Người đàn ông tật nguyền 'gà trống nuôi con'

Người đàn ông tật nguyền 'gà trống nuôi con'

Thứ 2, 04/02/2013 | 14:24
0
Đã hơn mười năm trôi qua, anh Đinh Xuân Lương - người đàn ông tàn tật phải một thân một mình nuôi đứa con trai từ năm lên hai tuổi. Kể từ ngày vợ anh bỏ đi Trung Quốc, là những ngày hai bố con anh phải khổ cực rau cháo qua ngày. Để nuôi con khôn lớn và được học hành, hàng ngày anh Lương phải tập tễnh cuốc bộ 4km đi làm.

Lượm ve chai qua ngày

Về thôn Tằng My (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) chỉ cần hỏi thăm nhà anh Lương tật nguyền thì từ đầu làng đến cuối làng ai cũng biết và chỉ nhà tận nơi. Đó là căn nhà cấp bốn lợp mái pro-ximăng đã cũ kĩ và xập xê. Cửa nhà vẫn mở, tôi lên tiếng gọi. Một người đàn ông trung niên chân thấp chân cao, dáng đi rất khó nhọc, một bên tay trái khòng khèo cứng nhắc bước ra chào khách. Anh kể về cuộc đời mình - một câu chuyện buồn đã chôn chặt vào quá khứ: Bố anh là cán bộ thủy lợi quê ở Đồng Nai về công tác tại trạm bơm thủy nông xã Nam Hồng rồi lấy vợ lập nghiệp tại đây. Tuổi thơ của anh Lương trôi đi êm đẹp trong sự yêu thương của bố mẹ và những người thân. Năm lên 8 tuổi, đang học lớp 4, một tai họa ập đến với anh. Mới đầu anh chỉ bị sốt bình thường, sau đó sốt cao và biến chứng gây ra tai biến mạch máu não. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ cứu anh thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Di chứng để lại khiến anh bị teo chân trái và tay trái cứng đơ không cử động được.

Xã hội - Người đàn ông tật nguyền 'gà trống nuôi con'

Tay trái tật nguyền, anh Đinh Xuân Lương rửa bát bằng tay phải

Từ một cậu bé khỏe mạnh, lành lặn, Đinh Xuân Lương phải bắt đầu cuộc sống mới, một đứa trẻ tật nguyền. Chính vì thế mà việc học hành của anh bị gián đoạn bởi những ngày tháng nằm viện và rong ruổi cùng bố mẹ đi chạy chữa khắp nơi. Sau nhiều năm "vái tứ phương" mà bệnh tật không thuyên giảm, khoản tiền chạy chữa cho anh cũng khá lớn, gia đình đành chấp nhận sự thật. Cũng vì thế mà việc học hành của anh cũng chẳng đến đầu đến cuối, phải bỏ lửng giữa chừng. Điều trị mãi không khỏi, anh lại bắt đầu đi học lại từ lớp 1, nhưng đến lớp 4 thì phải nghỉ học vì lý do sức khỏe. Nghe tiếng các bạn cùng trang lứa í ới rủ nhau đi học mà anh ứa nước mắt. Anh nhìn các bạn nô đùa, chạy nhảy mà thèm được một lần như thế. Có lúc anh không kìm chế được cảm xúc đã vùng chạy theo rồi bị ngã, ngồi khóc tu tu. Anh không dám ra đường bởi sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu là đứa tật nguyền, đứa chân to chân nhỏ. Cay đắng nhớ về những ngày tháng không bao giờ quên trong quá khứ cuộc đời mình, anh Lương chia sẻ: "Những ngày tôi còn nhỏ, chưa ý thức được sự thiệt thòi của bản thân mình so với người bình thường. Khi lớn lên tôi dần dần hiểu nên buồn và bi quan lắm. Nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ đi thật xa, hoặc chết đi cho xong, không muốn là gánh nặng của gia đình. Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi đi trong sự hờn tủi, buồn chán và tự ti về bản thân. Lớn hơn chút nữa, khi đã biết suy nghĩ, tôi chấp nhận sự thật và số phận kém may mắn của mình".

Tiếng là một huyện của Thủ Đô, nhưng quê anh Đinh Xuân Lương cũng chỉ ở ngoại thành, bởi vậy cây lúa, cây rau vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Anh không biết bắt đầu công việc từ đâu, làm việc gì để có miếng ăn mà không phụ thuộc vào gia đình. Làm ruộng, trồng rau đôi chân anh không thể lội ruộng nên không thể làm. Cũng may, trục đường chính cách nhà không xa có một vài công ty, nhà máy và nhiều hàng quán, người qua lại tấp nập, anh Lương nghĩ đến việc lượm ve chai, nhặt rác. Công việc vất vả mà chẳng được bao nhiêu, nhưng đối với một người chỉ có "nửa người hoạt động" như anh có được đồng nào hay đồng ấy đã là một sự cố gắng. Chân thấp chân cao, đi một đoạn anh lại phải dừng lại một lúc cho đôi chân bớt cơ cứng và xoa bóp bàn tay trái tật nguyền vì tê cứng rồi mới tiếp tục bước tiếp. Anh Lương cho biết: "Hồi ấy, nhặt rác vất vả mà chẳng được mấy đồng, có khi đi đến tối mịt mới về cũng chỉ được vài cái chai, vài vỏ lon, bao xi măng. Nhiều người thấy hoàn cảnh mình nên thương tình mang tận nơi cho. Tuy tiền nhặt rác hàng ngày không đủ ăn cả ngày, nhưng được bữa nào hay bữa đó. Đi làm tập cho đôi chân mình khỏe khoắn hơn, bớt cơ cứng và không có thời gian rảnh suy nghĩ buồn chán". Ngoài nhặt rác, lượm ve chai, anh còn nuôi gà tận dụng cơm thừa và thóc anh mót được trong những ngày mùa vụ để có thêm thu nhập. 

Xã hội - Người đàn ông tật nguyền 'gà trống nuôi con' (Hình 2).

Anh Đinh Xuân Lương

Bất hạnh đeo bám

Những năm tháng vất vả cứ thế trôi đi, công việc bấp bênh nhưng bản thân anh Lương cũng đủ kiếm rau cháo qua ngày. Anh vui và lạc quan hơn khi không phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ. Tưởng rằng suốt đời anh sẽ phải ở với bố mẹ già, nhưng cơ duyên đưa đẩy anh gặp chị Phạm Thị Hải, một người hơn anh 4 tuổi ở cùng thôn. Chàng trai tàn tật lượm ve chai và cô gái  lỡä thì nhanh chóng nên nghĩa vợ chồng trong niềm vui của hai bên gia đình,họ hàng. Anh Lương bùi ngùi nhớ lại: "Ngày ấy, tôi và Hải cưới nhau, ai trong làng cũng bảo tôi "vớ được vàng". Tôi cũng lấy làm hạnh phúc khi ông trời ban cho mình một người vợ đảm, có mơ tôi cũng chẳng dám nghĩ đến. Có gia đình, hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn. Cô ấy làm ruộng và chăn nuôi, tôi không đi nhặt rác nữa mà đi đánh giấy giáp thuê cho một xưởng mộc. Kinh tế hai vợ chồng không giàu có nhưng cũng đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Với tôi như thế là hạnh phúc".

Hạnh phúc của hai vợ chồng anh Lương nhân lên gấp bội, một năm sau ngày cưới, gia đình nhỏ của anh chào đón một thành viên mới, một bé trai kháu khỉnh, khuôn mặt sáng sủa. Ngỡ rằng, ông trời đã lấy đi tuổi thơ bất hạnh của anh thì sẽ bù đắp cho anh một gia đình hạnh phúc suốt đời. Nhưng trớ trêu thay, ông trời một lần nữa thử thách anh. Một buổi sáng anh thức dậy không thấy vợ đâu, chỉ thấy đứa con mới hai tuổi đang ngủ và một mảnh giấy để lại. "Tôi còn nhớ, hôm đó vợ tôi vẫn đi làm đồng bình thường. Hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì. Tối về cứ ôm con khư khư khóc. Tôi hỏi thế nào cũng không nói. Lúc đó, tôi linh cảm có chuyện gì bất an, nhưng không nghĩ cô ấy lại bỏ đi. Sáng hôm sau, khi thức dậy tôi thấy mảnh giấy nhỏ ghi: "Em sang Trung Quốc làm ăn. Nghe họ nói làm công nhân bên đó có nhiều tiền lắm, sang đó em đi làm rồi gửi tiền về cho hai bố con".

Nói đến đây giọng anh Lương nghẹn lại: "Lúc ấy, nhìn thằng bé ngủ mà tôi thương quá. Bố tật nguyền đến bế con còn không bế được thì nuôi và chăm sóc con sao đây. Trước kia có một mình còn bữa no bữa đói, giờ hai bố con sẽ sống ra sao. Nhiều lúc con khóc vì nhớ mẹ, thiếu ăn mà tôi giận chính bản thân mình vô dụng, hèn kém. Thời gian đầu vợ bỏ đi, tôi buồn chán tối ngày chìm trong men say. Mọi việc chăm sóc cháu đều do bà nội và chị gái tôi lo liệu. Một thời gian ngắn sau, nhìn con từng ngày khôn lớn mà tôi nhận ra mình không thể mãi thế này, vợ bỏ đi nhưng còn con là niềm an ủi và hy vọng. Mình phải có trách nhiệm nuôi dạy con nên người. Hai bố con về ăn chung với ông bà nội. Tôi lại đi đánh giấy giáp thuê. Tôi đi bộ từ nhà đến chỗ làm khoảng 4km nên phải đi từ rất sớm. Tôi tranh thủ làm thêm cả buổi trưa để có thêm thu nhập. Mỗi tháng tổng thu nhập cũng đươc khoảng một triệu đồng đủ để hai bố con ăn uống, còn chuyện học hành của cháu có sự hỗ trợ của ông bà nội".

Vậy mà đã hơn 10 năm trôi qua, bố con anh Đinh Xuân Lương vẫn chờ đợi người đàn bà ấỵ trở về trong sự vô vọng . Hiện, con trai anh Lương đã 13 tuổi, học lớp 7, chăm ngoan và rất ham học.  Anh Lương vừa bị nghỉ việc vì xưởng mộc làm ăn thất bát, ông chủ không còn tiền trả công nhân. Nhắc đến con trai, anh Lương nói: "Khổ thân thằng bé, sinh ra đã thiệt thòi hơn chúng bạn, thiếu sự chăm sóc của bàn tay mẹ, bố thì tật nguyền. Thương con tôi cũng chỉ biết khuyên con phải học hành chăm chỉ để sau này có tương lai. Tôi cũng tự nhủ với bản thân mình dù thế nào cũng phải nuôi cháu khôn lớn trưởng thành. Có lần cháu bảo sau này lớn lên sẽ làm việc thật chăm chỉ để có nhiều tiền nuôi bố và đi tìm mẹ. Tôi hy vọng điều đó".

Qua một số chương trình trên ti vi mà một lần Lương vô tình xem được, những con người bất hạnh, thậm chí còn bất hạnh hơn anh nhưng đã vươn lên trong cuộc sống. Anh thầm nghĩ và tự so sánh bản thân mình với họ mà thấy thẹn lòng. Cũng từ đó, anh không còn mặc cảm và xấu hổ như trước. Anh bắt đầu suy nghĩ, bản thân mình vẫn còn may mắn hơn bao người, còn đôi mắt để nhìn, một bàn tay để làm việc và ít ra đôi chân vẫn có thể đi lại được dù chậm chạp khó bước.   

Thiên Vũ

Câu chuyện đầy nghị lực của nữ sinh tí hon

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Chỉ với chiều cao chưa tới 80 cm, cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 56 tuổi, cô gái Lê Thị Vi ở xã Bình Phục (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không từ bỏ ước mơ được đi học, làm người có ích.

Xúc động nghị lực của cậu bé không tay

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Đoạn trích ngắn từ một bộ phim tài liệu của đài MBC (Hàn Quốc) về cuộc sống một cậu bé mất cả 2 tay và mỗi bàn chân chỉ có 4 ngón khiến cư dân mạng vô cùng xúc động.

Nghị lực sống của thiếu nữ 25 tuổi bị lão hóa sớm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Adrienne Greenway mắc một chứng bệnh biến dị di truyền hiếm gặp khiến cơ thể bị lão hóa sớm. Dù ở tuổi 25 nhưng trông cô giống như một bà lão 60 tuổi.

Người đàn ông tật nguyền nhặt rác nuôi con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Số tiền lời cả tháng cũng chỉ chừng dăm bảy trăm ngàn, song đó lại là niềm vui giúp ông quên đi những cơn đau thể xác và nỗi nhớ vợ con

Cảm thương cụ già 90 tuổi mù lòa nuôi con tật nguyền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
Nếu một lần đi qua phố Bảo Khánh, dừng chân uống chén nước của cụ, nhiều người sẽ rưng rưng nước mắt khi nghe câu chuyện cảm động về cuộc đời nhiều đắng cay của cụ Phan Thị Yến, người Hà Nội gốc...

Nữ sinh tật nguyền “mượn” đôi chân cha đi tìm chữ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Cô bé tật nguyền ngày xưa giờ bây giờ đây đã là nữ sinh của một trường đại học. Điều kỳ diệu là cô đã đi lại được bằng chính nội lực của mình sau 13 năm mượn chân của bố.