Nghề “mông má” thương hiệu rồi nhượng quyền

Nghề “mông má” thương hiệu rồi nhượng quyền

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Lâu nay, mua bán, chuyển nhượng cho thuê bất động sản là nghề "hái" bộn tiền. Nắm bắt nhu cầu kinh doanh các mặt hàng "hút" khách, nhiều người đã "dựng" lên những quán "ảo", đầu tư chút đỉnh rồi nhăm nhe bán kiếm lời.

Kinh doanh tốt vẫn chuyển nhượng!?

Trong vai một người có nhu cầu mở quán ca-fe, tôi lân la lên mạng tìm kiếm thông tin. Nhan nhản những thông tin "Cho thuê quán ca- fe kinh doanh tốt, giá tốt nhất", "Cần sang hoặc cho thuê quán ca-fe đẹp, nghệ thuật", "đang có quán ca-fe đã đầu tư mọi thứ"... được đăng trên raovat123, muaban.com, muare.vn... Tuy nhiên, khi gọi điện đến số điện thoại được đăng trên những trang tin đó tôi đều nhận được câu trả lời: "Phải trả tiền trung gian" hoặc "quán đã sang nhượng, cho thuê...".

Quán cà phê là loại hình xuất hiện nhiều hiện tượng kinh doanh nhượng quyền ảo (Ảnh: Minh họa)

Một ngày cuối tháng 4, tôi được người quen mách nhỏ đến ngõ 62, đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) gặp chị Lê Thị H- chủ nhân của 2 quán ca- fe đang có nhu cầu chuyển nhượng. Theo quảng cáo của chị H: "Cửa hàng kinh doanh tốt, 4 tầng. Mọi thứ được đầu tư đầy đủ. Thuê nhà 22 triệu/tháng, giá chuyển nhượng 350 triệu". Tôi hỏi: "Đang kinh doanh tốt sao lại cho thuê lại?". Chị này ngập ngừng: "Tôi không có thời gian quản lý"...

Một lần khác, tôi tìm đến ngõ 35 phố Kim Mã (Hà Nội) để "mục sở thị" quán ca-fe được bà Lê Kim Th. quảng cáo là "kinh doanh đông khách nhất phố". Quán nhỏ, nằm lọt thỏm trong ngõ. Diện tích hơn 20m2 có một khoảng sân nhỏ. Giá mà bà Th đưa ra là 6 triệu/tháng/tiền thuê nhà, giá chuyển nhượng 110 triệu".

Anh Lê Minh Tân (công tác tại Đại học Thương Mại- Hà Nội) cho biết: Tôi có nhu cầu kinh doanh ca-fe kiếm thêm thu nhập. Hôm đó, dẫn tôi đến phố Đào Tấn là người đàn ông nhỏ thó, đen đúa đã giới thiệu cho tôi một quán ca- fe xinh xinh, nằm ngay dưới tầng, diện tích chừng 25m2.

Người đàn ông bảo: "Chủ nhân quán này đang công tác ở nước ngoài nên không có người trông nom. Giá chuyển nhượng 120 triệu, thuê nhà 10 triệu/tháng". Anh Tân cho hay, toàn bộ đồ đạc đã được đầu tư trong quán gồm một chiếc tivi 32 inch, 7 bộ bàn ghế và mấy bức ảnh cũ treo trên tường. Quán sơ sài và trống huếch. Anh Tân nhẩm tính, toàn bộ số đồ đạc đó cũng chỉ bằng 1/3 giá chuyển nhượng quyền kinh doanh vì thế anh chưa dám quyết ngay.

Sau một tuần, anh Tân liên lạc lại, ngỏ ý thuê quán thì được biết có một người phụ nữ quê Nam Định đã mua lại với giá 110 triệu đồng. Nhưng chưa đầy 1 tháng, quán này đã "cửa đóng then cài" vì không thể kinh doanh.

Không chỉ dừng lại ở việc chuyển nhượng quyền kinh doanh ca-fe mà nhan nhản các loại hình chuyển nhượng kinh doanh khác được "khai sinh".

Anh Nguyễn Thuận (Thành Công, Hà Nội) cho biết: "Đọc trên mạng, tôi biết được thông tin cần chuyển nhượng quán cơm tấm đang kinh doanh tốt, đông khách ở khu Nam Thăng Long. Diện tích 100m2, hợp đồng 3 năm, tiền nhà đã đóng trước 1 năm, vẫn còn 7 tháng và 3 năm hợp đồng. Giá chuyển nhượng 100 triệu đồng. Tôi đã gọi điện đến liên hệ gặp gỡ và bàn thảo về chuyển nhượng hợp đồng. Tuy nhiên, sau 3 lần thương thảo vẫn chưa có tiếng nói chung..." .

Những lý do mùi mẫn, “hái” ra tiền

Nắm bắt tâm lý của khách hàng có nhu cầu mở cửa hàng kinh doanh một mặt hàng nào đó như ca- fe, ăn uống... nhưng "ngại" đầu tư, nhiều người đã dựng lên chiêu "chuyển nhượng quyền kinh doanh" rất tinh vi. Nhiều người trong giới kinh doanh nhận xét, thời gian gần đây "bùng nổ kinh doanh nhượng quyền", không chỉ nhượng quyền kinh doanh quán ca- fe mà rất nhiều loại hình như: chuyển nhượng quán cơm tấm đang kinh doanh tốt, nhượng quyền kinh doanh quán bia, nhượng quyền kinh doanh quần áo trẻ em Việt Nam xuất khẩu, thậm chí nhượng quyền kinh doanh thương hiệu...

Chị Minh Tuyết (Kim Đồng, Hà Nội) - một người có thâm niên trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống với chuỗi cửa hàng lớn ở Hà Nội cho biết: "Chuyển nhượng quyền kinh doanh là một hình thức hay và tận dụng được những đầu tư ban đầu. Thực tế, có nhiều trường hợp chủ nhân của những quán đó rất tâm huyết với việc kinh doanh nhưng vì quá bận rộn không có thời gian quản lý nên nhượng lại là bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người và ngay cả các trung tâm môi giới đã dựng lên những quán có vẻ đang kinh doanh tốt để bán "ăn" chênh lệch. Nhiều khách hàng đến xem quán, thấy việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, hí hửng, đặt cọc mua lại nhưng thực chất đó là "thủ thuật" tạo tin cậy cho khách hàng vào công việc kinh doanh bằng những người thân tín hoặc thuê đội lâu la đến cho đủ chỗ ngồi. Tôi đã từng chứng kiến trường hợp một quán ăn nhưng đã qua 10 lần chuyển nhượng".

Theo tìm hiểu của PV, tất cả những thông tin được đăng tải trên các trang web rao vat, mua ban... đều đưa ra lý do chính đáng, mùi mẫn cho việc "đang kinh doanh tốt" mà vẫn chuyển nhượng là "bận công tác, về quê, đi nước ngoài... nên không có thời gian quản lý". Tuy nhiên, tất cả những lý do đó đều được dân chuyên "cò mồi", trung gian nhà đất "đẻ ra" cùng với việc "dựng" lên một quán kinh doanh "ảo".

Chị Trương Thị Hoa (khu tập thể Kim Liên, Hà Nội) cho biết: "Tôi mua quyền chuyển nhượng kinh doanh một cửa hàng quần áo nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh (trong ngõ) của chị Nguyễn Minh Ng. với giá 70 triệu (giá rao bán là 80 triệu). Giá thuê nhà 6 triệu đồng/tháng.

Sau một tháng khi mua lại quyền chuyển nhượng, tôi mới "ngã ngửa" khi biết quán này là quán "ảo" chưa từng hoạt động. Người phụ nữ tên Ng. thuê nhà nhưng chưa kinh doanh buôn bán gì. Chị này mua sắm ít đồ đạc, "dựng" lên cửa hàng kinh doanh quần áo và chuyển nhượng lại cho tôi. Toàn bộ giá trị đồ đạc chuyển nhượng cũng chỉ chừng 23-35 triệu đồng. Cứ ngỡ mua lại được quán với giá rẻ, ai ngờ tôi đã "ném tiền qua cửa sổ", bỏ 80 triệu mua lại đống đồ cũ".

N.Giang