Nghe hơi thở của đất từ tận cùng trái tim

Nghe hơi thở của đất từ tận cùng trái tim

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Chị từng nói nếu tách ra khỏi mảnh đất nơi sinh ra, chị sẽ không thể nào sống nổi.

Trong những năm vừa qua, Nguyễn Ngọc Tư đã chinh phục người đọc bởi bút pháp, nội dung câu chuyện cho đến những ngôn từ đậm chất dân dã của miền đất phương Nam Việt Nam, một cách viết không giống ai, độc đáo và cuốn hút, chân thực. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư - những ai chưa một lần đặt chân tới vùng đất này đều có thể khám phá và cảm nhận rất rõ về con người, thiên nhiên nơi đây. Người đọc không nhàm chán, có sức hút lạ kỳ ngay từ mạch đầu cho tới khi câu chuyện kết thúc.

Xã hội - Nghe hơi thở của đất từ tận cùng trái tim

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư rõ ràng đã tạo được một chỗ đứng cho mình. Nhiều người cho rằng cái độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư là sự chân chất mộc mạc tuôn ra từ mỗi truyện chị viết. Cái đầu tiên làm người đọc choáng váng, là nồng độ phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu bạn là người Nam, và nhất là nếu bạn đã xa quê hương lâu năm, thì chỉ những chữ mà Nguyễn Ngọc Tư dùng cũng đủ làm bạn sống lại những ngày thơ ấu xa xôi ấy.

Đọc truyện của chị, người đọc sẽ cảm nhận được chất Nam Bộ thể hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm. Cà Mau, đó là mảnh đất cuối trời quê hương, nơi mà nhiều người chỉ nghe nói tới, chứ chưa một lần đặt chân tới đã nuôi dưỡng cảm hứng cho chị.

Số lượng từ ngữ Nam Bộ được dùng trong tác phẩm của chị khá lớn. Đặc điểm này tạo nên ở truyện của chị một văn phong riêng mà nhiều người cảm thấy yêu thích. Trong các truyện của chị có rất nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ được chị sử dụng khá thích hợp, thậm chí có những từ dùng rất đắt. Với những loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: "mắm, đước, sú, bần, tràm, choại, quao, ô rô, dừa nước...", với những “vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt…” chằng chịt. Rồi những tên ấp, tên làng, tên chợ cũng đậm chất Nam Bộ: "xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Mút Cà Tha...".

Đó là những hoạt động, sinh hoạt: "bắn đạn, biên thư, biểu, búng thun, chào sân, coi kiếng, lặn đất, nhậu nhẹt, thiến heo, tợp,...". Đó là những trạng thái, tính chất: "bằn bặt, bịnh, buồn hiu, cà chớn, chảnh, lãng xẹt, lanh, lẫm lẫm, lỉnh lảng, rã gánh, rớt nhịp, sương sương, tạnh hột, xà quần, xỉn, xửng vửng...". Đó là những cách xưng gọi mang sắc thái Nam Bộ: "bây, má, tía, qua, chế, ý...". Đó là cách diễn đạt kiểu Nam Bộ: "bảnh thiệt, cà lơ phất phơ, cá chốt rỉa, coi giò coi cẳng, đã thiệt, mát trời ông địa, mắc mớ, mần chi, mừng húm, quá giang, vá chằng vá đụp...". Đó là những tình thái từ có màu sắc Nam Bộ: "hen, nghen, vậy ta, khỉ khô...".

Nhân vật trong tác phẩm của chị là những con người Nam Bộ với những cái tên cũng hết sức bình dị, chân chất, đặt tên theo thứ, và cách xưng gọi thứ kết hợp với tên: Hai, Ba, Tư, Chín, Út... Đó là những con người sinh sống bằng những ngành nghề cũng gắn liền với quê hương sông nước Nam Bộ, như: "nghề sông nước, nghề nuôi vịt chạy đồng, nghề theo gánh hát...". Đặc biệt, vùng đất và con người Nam Bộ trong các sáng tác của chị được dựng lại bằng chính chất liệu của nó là ngôn từ và văn phong nhiều chất Nam Bộ của chị.

Cái giỏi của Ngọc Tư là chị cứ thỏ thẻ với một lối văn phong dung dị, ngôn ngữ truyện cứ như được bê vào từ đời thường, câu chuyện ấy như thể mình là người được chứng kiến đủ điều từ đầu đến cuối và kể lại cho mọi người cùng nghe. Chị luôn giữ quan niệm, mảnh đất nơi mình sinh ra và trưởng thành như một chất men, chất xúc tác, nghe rõ từng hơi thở, nhịp đập của con tim, cho dù nơi ấy còn thiếu thốn, vất vả… nhưng là một gia tài lớn cho những ai biết khai thác nó.

Với chị, quê hương là chùm khế ngọt, là vựa lúa phì nhiêu cho mỗi con người lớn lên và trưởng thành và cũng chỉ có nó làm động lực cho chị viết nhiều hơn để khẳng định trái tim một văn sĩ. Phải cảm ơn mảnh đất nơi chị sinh ra, mà theo chị đã nhiều lần chiêm nghiệm rằng, nếu tách chị ra khỏi nó, chị sẽ không thể sống nổi.

Công Thư