Nghệ sĩ Cát Phượng: Với nghề, như bị bỏ bùa mê

Nghệ sĩ Cát Phượng: Với nghề, như bị bỏ bùa mê

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Tự nhận mình là kẻ mê nghề, khổ nghiệp để rồi đôi Sau nhiều năm gắn bó với nghệ thuật, đến nay, nữ diễn viên Cát Phượng là một trong những gương mặt được công chúng yêu mến và mong đợi trên sân khấu cả nước.

Khổ cực nhưng... có ý nghĩa

Ít ai biết rằng Cát Phượng học ở trường sân khấu vỏn vẹn một năm thì bị nhà trường ký giấy buộc thôi học. Chị từng có những tháng ngày phải bán máu, mua mì tôm ăn để chờ vai diễn. Nhưng sau một khoảng thời gian cố gắng, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, chị đã khiến không ít người phải sửng sốt khi mà thấm thoắt chị cũng đã có hơn hai mươi năm nằm gai nếm mật với nghề.

Sự kiện - Nghệ sĩ Cát Phượng: Với nghề, như bị bỏ bùa mê

Cát Phượng chuẩn bị trang điểm trước khi biểu diễn

Tôi bắt đầu câu chuyện với chị bằng câu hỏi, thật tâm liệu chị có hối hận khi chừng ấy năm phải chịu nhiều thăng trầm với nghiệp diễn. Không mảy may đắn đo suy nghĩ, chị nhìn thẳng tôi và trả lời luôn: "Càng ngày, mình càng nhận ra con đường mình đã chọn là hoàn toàn đúng. Những khổ cực ngày trước bây giờ bỗng trở nên vô cùng có ý nghĩa. Dẫu cho đó là nước mắt, là mồ hôi, thậm chí có cả máu nhưng đó chính là một phần đời không thể thiếu của mình. Cát Phượng luôn trân trọng giai đoạn khổ ải ngày đó.

Gia đình chị sống ở Bạc Liêu. Năm chị mười tám tuổi thì biến cố gia đình xảy ra. Gia đình chị nợ nần chồng chất dẫn đến phá sản. Chị theo cha đi Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Mê làm diễn viên, đọc báo thấy trường điện ảnh TP.HCM tuyển sinh hệ B, Cát Phượng liền đăng ký học mà không cần suy nghĩ.

Cái tính khí muốn là làm vốn dĩ đã có từ bé. Nhưng con đường bước vào nghệ thuật của chị lại đầy rẫy những khúc quanh. Lớp diễn viên hệ B ấy bị giải thể khi chưa đầy một năm theo học. Sau nhiều tháng long đong, năm 1990, chị đăng ký thi hệ A vào khoa diễn viên khóa 14 của trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là trường Đại học sân khấu điện ảnh TP.HCM). Cho đến bây giờ chị cũng không hiểu sao ngày đó mình lại đậu, lại được theo học nghề nghiệp mình đam mê. Nhưng gia đình chị khi ấy thì nghèo lắm, lúc nhỏ, chị phải vừa đi học vừa phụ mẹ buôn bán lặt vặt. Thành ra, đến khi lên Sài Gòn học ở trường sân khấu, dẫu được ở ký túc xá và được học bổng mỗi tháng gần 300 ngàn đồng nhưng Cát Phượng vẫn phải tự bươn chải trong cuộc sống.

Hàng ngày, chị vừa đi học vừa theo bạn bè trong trường đi làm, chạy sô khắp nơi, từ đóng vai quần chúng đến đi hát ở các tụ điểm. Ai kêu cái gì thì Cát Phượng làm cái nấy, miễn sao có tiền trang trải, lo toan cho cuộc sống. Thế nên, cũng vì mưu sinh mà chị phải bỏ nhiều giờ học, rồi chị bị nhà trường "xử lý".

Nhận quyết định bị buộc thôi học, Cát Phượng buồn lắm nhưng cố nén lại. Bạn bè thấy Cát Phượng lúc nào cười, cũng tỉnh rụi nên cứ nghĩ chị là người vô lo, vô nghĩ không ai biết mỗi đêm, chị vẫn khóc một mình vì thấy tương lai của bản thân mờ mịt quá. Cát Phượng không khỏi hụt hẫng, bởi thẳm sâu trong trái tim chị vẫn cứ đau đáu một ước mơ được theo nghề diễn mà chị có cảm giác như yêu nó hơn chính bản thân mình. Chị không muốn về quê hay tìm công việc gì khác. Rồi chị quyết định ở lại Sài Gòn để lập nghiệp. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của chị.

Sau bao long đong, lận đận, chị vẫn luôn có lòng tin vững chãi vào bản thân, biết mình mạnh gì, yếu gì. Chị luôn nghĩ tại mình chưa có cơ hội để phát huy khả năng nên cứ chờ, cứ đợi mà không bỏ cuộc. Và phải mất đến gần bảy năm, khi vai Út Đẹt trong vở Yêu thầy (sân khấu 5B) của chị ra mắt, lúc đó cái tên Cát Phượng mới được người ta biết đến. Từ đó, Cát Phượng không những được nhiều khán giả yêu thích vì những tiểu phẩm hài dí dỏm, vui tươi mà còn qua những vai diễn nội tâm của những số phận trớ trêu, éo le trong cuộc đời.

Sự kiện - Nghệ sĩ Cát Phượng: Với nghề, như bị bỏ bùa mê (Hình 2).

Cát Phượng trên sân khấu

Ưa sống thật

Có một điều mà cả những người trong nghề lẫn khán giả đều nhận ra rằng, dường như Cát Phượng luôn đưa nhân vật nhập vào tính cách của chị chứ không phải ngược lại như nghề đòi hỏi là diễn viên phải hóa thân vào nhân vật. Vì chị luôn cho rằng, mình là người ưa sống thật, từ trong cuộc đời lên tới sàn diễn. Dẫu cho người khác có thường hay nói chị diễn theo bản năng nhiều hơn kỹ thuật song Cát Phượng vẫn không thể làm khác vì mỗi lần nhập vai, chị cứ như lên đồng, coi nhân vật là máu thịt của mình.

Những năm sau này, Cát Phượng còn dựng vở để diễn. Trong vai trò là đạo diễn, Cát Phượng thể hiện mình là một người có tính quyết đoán và tin vào cảm nhận của mình, biết lắng nghe sự góp ý của mọi người. Chị thừa nhận: Khi làm việc với diễn viên, tôi rất nóng tính, thường thiếu sự bình tĩnh cần thiết nhưng tất cả cũng chỉ vì tôi muốn có được cái tốt nhất cho vở, cho diễn viên.

Hơn hai mươi năm sống trọn vẹn với nghề diễn viên, dường như Cát Phượng gánh chịu trên đôi vai sự khổ ải nhiều hơn những điều may mắn. Nhưng như là cái nghiệp đã vận vào thân, như bị… bùa mê, như một người tình chỉ chực làm khổ mình, như một đứa con mình phải đeo mang, không ít lần rớt nước mắt với nó nhưng chị vẫn không thể nào rời bỏ. Bởi trong muôn trùng cái khổ lụy đó, vẫn còn lấp lánh những niềm vui cho chị. Nghề diễn đã cho chị cảm giác được sống trong hạnh phúc, để mỗi khi ra đường, đi đến các tỉnh xa, khán giả nhận ra chị, đến nắm tay thăm hỏi chị. Đó chính là động lực để Cát Phượng tiếp tục đeo bám cái khổ của nghề.

Cát Phượng có một niềm tin mãnh liệt vào Phật pháp và tổ nghiệp của nghề. Cát Phượng quan niệm những gì chị đang có một phần do bản thân luôn biết nỗ lực, cố gắng khổ luyện, phần khác là còn do tổ nghiệp độ trì, chở che cho chị. Chị hay đi chùa để cầu bình an, sức khỏe, công việc cho gia đình và bản thân. Mỗi ngày, Cát Phượng đều dành một tiếng để tập yoga tại nhà, nửa tiếng vào buổi sáng và nửa tiếng trước khi đi ngủ. Với Cát Phượng, tập yoga điều độ mỗi ngày làm chị cảm thấy thanh thản và thư thái. Nhờ đó, Cát Phượng luôn có một tinh thần mạnh mẽ để chăm lo cho gia đình và có sức đi lưu diễn cũng như sáng tạo nghệ thuật.

Khi tôi hỏi về những dự định sắp tới, Cát Phượng chỉ cười bởi chị ít khi nói về những kế hoạch của mình, nhất là khi đã trải nghiệm nhiều sóng gió bão dông của cuộc đời dâu bể. Chị chỉ biết luôn luôn cố gắng để không phụ lòng mong mỏi thương yêu của khán giả đã dành cho mình trong ngần ấy năm theo nghề. Nhưng rồi, tôi cứ hỏi mãi thì chị cũng bật mí một xíu rằng sẽ tổ chức một liveshow vào năm sau. Còn từ giờ đến cuối năm thì cố gắng dựng được một đến hai vở kịch, bên cạnh việc đóng phim truyền hình. Kể vậy để thấy rằng, một nghệ sĩ như chị thấy đáng quý trọng khi rất cầu toàn cho công việc và quan niệm nói ít làm nhiều.

Nói về cuộc sống riêng tư, những đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình, Cát Phượng chia sẻ: "Tôi là một người phụ nữ khao khát yêu đương. Tôi có thể yêu hết lòng, sống hết mình vì người mình yêu. Tìm một người đàn ông yêu mình không khó, nhưng chấp nhận một người là khó lắm. Tôi chọn sống cô đơn với con thế này, mỗi tối chạy show tôi đi một mình, sáng đưa con đi học cũng một mình. Sau khi chia tay Thái Hòa, tài sản lớn nhất của tôi là con trai.

Xuân Tiến