'Không có thứ tài năng nào bước ra từ truyền hình thực tế'

'Không có thứ tài năng nào bước ra từ truyền hình thực tế'

Thứ 6, 01/03/2013 | 16:07
0
Ông được xem là một trong những chứng nhân lịch sử của âm nhạc nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung trong hơn nửa thế kỷ. Ở tuổi 70, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Kiên vẫn miệt mài với đủ thứ công việc liên quan đến âm nhạc, từ giảng dạy đến nghiên cứu, viết lách. Ông nói, nếu không được làm việc và bận rộn như thế này thì... chóng chết lắm. Dường như ngoài việc xem âm nhạc là lẽ sống, với ông, đó còn là những đau đáu khi các giá trị của nó đang bị đảo lộn.

"Thần tượng" nhưng nốt nhạc bẻ đôi không biết

Thưa NSND Trung Kiên, dường như tuổi càng cao thì sức lao động và cống hiến cho nghệ thuật của ông càng mạnh mẽ. Ở tuổi này, với ông điều gì là quan trọng nhất?

Bây giờ tôi còn không có thời gian để để ý đến tuổi tác nữa. 75 hay 80 cứ để cho nó đến thôi. Điều mình quan tâm là xem mỗi một năm qua đi, mình đã làm được điều gì. Còn việc chính vẫn là chăm lo dạy dỗ cho hai đứa cháu. Ngoài ra còn có công tác giảng dạy, viết sách. Chừng đó thôi cũng đủ làm tôi bận rộn lắm rồi.

Vậy một năm vừa rồi, ông hài lòng với những gì mình đã làm chứ?

Cái riêng của cá nhân thì hài lòng nhưng cái chung thì tôi buồn lắm. Toàn bộ nền văn hoá nói chung đã và đang sa sút kinh khủng. Tôi lấy ví dụ về một cơ sở văn hoá cách đây 4 - 5 năm, lúc đó còn mới chuẩn bị được phong anh hùng nhưng bây giờ thì đã chạm đến đáy bùn đen rồi. Mà không chỉ riêng âm nhạc, nghệ thuật, thể thao của mình năm qua cũng chết đứ đừ.

Nhân vật - 'Không có thứ tài năng nào bước ra từ truyền hình thực tế'

Theo ông nguyên nhân sâu xa của sự xuống dốc này là do đâu?

Với kinh nghiệm của một người vừa nghiên cứu, vừa quản lý văn hoá, tôi chỉ nói đơn giản thế này, làm cái gì cũng thế, dù to hay nhỏ thì anh cũng phải hiểu và say mê việc đó. Cảm giác của tôi là những người làm văn hoá hiện nay vừa không biết, vừa không say mê. Người làm văn hoá phải là một chính khách, một nhà nghiên cứu về văn hoá, phải hiểu biết và có kiến thức sâu rộng. Người ta nói, cả nước có 17, 18 bộ thì chỉ cần từng đó ông bộ trưởng. Nhưng trong mỗi bộ đó nhất định phải có 17, 18 ông bộ trưởng văn hoá. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của văn hoá trong mỗi bộ ngành. Xây dựng hay kiến trúc, kinh tế, nếu thiếu văn hoá nghĩa là thiếu đi hồn cốt, nghĩa là không thành hình. Ngay như giao thông của chúng ta, người nước ngoài sang Việt Nam nhìn văn hoá giao thông là người ta hiểu văn hoá nước mình thế nào.

Một năm qua, khó có thể phủ nhận nỗ lực của các nhà quản lý văn hoá. Nhưng tình trạng di tích lịch sử bị xâm hại, âm nhạc biến thái, sự giải trí phù phiếm lên ngôi. Vậy chúng ta đã sai ở chỗ nào, thưa ông?

Cái sai là chúng ta chưa biết đầu tư đúng chỗ. Mới đây, tôi có nghe đến kế hoạch xây dựng các chế tài văn hoá của Chính phủ, trong đó có việc xây dựng một nhà hát giao hưởng Opera với quy mô hoành tráng. Trước hết, theo quan điểm riêng, tôi cho rằng đây là việc đáng quý. Nhưng nó chưa hợp lý với hoàn cảnh và điều kiện hiện nay của chúng ta. Bởi nhìn rộng ra, nội thành làm gì còn đất để xây dựng. Chỉ còn một cách là ra ngoại ô cách trung tâm Hà Nội 40, 50 cây số thì ai người ta đi xem.

Hơn nữa, với dân trí và thẩm mỹ nghe nhạc hiện nay, lấy đâu ra mấy ngàn người Việt Nam bỏ tiền mua vé để nghe nhạc thính phòng? Xây nhà hát thì quý thật nhưng cái quan trọng và cấp bách bây giờ là xây dựng con người làm nghệ thuật. Thử hỏi con số những cơ quan nghệ thuật Nhà nước hiện nay có thể nuôi sống nghệ sĩ là bao nhiêu? Để thành một nghệ sĩ piano, violon thực sự, người ta phải mất 15 - 20 năm. Vậy mà mức lương Nhà nước trả cho họ chưa đến 2 triệu một tháng. Một con số vô lý như thế thử hỏi làm sao người ta sống được? Vậy thì thay vì bỏ ra hàng nghìn tỷ để xây nhà hát, hãy bỏ từng đó tiền để đầu tư cho con người. Điều này không hề dễ đâu.

Nhân vật - 'Không có thứ tài năng nào bước ra từ truyền hình thực tế' (Hình 2).

NSND Trung Kiên trong buổi ra mắt album của học trò.

Thanh Lam không phải là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam

Theo ông đã có những câu chuyện đáng buồn trong cách nhìn nhận, đánh giá tài năng âm nhạc thực sự?

Tôi kể với bạn một câu chuyện như thế này. Năm vừa rồi, thằng cháu nội của tôi đoạt giải nhất cuộc thi về Piano chuyên nghiệp dành cho lứa tuổi trung học tại Ý. Toàn bộ việc đi thi đều hoàn toàn do gia đình bỏ tiền túi. Cuối năm, nhà trường có đề xuất khen thưởng với số tiền tương ứng 3 hay 4 triệu đồng gì đó. Nhưng ông chủ tịch công đoàn không đồng ý vì cho rằng, tại sao lại có một khoản tiền thưởng dành cho học sinh ngang bằng với số tiền đi thăm người ốm. Thế đấy, chúng ta cứ tự hỏi vì sao những thứ giải trí, phù phiếm lên ngôi. Vì những tài năng thực sự đang bị coi thường và rẻ rúng đến thế. Đáng buồn thay, vẫn còn có quá nhiều kẻ thiếu hiểu biết lại đang làm cái công việc của một người cần hiểu biết để nhìn nhận và đánh giá.

Dường như sự phiến diện của một bộ phận lớn trong công chúng đã bóp méo và làm đảo lộn các giá trị nghệ thuật, âm nhạc?

Không thể đổ lỗi hết cho công chúng bởi sự sai lệch này là đồng bộ chứ không chỉ riêng ở một bộ phận khán giả. Truyền hình hay báo chí  là những người góp phần định hướng công chúng nhưng lại chạy theo những thứ giải trí, vui vẻ diêm dúa. Bao nhiêu Idol, The Voice, Vietnams got talent,  đều tranh nhau phát sóng giờ vàng. Trong khi những chương trình âm nhạc thính phòng đỉnh cao lại bị vứt vào một cái khung giờ không mấy người xem, hoặc là vào đêm khuya muộn, hoặc là lúc sáng tinh mơ chưa ai dậy.

Con trai ông, nhạc sĩ Quốc Trung là một trong những vị giám khảo của Việt Nam Idol. Những nhận định này của ông có thảnh hưởng đến anh ấy không?

Quốc Trung hiểu bản thân mình đang làm gì chứ. Trung cũng nói công khai rằng, miệt mài thu âm làm đĩa chẳng được bao tiền nhưng chỉ cần ngồi ghế nóng, nói dăm ba câu trên sân khấu Idol lại có thu nhập khủng. Hiện trạng văn hoá Việt Nam buộc nghệ sĩ cũng phải tính cách mà mưu sinh, nếu không thì chết đói. Học trò của tôi có rất nhiều người tài năng. Nhưng họ khó có thể trụ vững trong môi trường Nhà nước bởi đơn giản mức lương bèo bọt không thể đủ để lo toan cuộc sống. Ca sĩ Trọng Tấn, người đang theo học bằng tiến sĩ, có lần tâm sự rất thật với tôi: Chỉ mỗi bài Tiếng đàn bầu, cũng đủ cho em mua xe, xây nhà. Nhưng được việc này thì phải hi sinh việc kia. Tôi hiểu và không bao giờ dám trách học trò của mình. Cơm áo không đùa với khách thơ. Nhưng còn một chữ tâm với nghệ thuật thì không còn cách gì khác ngoài việc anh phải không ngừng học tập và trau dồi kiến thức.

Cậu bé Đăng Quang, cháu nội của ông, con trai của nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam được xem là sự kỳ vọng và là niềm tự hào của cả nhà. Ông đã làm gì để chi phối sảnh hưởng của mẹ Thanh Lam và bố Quốc Trung để định hướng câu bé theo một con đường khác, đó là trở thành một nghệ sĩ piano tầm cỡ quốc tế?

Đăng Quang rất thần tượng mẹ. Nhưng tôi thẳng thắn nói với cháu rằng: Mẹ cháu không phải là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam đâu. Tôi tin niềm đam mê và sự định hướng tốt sẽ mang lại những hiệu quả cao trong âm nhạc.                 

Cái cốt lõi là văn hóa

NSND Trung Kiên cho rằng, xây nhà hát chỉ cần 10 năm nếu có đủ tiền. Còn với con người, để thành công, chúng ta phải mất gấp 2, 3 lần khoảng thời gian đó. Nhưng cái cốt lõi của văn hoá, của âm nhạc không phải là một cái nhà hát khang trang, lộng lẫy nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng. Mà là ở chính con người với tài năng đã được rèn luyện, gọt giũa.

Đào Bích

Yêu quá Ngọc Trinh những khoảnh khắc đời thường

Thứ 6, 01/03/2013 | 13:58
Những hình ảnh đời thường vô cùng đáng yêu và xinh xắn của Ngọc Trinh khác xa với vẻ sexy, gợi cảm khi diện những trang phục nội y.

Bắt gặp Midu mặc váy ngồi xổm trên đồi

Thứ 6, 01/03/2013 | 16:08
Trên phim trường Hit Hoàng tử và Lọ lem, iHay.vn đã vô tình bắt gặp Midu mặc váy nhưng lại... vô tư ngồi xổm.

Những điều chưa biết về cuộc đời danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Ngưỡng mộ danh tiếng cố trụ trì Viên Ngộ, trên đường chạy giặc từ thành Gia Định về Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã tìm đến chùa Tôn Thạnh làm nơi viết văn và họp bàn quốc sự cùng lãnh tụ các nghĩa quân chống giặc. Tại đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.