Ngôi làng quanh năm chỉ biết ăn cơm nếp

Ngôi làng quanh năm chỉ biết ăn cơm nếp

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Dù là người dân Việt Nam, nhưng những người Bahnar ở làng Típ (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, Gia Lai) quanh năm chỉ dùng gạo nếp làm lương thực chính cho mỗi bữa ăn hàng ngày.

Với họ, cơm tẻ lại là thứ lương thực khó ăn, nhanh đói và nhanh ngán, nên chỉ lâu lâu ăn một bữa cho lạ miệng.

Xã hội - Ngôi làng quanh năm chỉ biết ăn cơm nếp

Hạt nếp của làng Típ

Cơm nếp là “mẹ ruột”

Đó là ngôi làng chỉ có hơn 360 người đồng bào dân tộc Bahnar cùng sinh sống. Họ cũng có những nền văn hóa và phong tục tập quán như bao nhiêu đồng bào anh em của mình, chỉ khác một điều duy nhất là từ bao đời nay họ đã dùng gạo nếp thay thế cho gạo tẻ để làm món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày của mình.

Những người dân nơi đây cho rằng, gạo nếp chính là mẹ ruột. Gạo nếp ăn vào sẽ chắc bụng và no lâu, vì vậy ăn cơm nếp sức khỏe mới được bảo đảm. Già làng Rơ Châm Rước, trò chuyện bằng số vốn từ tiếng Kinh chưa sõi, già bảo: “Làng mình ăn cơm nếp cả trăm năm rồi. Từ thời tổ tiên mình, mình sinh ra là ăn cơm nếp cho đến nay. Ăn cơm nếp chắc bụng chứ ăn cơm tẻ cái bụng không no được đâu”.

Mặc dù đã qua hơn 90 mùa rẫy, nhưng già Rơ Châm Rước vẫn rất khỏe mạnh, và tràn đầy sức sống như một nam trung niên. Hàng ngày, già và bà vợ sắp qua 80 mùa rẫy của mình vẫn cuốc bộ 5-7 km để lên đồi núi làm 9 sào lúa. Theo sự giải thích của già Rước, việc tất cả người dân làng Típ đều ăn cơm nếp quanh năm đã trở thành thói quen hàng ngày, và bây giờ là chuyện không thể thay thế được trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào nơi đây.

Như chúng ta đã biết, với đại đa số người Kinh và hầu hết những dân tộc anh em khác trên toàn đất nước Việt Nam, thì gạo tẻ vẫn là món ăn chính không thể thay thế được trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Còn gạo nếp thì chỉ dùng để ăn cho vui trong những dịp giỗ, tết, cưới, hỏi. Đây là một thứ thực phẩm cũng na ná như gạo tẻ về hình dáng nhưng khi nấu lên lại dẻo và có mùi vị thơm lừng, nhưng khi ăn vào lại khiến cho người ta có cảm giác dễ bị ngán, và đầy hơi.

Theo già làng Rơ Châm Rước thì: “Một năm làng mình chỉ làm một mùa rẫy từ tháng 4 đến tháng 8 để đủ ăn trong cả năm, đồng bào làng mình chỉ chuyên trồng lúa nếp thôi. Lúc nào thích ăn thịt heo mình mới đi mua gạo tẻ về nấu ăn. Mình ăn gạo tẻ không ngon miệng, mau ngán, mà ăn gạo tẻ phải có thịt heo mới ăn được chứ không phải như gạo nếp vừa thơm ngon, vừa ưng cái bụng, dân làng mình từ bé đến lớn ai cũng thích ăn gạo nếp.

Già Rước tự hào nói: “Đồng bào mình ở đây chỉ trồng có hai loại lúa thôi, đó là lúa đen và lúa trắng. Cứ đến mùa thu hoạch, mình phơi xong là mang cất đi, lúc nào ăn thì mình lại đong một ít mang đi xay và trả tiền công cho họ. Nếu lúc đó không có tiền thì mình lấy một ít gạo trả công cho họ, khi trời mưa không đi được mình tự giã gạo bằng tay, chứ không xay một lần để lâu ngày ăn không ngon mà lại bị hư nữa”.

“Ăn gạo tẻ tốn cái tiền lắm”

Đồng bào nơi đây ai cũng đều ăn cơm nếp từ khi còn nhỏ, nên với họ cơm nếp là một loại thức ăn ngon miệng ăn hoài mà không biết chán. Là người có thâm niên hơn 30 năm ăn cơm nếp, anh Dúi cười vui vẻ nói với chúng tôi: “Mình ăn cơm nếp thường ngày. Ăn cơm nếp thì làm sao mà chán được chứ, mình thấy rất ngon, no cái bụng, mình đã ăn mấy chục năm rồi có thấy chán đâu. Chỉ lâu lâu muốn đổi món ăn thì nhà mình mới mua gạo tẻ để nấu mà thôi, nhưng ăn gạo tẻ tốn cái tiền lắm, vì phải có thịt heo ăn mới ngon, mà phải mua gạo loại cao tiền thì về nấu mới ngon được, nên mình ít khi nào ăn gạo tẻ lắm”.

Xã hội - Ngôi làng quanh năm chỉ biết ăn cơm nếp (Hình 2).

Hình ảnh người làng đang ăn cơm nếp

Cũng như anh Dúi, tất cả mọi người trong làng đều rất thích ăn gạo nếp, bữa cơm của họ rất đơn sơ và đạm bạc. Khác với mâm cơm của người Kinh lúc nào cũng có cá, thịt, rau củ quả thịnh soạn thì ngược lại với mâm cơm của hơn 60 hộ dân làng Típ chỉ có cơm nếp và lá mì (sắn).

Với họ thế là đủ no, ngon miệng và đủ sức để lên cái rẫy mà làm việc. Họ còn quan niệm rằng, nếu thấy gia đình nào trong làng mà mâm cơm không có gạo nếp mà lại là gạo tẻ thì chứng tỏ gia đình đó đang rất khó khăn, đói khổ. Mặc dù trong mâm cơm đó có thịt heo và những thức ăn khác. Mình có nếp phải ăn nếp chứ, mỗi ngày mình ăn 3 lần cơm nếp. Ăn nếp chỉ cần có lá mì là ngon rồi, mình ăn quanh năm được. Chỉ lúc nào đói mình mới ăn cơm tẻ, mà ăn gạo tẻ là phải có thịt, có canh mới ăn được.

Vừa dẫn chúng tôi đi khắp làng, già Rước vừa cho chúng tôi biết thêm: “Từ lúc có công trình thủy điện Sê San 3 xây dựng trên mảnh đất của làng, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Những bữa cơm tẻ lúc đói đã thay thế cho những củ mì, hạt bắp trước đây, nhận thức của người dân cũng đã tiến bộ lên rất nhiều. Và già Rước cũng không quên khoe với chúng tôi về những gì bản thân già nhận thấy, rút ra từ những người Kinh sống xung quanh mình: “Gạo nếp ăn ngon hơn, dân làng mình rất thích, nhưng Kinh ăn không quen, Kinh chỉ ăn chơi cho vui thôi.

Đang còn mải mê với những lời của già làng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh những người phụ nữ cứ hồn nhiên mình trần tắm nơi công cộng hoặc đi khắp làng. Chỉ khi thấy người lạ, thì những người phụ nữ này mới trở nên ngại ngùng và quay lưng bận áo vào. Với họ, cuộc sống hàng ngày là như thế. Và thú vị hơn nữa, cũng tại ngôi làng này không riêng gì già Rước 90 tuổi vẫn khỏe mạnh còn có hàng chục người già khác, tuổi cũng đã trên dưới 90 nhưng sức vóc vẫn đủ bám núi, bám rẫy mỗi ngày.

Già Rước khoe: “Trong làng không hề có người nào vì mắc bệnh mà phải chết sớm. Những người đồng bào ở đây cho rằng, nhờ ăn gạo nếp thường xuyên cộng với những sinh hoạt lên rẫy hàng ngày đã mang đến tinh thần vui vẻ và sức khỏe tràn đầy cho tất cả dân làng”.

Gạo tẻ bị cả làng... "kỳ thị"!

Với tất cả người dân làng Típ, họ có thói quen hoàn toàn trái ngược với đa số người dân Việt. Trong cuộc sống hàng ngày của họ, gạo nếp được họ dùng vào những bữa ăn chính của mình. Với họ, gạo nếp là loại thực phẩm vừa dẻo, vừa thơm ngon, có vị béo, và ăn không bao giờ biết chán, tạo cho họ cảm giác no lâu khi đi rẫy, ăn vào sẽ không bị đói cái bụng. Còn gạo tẻ sẽ làm cho người dân làng Típ ăn vào sẽ thấy khô khan, khó nuốt và không no cái bụng. Như họ nói: “Đi làm rẫy mà không no cái bụng thì làm sao mà làm được!”.

Đặc điểm gạo nếp ở nơi đây cũng khá là đặc biệt, không giống như gạo nếp của người Kinh màu trắng. Mà hạt gạo nếp của người dân làng Típ tròn trịa như nếp Bắc, nhưng không có màu trắng mà lại có màu đen tuyền khi dã bằng cối, khi nấu chín có mùi vị thơm lừng và dẻo dai.

Nhật Khánh