Ngón nghề “săn” đá quý của đại gia

Ngón nghề “săn” đá quý của đại gia

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Chuyện đi "săn" những viên đá quý đẹp, quý hiếm thì không phải "thợ" nào cũng có kinh nghiệm. Một nghề "hái" ra tiền cũng đồng nghĩa với "cuộc chiến không tiếng súng".

Yên Bái nổi tiếng cả nước với những viên đá có giá trị lớn, vì thế nơi đây luôn được các tay chơi săn lùng ráo riết.

Thời của "đại ca" đá quý

Ông Huỳnh Tiến tự giới thiệu: "Tôi đã có cả thời tuổi trẻ, hơn 30 năm tiếp theo của tuổi trẻ theo "cái nghiệp săn đá" - tức "săn" đá quý - cùng gia đình. Bây giờ cả gia đình tôi đã chuyển nghề. "Săn" đá quý không đơn thuần là có nhiều tiền là mua được đá tốt, đá đẹp mà là phải đi tìm kiếm, phải mưu mẹo, lừa lọc, là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu và tính mạng. Tất cả các bãi khai thác đá quý ở Yên Bái đều có dấu chân của tôi và người thân trong gia đình. Xã Tân Hương, huyện Yên Bình - nơi được mệnh danh là vùng đá quý nổi tiếng ấy, những năm 80, 90 của thế kỷ trước thực sự là một "chiến trường" của những kẻ khai thác đá trái phép. Ngày ấy, bán kính bất khả xâm phạm, nội bất xuất, ngoại bất nhập của những kẻ khai thác đá trái phép là 15km2. Người dân ở nơi khác đến, vô tình đi qua khu vực mà bưởng trưởng khai thác, vô tình đứng nhìn, ngắm đồi núi, cảnh vật... là có chuyện ngay lập tức. Ngày đó, chỉ những "thợ" săn đá quý chuyên nghiệp mới được cái quyền đặt chân lên bất kỳ nơi nào của khu khai thác đá quý trái phép".

Cảnh khai thác đá quý ở bãi

Ông Tiến tự bạch: "Có lần, tôi dẫn một người bạn ở Hà Nội vào khu khai thác đá thăm cảnh núi đồi và tiện thể có đá tốt thì mua về làm của hồi môn cho con gái... Những "chú" cửu vạn giúp việc hay còn gọi là đám ong ve của bưởng trưởng tưởng tôi dẫn công an vào, chúng "xét hỏi, săm soi" đủ kiểu. Chúng giữ 2 chúng tôi ở khu vực đó cả ngày, chờ bưởng trưởng về giải quyết. Đường vào bãi Tân Trung, Yên Ngựa, Khuôn Giỏ... ở Tân Hương ngày xưa một bên là đồi, một bên là sông và thung lũng hun hút. Đường thì nhỏ, dốc lại quanh co, tối không thể đi được. Nếu chẳng may vào ổ gà hay bị viên đất đá chặn đường, phanh gấp, tay lái loạng choạng, thì một là đâm vào sườn núi hai là lao xuống sông hoặc rơi xuống thung lũng hút sâu".

Theo ông Tiến, quyền lực của các bưởng trưởng ngày đó lớn hơn đại gia nhiều tiền bây giờ. Bưởng trưởng được xem là "vua" một vùng. Ngày ấy, đã từng xảy ra nhiều chuyện, có người không biết, đi vào vùng đất bưởng trưởng khai thác đá trái phép bị giữ lại, không bị đánh đập nhưng khi nào có người ở trong bưởng ra ngoài lấy lương thực thì mới được đưa ra ngoài, với điều kiện, bị bịt mắt kín.

Nhiều tiền vẫn mua phải đá loại 2

Ông Hoàng Trung cũng là một "thợ săn" đá quý có tiếng ở vùng đá kể: "Thời kỳ Pháp chiếm đóng, họ đã phát hiện ra dưới lòng đất có nhiều khoáng sản, trong đó có đá quý. Họ khai thác, đem về Pháp và qua kiểm định, khẳng định đá quý ở Yên Bái chất lượng tốt nhất khu vực Đông Nam Á.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, người ta không màng tới đá quý mà chỉ lo cơm áo, gạo tiền. Hiện tại khi cơm, áo, gạo, tiền không còn là nỗi lo thường trực nữa, người ta trở về quá khứ để "khai quật" những bí mật của nó. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đội ngũ "thợ săn" đá quý ra đời. Nó chẳng có quy định nào cả nhưng như là luật bất thành văn, cứ vùng ai người đó kiểm soát, còn vùng chưa có "thợ" phụ trách thì mạnh ai người đó thắng.

Các đại gia ở vùng miền khác đến Yên Bái tìm đá quý đều phải có "thợ" giúp sức nếu không chỉ mua được đá thường hoặc mua phải đá quý rởm. Người nước ngoài về Yên Bái tìm đá quý, chi ra rất nhiều tiền, tốn nhiều thời gian nhưng cũng chỉ có được đá quý loại 2". Ông Trung giải thích: Năm 2001, có một ông tên là Pier, người Pháp, đi du lịch sang Việt Nam 4 lần trong năm. Qua mai mối, ông ta nhờ đến 3 "thợ" ở Yên Bái tìm đá quý giúp thế mà chỉ tìm được đá loại 2.

Vì sao ông biết đó là đá loại 2? Ông Trung thẳng thắn: Dựa vào kinh nghiệm "săn" đá, hiểu biết về đá của "thợ". Ông Pier này cũng thừa nhận đó chưa phải là viên đá "xịn" nhất ở Yên Bái mà ông ta từng biết. "Xịn" nhất là viên nào thì không ai có thể biết được vì có khi nó còn ở trong lòng đất...

Ông Tiến khẳng định: Nghề săn đá quý thăng trầm lắm. Có nhiều mối thì còn nhiều việc, kiếm được tiền. Ít mối thì kiếm được, bán lại hoặc hợp tác với "thợ" khác để bán. Như thế, thì không được lãi nhiều. Nếu trực tiếp bán được với khách hàng, mỗi "thợ" có bí quyết moi tiền khác nhau. Có thể khách biết đó là đá loại 2 nhưng già hay non, trung bình hay kém thì khó biết. Khi đó, tài thổi của "thợ" sẽ quyết định số tiền thu được.

Dễ đổi đời nhưng cũng dễ bại gia

Được sự giúp đỡ của người bạn, tôi "đột nhập" vào tư gia được xây dựng theo kiểu biệt thự của một "thợ" hay gọi là đại gia đá quý có tiếng ở đất Yên Bái. Những con chó to và cao gần đến đầu người, chĩa cái nhìn đầy cảnh giác vào người lạ như thể sẵn sàng "ăn tươi, nuốt sống"... Rất nhiều "thợ săn" đá quý ở tỉnh miền núi này phải công nhận rằng ông Hùng - chủ nhân ngôi nhà tôi đến xứng đáng là một đại gia đá quý tầm cỡ.

Ngoài việc trường vốn và có kinh nghiệm trong nghề "săn" đá quý ra, ông Hùng có khu vực khai thác riêng và có những mối làm ăn mà không phải đại gia nào cũng tranh nổi.

Xung quanh phòng tiếp khách nhà ông Hùng treo la liệt đầu của những con thú rừng. Chúng "trợn" mắt nhìn khách, thể hiện sự thách thức, quyền lực.

"Thú" chơi của các đại gia

Trong tủ kính trắng là những đồ vật làm từ đá quý. Ra ngoài sân, không ai không thể không ngắm nhìn những dò phong lan rừng đẹp mê hồn, được chăm chút kỹ càng cùng với những cây cảnh được uốn, lượn công phu. Phía bên trong là những chiếc lồng sắt gồm: gà chọi, gấu, khỉ, trăn, chim, sóc, thỏ... Ông Hùng tủm tỉm cười nói: "Đá quý làm đổi đời nhiều người nhưng cũng "giết" nhiều người".

Trong tủ kính có một số vật dụng được giới thiệu là thiết bị hỗ trợ "săn" đá. Ông Hùng lý giải: "Có những thiết bị đó, khi đi mua, đem ra soi, sẽ biết tuổi đá. Tuổi đá tương đương với giá trị của viên đá đó. Càng nhiều tuổi, càng sáng, càng trong, càng lấp lánh thì càng nhiều tiền". Tôi hỏi, thiết bị "soi" đá đó có nhiều tiền không?.

Đầu tư như thế, thu hồi vốn nhanh không? Ông Hùng trầm ngâm kể: "Ngày xưa, người ta không lừa lọc nên buôn bán, tìm kiếm cũng dễ. Bây giờ có những viên đá, đưa công nghệ vào "soi" mà vẫn bị đá lừa. Thời kỳ đầu, "thợ" chỉ cần cái đèn pin phản quang là được.

Sau đó thì đèn có tia laser... Mỗi lần đổi thiết bị, "thợ" phải nhờ người đi nước ngoài mua giúp. Thời đó, "thợ" chuộng đèn pin tia laser của châu Âu. Nếu tìm được hàng xách tay thì là nhất, giá vài trăm USD. Sau này, chuyển sang máy "soi", nhỏ như bao diêm thôi nhưng vài nghìn USD. Đi buôn thì phải đầu tư. Nếu mua phải đá lởm thì chỉ một vụ, có thể bại gia 2 đời không ngóc đầu lên được".

Quế Ngân