi Giảng. Vì vậy, chỉ trong tích tắc, lũ ống, lũ quét cuốn trôi toàn bộ tài sản trong nhà, còn ngôi nhà thì xiêu vẹo, không thể khắc phục được nữa.

“Tôi sống từng này tuổi rồi mà không ngờ được có cơn lũ quét khủng khiếp như vậy. Tôi và người cháu chỉ kịp chạy trốn khi thấy nước dâng lên, vì vậy toàn bộ tài sản và ngôi nhà đã bị cuốn trôi. May mắn là bà cháu không bị gì”, bà Liên thở dài.

Bà Liên nghe nói là chính quyền đang lập dự án xây dựng một khu tái định cư cho mọi người. Vì vậy, trong khi chờ đến nơi ở mới thì bà Liên được các con và người dân trong bản hỗ trợ làm cho căn lều tạm bằng cây tre và tấm bạt che nắng, che mưa.

“Vừa rồi có nhiều đoàn từ thiện đến hỗ trợ nên tôi cũng có chăn ấm để tránh buổi tối rét, có xoong nồi để nấu nướng hằng ngày. Vì vậy cơ bản cũng không thiếu thứ gì. Do sống tạm bợ nên hôm qua (28 Tết) tôi chỉ mua một ít nếp, thịt lợn để chuẩn bị Tết”, bà Liên tâm sự.

Mâm cỗ cuối năm của gia đình bà Liên vẫn đầy đủ gà luộc, bánh chưng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Moong Như Bình (1946), trú bản Hòa Sơn hiện đang trú trong túp lều tạm bợ rộng 60m2 bằng tre nứa và bạt. Ngôi nhà gỗ của gia đình ông cũng vừa bị lũ quét cuốn trôi hoàn toàn.

“Nhà tôi vừa dựng hồi tháng 6/2022, trị giá hơn 100 triệu. Thế mà chỉ ở mấy tháng thì xảy ra lũ quét. Vợ chồng, con cái chỉ kịp ôm nhau chạy lên núi và chứng kiến ngôi nhà bị lũ cuốn mà không thể làm gì được. Hiện, người dân và chính quyền giúp đỡ dựng cho gia đình tôi một túp lều để chui ra chui vào”, ông Bình nói.

Khác với nỗi lo lắng cách đây 2 tháng, tư tưởng của ông Bình giờ đã ổn định và thoải mái hơn, gương mặt hiện rõ niềm phấn khởi. Bởi dù năm nay ông phải đón Tết trong túp lều này nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm, cuộc sống gia đình đã tạm ổn trở lại.

“Qua đây, tôi vô cùng cảm ơn chính quyền và các nhà hảo tâm từ mọi miền Tổ quốc đã ủng hộ không chỉ riêng gia đình tôi mà toàn thể bà con xã Tà Cạ có được cuộc sống ổn định hơn như hôm nay”, ông Bình chia sẻ.

Dù còn khó khăn nhưng ông Bình vẫn suy nghĩ vui vẻ, chuẩn bị đón Tết.

Không để người dân thiếu đói dịp Tết

Ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho hay, từ trước đến nay, chưa bao giờ người dân trong bản đón một cái Tết có nhiều biến cố như năm nay. Do lũ quét nên nhiều hoàn cảnh gia đình phải đón Tết trong túp lều tạm bợ. Đến thời điểm này, trong bản có 22 gia đình sinh sống trong ngôi nhà tạm, lều tạm, 6 hộ ở nhờ nhà người thân và nhiều hộ thuê nhà để ở.

“Cuộc sống của những hộ dân này thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên, trong hoạn nạn thì luôn có nhau nên bà con trong bản đã chia nhau đến động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Trước thì dọn dẹp, sau thì hỗ trợ bằng vật chất nên đến thời điểm hiện nay cơ bản các gia đình đã có thể đón Tết”, ông Truyền nói.

Chính quyền và bộ đội biên phòng đến thăm hỏi các gia đình khó khăn trong Tết Nguyên đán.

Trưởng bản Hòa Sơn cho hay, để có thịt ăn Tết, bà con trong bản chung nhau mổ lợn, bò. Những con lợn đen địa phương do bà con nuôi lớn, nên thịt ngon. Một phần thịt lợn được dùng làm nhân bánh chưng, bánh tét, phần còn lại chế biến thành các món ăn ngày Tết.

Bắt đầu từ ngày 29 Tết, các gia đình tập trung gói bánh, đỏ lửa thâu đêm luộc bánh. Sau đó, vào sáng 30 Tết, thì mọi người mang đến các gia đình khó khăn, người già không có con cháu và những hộ bị lũ cuốn hết tài sản. Đây là món quà nhỏ nhưng vô cùng ấm áp của người dân vùng lũ.

Với sự giúp đỡ của các cấp ban ngành, người dân đã có cái Tết ấm cúng.

Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, trận lũ quét đã khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã khổ nay còn khốn khó hơn gấp bội. Vì vậy, với phương châm ai cũng có cái Tết vui vầy, đầm ấm, huyện chỉ đạo các cấp, ngành nắm bắt tình hình đời sống của bà con, đặc biệt là người dân vùng thiệt hại bởi trận lũ ống, lũ quét vừa qua, nhằm kịp thời chia sẻ, động viên bà con khắc phục khó khăn, vui Xuân đón Tết.

“Dù có gia đình vẫn còn phải đi ở tạm, ở trọ nhưng hơn bao giờ hết họ không bao giờ bị đói ăn, thiếu mặc. Chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ để cho cuộc sống của người dân nơi đây tạm ổn định trở lại. Tết năm nay có thể không sung túc như năm trước nhưng vẫn đầy đủ, ấm no”, bà Quyên nói.

A.N