Nghị lực phi thường của người thương binh anh hùng

Nghị lực phi thường của người thương binh anh hùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Hai tấm bằng khen Huy chương chiến thắng chống Pháp hạng Nhì và Huy chương chống Mỹ hạng Nhất được treo trang trọng trong phòng khách của gia đình ông.

Đỗ Cường giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 13 tuổi. Năm 1951, ông ra nhập Trung đoàn 48, Đại đoàn Đồng bằng 320. Đại đoàn 320 nổi tiếng là Đại đoàn anh hùng, quân số có 500 người, toàn lính người miền Bắc. Trong đơn vị, Đỗ Cường nổi tiếng là người gan dạ, bơi giỏi, bắn súng bách phát bách trúng. Ông được anh em trong đơn vị rất quý mến, cấp trên tin tưởng.

Những ký ức một thời lửa đạn

Tham gia hầu hết các trận đánh của tiểu đoàn, nhiều lần Đỗ Cường lập được công lớn. Trong đó phải kể đến trận đánh bốt Yên Vĩ lịch sử đã để lại cho ông nhiều dấu ấn sâu sắc. Trong trận này nhờ nhanh trí, dũng cảm ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Kết thúc trận đánh ông được nhận bằng khen của đại đoàn. Sau đó còn được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp đại đoàn và được kết nạp vào Đảng. Ông được ví là con chim ưng của Trung đoàn 48.

Tháng 10 năm 1952, ông chuyển đơn vị, trở thành tiểu đội trưởng xung kích, đại đội 737, tiểu đoàn Tiên Viên của Trung đoàn 48. Ông bị thương khi tham gia trận truy kích Sòng Cạn trong Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình. Nhớ lại, ông kể: "Sau mấy đợt đánh giáp lá cà với địch, tôi bắn gần hết đạn, lựu đạn cũng đã sử dụng hết thì bị một loạt đạn súng máy bắn trúng vào mặt. Tôi choáng váng ngất lịm. Lúc đó, tôi nằm trong một bụi rậm, mãi đến đêm các chiến sĩ tải thương do anh hùng Đỗ Văn Châu đốt đuốc đi tìm. Máu trên mặt tôi làm trôi cả bông băng, còn bị đàn kiến bâu đen".

Trận đánh cuối cùng của chiến dịch kết thúc cũng là lúc ông bị thương nặng: Bị mất mũi, hai mắt đều bị mù, khuôn mặt bị biến dạng. Đỗ Cường được đưa về khu Quân y viện K32 ở Thanh Hóa. Các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vết thương của ông vượt khả năng y học lúc bấy giờ. Sau đó, ông được chuyển về Quân y viện K72 để tiếp tục điều trị. Sau 4 tháng, mắt phải vừa mới nhìn được, sức khỏe vừa ổn định, ông đã vội xin lãnh đạo giao cho mình một công việc. Trong hoàn cảnh ấy, ông vẫn có mong muốn được cống hiến, không muốn để mình thành người vô ích.

Đến khi hòa bình lập lại, các phái đoàn chuyên gia y tế của Liên Xô, Đông Đức sang hỗ trợ, ông mới có cơ hội được phẫu thuật chỉnh hình. Lúc này, Viện Quân y 108 cũng vừa mới thành lập, ông được đưa về đây để chữa bệnh. Viên đạn đã để lại cho người chiến sĩ này những thương tích rất nghiêm trọng: Đạn làm vỡ sống mũi, vỡ mắt trái, một phần xương hàm trên bị gãy, thủng thái dương trái, ảnh hưởng đến sọ não. Còn chưa kể đến hàng loạt các di chứng nặng nề khác kéo theo.

Để chữa trị, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật chỉnh hình đến hàng chục lần. Điều đáng nói là khi phẫu thuật không thể tiến hành gây mê được mà chỉ có thể gây tê tại chỗ. Mỗi lần phẫu thuật là mỗi lần đau đớn đến tận cùng. Vậy mà với bản lĩnh kiên cường của người lính, nghiến răng chịu đựng, ông không kêu một câu nào.

Xã hội - Nghị lực phi thường của người thương binh anh hùng

Cựu chiến binh Đỗ Cường

Ông ra quân, cũng là thời gian đầu của nền hòa bình lập lại với thương tật nặng nề. Hội đồng giám định y khoa kết luận Đỗ Cường được xếp vào thương binh loại I (mất 81% sức khỏe). Ông sẽ được đưa về khu an dưỡng và được nhà nước bảo trợ suốt đời. Điều đó không làm cho Đỗ Cường bi quan. So với những đồng chí đã mãi gửi lại tuổi xuân trên chiến trường, ông thấy mình vẫn may mắn và hạnh phúc. Vì còn sống là còn được làm việc và cống hiến.

Từ thương tật loại I ông xin xuống loại II. Ông nói với hội đồng giám định: "Tôi không dám nhận loại I vì sẽ làm gánh nặng cho nhà nước, xin các đồng chí cho tôi xuống loại II để được tiếp tục công tác. Mắt phải của tôi rất tốt có thể làm việc được.

Đỗ Cường trở lại Ban tham mưu sư đoàn 320 với chức Trung đội phó. Sau đó vì có năng khiếu vẽ ông được cấp trên điều về Viện bảo tàng cách mạng Việt Nam làm việc. Ở đây, ông phụ trách công tác trang trí rồi có may mắn được gặp bác Hồ nhiều lần khi Bác đến thăm bảo tàng. Những lời dạy của Bác đã giúp ông có thêm nghị lực sống và ý chí chiến đấu trong những lúc khó khăn nhất.

Gian khó không chùn bước

Trong cuộc sống dù có khổ, có khó khăn đến đâu, ông vẫn không nản chí. Ông tham gia công tác ở nhiều cơ quan khác nhau: Bảo tàng quân đội, Tổng cục lâm nghiệp, bộ Giao thông vận tải, bộ Vật tư. Ở đâu ông cũng làm việc không biết mệt mỏi: Từ công tác trang trí, kẻ biển, vẽ tranh, vẽ kỹ thuật, viết lời thuyết trình, đến làm kế toán, quản lý phụ tùng ô tô, quản lý kho. Dù sức khỏe yếu nhưng ông không nản lòng, vẫn kiên trì phấn đấu hết tâm sức cho công việc. Về hưu sớm (khi 50 tuổi), ông vẫn tiếp tục nhận vẽ tranh, kẻ biển quảng cáo nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Ở khu dân cư, ông nhiệt tình tham gia nhiều công tác của khu phố: Lãnh đạo Chi hội người cao tuổi Khu dân cư 8, hội viên Hội cựu chiến binh, tổ trưởng tổ dân phố, tham gia tổ thơ... Để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, ông thông qua hội chữ thập đỏ phường nhưng giấu tên. Ông còn dành nhiều thời gian thăm hỏi và giúp đỡ đồng đội cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Vì thái độ tận tâm ấy mà người dân khu phố, bạn bè chiến hữu quý mến và dành cho ông nhiều thiện cảm.

Đỗ Cường thích vẽ tranh và ông vẽ cũng rất đẹp. Ông vẽ tranh về Bác Hồ, cầu Long Biên, Hồ Gươm, bác sĩ quân y. Có bức được giữ lại như tranh Vịnh Hạ Long treo ở phòng khách, có bức ông vẽ dành tặng bạn bè chiến hữu, cũng có những bức ông dành để bán. Ông còn làm thơ, viết truyện ngắn, tùy bút rồi gửi cộng tác cho các báo Cựu chiến binh Hà Nội, Người cao tuổi.

Tình yêu dành cho thơ ca là động lực thúc đẩy Đỗ Cường trở thành một trong những người tham gia sáng lập Tổ thơ của tiểu khu Tương Mai (tiền thân của Câu lạc bộ thơ Tương Mai hiện nay). Hồi mới ra mắt, tổ thơ chỉ có chục người. Trong tổ có nhà thơ Tạ Hữu Yên đóng vai trò chủ chốt, cố vấn cho các thành viên. Bà Mỹ Dung làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Thành viên đều là các cựu chiến binh của phường, hoạt động rất đều đặn vào ngày 15 hàng tháng.

Gom góp những sáng tác của mình, ông tự bỏ tiền túi ra xuất bản 2 tập thơ (Những chặng đường - tập 1, Những chặng đường đời - tập 2), 1 cuốn tự truyện (Chưa xa), 1 quyển hồi ký (Nghị lực sống, tác giả Diệu Ân viết theo lời kể của ông). Sách ông in với số lượng nhỏ, chỉ để dành tặng cho người thân, bạn bè và giữ làm kỷ niệm.

Thanh Loan