Bước ngoặt thành tài của nghệ sĩ Bùi Công Duy

Bước ngoặt thành tài của nghệ sĩ Bùi Công Duy

Thứ 3, 23/04/2013 | 16:58
0
"Bố tôi tuy làm giảng viên bên Nga, nhưng để lo cho tôi ăn học đầy đủ, bố tôi hàng ngày dậy từ 5h sáng dưới tiết trời băng giá, có khi xuống tới âm hàng chục độ để làm nghề lái taxi", nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, Bùi Công Duy được bố là nghệ sĩ tài năng Bùi Công Thành hướng nghiệp ngay từ nhỏ. Sự nghiêm khắc của bố là những định hướng rõ nét cho sự thành công của anh trong ngày hôm nay. 

Nhân vật - Bước ngoặt thành tài của nghệ sĩ Bùi Công Duy

Nghệ sĩ Bùi Công Duy

 

Phải có cảm giác và cảm nhận tốt

Sinh năm 1981, Bùi Công Duy biết tới cây đàn vĩ cầm từ khi mới lọt lòng. Anh bắt đầu học vĩ cầm từ khi lên 4 tuổi bởi sự dẫn dắt của người cha đầy tài năng Bùi Công Thành. Anh không có được tuổi thơ đầy ngọt ngào như những đứa trẻ khác nhưng thay vào đó là một sự định hướng tương lai hoàn toàn rõ nét và đầy cảm phục của người cha. Bùi Công Duy nhớ lại: "Khoảng thời gian từ 4 - 10 tuổi là khoảng thời gian mà vẫn còn ngây ngô, tinh nghịch của trẻ và hầu hết được bố mẹ hết mực lo lắng, cưng chiều. Nhưng với tôi thì khác, ngoài thời gian ăn, ngủ và khoảng thời gian ngắn nghỉ ngơi thì trong tay tôi lúc nào cũng có cây đàn. Những khi tập luyện một đoạn nhạc rất khó tưởng thành công rồi, để có thể được đi chơi nhưng ba tôi vẫn bắt tôi đàn lại. Sau này tôi mới thấy những lời cha dạy, cha ép chơi đi chơi lại mới thấy ông quả là một con người có tầm nhìn chiến lược. Đến bây giờ, tôi vẫn phải tập đi tập lại nhiều mới có cảm giác và nhận tốt, và để duy trì và phát triển hơn".

Bước ngoặt thành tài của nghệ sĩ Bùi Công Duy là từ khi anh lên 10 tuổi, anh được ba mẹ đưa sang Nga với nhiều hy vọng và niềm tin vào một tài năng đầy triển vọng. Nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ: "Bố tôi tuy làm giảng viên bên Nga, nhưng để lo cho tôi ăn học đầy đủ, bố tôi hàng ngày dậy từ 5h sáng dưới tiết trời băng giá, có khi xuống tới âm hàng chục độ để làm nghề lái taxi".

Và cũng bởi nước Nga là chiếc nôi nhạc cổ điển, của nghệ thuật, của tư duy và quy tụ nhiều tài năng cổ điển trên thế giới về đây như: Tchaikovsky, Rimsky-Korsakov, Stravinsky… Tại đây, tôi nhận được sự tận tình của những người thầy, là những người thầy tài năng, đáng kính và đầy nhiệt tâm. Những lần đi biểu diễn cùng với thầy, hình ảnh của người thầy giáo luôn quan tâm, lo lắng và hết lòng vì học trò, coi học sinh như là những người con đang phải đứng trước một sự kiện lớn. Thật ra, tôi cảm thấy thầy giáo như là một người cha, một người mẹ. Không biết ở Việt Nam thế nào, cũng có thể do tôi sống và học tập chủ yếu ở bên Nga nên tôi thấy những người thầy ở đây thật tuyệt vời".

Người thầy đầu tiên mà Bùi Công Duy không bao giờ quên là Kuzina, bà là người mang đến cho anh sự tin, tiếp sức cho anh thêm cố gắng, tạo cho anh một nền tảng vững chắc cho những bước đầu xa lạ bên xứ người. Bùi Công Duy tâm sự: "Tôi còn nhớ, hầu hết những buổi biểu diễn ban đầu để khẳng định bước đường của tôi, cô luôn cho tôi biểu diễn cùng để làm quen với sân khấu và khán giả. Những buổi biểu diễn ấy mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất, nhất là kỷ niệm khi phải bay qua rất nhiều nước, mất tới 40 giờ đồng hồ, bước xuống máy bay, về nhà nghỉ rồi mà người cứ lâng lâng, bay bổng…".

Để nâng cao và mở rộng bước tiến của mình, Bùi Công Duy tiếp tục được dìu dắt bởi giáo sư âm nhạc nổi tiếng Gvozdev. Ông là một nhà giáo mẫu mực, ông cảm phục tinh thần bất khuất của người Việt Nam và sự chăm chỉ, siêng năng và tinh thần say sưa học tập của Bùi Công Duy.

Sau sáu năm miệt mài khổ luyện, Bùi Công Duy đã có những bước tiến nhất định, anh tiếp tục theo học một người thầy nổi tiếng hơn, kinh nghiệm hơn. Bà là NSND Bochkova, một nghệ sĩ tài danh nức tiếng cả ở trong nước cũng như trên thế giới. Năm 1998, Bùi Công Duy tốt nghiệp hệ trung cấp và trở thành sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng ở Moskva. Anh tiếp tục theo học NSND Bochkova - người sau này hướng dẫn Duy làm luận án tiến sĩ năm 2005.

Một năm sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ thành công, Bùi Công Duy được dàn nhạc thính phòng lừng danh Virtuose Moscow mời vào làm việc, dưới sự chỉ đạo của V. Spivakov, anh trở thành thành viên người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử 24 năm của dàn nhạc dây danh tiếng thế giới này. Sau khi trực tiếp nghe Bùi Công Duy chơi đàn, nghệ sĩ Vladimir Sprvakov, người từng giành bốn giải thưởng lớn dành cho nghệ sĩ violon thế giới và là người sáng lập Dàn nhạc Vituous Moskva vào năm 1982 đã quyết định nhận anh vào dàn nhạc. "Chơi trong dàn nhạc Virtuous Moskva đòi hỏi các nhạc sĩ phải có trình độ cao. Dàn nhạc chỉ gồm hơn 20 thành viên, trong đó có nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Vladimir Sprvakov, Boris Garlitzky và Arkady Futer, và tất cả những nhạc công này đều đã đạt các giải thưởng quốc tế.  Dàn nhạc này luôn có chương trình biểu diễn dày đặc tại các nước trên thế giới", Bùi Công Duy cho biết.

Nhân vật - Bước ngoặt thành tài của nghệ sĩ Bùi Công Duy (Hình 2).

Bùi Công Duy và vợ là nghệ sĩ piano Trinh Hương

Không hối tiếc về con đường lựa chọn

Ngay cả đến bây giờ, anh vẫn không ngừng tập luyện để phát triển và mở rộng. Vì, mỗi một nước trên thế giới có những trường phái âm nhạc khác nhau, tư duy về tác phẩm cũng không tương đồng. Bùi Công Duy chia sẻ: "Cả tuổi trẻ tôi sống ở bên đó, chỉ học và luyện tập". Sau 14 năm học tập và rèn luyện, Bùi Công Duy đã trở thành một nghệ sĩ Violon danh tiếng ngay trên đất nước có nền âm nhạc lớn nhất thế giới và giàu bản sắc này.

Sau một năm khẳng định được vị thế của mình trong dàn nhạc Virtuous Moskva, nhưng Bùi Công Duy vẫn quyết định trở về quê hương Việt Nam yêu dấu, nơi anh được sinh ra nhưng không có một chút kỷ niệm gì của tuổi trẻ. Anh về nước năm 2007, với nhiều dự định đặt ra cho chính bản thân và cho cộng đồng yêu âm nhạc cổ điển của đất nước vẫn còn rất thiếu thốn này. Con đường của Bùi Công Duy là tự đặt ra con đường riêng cho mình, định hướng cho thế hệ trẻ và gọt giũa những tài năng mà họ không có điều kiện để phát triển, hay có điều kiện nhưng không có định hướng cho chính bản thân mình. Và chính sự trở về của anh là niềm vui, sự háo hức cho những thế hệ học sinh - sinh viên của học viện Âm nhạc quốc gia, là niềm tự hào và kỳ vọng của các thầy cô, giảng viên và giáo sư trong trường.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy tâm sự: "Tôi tin tưởng vào những cái chúng ta có thể đạt được, nhưng cũng phải nhìn vào thực tế. Để phát triển được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một mình cá nhân không thể làm được. Ngành âm nhạc cổ điển đòi hỏi sự dài hơi, ở Việt Nam nhiều em có khả năng, có tài nhưng lại không mấy em có đủ lòng kiên nhẫn theo đuổi con đường này. Nghệ thuật là phải hy sinh. Nghĩ lại, tôi đã hy sinh cả tuổi trẻ. Chẳng được mấy khi đi chơi cùng bạn bè, hàng ngày luôn gắn với cây đàn. Tập rất nhiều, hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Mình hy sinh nhưng nhận lại được rất nhiều. Tôi không bao giờ hối tiếc về con đường lựa chọn".

Từ khi về Việt Nam, anh là người mang tầm ảnh hưởng lớn nhất trong những buổi biểu diễn lớn, trang trọng nhất mà cần đến có cây đàn Violon của anh. Những buổi biểu diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới khi về Việt Nam biểu diễn cũng không thể thiếu Bùi Công Duy. Tiếng đàn của anh giờ đã chín, đã dày dặn và tinh tế với sự chú trọng đặc biệt anh dành cho tinh thần của tác phẩm. Tiếng đàn của Bùi Công Duy không còn là sự thể hiện của kĩ thuật cá nhân đơn thuần, mà còn là cái hồn của bản nhạc và sức sống riêng của nó.  Song song với việc tiếp tục là violinist hàng đầu trong nước, sự nghiệp giảng dạy của Bùi Công Duy còn đạt được những thành tựu đáng kể.          

NSND Bochkova (Nga) nhận xét: "Nếu gọi Duy là tài năng thì không có gì để phủ nhận, anh có cả năng khiếu và phẩm chất để trở thành một tài năng hiếm có. Hơn ai hết, Duy có cả tình yêu và khổ luyện là bởi tình yêu của Duy dành cho nó là rất lớn. Nhiều người nhìn thấy rõ sự yêu nghề của Duy. Duy yêu âm nhạc đến cuồng tín".

> Đời bất hạnh của một nam diễn viên

Hà Hưng

'Máu me' kinh doanh, nghệ sĩ mất tiền tỷ

Thứ 7, 20/04/2013 | 20:16
Nhiều nghệ sĩ “máu me” kinh doanh bỏ tiền ra làm ăn nghề tay trái. Song, vì một số lý do, họ đã vấp phải thất bại đau thương. Số tiền mất mát ít cũng vài tỷ, nhiều lên đến vài trăm tỷ đồng.

'Tôi chỉ là ‘nghệ sĩ nhân dân’ Văn Hiệp'

Thứ 6, 12/04/2013 | 16:01
Cả một đời “mua vui” cho thiên hạ, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn chưa được phong “chức tước” gì trong hoạt động nghệ thuật. Ông nói, mình chưa phải là nghệ sĩ ưu tú, nhưng bằng tình yêu mến của độc giả, ông nhận mình là “nghệ sĩ của nhân dân”.

Những nghệ sĩ Việt ồn ào chuyện cát-xê ‘khủng’

Thứ 6, 12/04/2013 | 09:47
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh... đều gây xôn xao dư luận khi mức cát-xê của họ được hé lộ.