Ngôi làng hoàn lương dành cho những người một thời lầm lỡ

Ngôi làng hoàn lương dành cho những người một thời lầm lỡ

Thứ 2, 06/05/2013 | 13:43
0
Họ có một quá khứ lầm lỡ, phải trả giá việc chôn vùi tuổi trẻ trong chốn lao tù. Mãn hạn họ tìm đến với nhau những người cùng cảnh ngộ, tạo thành một xóm nhỏ bên khu đồi biệt lập. Chính nơi đó, họ bình tâm làm lại cuộc đời.

Bến đỗ cho những mảnh đời sóng gió

Chúng tôi đến "làng hoàn lương" xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vào những ngày đầu tháng 5. Cơn mưa rào bất chợt thoáng qua làm cho cảnh vật trở nên tươi mát. Con đò nhỏ đưa chúng tôi qua dòng sông Cu Đê lấp lánh như  muốn cùng hát với tiếng sóng vỗ nơi mạn thuyền. Bên kia, thôn Lộc Mỹ nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông Cu Đê, bốn bờ bao bọc bởi núi, giữa thung lũng những ngôi nhà ẩn hiện sau những lũy tre xanh rì.

Xóm Bàn Bàng hay gọi là "xóm hoàn lương" nơi trú ngụ của hàng chục phụ nữ đã từng một thời lầm lỡ từ nhiều miền quê "hội tụ" về. Làng được thành lập từ những năm 1985, khi những con người đã một thời lầm lỡ, họ được giáo dưỡng tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 -06 của TP. Đà Nẵng. Khi ra trại, họ không muốn về quê vì mặc cảm với tội lỗi. Họ không muốn xuống đồng bằng vì sợ "ngựa quen đường cũ", nguyện ở lại nương tựa vào nhau của những người cùng hoàn cảnh. Họ đã rũ bỏ quá khứ xuống bùn đen, tạo lập một cuộc sống mới bằng chính đôi tay của  mình.

Xã hội - Ngôi làng hoàn lương dành cho những người một thời lầm lỡ

Chị Nguyệt đến thăm hỏi sức khỏe của chị Thủy bị bệnh tim dày vò.

Mỗi khi nhắc lại quá khứ, chị Hà Thị Thu Thủy (SN 1955) không khỏi bùi ngùi: "Tui quê tỉnh Sông Bé cũ (nay là hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước), cha mẹ mất sớm, để lại hai chị em bơ vơ khi còn 13 tuổi. Hai chị em đưa nhau về Sài Gòn kiếm việc làm nuôi bản thân. Khi ấy, tuổi còn nhỏ xin việc không ai nhận vì chẳng có người lớn hay một giấy tờ cá nhân mang theo. May mắn hai chị em được một người tốt bụng xin cho làm phụ rửa chén ở quán cơm". Trong một lần xin phép chị Thủy đi ra phố dạo, đứa em trai một mình đi ra ngoài và đi lạc. Trước nỗi sợ lạc mất em, chị Thủy nghỉ việc ở quán cơm đi tìm. Chị Thủy cho hay: "Tui đi tìm nó suốt hai ngày trời ở Sài Gòn mà không thấy thông tin gì về nó. Phần vì thương thằng em, phần nữa tui chán nản, tui không về lại quán cơm, mà sống đời phiêu bạt từ đó".

Đến Đà Nẵng với hy vọng tìm gặp được em trai nhưng cuộc tìm kiếm dường như đi vào bế tắc. Trong lần lâm vào cảnh túng thiếu chị bị lừa vào động mại dâm. Từ đây, chị Thủy phải gắn chặt cuộc đời mình với nghề "không mong muốn" này. Với những đồng tiền từ nghề "bán thân nuôi miệng", chị lao vào những cuộc ăn chơi xa xỉ rồi dính vào nghiện ngập. Sau hơn hai năm trác táng, năm 1979, chị được đưa vào trại. Năm 1983, chị được thả ra làm công nhân nhưng "ngựa quen đường cũ", chị bị bắt rồi đưa về tại trung tâm phục hồi nhân phẩm. Năm 1990, chị kết hôn với anh Mai Văn Năm (một người trong trại) rồi đưa nhau ra xóm này sinh sống cho đến nay.

Phía bên kia nhà chị Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957, quê tỉnh Quảng Nam) có một tuổi thơ bất hạnh và quá khứ từng lầm lỡ. Lau những giọt mồ hôi trên trán, chị kể: "Tui mồ côi từ khi lên 5, mẹ mất sớm, người cha bỏ đi biệt xứ. Tui về sống với bà ngoại gần hết tuổi thơ thì bà mất, bỏ lại tui bơ vơ không nơi nương tựa". Lớn lên, chị Nguyệt ra thành phố kiếm việc làm nuôi bản thân. Nhưng kiếm việc khó quá, chị Nguyệt nghe lời rủ rê của những người cùng hoàn cảnh sống cuộc đời lang thang. Chị Nguyệt vì sở hữu một gương mặt xinh đẹp hiền lành nên nhiều "má mì" để ý. Trong một lần không kiềm chế bản thân với những đồng tiền dơ bẩn cám dỗ, chị đã dấn thân vào con đường "buôn hoa bán phấn".

Chị Nguyệt cứ thế trượt dài và trở thành người ăn chơi khét tiếng ở TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ. Chị được đưa vào trại năm 1982 và ra trại hai năm sau đó (năm 1984). Ra trại chị cũng không biết đi đâu, về thành phố sợ trở lại con đường cũ. Sau bao ngày đắn đo, suy nghĩ chị quyết định ở lại xóm này làm lại cuộc đời từ con số "không" tròn trĩnh: Không gia đình, không người thân, không nhà, không cửa và tiền bạc cũng không. Nhưng ở với những người cùng hoàn với mình, chị Nguyệt lại thấy ấm áp khi có người để nương tựa, giúp đỡ nhau.

Xã hội - Ngôi làng hoàn lương dành cho những người một thời lầm lỡ (Hình 2).

Đất cho người nương náu, người giúp đất hồi sinh...

Xóm hoàn lương giờ đã "thay da đổi thịt" nhiều, những căn nhà ngói đỏ, con đường bê tông chạy xuyên suốt làng. Nhớ lại những ngày ra trại về mảnh đất này, chị Nguyệt tâm sự: "Trước kia, vùng này hoang vu lắm, không có người chỉ thấy rừng với rừng". Nhưng bằng lòng quyết tâm làm lại cuộc đời, những người phụ nữ có mặt đầu tiên ở đây đã lên rừng kiếm gỗ, lá cây rồi giúp nhau dựng lên những căn nhà lá ở tạm. Những ngày mùa mưa, ngôi làng giống như một ốc đảo nhỏ, bốn bề toàn nước và rừng cây. 

Theo chị Nguyệt, thời điểm đó ở xóm hoàn lương, đất đồi khô cằn, toàn đá sỏi. Những người quyết định bám trụ ở đây không biết trồng gì, nuôi con gì. Quyết tâm không quay về xuôi để rồi quay lại con đường cũ, họ chỉ còn cách là lên rừng kiếm củi, hái lá rừng về ăn. Thân phận nữ nhi chân yếu tay mềm, nhưng với nghị lực, quyết tâm, họ vượt qua những chông gai khó khăn trước mắt. Ngày ngày len lỏi trên khu rừng, đốn củi mưu sinh. Chị Nguyệt cho biết: "Chúng tôi từ sáng đến tối cũng đốn được 5 - 6 bó củi. Sau đó, chúng tôi vượt qua con sông Cu Đê, gánh bó củi hơn 3 cây số về trung tâm xã để bán. Tôi nhớ mỗi bó củi thời điểm ấy cũng bán được từ 3 - 4 ngàn đồng".

Cuộc sống những ngày đầu hoàn lương của những người một thời từng là gái làm tiền, trai ăn chơi trác tán, nghiện ma túy...  ngập chìm trong khó khăn. Nhưng càng trong khó khăn, những con người cùng cảnh ngộ lại càng nương tựa vào nhau, tạo lập một cuộc sống mới trên mảnh đất khô cằn này. Ở đó họ đã làm nên những câu chuyện tình yêu diệu kỳ. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn (57 tuổi, quê ở Huế) và Lê Thị Thủy (53 tuổi, quê Hà Tĩnh) là cặp đôi đẹp nhất trong làng. Từ những ngày trong trại họ đã cảm mến nhau. Khi ra trại, một đám cưới tập thể được diễn ra do cán bộ Trung tâm giáo dưỡng tổ chức. Giọng nói vẫn còn nguyên chất Hà Tĩnh, chị Thủy tâm sự: "Hồi đó, chúng tôi ra trại khổ lắm, nhưng vợ chồng bảo nhau là ở lại chứ không về xuôi, sợ không chịu được sự cám dỗ. Giờ đây, chúng tôi con cháu đầy đàn. Tôi không ngờ cuộc đời mình nhiều lem luốc lại có chồng có con, hạnh phúc mô bằng".

Cuộc sống luôn có tình yêu

Câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu (52 tuổi) và chị  Bùi Thị Sĩ (56 tuổi) ở đây cũng là minh chứng sống về một tình yêu đẹp. Anh Sáu vốn là thanh niên gốc TP. Đà Nẵng đến làng hoàn lương làm kinh tế mới. Trong một lần vào xem các trại biểu diễn văn nghệ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sáu "mê" giọng hát ngọt ngào và khuôn mặt xinh đẹp của cô trại viên phục hồi nhân phẩm hơn mình đến 4 tuổi. Gặp chị Sĩ, anh hiểu rõ chị từng "lấm bụi trần", nhưng bằng tình yêu và sự cảm thông sâu sắc, anh Sáu vẫn quyết định kết duyên với chị mặc cho gia đình, người thân phản đối quyết liệt. Cưới nhau năm 1986, vợ chồng "dắt nhau ra ở riêng ở làng này. Anh Sáu nói: "Trên đời này không ai là không có lỗi lầm, vợ tôi có thể lầm lỗi với xã hội, nhưng với tôi, cô ấy vẫn rất tuyệt vời...".                  

Đang vươn lên từng ngày

UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cho biết nhìn qua, xóm hoàn lương nằm bên dòng sông Cu Đê xinh đẹp người ta không còn nghĩ đó là nơi trú ngụ của những người từng một thời lầm lỡ. Trong làng đã có bóng dáng của những đứa trẻ thơ đang hàng ngày cắp sách tới trường. Những mảnh vườn và cánh đồng đầy những rau quả, lúa xanh rì được con người nơi đây vun trồng. Họ không còn mặc cảm với quá khứ, đang sống tốt và vươn lên từng ngày bên dòng sông êm đềm.

Hoàng Sơn

Chân dung một tỷ phú 8x hoàn lương

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
So với thế hệ 8X, Huy là người giàu có và thành đạt. Nhưng Huy ăn mặc giản dị, đi một chiếc xe máy bình thường và nói chuyện rất mộc mạc, khác xa với Huy một thời tuổi trẻ nông nổi.

Gái hoàn lương đẫm nước mắt vì chồng ghen

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Một ngày nhá nhem ở Hà Nội đầy ắp những người, người đàn bà bơ vơ giữa dòng đời oan nghiệt đã phải làm gái bán dâm. Buộc phải bước lên chiếc xe áp tải của công an phường Thiền Quang, nỗi nhục nhã, ê chề chẳng nói nên lời của chị cũng đã đến lúc được chấm dứt…

Bí ẩn cả ngôi làng đột nhiên biến mất

Thứ 5, 04/04/2013 | 14:14
Mùa đông năm 1930, khoảng 2.000 người dân trong ngôi làng Anjikuni (Canada) đã đột ngột biến mất một cách khó hiểu. Sau gần một thế kỷ, bí ẩn này vẫn là một thách thức với các nhà nghiên cứu khi chưa ai có thể đưa ra được lời giải thích.

Chuyện ly kỳ về ngôi làng biến đổi giới tính

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Ngôi làng Las Salinas hẻo lánh của nước Cộng hòa Dominique đã gây kinh ngạc khi 38 cư dân ở đó lúc mới sinh là nữ, đến tuổi dậy thì bỗng biến thành nam một cách tự nhiên.