Nghệ sĩ mù đào hoa và những chuyện tình ngang trái

Nghệ sĩ mù đào hoa và những chuyện tình ngang trái

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Nếu viết về sự đào hoa, đa tình của Văn Vượng, sẽ có nhiều người cho rằng tác giả bài viết đang cố tình thi vị hóa một nghệ sĩ. Nhưng quả là ông quá đào hoa, không đào hoa sao được khi ông nhẩm tính rằng, bàn tay ông không đủ để đếm về những người đàn bà trong cuộc đời mình.

Những sáng tác của Văn Vượng, dù có lời hay không lời đều man mác một nỗi buồn cố hữu. Chất tự sự ấy luôn dệt nên một thứ nhạc cảm đầy ám ảnh về một thế giới xa xăm, diệu vợi nào đó. Người nghe cứ nghe, cứ cảm nhận nhưng để nắm bắt và thấu hiểu thì không hề dễ dàng. Gần 60 năm ngập chìm trong bóng tối với đôi mắt mù lòa, sống thắc thỏm với những niềm vui, nỗi buồn, với những hạnh phúc và hụt hẫng yêu thương, dường như Văn Vượng đã trải lòng mình tận cùng trong âm nhạc.

Xã hội - Nghệ sĩ mù đào hoa và những chuyện tình ngang trái

Nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng

Am nhạc là sự cứu rỗi linh hồn

Tiếng đàn ghi ta của nghệ sĩ Văn Vượng đã thực sự làm lay động trái tim người nghe suốt mấy thế hệ qua. Có nhiều người tự hỏi rằng, điều gì đã làm nên sự mê hoặc trong tiếng đàn thánh thót, tinh tế và hào hoa của người đàn ông mù lòa ấy. Để rồi, nhắc đến ông, người ta không thể không thốt lên đầy ngỡ ngàng, ngạc nhiên về một tài năng thiên bẩm.

Những ngày này, nghệ sĩ Văn Vượng, bận rộn hơn với những cuộc phỏng vấn của báo chí. (Ông vừa được phong tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái, một giải thưởng tôn vinh những con người có nhiều cống hiến vì tình yêu Hà Nội). Dẫu vậy, vị nghệ sĩ đáng kính vẫn tỏ ra khỏe khoắn, niềm nở khi tiếp tôi trong căn nhà giản dị của khu tập thể cũ trên phố Tô Hiệu (Hà Nội). Giữa những ồn ào của xe cộ, của những thanh âm quen thuộc nơi nếp sống thành thị, câu chuyện của Văn Vượng vẫn tràn đầy dư vị tình người, tình đời.

Xã hội - Nghệ sĩ mù đào hoa và những chuyện tình ngang trái (Hình 2).

Văn Vượng vừa được tôn vinh ở giải thưởng Bùi Xuân Phái, một giải thưởng vì tình yêu Hà Nội

Gã nhạc sĩ mù đào hoa

Nếu viết về sự đào hoa, đa tình của Văn Vượng, sẽ có nhiều người cho rằng tác giả bài viết đang cố tình thi vị hóa một nghệ sĩ. Nhưng quả là ông quá đào hoa, không đào hoa sao được khi ông nhẩm tính rằng, bàn tay ông không đủ để đếm về những người đàn bà trong cuộc đời mình. "Thiếu họ làm sao tôi chơi ghi ta hay đến như thế được", Văn Vượng nói vậy, ông đưa cho tôi cuốn sách còn in dở dang những đoạn hồi ký của mình về các tình khúc. Đấy là những cảm xúc cháy bỏng trong nỗi nhớ, rất nghệ sĩ mà cũng rất con người.

Mối tình đầu của Văn Vượng chính là câu chuyện trong nhạc phẩm Hoàng hôn trên sông, được ông viết năm 1966. Ông hoài niệm cùng tôi, những dòng hoài niệm về chuyện tình đầu lãng mạn: "Nàng và tôi vốn là hàng xóm, cùng tuổi nên quen biết với nhau từ nhỏ. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên tôi nhận ra mùi hương hoa bưởi từ mái tóc của nàng. Mái tóc mà trong tưởng tượng của tôi nó phải mượt mà và đen nhánh như tóc của nàng Bạch Tuyết. Tôi bắt đầu nhớ nhung mùi hương ấy. Hình như nàng cũng thương tôi, mê tiếng đàn thô mộc mà bay bổng của chàng trai mù.

Nàng ghé thăm tôi mỗi ngày, ngồi lắng nghe những nốt nhạc của tôi như một lời tỏ tình, tâm sự. Tình đầu chỉ là sự vụng dại, run rẩy khi đôi bàn tay tìm thấy nhau. Có nàng, tiếng đàn của tôi như hay hơn, say mê và trầm bổng hơn. Nhưng rồi cha mẹ nàng ngăn cấm con gái họ đến với một chàng trai tật nguyền. Nàng dù thương tôi nhưng không vượt lên được những định kiến. Rồi nàng đi lấy chồng, năm đó chúng tôi vừa tròn 16. Ngày em sang sông, tôi đứng một mình lắng nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng từ nơi xa xăm, tiếng gió rì rào mơn man, tiếng lá rơi, xào xạc, dòng nước êm trôi nhè nhẹ.

Tôi hồi tưởng những kỷ niệm khó quên của những năm tháng ngày nào bên em. Nhạc phẩm Hoàng hôn trên sông được tôi viết vào một buổi chiều hè trên bờ sông vắng lặng, tại một miền quê thuộc tỉnh Hải Dương ngày 4/5/1966. Sau khi theo chồng không lâu, nàng đột ngột ra đi vì trọng bệnh. Sau này tôi được người bạn tặng một bức ảnh có hình của nàng. Dù không nhìn thấy nàng nhưng tôi vẫn trân trọng lồng vào khung rồi để lên bàn để gìn giữ một kỷ niệm. Thế mà nàng thiêng đến mức tìm về được nhà tôi, gọi tôi trong những giấc mơ mộng mị nhất...".

Xã hội - Nghệ sĩ mù đào hoa và những chuyện tình ngang trái (Hình 3).

Nghệ sĩ Văn Vượng giao lưu với khán giả trên sân khấu

"Nếu mối tình đầu ngây thơ và trong sáng bao nhiêu thì mối tình thứ hai lại chất chứa những day dứt, đau khổ bấy nhiêu. Tôi và em yêu nhau ròng rã 9 năm trời mà không thể đến được với nhau. Hồi đó, tôi đã lên Hà Nội sinh sống và làm việc. Em là chị gái của học trò do tôi dạy đàn. Tôi cảm mến ngay khi nghe giọng nói của em, giọng nói của một thiếu nữ Hà Nội, nhẹ nhàng và ngọt ngào đến lạ lùng. Nhưng trái với sự mềm mại của giọng nói, ban đầu, em lại lạnh lùng đến mức tàn nhẫn với tôi.

Lần thứ 2 trái tim tôi lỗi nhịp, cũng là lúc tôi nhận ra những sự phũ phàng trong cuộc đời của gã đàn ông không thể nhìn đời bằng đôi mắt giống như bao người khác. Mặc dù tỏ ra xa lánh, ghẻ lạnh nhưng tôi biết những lúc tôi dạy đàn cho em nàng, thì tôi cảm nhận nàng đang nghe trộm những tiếng đàn của tôi. Rồi tôi viết thư tình cho nàng, một bức, hai bức rồi ba, tưởng như không hy vọng có sự hồi âm thì một hôm nàng đến nhà tôi, ngỏ ý muốn được nhờ tôi dạy đàn. Chúng tôi bắt đầu yêu nhau từ giây phút ấy.

Dù không nhìn được nhưng tôi cảm nhận nàng bằng tất cả tâm hồn mình, bằng những yêu đương mặn nồng tôi gửi gắm vào âm nhạc. Tôi viết Đêm vắng, lúc 21h30' ngày 19/9/1971. Đó là giây phút xúc động khi tôi tiễn nàng ra ngõ để về nhà. Đêm Hà Nội ngày ấy tĩnh lặng lắm, nghe được cả tiếng lá rơi. Tôi lặng đi nín thở nghe tiếng guốc em xa dần, xa dần trong không gian đặc quánh sự im ắng. Dường như tất cả đều lặng im, chỉ có con tim tôi là thổn thức và loạn nhịp. Tình yêu của chúng tôi càng mãnh liệt hơn khi vấp phải sự ngăn cấm của gia đình. Bố mẹ nàng xuất thân đều là con nhà trâm anh nên tôi chẳng ngạc nhiên khi họ cấm con gái mình đến với tôi.

Dẫu vậy, tôi buồn lắm, chỉ muốn chết đi vì tủi nhục và cay đắng. Nhưng nàng vẫn yêu tôi say đắm và tình yêu ấy đã cứu rỗi linh hồn tôi ngày đó. Tôi mặc cảm vì thân phận mù lòa của mình nhưng tình yêu của nàng đã thắp lên cho tôi niềm tin để sống, để yêu và chơi đàn ghi ta. Mùa hè năm 1972, một buổi tối Hà Nội đón cơn mưa như trút nước nhưng hai đứa vẫn gặp nhau. Những cái hôn cháy bỏng như có lửa trên môi hai người dưới hiên nhà của một khu phố cổ.

Tôi cứ tưởng em như cánh chim đã vượt qua bao giông bão, mây ngàn để đến với tôi. Áo em ướt hết vì nước mưa khiến tôi chạnh lòng. Tôi muốn sưởi ấm cho em bằng hơi ấm của tình yêu. Rồi chúng tôi quyện lấy nhau, đốt cháy những vệt mưa trên áo em. Rồi cũng đến lúc em phải về, tôi bịn rịn chia tay em, lắng nghe bước chân em xa dần trong đêm rồi cầm đàn viết nhạc phẩm "Chờ em trong đêm mưa". Ngay buổi sáng hôm sau, một ngày nắng đẹp, tôi đến thăm và hát cho em nghe ca khúc này.

Rồi nàng ra trường và trở thành nữ bác sĩ. Xung quanh nàng có đầy các vệ tinh nhưng tình yêu nàng dành cho tôi vẫn trước sau như một, chân thành và mãnh liệt. Chỉ có một điều, nàng vẫn không chịu thưa với cha mẹ một lời về tình yêu ấy. Có một đêm tôi thấy lòng mình buồn vô hạn, thấy mình cô đơn không lối thoát, cứ tưởng như không thể vượt qua những tháng ngày xa vắng đến tuyệt vọng. Tôi đã viết "Một đêm buồn mong và nhớ": "Em đã hứa yêu tôi đến trọn đời dù bao năm tháng có dài lâu, dù bao ngăn cách trắc trở em vẫn chờ anh, đã 8 năm trôi qua rồi mà sao vẫn xa cách ngàn trùng".

Không đầu hàng số phận

Văn Vượng vốn sinh ra lành lặn như bao người khác. Bất hạnh ập xuống đầu khi ông lên 4 tuổi và mắc căn bệnh thủy đậu. Sự oan nghiệt của số phận, của chiến tranh, của những năm tháng bom đạn, cận kề cái chết đã cướp đi của ông đôi mắt. Nhưng không dừng lại ở sự tật nguyền, bằng niềm đam mê và khả năng thiên bẩm, ông đã đến với cây đàn ghi ta từ lúc mới 13 tuổi. Năm 16 tuổi, ông rời quê hương Hải Dương để lên Hà Nội, chính thức theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với chuyên môn ghi ta.

Đào Bích