Nghị lực nữ giáo viên có hai con mắc bệnh hiểm nghèo

Nghị lực nữ giáo viên có hai con mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:29
0
Hàng tháng chị Cầm Thị Hiệp, người dân tộc Thái, ở Phiêng Ban 1, thị trấn Bắc Yên (Sơn La) lại vượt qua chặng đường hơn 300km cùng đứa con gái lên 9 tuổi và cậu con trai hơn 2 tuổi về Hà Nội tiếp máu. Hai đứa con của chị Hiệp bị mắc căn bệnh quái ác Thalassemia. Cứ hơn một tháng ba mẹ con chị lại xuống Hà Nội thay máu và điều trị cho các cháu, mỗi lần có cháu phải thay đến gần 1 lít máu.

Rất bất ngờ và sốc

Khuôn viên tầng 6 dành cho những bệnh nhi mắc bệnh nặng liên quan về máu, thiếu máu, ung thu máu, dường như vắng vẻ hơn trong những ngày giáp Tết. Khác với lần đầu tiên tôi đến, người ra người vào tấp nập, tiếng trẻ khóc, nói cười rôm rả và inh ỏi cả khu nội trú tầng 6. Thời tiết lạnh buốt, những cơn gió lạnh cuối đông cứ rít lên từng hồi, ùa vào qua từng khe cửa.

Xã hội - Nghị lực nữ giáo viên có hai con mắc bệnh hiểm nghèo

Chị Cẩm Thị Hiệp bên hai con bị mắc bệnh quái ác.

Người lớn ngồi trên giường bệnh co ro ôm đứa trẻ nhỏ vào lòng vỗ về an ủi khi bác sĩ vừa tiêm xong. Trong khi đó, các cháu lớn hơn đã biết chạy biết đi không chịu ngồi yên một chỗ, hiếu động đùa nghịch. Thỉnh thoảng người thân ngồi trên giường nhắc "con ơi, cẩn thận không tuột ống ven trên tay đấy, tuột ra các bác sĩ sẽ tiêm đau". Không giống như các bệnh nhân lớn tuổi, hằn rõ trên khuôn mặt họ sự đau khổ, mệt mỏi và có phần buông xuôi. Ngược lại, các em nhỏ tại đây vẫn hồn nhiên, ngây thơ, khi đau thì khóc, lúc bình thường lại vui đùa bởi các em còn quá nhỏ để biết được điều gì đang xảy ra và căn bệnh hiểm ác mắc phải. 

Không khó nhận ra sự khác thường tại giường bệnh của ba mẹ con chị Cầm Thị Hiệp, người dân tộc Thái, quê ở Phiêng Ban 1, thị trấn Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Thường, các cháu đến đây điều trị được bố, mẹ hay ông, bà đi cùng, trường hợp nào cháu còn nhỏ quá mới cả bố và mẹ đi cùng. Nhưng trường hợp của ba mẹ con chị Hiệp khiến nhiều người ái ngại và thương cảm. Cả hai con của chị Hiệp, con gái lớn lên 9 tuổi và cậu con trai mới hơn 2 tuổi được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh Thalassemia, một loại bệnh lý thiếu máu di truyền. Loại bệnh này cơ thể không tự sản sinh ra máu mà phải truyền máu suốt đời và ảnh hưởng đến tuổi thọ và sự phát triển cả về trí lực và thể lực.

Trước mắt tôi, người phụ nữ với nước da đen sạm, khuôn mặt hốc hác, đâu đó đã xuất hiện những nếp nhăn và có phần già hơn cái tuổi ngoài 30. Chị đang dỗ dành cậu con trai 2 tuổi khóc nhè. Mới đầu chị còn hơi rụt rè và e ngại khi tôi chủ động bắt chuyện, nhưng sau một hồi hỏi han chị bắt đầu cởi mở và chia sẻ về hoàn cảnh thật của gia đình mình.

Chồng là giáo viên cấp một và đi dạy mãi tận vùng sâu vùng xa cho đồng bào dân tộc ít người, đến cuối tuần mới tranh thủ về nhà một lần. Còn chị Hiệp là giáo viên mầm non dạy ở gần nhà. Hai vợ chồng và hai bên nội ngoại vui sướng, hạnh phúc khi lần lượt hai đứa con, đứa cháu kháu khỉnh, bụ bẫm ra đời, nếp có tẻ có còn điều gì vui hơn. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" đứa con gái lớn lên 9 tuổi đã phải chịu đựng 4 năm ở viện nhiều hơn ở nhà". Đúng đợt nghỉ hè vừa rồi tự nhiên sốt  liên miên, chán ăn, nước da xanh xao, vàng da, phù hết mặt mũi và toàn thân. Gia đình lại đưa cháu đi khám ở bệnh viện huyện, các bác sĩ bảo cháu thiếu máu, nhưng ở đó không đủ trang thiết bị nên đã khuyên gia đình đưa cháu xuống đây (PV- Viện huyết học truyền máu Trung ương) khám và điều trị. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán cháu bị bệnh huyết tán di truyền, một chứng bệnh cơ thể không tự sản sinh được ra máu và sẽ phải tiếp máu suốt đời. Ngày nào không có máu tiếp, cháu sẽ chết. Bệnh này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và thể lực của các cháu sau này".

Hai vợ chồng buồn và chán nản khi nghĩ về tương lai của cháu sau này sẽ ra sao, nếu cứ mãi phụ thuộc vào máu nhân đạo của người khác. Liệu cháu có đủ sức khỏe để học tập và sau này có một gia đình riêng không? Bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy sâu và trong tâm trí của đôi vợ chồng giáo viên trẻ vùng cao. Ông bà hai bên cũng rất lo lắng bởi từ trước đến nay hai gia đình không có ai mắc căn bệnh "nhà giàu" này. Nuốt nước mắt vào trong, nhìn đứa bé ngày càng yết ớt và quặt quẹo mà chị Hiệp không đành. Dù thế nào hai vợ chồng cũng phải chạy chữa cho con khỏe mạnh, tốn bao nhiêu cũng phải chạy. Hai vợ chồng tự nhủ và động viên nhau phải cố gắng không buồn, phải mạnh mẽ vì còn đứa con trai khỏe mạnh, bụ bẫm. Chị Hiệp xin nghỉ dạy ở trường một thời gian để đưa cháu đi điều trị.

Xã hội - Nghị lực nữ giáo viên có hai con mắc bệnh hiểm nghèo (Hình 2).

Nỗi đau nhân đôi

Tưởng chừng một đứa con bị bệnh đã là một thiệt thòi và bất hạnh đối với hai vợ chồng chị Cẩm Thị Hiệp. Nhưng một lần nữa ông trời như muốn thử lòng người, con trai của anh chị cũng bị căn bệnh quái ác giống đứa con đầu. "Trong khi tôi đưa cháu lớn điều trị ở trên này, cháu bé ở nhà gửi ông bà nội chăm. Nhưng được một vài ngày thì cháu cũng sốt liên miên, quấy khóc không chịu ăn. Gia đình lại đưa cháu đi khám ở bệnh viện thành phố, các bác sĩ ở đó chẩn đoán cháu bị viêm họng, viêm phổi và thiếu máu. Họ khuyên nên chuyển con xuống Hà Nội khám để tìm ra nguyên nhân. Tôi lại về đưa cháu lên đây khám xem cụ thể thế nào. Kết quả hai cháu cùng bị một căn bệnh, điều này khiến gia đình tôi một lần nữa không tin vào kết quả và bị sốc nặng", chị Hiệp chia sẻ.

Nhìn hai đứa con thơ dại chơi đùa trên giường bệnh giọng chị Hiệp nghẹn lại: "Cả hai đứa nhà tôi đều mắc chứng bệnh thiếu máu trầm trọng, căn bệnh quái ác này, gia đình tôi chưa ai nghe nói bao giờ. Các cháu còn quá nhỏ phải chịu đựng thiệt thòi. Các bác sĩ bảo hai vợ chồng tôi bị trùng gene nên các con sinh ra mới bị bệnh này. Nếu có sinh thêm nữa cũng không thay đổi được gì, đứa sau sinh ra cũng không thể tránh được".

Hai vợ chồng lương giáo viên "ba cọc ba đồng" dù chi phí truyền máu và khám chữa bệnh đều miễn phí. Nhưng chi phí đi lại mỗi lần hơn 700km cả đi lẫn về, tiền ăn uống của cả ba mẹ con và tiền thuốc của hai cháu hơn 1 triệu nữa là quá nặng. Theo lịch, hơn một tháng chị Hiệp lại đưa hai cháu xuống Hà Nội truyền máu và điều trị. Mỗi lần ba mẹ con xuống kéo dài khoảng một tuần. "Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm, nếu thiếu nhiều sẽ truyền nhiều, thiếu ít truyền ít. Như cháu lớn mới đầu đến thiếu máu trầm trọng các bác sĩ phải tiếp đến 800ml, còn thằng nhỏ 400ml. Đợt  này, đứa chị thiếu 400ml còn em 300ml. Mới đầu gia đình không biết để các cháu thiếu máu trầm trọng nên lượng máu cần tiếp khá nhiều. Bác sĩ hẹn một tháng rưỡi lại đưa hai cháu đến khám và tiếp máu một lần. Khó khăn nhất vẫn là chuyện đi lại, đường sá xa xôi mà các cháu thì nhỏ, thương lắm. Nhưng điều tôi lo lắng nhất đó vẫn là rồi nay mai các cháu không còn được bảo hiểm, hay không còn máu để tiếp nữa thì các cháu sẽ ra sao. Trong khi đó các cháu đang sống nhờ vào máu của người khác. Lúc mới tiếp máu thì các cháu còn khỏe, nhưng sau khi tiếp được một thời gian các cháu thường mệt mỏi, tính tình ngang bướng, khó bảo và không chịu ăn. Đến khi cơ thể không còn sức và vàng da thì lại đưa các cháu đi tiếp máu", chị Hiệp ngậm ngùi chia sẻ.

Ngoài chữa trị bằng thuốc tây, thấy ai mách ở đâu có thầy hay thuốc tốt chị Hiệp lại xin nghỉ dạy một vài tuần rồi bồng bế các cháu đến xin chữa bệnh. Chị bảo: "Còn nước còn tát", cả đời các cháu không thể cứ đi tiếp máu mãi thế này được. May mắn thì các cháu gặp thầy gặp thuốc khỏi bệnh, hiện tôi đang cho các cháu uống thuốc nam xem có chuyển biến gì không. Chứ cứ để các cháu mãi như thế hai vợ chồng và ông bà nội ngoại lo lắm. Tôi được biết, căn bệnh này rất nguy hiểm, phải điều trị liên tục. Nếu không điều trị phù hợp, lách gan và tim sẽ giãn lớn. Xương sẽ mỏng và giòn. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng. Hai vợ chồng tôi nhiều khi không dám nghĩ đến, phải quên đi, chứ càng nghĩ càng buồn thương  nhiều lắm".

 Thiên Vũ

Bài 1: Người 'chuyển khẩu' đến Viện Huyết học

Thứ 2, 07/01/2013 | 16:19
Bất lực với cảnh đời ngang trái ập xuống gia đình mình, chị Đặng Thị Thơm ngậm ngùi đưa con gái vào làng trẻ SOS nhờ nuôi. Lí do, đứa con trai của chị 5 năm nay phải sống trong bệnh viện, đấu tranh từng ngày với căn bệnh ung thư máu, còn chồng thì bị bệnh thần kinh…

Bài 2: Gia cảnh bà ngoại nghèo cưu mang cháu ung thư

Thứ 6, 11/01/2013 | 10:03
Khi bố cháu Dũng qua đời, 3 mẹ con cháu bị nhà nội bỏ rơi. Bà Hóa thấy vậy liền đón con cháu về nuôi. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cháu Dũng không bị ung thư và bà Hóa đã phải theo chân cháu vào viện điều trị từ hơn 1 năm nay.

Bài 3: Cám cảnh vợ chồng trẻ nuôi con ung thư

Thứ 6, 11/01/2013 | 09:54
Chị Hằng không ngờ có một ngày con chị mắc phải căn bệnh ung thư quái ác khiến vợ chồng chị phải bán cả “đầu cơ nghiệp”, phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để chạy chữa cho con.