Nghi án nữ chánh án bị sát hại rồi dựng hiện trường giả

Nghi án nữ chánh án bị sát hại rồi dựng hiện trường giả

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Bà M. chết trong tư thế miệng vẫn ngậm chặt vạt áo mưa đang mặc và bị dây chiếc áo lót quấn ngang cổ

Khoảng 6h30’ sáng 22/5, một người dân thôn 1, xã Liêm Chung (TP. Phủ Lý, Hà Nam) trên đường đi hái rau tình cờ phát hiện một xác chết cạnh ruộng lúa. Hoảng hốt, người này tiến lại gần và càng kinh hãi hơn khi nhận ra tử thi chính là bà Trần Thị M. (SN 1963), một người dân trong thôn. Bà M. chết trong tình trạng nằm ngửa trên bờ ruộng cạnh bụi tre, cách nghĩa trang xã Liêm Chung chừng 50m. Trên người nữ thẩm phán này có nhiều vết bầm tím, miệng ngậm chặt vạt áo mưa đang mặc. Điều đặc biệt, bà M. là một thẩm phán có uy tín ở TAND huyện Thanh Liêm, vừa nhậm chức Chánh án cách đây không lâu. Chính vì thế, cái chết có phần bí hiểm của bà M đã gây lên những luồng nhận định trái chiều trong dư luận.

Xã hội - Nghi án nữ chánh án bị sát hại rồi dựng hiện trường giả

Cụ Doanh chỉ cho PV hiện trường nơi phát hiện xác bà M.

Biểu hiện lạ lùng

Chúng tôi lên đường tìm về xã Liêm Chung (TP. Phủ Lý, Hà Nam) ít ngày sau khi tin tức về cái bất thường của nữ chánh án Trần Thị M. được phát đi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc cái chết bất ngờ của người đương chức, đứng cao nhất ở TAND của một huyện ngoài ruộng lúa đã dấy lên những nghi vấn trái chiều. Nó không chỉ là thông tin gói gọn trong dư luận địa phương mà đã nhanh chóng loang rộng ra khắp các khu vực lân cận. Khắp nơi trong tỉnh Hà Nam, đâu đâu cũng thấy người dân xì xào bàn tán về các tình tiết trong vụ việc đau lòng.

Ngay từ TP. Phủ Lý, biết chúng tôi là PV đến để tìm hiểu rõ hơn sự tình câu chuyện, nhiều người dân địa phương đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình quanh cái chết của bà M. Họ cho rằng, bà M. là một Chánh án có uy tín, được nhiều người dân nể phục, song trong quá trình xử án của mình, bà M. đã không ít lần va chạm với các đối tượng “rắn mặt”, thậm chí có cả các băng nhóm buôn bán “hàng nóng”, ma túy… Chính vì vậy, họ không loại trừ khả năng bà M chết do bị trả thù. “Tôi là người đứng suốt từ lúc phát hiện ra xác cô M. cho đến khi cơ quan công an đưa cô ấy lên viện để mổ tử thi. Tôi thấy cô M. miệng ngậm chặt vạt chiếc áo mưa đang mặc, cổ có bị quấn bởi chiếc áo lót và chân tay có nhiều vết bầm tím. Chúng tôi nghi ngờ rằng cô M. bị giết rồi đưa ra đó tạo hiện trường giả”, chị Na – một người bán hàng gần hiện trường vụ việc quả quyết với PV Người đưa tin.

Cũng là người có mặt tại hiện trường rất sớm, cụ Hoàng Văn Doanh (80 tuổi, sống gần nghĩa trang Thanh Liêm) đã không ngần ngại đi qua con đường bờ ngòi trơn trượt để dẫn chúng tôi ra tận hiện trường án mạng. Cụ Doanh nhíu mày kể lại: “Đêm 21 rạng sáng 22/5 trời mưa khá to, tuy nhiên sáng ra tạnh ráo nhưng con đường này vẫn rất trơn. Đường ở đây bẩn, cỏ mọc tứ tung, từ trước đến nay tôi chưa thấy ai đi tập thể dục ở đây và cũng chưa bao giờ thấy cô M. tập thể dục ở chỗ này. Bình thường buổi sáng tôi chỉ thấy cô ấy đi ra chợ cóc gần nghĩa trang mua đồ ăn thôi”.

Trao đổi với PV, anh Hoàng Văn Thảo, công an xã Liêm Chung (Phủ Lý), người có mặt sớm nhất tại hiện trường sau thông báo của cụ Doanh xác nhận: “Bà M. nằm chết trong tư thế nằm ngửa, miệng ngậm chặt chiếc áo mưa màu xanh thẫm, bên cạnh vẫn còn chiếc túi nhỏ đựng tiền màu nâu, chân đi dép. Xung quanh khu vực bà M. nằm không có những dấu hiệu lạ, chỉ có mấy bước chân nghi chính là của nạn nhân. Rất có thể do loạng choạng nên người phụ nữ này đã đi xuống đó”. Về tình tiết chiếc áo mưa, ông Thảo cho biết: “Chiếc áo mưa bà mặc là loại có cả quần lẫn áo nhưng bà M chỉ mặc áo. Vạt áo mưa được bà M ngậm rất chặt, lúc đầu chúng tôi thử dùng tay kéo ra nhưng không được, nó dính rất chặt trong miệng bà ấy”.

Xã hội - Nghi án nữ chánh án bị sát hại rồi dựng hiện trường giả (Hình 2).

Ông Hoàng Văn Thảo – công an xã Liêm Chung

Những nghi vấn trái chiều

Cái chết bất thường của bà M. đã bao trùm một không khí hoang mang lên hầu hết dư luận địa phương. Đa số người dân đều quả quyết, nếu không bị giết thì bà M. cũng chẳng có lý do gì để tự tử. Bởi gia đình bà đang rất đầm ấm và là niềm mơ ước của cả thôn xóm. Ấy là chưa kể, nữ chánh án TAND huyện này cũng đang có một vị trí được xã hội trọng vọng. Thế nhưng với những gì đã chứng kiến lúc bà M. lảo đảo sang đường, có vẻ bà M đã tự chết.

Ông trưởng thôn 1, Lại Văn Thọ, cũng là người có họ hàng của bà M nói: “Cô M. mới lên chức chánh án TAND huyện Thanh Liêm khoảng hơn 1 năm nay sau thời gian dài làm cấp phó. Về mặt gia đình, chồng cô ấy làm ở Hội Đông y của thành phố, thu nhập ổn định, hiền lành, gia đình nề nếp gia giáo. Hai con của M. cũng đều là sinh viên đại học trên Hà Nội, ngoan ngoãn lễ phép. Nếu bảo cô ấy tự tử, chúng tôi quả thực không tìm được lý do”. Về quan hệ hàng xóm láng giềng, ông Thọ nói bà M là người tốt, có lối sống rất chan hòa với người dân địa phương. Ông Thọ cũng loại trừ hết các khả năng nợ nần của bà M. Hơn nữa, thông tin bà liên quan đến đường dây tín dụng đen cũng chỉ là tin đồn nhảm. Bà M hoàn toàn bình thường, kể cả trước khi chết một vài ngày, bà chưa từng xuất hiện dấu hiệu của bệnh thần kinh, trầm cảm hay biểu hiện bệnh lý nào đó tương tự.

Trong khi đó, trao đổi với PV Người đưa tin về công việc tại cơ quan, phó chánh án Trần Thị Hoa cho biết thời gian gần đây, tại TAND huyện Thanh Liêm không có vụ án nào căng thẳng hoặc có dấu hiệu bất thường. “Chiều hôm trước gặp tôi, chị M vẫn nói chuyện vui vẻ, chỉ thấy than phiền là hồi này không được khỏe, hôm nào rảnh sẽ đi khám thôi”, bà Hoa nói. Về người lãnh đạo xấu số của mình, bà Hoa khẳng định: “Chị M. là người đứng đắn, nghiêm túc, nghiệp vụ vững vàng nên anh chị em trong cơ quan rất tin tưởng. Cái chết của chị là một tổn thất lớn đối với chúng tôi”.

Sáng 24/5, sau nhiều nỗ lực liên hệ, PV Người đưa tin đã được gia đình nạn nhân đồng ý tiếp chuyện để cung cấp thêm thông tin. Với vẻ bàng hoàng, đau xót sau cái chết bất ngờ của vợ mình, ông Lại Ngọc Tư (chồng bà M - PV) nghẹn ngào: “Quả thực đây là một sự việc quá đau lòng với gia đình và dòng họ, tôi không thể ngờ được rằng vợ tôi lại ra đi trong hoàn cảnh đau thương và bất ngờ như thế”. Ông Tư nhớ lại, khoảng 2h hôm ấy (đêm ngày 21 rạng sáng ngày 22/5), vợ tôi kêu khó ngủ nên có lấy 2 viên thuốc an thần để uống, sau đó lên giường ngủ, tôi cũng ngủ ngay sau đó. Đến 5h sáng, tôi tỉnh dậy đã không thấy vợ đâu, thấy dép và chiếc túi nhỏ đựng tiền không có trong nhà nên ngỡ rằng cô ấy đi tập thể dục rồi đi chợ như mọi khi. Mãi sau, khi nhận được điện thoại, chạy ra thì mới biết vợ mình đã mất”.

Ông Tư cho biết: “Vợ tôi hoàn toàn bình thường. Đặc biệt là trong công việc, chưa bao giờ thấy bà ấy than phiền nửa lời. M. là người rất yêu nghề và hăng say với công việc. Việc vợ tôi uống 2 viên an thần là theo đơn điều trị của bác sĩ, đấy là thuốc được phát sau khi vợ tôi tham gia chữa trị tại một bệnh viện trên Hà Nội vào tháng 3 vừa rồi”.

Ngồi cạnh, anh Trần Văn Hào (em ruột của bà M.) cho biết: “Cơ quan công an cho biết lúc chết, trên cổ của chị M. bị quấn rất chặt từ chính chiếc áo con của chị ấy, toàn bộ vùng mặt có dấu hiệu phù nề, trên mu bàn tay phải có vết bầm tím. Giờ chúng tôi cũng chẳng biết làm gì khác ngoài chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Có nhiều giả thiết được đưa ra, nhưng dưới góc độ gia đình nạn nhân, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào cơ quan pháp luật”.

Nạn nhân có dấu hiệu choáng váng trước khi chết
Theo cụ Doanh, chợ cóc nói họp từ khoảng 6h-8h sáng mỗi ngày và bà M. là khách quen của chợ. Trước thời điểm tìm thấy xác nạn nhân khoảng 1 giờ đồng hồ, cụ Doanh và nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ đều thấy bà chánh án ngật ngưỡng xuất hiện, trong tư thế rất lạ lùng. “Cô ấy đi băng qua đường Quốc lộ 21B (từ nhà bà M. đến chợ phải băng qua con đường này – PV) nhưng có vẻ không được tỉnh táo lắm. Dáng đi ngật ngưỡng, lảo đảo và mất phương hướng như người say thuốc, cô ấy còn suýt bị ô tô cán phải. Người lái xe còn bực mình chửi thề toáng lên giữa đường. Sau đó bà ấy đi về phía nghĩa trang nên chúng tôi không ai để ý nữa. Sau đó khi có người thông báo nhìn thấy xác người bên bờ ruộng tôi cũng chạy tới và ngay lập tức thông báo cho lực lượng công an xã”, cụ Doanh chưa hết bàng hoàng nhớ lại.

Nguyễn Bắc– Long Nguyễn