Người anh hùng sau 35 năm

Người anh hùng sau 35 năm "giấu mặt"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Sau khi đất nước thống nhất đã 36 năm, nhưng cho đến nay ít người biết được ai là người đã cắm lá cờ quân giải phóng lên cột cờ của Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn sào huyệt của quân đội ngụy quyền vào ngày 30/4/1975.

Chỉ đến khi thăm phòng truyền thống Sư đoàn 390 (sư 320B cũ), gặp ấn chỉ của viên đại tướng, tổng tham mưu trưởng ngụy quyền bị quân ta thu giữ, người ta mới biết câu chuyện về nhóm chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư 320B, Quân đoàn I đã anh dũng cướp xe tăng địch ở cửa ngõ Sài Gòn, thẳng tiến vào tổng hành dinh của quân đội Sài Gòn cắm cờ tuyên bố chiến thắng.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông bên tấm ảnh ghi dấu một thời chiến thắng hào hùng

Phút hiểm nguy giữa làn đạn địch

Người cựu chiến binh Nguyễn Duy Đông (SN 1952, ngụ làng An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), ký ức hào hùng 36 năm trước vẫn tươi mới như vừa hôm qua. Nhập ngũ cuối năm 1972, đến tháng 10/1973 anh được cử đi học ở trường trinh sát.

Tháng 2/1975, khi trở về đơn vị, anh được lệnh hành quân cấp tốc từ Ninh Bình vào miền Nam để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Đơn vị anh có một vinh dự rất lớn: Được giao nhiệm vụ thọc sâu, đánh chiếm và cắm cờ lên nóc nhà Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.

Cựu chiến binh Đông kể: "Đang "vướng" về vấn đề không biết đường vào mục tiêu đánh chiếm, ngay lúc đó chúng tôi nảy ra ý nghĩ: Cướp xe tăng địch bắt chúng dẫn vào tận nơi".

Vậy là lưng đeo ba lô đựng cờ, anh vọt xuống đường lao lên xe địch, chĩa súng AK và hô to: "Hàng thì sống, chống thì chết". Rất nhanh, các đồng đội trong tổ ào lên tiếp sức.

Nhóm lính ngụy ngồi trong xe bọc thép run rẩy bật nóc nộp vũ khí xin hàng, tiểu đoàn trưởng lệnh cho tên lái xe bọc thép dẫn đường cho quân ta đánh thẳng vào Sài Gòn. Xe bọc thép của giặc giờ được cắm cờ quân giải phóng, dẫn đoàn quân qua ngã tư Bảy Hiền tiến vào Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.

Khoảng 9h30', cánh quân tiến đến cổng 1 (Bộ tổng tham mưu ngụy có 4 cổng) nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất. Bọn địch tập trung hỏa lực ở đây rất mạnh, sau một hồi đấu súng, tiểu đoàn trưởng lệnh cho xe bọc thép chở tổ cắm cờ vòng ra cổng số 2 đánh úp.

Giặc hoảng hốt tháo chạy, lập tức xe bọc thép được lệnh húc tung cánh cổng sắt xông vào trong. Quân giặc rối loạn, sau đó chúng co cụm xả đạn. Xe bọc thép dẫn đường lao thẳng vào cửa tòa nhà chính. Nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ cắm cờ nhảy xuống, vượt qua làn đạn áp sát vào hành lang. Anh Đông chĩa súng bắt một tù binh dẫn đường lên nóc nhà, nơi có cột cờ.

Theo lời anh Đông thuật lại: "Khi lên nóc nhà, tôi đợi lâu không thấy đồng đội lên liền ngó đầu nhìn xuống tầng 2, thấy đồng đội đang loay hoay vì cầu thang gỗ thì gấp khúc mà cán cờ lại quá dài rất khó đi lên. Thấy vậy tôi hét vọng xuống: "Cầm ngọn cán đưa ngược lên".

Tôi mở ba lô lấy cờ, 2 đồng chí khác người tung cờ, người lồng cờ vào cán. Tôi leo lên cột thép lột cờ địch xuống, cắm cờ giải phóng lên. Xong việc, nhìn từ trên cao xuống chúng tôi thấy khắp nơi trong thành phố cờ đỏ sao vàng, cờ quân giải phóng và từng đoàn xe chở quân ta lao nhanh trên đường. Hàng ngàn người dân đổ ra hai bên đường mừng vui đón chào thời khắc lịch sử".

Sau khi phân công một đồng chí ở lại bảo vệ cờ, anh Đông và nhóm cán bộ chiến sĩ đi đánh chiếm, tiếp quản các mục tiêu trong khu vực. Tại phòng làm việc của tên tướng "đầu sỏ", các anh lục soát thu giữ được các biển chức danh Đại tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, hộp ấn chỉ, gậy chỉ lệnh, cờ hiệu đuôi nheo, kiếm...

Thì ra trước sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng, tên tướng tổng tham mưu quân ngụy đã bỏ trốn nhanh đến nỗi đám lính tráng cũng không hề hay biết gì. Các hiện vật quan trọng này sau đó đã được bảo quản tại phòng truyền thống của Sư đoàn 390 (sư 320B cũ).

Ngày 17/5/1975, đơn vị của anh Đông được lệnh ra Bắc. Tháng 9/1990 anh ra quân, phục viên trở về quê hương.

35 năm “giấu mặt”

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, Sư đoàn 320B và Trung đoàn 48 nơi anh Đông và tổ được giao nhiệm vụ cắm cờ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Nhóm các chiến sĩ dũng cảm cướp xe tăng địch tiến vào Sài Gòn cắm cờ trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu ngụy coi chiến công của mình là một đóng góp nhỏ bé trong công cuộc thống nhất nước nhà nên cũng không ai nhắc lại chuyện cũ.

Tổ cắm cờ và tiểu đội trinh sát trên xe tăng giặc

Mọi người chỉ nhớ lại khi đọc cuốn lịch sử truyền thống của Trung đoàn, Sư đoàn, có đoạn ghi nhầm tên Nguyễn Duy Đông thành Nguyễn Văn Đổng.

Năm 2010, để kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Sài Gòn, quân đoàn đã giao cho Sư đoàn 390 (320B cũ) và Trung đoàn 48 tìm lại người cắm cờ trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu ngụy năm xưa, mời anh Đông vào thăm đơn vị.

Ngày 27/4/2010 khi trở lại Trung đoàn, anh đã đem theo các tấm ảnh do phóng viên mặt trận chụp được khi tổ công tác đang treo cờ và một số tấm ảnh khác để trao cho Trung đoàn trưng bày vào nhà truyền thống của đơn vị.

Lúc này đơn vị mới biết Nguyễn Duy Đông (chứ không phải Nguyễn Văn Đổng) là người trực tiếp treo cờ quân giải phóng trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu ngụy năm xưa. Ngày 27/4/2010, Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 đã cấp giấy chứng nhận số 251/CN - TĐ do Chính ủy Trung đoàn thượng tá Phạm Văn Đạo ký.

Anh Đông nói: "Là người lính Cụ Hồ, khi được giao nhiệm vụ thì phải gắng sức mà làm. Nếu có xét tặng thưởng thì cũng tốt mà không khen thưởng thì tôi cũng thấy không có vấn đề gì phải băn khoăn suy nghĩ. Tôi chỉ thương những đồng đội đã hy sinh. Trong những ngày gặp mặt Hội đồng ngũ, Hội Cựu chiến binh chúng tôi đều tổ chức thắp hương mời các anh về. Nếu có tặng thưởng thì chính những con người ấy mới xứng đáng được tặng thưởng, bởi họ đã hy sinh cả cuộc đời cho đất nước, cho sự tồn vinh của dân tộc".

Đặng Hùng