Người cha mù đi thi hát để... dạy con

Người cha mù đi thi hát để... dạy con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Mặc dù bị mù nhưng ông đã vượt qua bóng tối để tiếp sức mạnh của niềm tin cho chính những người con của mình.Ông tên là Lê Hoài, 49 tuổi, trú kiệt 143, đường Phan Bội Châu, TP.Huế.

Đi thi hát bởi vì... con bị trêu

"Tôi đi thi hát là để dạy con", ông bắt đầu câu chuyện. "Nhiều lần tôi thấy cháu Lê Nguyên Minh Hảo, đứa con gái út, học lớp 1 chạy về khóc và mách: "Bạn con cứ chọc là ba mi bị mù...", ông kể.

Xã hội - Người cha mù đi thi hát để... dạy con

Ông Hoài đang hòa tấu một bản nhạc cùng vợ con

Thấy lời nói đùa xâu xé tâm hồn nhỏ dại của con thơ, lòng người cha quặn thắt. Ông quyết tâm trau dồi vốn âm nhạc, cộng với năng khiếu bẩm sinh của mình để đi tham gia tất cả các cuộc thi, liên hoan tiếng hát..., miễn sao, ban tổ chức chấp nhận cho thí sinh khiếm thính tham gia. "Mỗi lần đi thi, tui (tôi) cho con đi theo để nó nhìn vào, nó không tủi thân, không mặc cảm với đời", ông Hoài bộc bạch.

Không để các con thất vọng, ông cố gắng tập luyện không biết mệt mỏi. Năm 2000, tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim lần thứ I, do Trung ương Hội người mù Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Hoài xuất sắc giành giải Đặc biệt với ca khúc "Lời ru có mẹ" do chính ông sáng tác. Cũng tại cuộc thi này, tổ chức lần thứ III, ở Hà Nội năm 2006, tiết mục “ánh sáng cuộc đời” của ông đoạt giải Bạc. Ca khúc này còn mang lại cho ông thêm tấm huy chương Bạc tại Hội thi văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ III, năm 2007, ở Huế.

Ngoài việc hát, ông còn sáng tác hơn 20 ca khúc. "Bài hát "Niềm tin cho nhau" của tui (tôi), ai trong Hội người mù TP.Huế cũng thuộc làu làu, mỗi lần tổ chức họp đều đem ra hát", ông Hoài vui vẻ khoe.

Chút duyên với âm nhạc

Nhà có 10 anh chị em, 5 người bị mù do bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố bẩm sinh, ông Hoài là người có năng khiếu với âm nhạc nhất. Không có tiền học nhạc, ông tự học ghi ta và bắt đầu tìm hiểu nhạc lý từ năm lớp 9.

Năm 1980, ông thi đậu trường Đại học Nông nghiệp IV (TP.HCM). Một năm sau đó, ông thi đậu vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Nhưng cả hai lần, ông đều không được chấp nhận vì bị mù. "Nhiều lúc thấy mình bị đối xử như rứa (thế) mà tủi thân, nhưng đành chấp nhận và cố gắng nhiều hơn để cho mọi người biết mình tàn nhưng không phế", đôi mắt ông Hoài ngân ngấn nước.

Con đường âm nhạc chỉ rộng mở với ông khi năm 2006, Bộ GD&ĐT có quyết định cho người mù thi vào các trường nhạc. ông dự thi trong sự động viên của vợ mặc dù, thời điểm này, ba đứa con của ông đều còn nhỏ. Năm ấy, ông đậu thủ khoa chuyên ngành đàn bầu, trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.

Không quản nắng mưa, ngày lại ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, chở chồng sáng đi, chiều về, không chút phàn nàn. "Cực tí, nhưng tui chỉ mong muốn ông tìm được chút niềm vui với sở thích của mình", bà Hoa tâm sự. Năm 2008, ông Hoài được tổ chức Rencontres Du Viet Nam (Gặp gỡ Việt Nam) trao học bổng Odon Vallet, vì nhiều năm liền là sinh viên giỏi của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Một năm sau, bé Minh Huyền cũng được nhận học bổng này vì thành tích giống người cha mù của mình.

Ra trường năm 2009, ông xếp thứ hai trong số hơn 38 thí sinh toàn khóa tham gia học. Ngôi nhà nhỏ trở thành nơi cả gia đình tập đàn, múa, hát...Các con ông thừa hưởng được năng khiếu văn nghệ từ cả ba lẫn mẹ và được động viên bằng chính sự nỗ lực, cố gắng của người cha mù...

Ông Hoài khoe: "Trong nhà ni (này), ai cũng chơi thành thạo một, hai loại đàn". Niềm tự hào của ông là có căn cứ bởi cô con gái đầu Lê Nguyên Minh Huyền, 15 tuổi, hiện đang theo học lớp Tam thập lục hệ Trung học 9 năm tại Học viện âm nhạc Huế.

Còn bé Lê Nguyên Minh Hảo, người hay bị các bạn trêu đùa, nay đã học lớp 5. Mặc dù, gia đình không đủ điều kiện cho Hảo đi học nhạc nhưng vốn là cô bé thông minh nên Hảo đã đánh thành thạo đàn Organ, thuộc nhiều ca khúc. Suốt 4 năm học, Hảo là học sinh giỏi của trường tiểu học Trường An. Mới đây, Hảo giành giải ba môn tiếng Việt trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố. Hảo tự hào khoe với các bạn: “Ba tau (tao) bị mù thật nhưng mà ba tau giỏi, ba tau được đi thi nhiều nơi, được lên tivi".

Và điều ước thật giản dị

Từ một chàng trai mù, ông Hoài đã gây dựng được một mái ấm gia đình hạnh phúc khiến ai cũng ngưỡng mộ, cảm kích. Chính những lời dị nghị của người đời đã khiến ông có thêm nguồn động lực để phấn đấu và vươn đến những hoài bão thật lớn lao.

Khi chúng tôi hỏi: "Ước mơ của ông là gì?", ông Hoài cười buồn và trả lời: "ước mơ thì nhiều, nhưng mơ chỉ để mà mơ thôi! Tuy vậy, tui (tôi) ước muốn những “đứa con tinh thần” của mình được góp về thành đĩa, đó chính là gia tài vô giá tui để lại cho các con sau này". Và, như để tiếp tục hiện thực hóa ước mơ của mình, ông Hoài đã không ngừng nỗ lực với việc cầm ca, đăng ký thi tại nhiều cuộc thi được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Cuộc thi Vietnams Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt) mới đây là một ví dụ điển hình. Cùng với hơn 500 bạn trẻ miền Trung, tại TP.Đà Nẵng, ông Hoài đã đến dự thi với sự động viên của cả gia đình. Ngoài tiết mục trình diễn chung với gia đình, ông Lê Hoài còn vừa đàn vừa hát một ca khúc tự sáng tác mang tên "ánh sáng cuộc đời".

Chia sẻ với chúng tôi sau khi trở về từ cuộc thi, ông Hoài bộc bạch: "Cuộc đời mỗi người, khi không còn thấy rõ ánh sáng nữa, chúng ta có thể cảm nhận ánh sáng không bằng mắt nữa mà bằng lý trí và trái tim của mình. Đó là thông điệp mà tui (tôi) muốn gửi gắm đến mọi người, những ai vẫn còn tự ti về bản thân".

Vương Hoàng-Hiểu Anh