Người 30 năm làm tang miễn phí cho người dưng

Người 30 năm làm tang miễn phí cho người dưng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Vì "mắc nợ" những vong hồn mà ông gánh hết bao chuyện thị phi, nợ nần chồng chất và sự hao mòn sức lực.

Khi chuông điện thoại reo, ở mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời khắc nào ông đều có mặt giang rộng vòng tay cứu rỗi để những phận người xấu số khốn cùng có một nơi để yên nghỉ. Ông trở thành người đưa đò ở bến biệt ly, nơi con người giã từ cõi sinh đi về cát bụi.

Ông Ba Oanh bên bức trướng từ thiện của đội tang lễ

30 năm và một công việc khác người

Người đàn ông ấy tên là Bùi Văn Oanh (64 tuổi), nhưng người ta thường gọi ông là Ba Oanh hay ông Ba Phước Thiện. Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 nằm lọt thỏm trong một con hẻm sâu hun hút trên đường Đoàn Văn Bơ (Q4, TPHCM), ông kể:

"Năm 1979 ba ông lâm bệnh qua đời, lúc đó gia cảnh vô cùng khó khăn. Nhà ông là một túp lều "nắng chiếu đầu, mưa thấm áo". Đám tang cha, chi phí tất cả tốn 200 ngàn đồng. Ông phải chạy vạy khắp nơi cuối cùng chỉ gom được 150 ngàn đồng. May mà có người hảo tâm cho ông thiếu tiền hòm một tháng. Đến hẹn trả nợ, ông chưa có tiền, người ta báo chính quyền giải quyết. Một lần nữa, ông lại phải khất nợ. Vậy mà phải đến 3 năm sau ông mới trả xong".

Ông nhớ lại: "Lúc đó người ta đòi găng quá, tôi định bán mảnh đất đi trả nợ cho xong nhưng nhìn thấy vợ con nheo nhóc, bán đất đi rồi biết ở đâu. Tôi lao vào làm việc quần quật thâu đêm suốt sáng, chạy xe không biết mỏi chân để kiếm tiền. Nghĩ mình mà không trả được nợ thì sẽ mang tội với cha. Cha tôi nằm dưới ba tấc đất kia cũng không an lòng".

Từ những bất hạnh, khổ đau ở chính cuộc đời mình, hơn ai hết, ông Ba Oanh thấu hiểu được hoàn cảnh những phận người sống trong cảnh bần hàn, dưới tận cùng của xã hội. Ông tận mắt chứng kiến những thây người cô lẻ nằm quạnh quẽ đâu đó trên những con đường, góc phố ông đi qua. Ông tự thúc vào tim mình phải làm gì đó để giúp đỡ những vong hồn bất hạnh, khốn cùng kia và góp phần xoa dịu nỗi đau người còn sống.

Lúc đầu chỉ một vài người đồng cảm và giúp đỡ ông. Tiếng lành đồn xa, về sau ông tập hợp được một đội gồm 21 người. Họ là những anh phụ hồ, bác xe ôm... từ khắp mọi phương tìm về thành phố mưu sinh. Hàng ngày, ông Ba Oanh chạy xe ba gác chở hàng thuê, hốt xà bần trên khắp các nẻo đường. Từng đồng tiền nhỏ lẻ, ông chắt chiu mua cho mỗi anh em trong đội mai táng từ thiện một bộ đồng phục hành lễ. Ông tập luyện, thực hành cho anh em nghi thức trước khi đưa người về cõi vĩnh hằng.

Ông tâm sự: "Hằng ngày, tôi vừa chạy xe vừa tranh thủ những lúc vắng khách, tôi ghé qua nghĩa địa xem người ta chôn cất người chết ra làm sao, rồi tới những đám tang xem người ta nhang khói, thủ tục khấn vái như thế nào từ đó về dạy lại cho anh em".

Hễ ở nơi nào, vào thời khắc nào có người bần cùng, khốn khổ qua đời người ta tìm đến là ông tức tốc lên đường. Không có tiền ông đi xin hòm, xin áo quan, ông cùng anh em bỏ công sức ra lo ma chay cho họ. Suốt 30 năm qua ông Ba Oanh dành trọn cho công việc đặc biệt này. Công việc mà đáng lẽ ra chẳng liên quan gì đến ông trong khi đó hoàn cảnh gia đình ông nào có hơn ai. Một mình trụ cột trong nhà 6 miệng ăn.

Vợ ông bán nhang ở cổng chùa không thể lấy đó làm nguồn thu để nuôi 5 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ông phải tự bươn mình ra, gò lưng trên chiếc xe ba gác vừa kiếm kế sinh nhai vừa lo chuyện bao đồng. "Nhiều khi trong túi không có một xu, nhưng người ta tìm tới nhờ tôi cũng phải nhận lời. Mình sống thì hôm nay không có ngày mai sẽ có, còn người chết nằm kia họ vĩnh viện không có ngày mai. Cái hạnh phúc ở người đang sống là vậy" - ông trút lòng.

Làm công việc không giống ai, vượt qua rào cản dư luận đã khó ông Ba Oanh còn phải đấu tranh quyết liệt với vợ mình. Vợ ông lúc đầu phải đối gay gắt cho ông là người của thế giới bên kia, vợ con đói khổ chưa lo nổi đi lo chuyện thiên hạ.

Ông kể: "Mười mấy năm tôi phải đấu tranh với bà xã. Tôi thuyết phục vợ ngày chưa đủ thì cả đêm. Đêm nằm ngủ tôi thủ thỉ với vợ chuyện đời, chuyện người, chuyện nhân quả. Riết mà vẫn không lay chuyển được suy nghĩ của bà ấy, tôi nghĩ ra cách hễ ở nơi nào có đám tang là tôi gọi bả đến để bả chứng kiến tận mắt việc làm của tôi, được nghe người xung quanh kể về tôi. Rồi tôi bỏ tiền túi ra mua trái cây, bánh mứt nhờ người ta tới nhà tôi biếu cho vợ nói là lòng cảm tạ của họ dành cho tôi. Cuối cùng bả đã hiểu và đồng ý cho tôi được thoải mái đi làm". Càng ngày ông càng được nhiều người biết đến, cùng với sự hậu thuẫn của vợ, con đường của ông bớt nhọc nhằn, gian khổ hơn.

Người đưa đò ở bến biệt ly

Cho đến hôm nay, ông Ba Oanh không thể nhớ hết có bao nhiêu vong hồn được ông đưa về với tổ tiên của họ. Mỗi năm vào ngày 25 Tết, ông lại mang xấp giấy tờ liên quan đến người quá cố thắp hương và đốt. Ông bảo: "Năm nào cũng thế, giữ lại không được nên tôi đem đi đốt. Tôi thắp hương cầu nguyện cho họ và mời họ cùng về ăn tất niên với gia đình".

Đội tang lễ do ông Ba Oanh thành lập

Không nhớ hết nhưng mỗi lần phải tiễn đưa linh hồn một người nào đó ra đi, lòng ông lại quặn thắt, tim ông nhói đau. Tiếng khóc người thân của họ như ai oán, như vết dao cứa vào tâm can ông. Ông còn nhớ như in câu chuyện bi thương của một gia đình quê miền Trung tha phương vào Nam mưu sinh. Chồng làm phụ hồ, vợ rửa chén thuê. Chẳng may anh chồng bị đau não qua đời, giữa lúc ấy bà chủ lại đuổi người vợ đi. Không nơi nương tựa, không người thân thích, cô vợ tìm đến ông cầu cứu.

Ông làm thủ tục cho người chồng xong theo cô vợ đưa thi thể ra tận Hà Tĩnh chôn cất. Một tháng sau người vợ trẻ bồng theo đứa con tới nhà ông, quỳ lạy sống ông miệng không ngớt nói bồ tát, ân nhân. Còn một lần khác, khi ông đang chạy xe ba gác trên đường thì bắt gặp một hài nhi nằm cô quạnh bên vệ đường. Ông bế xác bé lên, chạy thẳng tới trại hòm trình bày hoàn cành. Chủ hòm hảo tâm cho ông một chiếc hòm làm lễ mai táng cho bé. Ông khâm liệm rồi gửi bé vào chùa cầu cho vong hồn chóng siêu thoát.

Tính nhẩm đến nay có khoảng hơn 1.000 trường hợp người chết vô gia cư, cơ nhỡ được ông Ba Oanh ra tay hiệp nghĩa. Trong số đó, người một thời danh tiếng cũng có, vô danh bần hàn cũng có. Tất cả đều trở thành hư vô khi về với đất mẹ.

Đám tang ông giúp người ta cũng có hòm, có nhang, có nhà sư niệm kinh, có cờ bay trong gió lộng, có đội nhạc hòa tấu biệt khúc tiễn đưa. Những phận người khốn khổ bần cùng ấy đều được ông cho đi trái tim yêu thương bao la của người đang sống. Nghĩa tử là nghĩa tận, cái nghĩa ấy chỉ có người đời mới thấu hiểu được qua việc làm của ông.

Hoa Nguyên

Cùng chuyên mục

Bình Phước: Bắt giữ đối tượng chém 2 người trọng thương

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:43
Mâu thuẫn trong quán nhậu, Nguyễn Hồng Tâm đã rủ bạn đem bình xịt hơi cay và rựa đi chém người, khiến 2 người trọng thương.

Vũng Tàu: Bắt nghi can sát hại chủ quán cà phê sau vài giờ truy xét

Thứ 6, 19/04/2024 | 22:07
Chiều tối 19/4, Công an TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã bắt giữ nghi can sát hại nữ chủ quán cà phê “Nhàn” trên địa bàn, sau vài giờ truy xét.

Vĩnh Long: Phát hiện 16 nam, nữ thanh niên tụ tập sử dụng ma túy

Thứ 6, 19/04/2024 | 20:59
Khoảng 3h30 ngày 17/4, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Công an huyện Long Hồ bắt quả tang nhóm 16 thanh niên sử dụng ma túy.

Hành trình bỏ trốn của tên cướp tiệm vàng ở Bình Thuận đến khi bị bắt

Thứ 6, 19/04/2024 | 19:45
Chiều 19/4, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ đối tượng cướp tiệm vàng ở Tp.Phan Thiết.

Bắt đối tượng dâm ô nhiều nạn nhân

Thứ 6, 19/04/2024 | 19:36
Có ít nhất 4 nữ nạn nhân, trong đó có cả người đi đường bị đối tượng Trí dâm ô, cơ quan công an đang thông báo tìm bị hại để phục vụ điều tra mở rộng.
     
Nổi bật trong ngày

Bắt 2 người liên quan vụ án đấu thầu thiết bị y tế ở Bệnh viện Vũng Tàu

Thứ 6, 19/04/2024 | 16:16
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một người là Phó phòng Sở Y tế và một giám đốc công ty liên quan vụ án vi phạm đấu thầu.