“Nghệ thuật moi hầu bao”du khách ở Thái Lan

“Nghệ thuật moi hầu bao”du khách ở Thái Lan

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Trở về từ Thái Lan đã hơn nửa tháng, song “nghệ thuật” làm du lịch của người Thái vẫn khiến cho tôi phải suy ngẫm.

Ngoài cảm giác như là "toàn dân" họ làm du lịch thì phải kể đến những hình thức mà tất cả các điểm du lịch kết hợp mua sắm, quảng bá cho một sản phẩm cực bài bản đã khiến du khách không ngần ngại rút ví. Bên cạnh đó cũng có những "chiêu" làm tiền mà người đi du lịch Thái Lan nên biết để tránh không bị "điều khiển".

Thực dụng và... chơi đẹp

Một trong những việc rất đơn giản mà người dân Thái Lan làm du lịch đã áp dụng nhiều năm qua cho thấy họ làm du lịch và tính toán đến từng chi tiết. Ở tất cả mọi khâu, ngay sau khi du khách đặt chân lên đất Thái Lan, bắt đầu bước vào hành trình khám phá trên xứ sở Chùa Vàng, đồng nghĩa với việc có thể phải móc ví chi trả bất kỳ lúc nào, thời điểm nào.

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên ngoài một show diễn xiếc thú tại Thái Lan.

Dường như người Thái làm du lịch không phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên ban tặng, ngoài các danh lam thắng cảnh tự nhiên có sẵn, tất cả các điểm du lịch hút khách đều do bàn tay con người kiến tạo, từ cơ sở vật chất đến các dịch vụ giải trí. Có những địa điểm như Làng văn hóa Noong Noc rộng tới 8 ha, thì tất cả các loại hình từ dịch vụ, tới sân khấu, khu mua sắm đều do con người kiến tạo.

Điều kiện thiên nhiên chỉ là "mặt bằng" một cách thuần túy. Hay như công viên Safari World, đây có thể coi như là một "thiên đường" của các loại thú hoang dã được nuôi trong một vùng đất rộng mênh mông. Đi trên ôtô có muốn thăm thú, ngó nghiêng tất cả mặt bằng rộng của nó cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ chạy xe.

Thông tin về công viên này khá thú vị, là nó hoàn toàn do tư nhân bỏ tiền ra thiết kế, xây dựng và tổ chức vận hành. Ở đây có rất nhiều loại thú quý hiếm và lạ lùng là các con thú dường như quá quen thuộc với du khách, nên ôtô có đi sát chúng cũng chẳng buồn quan tâm, hay bỏ chạy.

Theo lời một người dân bản địa, Safari World đã xây dựng cách đây mấy chục năm, và thời điểm đó số tiền "rót" vào đây lên tới gần 100 triệu USD. Là vườn thú thiên nhiên, Safari World chia làm hai phần vườn thú thiên nhiên và vui chơi giải trí. Ở khu vui chơi giải trí liền kề du khách được thưởng thức các tiết mục biểu diễn của cá heo thông minh, xem hải cẩu làm xiếc...

Và ở bất kỳ một điểm du lịch nào của người Thái, có thể thấy 2 điều cực nổi bật là các tay máy ảnh "tác nghiệp" điêu luyện và một điều không liên quan đến "nghệ thuật" đó chính là... nhà vệ sinh. Ở góc độ nhiếp ảnh mà nói thì phải công nhận các tay máy này lấy góc độ và thần thái của du khách cực nhanh, bất kỳ ai đã đi Thái Lan trở về đều nhận thấy việc cứ tự nhiên chụp ảnh du khách, rồi sau đó in nhanh ra, gắn ảnh lên đĩa sứ, bát sứ hoặc các tấm bưu thiếp rồi khi du khách quay lại tự tìm ảnh, hoặc được đưa tận tay là cách làm đơn giản nhưng khá "độc" của người Thái.

Mỗi khoảnh khắc dừng chân vào một điểm du lịch là bạn đã "nằm trong tầm ngắm" của các phó nhòm. Điều này phản ánh tính thực dụng cao trong việc khai thác hầu bao của khách du lịch. Tuy nhiên, nó lại phản ánh một kiểu "chơi đẹp" khá thú vị, đó là lấy ảnh hay không là tùy bạn. Không một nơi nào du khách bị "ép" lấy chính những tấm hình của mình. Giá cho mỗi tấm ảnh gắn trên đĩa sứ, hoặc nhựa từ 100 baht (đơn vị tiền tệ của Thái, khoảng 70.000 đồng-PV) đến 150 baht.

Làm một phép tính đơn giản thì đi du lịch không ai tiếc tiền để giữ lại một kỷ niệm, ghi dấu ấn cá nhân, và thế là mỗi một điểm du lịch quân bình du khách mất gần 100 ngàn cho... 1 bức ảnh! Trộm nghĩ, cách này quá hay, nhưng đi du lịch ở ta, ít thấy các phó nháy nhà mình tính toán đến việc làm này.

Chỉ cần một nửa khách lấy ảnh là họ đã quá lãi. Bởi tinh ý sẽ nhận ra, bức ảnh đó chỉ là cắt, dán lên đĩa sứ, nhựa chứ không phải hình của bạn được in phun lên các sản phẩm này, nên nếu không lấy ảnh, thì ảnh đó sẽ được bóc ra và dán ảnh của du khách vào đĩa hoặc cốc sứ. Tưởng là nhỏ nhưng hãy hình dung, mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến các điểm du lịch thì riêng tiền ảnh đã nhiều đến cỡ nào?!

Một điều "nhỏ" nhưng không kém phần quan trọng mà các điểm du lịch ở Thái Lan đặc biệt chú trọng là... nhà vệ sinh. Gần như lúc nào trong nhà vệ sinh cũng có một lao công cần mẫn làm việc, ngay cả khi đang có người "trả lời tiếng gọi của tự nhiên". Việc làm hài lòng đến từng tiểu tiết khiến cho du khách luôn có ấn tượng mạnh mẽ về sự thực dụng nhưng cũng biết "chơi đẹp" của những người làm du lịch Thái Lan!

Đọc vị những chiêu “làm tiền” du khách

Lượng khách tới Thái Lan năm 1998 là 7,76 triệu lượt người với tổng doanh thu gần 250 tỷ baht (khoảng 6 tỷ USD). Năm 2008, con số này đã tăng gấp đôi, tới 14,5 triệu lượt người với doanh thu 540 tỷ baht (16,38 tỷ USD).

Vườn thú Safari với nhiều loại thú quý hiếm.

Còn năm 2010, do những bất ổn trong nước nên ngành du lịch bị thất thu lớn, nhưng theo tính toán năm 2010 nước này cũng đã đón gần 20 triệu lượt du khách. Năm nay, tuy chưa có con số tổng kết cụ thể nhưng theo tính toán là sẽ tăng, do các tour bị hủy năm 2010 vì sự bất ổn chính trị đã được khởi động lại và năm 2011 du khách lại ào ạt đổ về Thái Lan.

Một trong những cách làm đầy nghệ thuật có thể thấy ở Trại rắn nằm cách Thủ đô Bangkok chừng 20 km. Sau màn biểu diễn bắt rắn độc bằng mồm, du khách sẽ được đưa vào một phòng giới thiệu sản phẩm và được nhân viên ở đây hướng dẫn công năng của các loại thuốc làm từ nọc rắn.

Từ công dụng làm đẹp cho phụ nữ, có tác dụng giữ sắc xuân bền lâu, đến việc thanh độc giải độc cho đàn ông hay dùng bia rượu, tất tần tật các loại công năng đều được liệt kê khiến cho du khách không kém phần choáng váng bởi loại thuốc được quảng cáo như thần dược này. Tuy nhiên giá của các sản phẩm này không rẻ.

Một lọ bé bé xinh xinh đã có giá từ 2 đến 3,5 triệu đồng. Hầu hết những chiêu "quảng bá" này đều nhằm vào tâm lý của chị em là muốn mãi mãi tươi trẻ, nên hầu hết các quý bà đều vui vẻ dốc hầu bao. Điều đặc biệt nhất ở Trại rắn này chính là việc nhân viên tư vấn nói tiếng Việt sõi như một người Việt Nam thực thụ, nên nội dung họ truyền đạt đã thật sự đi vào lòng người. Người Thái phân chia ra từng đoàn du khách để phục vụ họ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ làm mát lòng mát dạ khách thập phương.

Hầu hết các đoàn khách Việt Nam sang Thái đều có một hướng dẫn viên người Việt đi kèm, nhưng khi sang nước sở tại, phải có hướng dẫn người bản địa thông thạo tiếng Việt. Từ đây mọi nhu cầu của khách đều do hướng dẫn bản địa điều phối. Và để "đọc vị" ra các trò "chăn khách" của họ không khó.

Ở mỗi địa điểm vui chơi, mua sắm, mỗi đoàn do hướng dẫn viên dẫn tới đều có một mã số riêng, mã số này để du khách vào tham quan, nhưng mặt khác nó chính mà mã số để mỗi khách mua hàng đều được đưa vào danh sách mua hàng của địa điểm đó, không lẫn với khách của đoàn khác. Cứ mỗi lần tôi đi cùng đoàn du khách vào một địa điểm mua sắm, thì hướng dẫn viên đi cùng luôn có những "thủ tục theo thông lệ" với người bán hàng.

Thậm chí khi ra đảo san hô ở Pattaya, tham gia trò chơi nhảy dù, hướng dẫn viên bản địa thu của khách 350 baht cho một lần bay, thì chỉ trả công khai cho người cung cấp dịch vụ có 100 baht. Việc "móc túi" công khai này chỉ là một trong những việc tôi tận mắt chứng kiến.

Thậm chí khi ra đảo ở Pattaya, hướng dẫn còn "hù" du khách về việc nếu không tuân theo hướng dẫn du khách rất có thể sẽ gặp... bất trắc, bị lừa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi bị "dọa", từ khi bước chân lên đảo, không ai bảo ai, du khách nhất nhất làm theo lời hướng dẫn viên! Đằng sau việc khép kín này là gì, ai cũng hiểu nhưng không dễ nói ra.

Đúc rút kinh nghiệm sang Thái Lan, ngoài việc phải tuân thủ nội quy đi theo đoàn, du khách có thể tự mình khám phá các trung tâm mua sắm, có thể trực tiếp đến các địa điểm này và tận hưởng cảm giác trên đất khách.

Và một phần không kém phần quan trọng là khi mua bán ở Thái Lan, bạn có thể mặc cả y như ở Việt Nam. Và "với những kinh nghiệm của người đi trước" như vậy, du khách có thể sàng lọc và vận dụng linh hoạt để ngoài việc có một chuyến du lịch sảng khoái còn có thể sử dụng hầu bao của mình một cách thông minh mà không lo bị chặt chém...

Quang Trung