Nghi vấn cái chết bất thường của bệnh nhi 4 tháng tuổi

Nghi vấn cái chết bất thường của bệnh nhi 4 tháng tuổi

Thứ 5, 02/05/2013 | 09:08
0
Bệnh nhi đã tử vong sau khi được cấp cứu và truyền máu nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cái chết.

Không cho chuyển viện dù bệnh nặng hơn?

Nghe tiếng khóc gào xé tâm can của người mẹ trẻ tội nghiệp trong căn nhà im lặng ấy, khiến chúng tôi cũng không tránh khỏi ngậm ngùi đau xót trước sự ra đi của bé Lê Thị Trâm khi mới vừa lọt lòng mẹ được 4 tháng.

Xã hội - Nghi vấn cái chết bất thường của bệnh nhi 4 tháng tuổi

Người mẹ đau đớn, vật vã khi mất đi đứa con gái bé bỏng.

Cố ngăn dòng nước mắt, phải rất khó khăn anh Lê Xuân Minh (SN 1971) trú tại xóm 4, xã Phúc Thọ, Nghi Lộc (Nghệ An), bố của bé Trâm mới có thể chia sẻ với PV về sự ra đi đột ngột của con trẻ. Theo anh Minh, trưa ngày 21/4, thấy bé Trâm xuất hiện tình trạng biếng ăn, nôn trớ, vợ chồng anh Minh đã hết sức lo lắng và lập tức đưa con đến bệnh viện Nhi Nghệ An để thăm khám và điều trị. Tại đây, sau khi các bác sĩ khám và thử máu đã quyết định truyền dịch cho cháu từ 16h đến 20h thì hết một bình 300ml nhưng vẫn chưa tìm ra bệnh. Lo lắng cho sức khỏe của con, anh Minh đã yêu cầu cho cháu được nằm viện, tuy nhiên, bác sĩ bảo cháu bé chỉ bị mệt bình thường, không nhất thiết phải nằm viện điều trị. Từ tối ngày 21 đến sáng 22/4 sức khỏe của cháu Trâm đã đỡ hơn, không còn nôn và khò khè khó thở nữa và vẫn chơi ngoan, không hề khóc, trớ hay có bất cứ biểu hiện gì bất thường nên gia đình cũng đã yên tâm hơn.

Nhưng đến trưa ngày 22/4, bé Trâm lại bắt đầu có biểu hiện nôn, bú kém. Lo lắng không biết sức khỏe của con có vấn đề gì, gia đình tiếp tục đưa cháu trở lại bệnh viện. Đến đầu giờ chiều, bé Trâm được thạc sĩ, bác sĩ Lâm Văn Trà, phó trưởng khoa khám bệnh đã trực tiếp khám và làm hồ sơ cho cháu nhập viện, sau đó chuyển vào khoa tiêu hóa của bệnh viện để theo dõi. Trâm tiếp tục được các bác sĩ lấy máu làm xét nghiệm lần 2, đồng thời tiến hành chụp tim, phổi và siêu âm ổ bụng. Trong quá trình xét nghiệm, thấy bé có biểu hiện bạch cầu tăng, hồng cầu giảm, còn các bộ phận khác hoàn toàn bình thường, không hề có dấu hiệu khác lạ. Bệnh nhi tiếp tục được các bác sĩ chỉ định truyền tiếp 2 bình dịch nữa trong suốt buổi chiều hôm đó.

Không yên tâm trước những kết luận có tính mâu thuẫn trong hai lần xét nghiệm từ phía bệnh viện, gia đình đã xin phía bệnh viện chuyển cháu ra viện Nhi Trung ương để thăm khám và tìm hiểu nguyên nhân của bệnh, nhưng các bác sĩ cho rằng không cần thiết phải chuyển viện và giữ cháu lại tại khoa.

Đang dở dang câu chuyện, anh Minh nghẹn ngào không thể nói tiếp khi nghĩ đến hình ảnh cô con gái bé bỏng đã ra đi quá nhanh. Ông ngoại của Trâm là Trần Văn Phúc tiếp lời con rể: "Khoảng 20h tối hôm đó, khi thấy vợ chồng con gái tôi cho cháu uống sữa xong tôi bảo hai đứa nó đi ăn cơm để tôi trông cháu thay cho. Lúc đó, cháu chơi ngoan lắm, vẫn còn cười khi tôi trêu đùa và nói chuyện với những người trong phòng bệnh. Khi đó, có hai cô y tá vào nói cháu nhịp thở hơi nhanh và hồi hộp, nên cho thở oxi, rồi họ quay lại bắt tay tìm ven để tiếp tục lấy máu làm xét nghiệm lần 3. Nhìn cháu khóc thét trong đau đớn, tôi đau xót vô cùng. Thử nghĩ xem, một đứa con nít mới được 4 tháng tuổi mà miệng thì phải thở oxi, một tay đang phải truyền dịch, còn một tay thì hai cô y tá giữ chặt cứ châm hết lần này đến lần khác để "bắt ven" lấy máu khiến cháu chảy máu vết chích đầy tay mà vẫn không được đúng ven để hút máu ra. Thế còn gì là người nữa?".

Xã hội - Nghi vấn cái chết bất thường của bệnh nhi 4 tháng tuổi (Hình 2).

Bác sĩ Phạm Quang Diệu, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Nghệ An đang trao đổi với PV

Cái chết bất thường

Trong khi đó, vừa vội nuốt bát cơm lót dạ, anh Minh và vợ là Trần Thị Hồng (SN 1977), nhanh chóng quay lại với con. Vừa bước vào cửa phòng bệnh, anh chị đã bàng hoàng khi cô con gái bé bỏng không còn tươi cười ngoan ngoãn chơi như lúc anh chị đi ra nữa. Trước mắt anh chị là cảnh bé Trâm ngất lịm, người không còn sức sống trong nằm trong lòng ông ngoại khi hai cô y tá vẫn còn đang loay hoay "tìm ven" trên mu bàn tay đang chảy máu của cháu bé.

Thấy vậy, quá hoảng hốt khi thấy con đang yếu dần, ông bố này đã chạy lại yêu cầu y tá rút kim tiêm ra, nhưng hai cô y tá không đồng ý và đề nghị anh để cho họ làm việc. Anh Minh tức tốc chạy đi tìm bác sĩ  để báo tình hình của cô con gái và yêu cầu bác sĩ lại kiểm tra thì được sự trả lời rất điềm tĩnh rằng, cứ yên tâm để hai cô y tá ấy làm việc. Không biết làm thế nào, anh lại chạy về phòng bệnh, thì thấy cháu cứ lịm dần lịm dần, không còn phát ra tiếng khóc nữa. Quá hoảng sợ trước tình cảnh trên, một lần nữa anh lại đến gõ cửa phòng bác sĩ, nhưng phải đến khi cô y tá lấy máu của cháu hoảng hốt chạy lại gọi, bác sĩ kia mới chạy đến phòng bệnh kiểm tra. Thấy cháu trở nên nguy kịch, bác sĩ đã bế thẳng bé Trâm xuống khoa Hồi sức cấp cứu.

Anh Minh tâm sự: "Khi hai cô y tá vừa rút kim tiêm ra khỏi người cháu, thì cháu đã không những ngất lịm mà người đã tím bầm rồi. Thật sự thì gia đình tôi cho rằng cháu đã mất ngay sau khi hai cô y tá lấy máu xét nghiệm. Khi cháu được chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu thì đã không kịp rồi". Sau khi các bác sĩ thực hiện các biện pháp cấp cứu, rồi yêu cầu người nhà thử máu, tìm người phù hợp để truyền máu cho cháu. Mặc dù, đã có nguồn máu phù hợp và cháu bé được truyền kịp thời, nhưng đến khoảng 2h kém bệnh nhi đã tử vong.

Trước cái chết bất thường của cô con gái bé bỏng, gia đình anh Minh đã hết sức bất bình và cho rằng cháu Trâm mất nguyên nhân là do phía bệnh viện mà đặc biệt là trong quá trình lấy máu xét nghiệm lần 3 của hai cô y tá. Phía gia đình đã yêu cầu bệnh viện giải trình và làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự tử vong của bệnh nhi. Tuy nhiên, trong buổi làm việc, trao đổi giải quyết hậu quả giữa gia đình bệnh nhi và bệnh viện, có sự chứng kiến của Công an phường Hưng Dũng (TP. Vinh) thì đã không có sự thống nhất, phía bệnh viện không có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình nạn nhân về cái chết đột ngột của con gái họ.

Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Phạm Văn Diệu, phó giám đốc bệnh viện, đồng thời cũng là bác sĩ trực lãnh đạo tham gia hội chẩn vào ngày 23/4 cho biết: "Khoảng 19h ngày hôm đó, bác sĩ Quỳnh Trang, trực khoa tiêu hóa đã mời hội chẩn gồm 3 bác sĩ là tôi, bác sĩ Trang và bác sĩ Toàn. Dựa trên những kết quả khám, xét nghiệm, chụp, siêu âm... đã thực hiện trước đó, chúng tôi thống nhất chuẩn đoán là cháu bị thiếu máu nặng, nôn và mất nước. Đề nghị của ban hội chẩn là cho làm xét nghiệm định nhóm máu, công thức máu, đông máu. Nếu đủ điều kiện sẽ cho truyền máu, đồng thời cho chỉ định thở oxi vì bệnh nhân có nhịp thở nhanh. Các bác sĩ và y tá của bệnh viện đã thực hiện đúng y lệnh của ban hội chẩn".

Cũng theo lời bác sĩ Diệu thì phía bệnh viện Nhi Nghệ An thì sau khi bệnh nhi tử vong, bệnh viện đã có những cuộc họp nhanh giữa lãnh đạo bệnh viện với kíp trực ngày hôm đó. Ông Diệu cho rằng: "Đến nay, chúng tôi vẫn chưa phát hiện có dấu hiệu sai sót nào trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn của các y bác sĩ".

Viện khoa học hình sự, bộ Công an vào cuộc

Liên quan đến vụ cháu Lê Thị Trâm (4 tháng tuổi) tử vong tại bệnh viện Nhi Nghệ An. Từ khoảng 19h 30 đến 21h ngày 23/4, các cán bộ pháp y thuộc Viện khoa học hình sự (bộ Công an) và Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành công tác khám nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhi này. Được biết, đây là lần đầu tiên Viện khoa học hình sự, bộ Công an trực tiếp vào cuộc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tử vong tại bệnh viện này.

Hồng Diệp - My Khánh

Bệnh viện Đà Nẵng quá tải vì bệnh nhi tay-chân-miệng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Tình trạng gia tăng đột biến số lượng bệnh nhi taychânmiệng (TCM) trong những ngày qua đã khiến cho trung tâm Phụ sản nhi, bệnh viện Đà Nẵng trở nên quá tải.

Bệnh viện yêu cầu về lo hậu sự, bệnh nhi vẫn sống khỏe

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Do bị bệnh, gia đình bệnh nhi đã đưa con đến cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. Sau hơn một ngày cấp cứu, điều trị tích cực, người nhà bệnh nhân nhận được yêu cầu về chuẩn bị hậu sự. Nhưng trái ngược với lời nói của các y, bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn, đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã bình phục hoàn toàn.

Chết bất thường sau khi bị công an 'bắt bạc' ở Hải Phòng

Thứ 5, 11/04/2013 | 20:21
Cho rằng cái chết của anh Nguyễn Văn Q. (SN 1966, trú tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an tham gia triệt phá sới bạc tối 7/4, sáng hôm sau (8/4), hàng trăm người dân địa phương cùng người thân của anh Q. đã mang xác người xấu số đến "quây" kín UBND xã Chính Mỹ, gây sức ép và đòi hỏi "một câu trả lời chính đáng". Sự việc đã gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng.

Sản phụ chết “bất thường” trên giường đẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Người dân ở thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang xôn xao về cái chết của sản phụ trẻ Trần Thị Lài (SN 1989).