Nghệ sĩ Ngô Đình Long: Lãng tử thi cầm cao thủ võ lâm

Nghệ sĩ Ngô Đình Long: Lãng tử thi cầm cao thủ võ lâm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Không chỉ sở hữu một chất giọng đặc biệt để ngâm diễn, Ngô Đình Long còn sáng tác, phổ nhạc cho thơ, dấn thân nghiệp diễn và là… một cao thủ trong làng võ miền Trung thập niên 70.

Nghệ sĩ diễn ngâm Ngô Đình Long sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo có 5 anh em tại Quảng Ngãi. Đình Long là con trai một và là anh cả trong nhà. Khi còn nhỏ, cha anh theo cách mạng, rồi tập kết ra Bắc để lại người vợ hiền và 5 con thơ. Mẹ con Long sống nương tựa, đùm bọc nhau vượt qua bao sóng gió. Được sống gần gũi bên người mẹ hiền, lại thường xuyên được mẹ ngâm thơ và hát cho nghe, chàng trai trẻ Ngô Đình Long đã sớm bộc lộ tài năng “thiên bẩm” diễn ngâm.

Xã hội - Nghệ sĩ Ngô Đình Long: Lãng tử thi cầm cao thủ võ lâm

Võ sư Ngô Đình Long

Lọt vào “mắt xanh” đại tá Ngụy vì tài ca hát

Long có biệt tài nhớ nhanh và nhớ lâu. Song, anh là người duy nhất trong gia đình sở hữu giọng ngâm ngọt ngào từ mẹ. Từ tiếng “Ầu ơi..” cho tới “Ví dặm…hò khoan…”, từ điệu “ngâm Bình Trị Thiên” đến “hò Huế”, mẹ đều truyền lại cho Long. Chỉ một lần nghe mẹ hát là Long đã có thể hát theo, rồi thuộc rất nhanh. Những khi mẹ vắng nhà, Long lại hát cho các em ăn, ngâm cho các em ngủ… Mẹ anh từng dạy: “Lối diễn ngâm cần nhất là phải hiểu bài thơ cặn kẽ, phải hội nhập tâm hồn vào ý, tình trong thơ như chính tâm sự của tác giả trong bài thơ đó. Khi luyến láy phải uyển chuyển nhưng vẫn giữ nguyên được âm vực, vần điệu của bài thơ”.

Lúc 15 tuổi, Long tình cờ gặp Kim Sang (một võ sư nổi danh Sài Gòn bấy giờ) và bái võ sư làm sư phụ. Dần dần, Long trở nên nức tiếng gần xa bởi ngoại hình đẹp trai và tài năng của mình. “Kẻ lãng tử” thông thạo “cầm, kỳ, thi, họa” đã khiến trái tim của biết bao nhiêu cô gái phải thổn thức, say mê. Long bắt đầu tham gia các buổi biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh nhưng với quy mô nhỏ. Với cây đàn guitar và giọng diễm ngâm mượt mà, anh đã chinh phục được cả Đại tá Sư Đoàn 2 của chế độ Việt Nam cộng hòa. Ngay lập tức, anh được “gọi” về tham gia huấn luyện, phục vụ âm nhạc cho Sư Đoàn 2.

Bắt buộc phải vào phục vụ cho quân đội Việt Nam cộng hòa, Long lo lắng đến mất ăn mất ngủ vài tháng trời vì bị đưa vào tình thế “cha – con hai đầu chiến tuyến”. Người mẹ hiền, nghe tin con sắp vào phục vụ cho quân Ngụy đã bao phen nấc nghẹn. Nhưng tình thế buộc bà chỉ biết đứng con ra đi, mong ngày sống sót trở về.

Xã hội - Nghệ sĩ Ngô Đình Long: Lãng tử thi cầm cao thủ võ lâm (Hình 2).

Nghệ sĩ Ngô Đình Long và bạn thơ

Khi đất nước chưa thống nhất, Long xin trở về lại quê hương để tham gia cuộc thi đấu võ thuật ở địa phương. Việc này bị tên Trung úy người Mỹ (lúc đó đang quản lí anh) phản đối và phỉ báng: “Mày là cái thằng nhạc công, biết chi về võ thuật mà thi đấu?”. Rồi hắn thách thức: “Nếu mày đánh thắng tao, tao sẽ cho về…!”. Không biết làm gì hơn vì cả thế và lực Long đều thua hắn, anh buộc phải cởi áo, quăng ra một bên, đấu trực tiếp (không thượng đài) với gã Trung úy người Mỹ cao to kia một trận. Sau hai hiệp giao đấu giằng co, viên Trung úy hụt hơi, thừa nhận Long “có căn bản về võ thuật” và cho phụ tá làm thủ tục đưa Long về quê.

Kể tiếp về đoạn đời, nghệ sĩ Ngô Đình Long bộc bạch: Khi đã thắng tên Trung úy, về quê, ông thấy mấy người hàng xóm bảo “Mày theo Ngụy là chết đó. Cha mày sắp về, chuẩn bị lo cầm súng theo cách mạng đi. Nhưng mẹ mình bảo “Mấy anh nằm vùng nói xạo đấy, bao nhiêu năm ông đi tin ngắn tin dài còn không có lấy một câu. Có khi là đã chết rồi. Ai ngờ, 4 tháng sau ông về thật. Sau mình nhận ra thế sự, nghe lời cha và mấy người hàng xóm “xuống tóc” đàng hoàng, cầm súng đi làm an ninh khu phố…”. Sau đó, Ngô Đình Long lập một võ quán ở quê nhà, huấn luyện các võ sĩ trẻ đi thi đấu khắp nơi. Môn sinh cả nam lẫn nữ đều gây tiếng vang khắp miền Trung.

Buồn vì ngày càng thiếu giọng ngâm trẻ

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Ngô Đình Long bắt đầu trở lại với đam mê ca hát của mình. Ông thú nhận: “Cuộc đời tôi dính liền với võ thuật và thơ ca. Đường duyên bắt gặp cái nào thì mình “chơi” cái đó…”. Sau những trở ngại của cuộc sống, Ngô Đình Long quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp. Cách đây 23 năm (1989), được sự ủng hộ của bạn bè, anh trở lại với con đường nghệ thuật của mình. Một mình với cây đàn guitar, anh tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn nhỏ tại Sài Gòn. Sau đó, trong một hội thi diễn ngâm tại Nhà Văn hóa Lao động TP. HCM do Đài Truyền hình TP tổ chức, Ngô Đình Long đã đoạt giải “khôi nguyên” với phần diễn ngâm của mình qua tác phẩm “Vườn xưa” của nhà thơ Tế Hanh. Sự kiện này như một cú “hích” để đông đảo những người yêu thơ cả nước biết đến danh tiếng của ông. Rồi anh theo cái nghiệp băng đĩa từ đó.

Sau giải “khôi nguyên”, ông xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền hình. Và có lẽ…đây cũng là nguồn động viên to lớn, thúc đẩy ông bước tiếp chặng đường nghệ thuật. Nghệ sĩ Ngô Đình Long tâm sự: “Đời người nghệ sĩ như con rối của cuộc đời. Cứ về tới nhà là đi, vợ con la miết nhưng vẫn phải đi. Đi để cống hiến với đời và trả ơn cho đời vì đã “dung nạp”, đồng điệu với tâm hồn mình…”

Dù biết mình đã bước vào tuổi lục tuần, nhưng nghệ sĩ diễn ngâm Ngô Đình Long vẫn vô tư như thời trai trẻ. Có lẽ, vì thế, dù đã có tuổi nhưng chất giọng của Ngô Đình Long vẫn mượt mà, mê hồn, nhất là khi ông đọc và ngâm những bài thơ về tình phụ tử, tình mẫu tử, tình yêu quê hương, đất nước.

Không chỉ ngâm thơ, Ngô Đình Long còn có giọng ca “nghe cũng được”. Anh thường “góp vui” mỗi khi bạn bè tụ họp. Nhưng có lẽ, phần trội hơn trong âm nhạc của ông là viết ca khúc từ các ý thơ. Khi được hỏi về sự giống và khác nhau giữa người nghệ sĩ trong sáng tác ca khúc và diễn ngâm, ông thổ lộ: “Nhạc sĩ và thơ đều có những tương đồng. Ca từ của nhiều ca khúc được nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ. Khi người nghệ sĩ diễn ngâm, thơ dường như đẹp hơn, sâu sắc hơn. Trong nhạc cũng vậy, ca từ sẽ sáng hơn, ý nghĩa hơn qua giọng ca của các ca sĩ…”

Xã hội - Nghệ sĩ Ngô Đình Long: Lãng tử thi cầm cao thủ võ lâm (Hình 3).

Nhà giáo Minh Châu – vợ nghệ sĩ Ngô Đình Long (ảnh chụp năm 1970)

Theo nghệ sĩ Ngô Đình Long, ngày nay vẫn còn có nhiều bạn trẻ yêu thơ. Trên văn đàn ngày càng nhiều thi sĩ trẻ xuất hiện với nhiều tác phẩm hay, nhưng lại thiếu đi rất nhiều giọng ngâm trẻ, làm cho thơ của chúng ta ít đến được với công chúng. Chính vì vậy, ông luôn trăn trở và mong sao, ngày càng có nhiều bạn trẻ dám dấn thân, mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu cách diễn ngâm. Có thể “đời sống thi ca” của chúng ta sẽ thú vị hơn rất nhiều. Nhưng rất tiếc là hiện nay, phần lớn người diễn ngâm là những người có tuổi. Tuy vậy, thỉnh thoảng, trên các phương tiện truyền thông gần đây cũng xuất hiện một vài giọng ngâm trẻ…Đấy cũng là tín hiệu đáng mừng.

Trong ông không chỉ có thơ và nhạc, mà còn có cả điện ảnh, võ thuật. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều vai diễn trong các bộ phim như: Đất phương Nam, Nỗi niềm của biển, Món nợ miền Đông, Hướng nghiệp...Khi được tôi hỏi: Âm nhạc, thơ, điện ảnh, võ thuật…đâu là nghề chính của ông? Ông cười hồn nhiên và bảo rằng: “Tất cả đều là niềm đam mê từ nhỏ đến bây giờ”. Đó là những “duyên nợ” vô bờ với nghệ thuật của Ngô Đình Long. Có lẽ, vì thế mà giờ đây, khi bóng chiều hoàng hôn của đời người đang dần buông xuống, bạn bè vẫn gọi nghệ sĩ Ngô Đình Long là chàng nghệ sĩ chân quê đa tài…

Song hành giữa võ và thơ

Nghệ sĩ Ngô Đình Long từng tham gia diễn ngâm tại Đài truyền hình Huế và Đài phát thanh Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Ông còn là một võ sư, từng là huấn luyện viên võ thuật tại các Trung tâm văn hóa ở quận 1 và 5 (TP HCM). Hiện tại, ông đang có kế hoạch mở lớp huấn luyện võ thuật tại quận Gò Vấp, đồng thời tiếp tục sản xuất âm nhạc trong vai trò người diễn ngâm. Hiện, ông vẫn là cộng tác viên về diễn ngâm của Đài phát thanh TP. HCM. Ông từng đoạt giải nhất ngâm thơ xuân 1989 của Đài truyền hình và Đài phát thanh tại Nhà Văn hóa Lao động TP. HCM. Giải đặc biệt giọng hát hay năm 1991 của quận 8, cùng rất nhiều ấn phẩm diễn ngâm đã xuất bản…

Đăng Văng - Hà Hưng