“Người con Nga” 40 năm đi tìm hiện vật về Bác Hồ

“Người con Nga” 40 năm đi tìm hiện vật về Bác Hồ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Chúng tôi tình cờ gặp ông Gladunov, chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Nga Việt trong buổi trao tặng hơn 100 hiện vật về Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Người đàn ông năm nay đã hơn 80 tuổi, mái tóc bạc trắng khư khư ôm trên tay những bức ảnh, tài liệu về Bác.

Tâm sự với chúng tôi, ông Gla-du-nov cho biết, ông đã từng bảy lần làm việc cùng Bác Hồ. Mặc dù đã cách những ngày tháng đặc biệt ấy gần nửa thế kỷ nhưng kí ức về Người vẫn còn theo ông mãi mãi.

Khóc khi lần đầu được gặp Bác Hồ

Trước mặt tôi là người đàn ông có dáng người to lớn, vạm vỡ, một người con của nước Nga nặng lòng với đất nước Việt Nam. Mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Gla-du-nop vẫn còn minh mẫn đến lạ thường. Vì tình yêu, sự kính trọng với Bác, với nhân dân Việt Nam, từ nước Nga xa xôi ông lặn lội đến đây để tận tay trao những kỷ vật của Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ.

Xã hội - “Người con Nga” 40 năm đi tìm hiện vật về Bác Hồ
Ngài Gla-du-nop, người đã 40 năm đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi trao hiện vật về Bác.

Khi trao hơn 100 tài liệu về Bác cho lãnh đạo bảo tàng tay run run, giọng nghẹn ngào, ông Gla-du-nop cho biết: "Tôi có vinh dự đặc biệt là đã nhiều lần được làm phiên dịch cho Hồ Chủ Tịch và các vị lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ngày ấy, tôi đảm trách cương vị là vụ trưởng Vụ Đông Dương của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và từng có thời gian làm Tham tán tại Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam. Tôi nhớ, lần đầu tiên được gặp Bác tôi đã khóc. Trước mặt tôi là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người kiệt xuất, tôi không ngờ mình lại được gặp, phiên dịch cho một con người vĩ đại đến vậy". Nói đến đây, giọng ông như lạc đi. Ánh mắt của vị phiên dịch viên này bỗng nhiên sáng rực. Tôi cảm tưởng, ông đang được trở lại những ngày hạnh phúc đó.

Ông Gla-du-nop kể lại về những ngày tháng lặn lội đi tìm những hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng chất giọng trầm ấm, ông cho biết, do đã có quá nhiều kỷ niệm với đất nước Việt Nam, nặng lòng với những tài năng và đức độ của Bác Hồ, về nước, ông đã quyết tâm đi tìm bằng được những tài liệu về Hồ Chủ Tịch. Được biết, những tấm ảnh và những bài báo, hiện vật trong bộ sưu tập của tôi được tiến hành thu thập trải dài theo năm tháng từ những năm 60 của thế kỷ 20.

Suốt 40 năm ròng, ông đi khắp nước Nga để tìm lại những tác phẩm, tài liệu, lưu dấu của con người tài ba đất Việt. Vẫn biết rằng, để tìm được những cuốn tài liệu này là việc rất khó, nhiều khi ông đã nản chí nhưng nghĩ về những ngày tháng được gặp, làm việc cùng với Bác khiến ông lại tăng thêm quyết tâm. 40 năm, hơn 100 tài liệu về Người đó là phần thưởng xứng đáng giành cho một người con Xô Viết nặng lòng với đất Việt.

Được biết, để nhanh chóng có được những tư liệu quý giá trên, ông Gla-du-nop đã viết rất nhiều bài báo về những kỷ niệm với Bác Hồ để tham gia cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sưu tầm tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác ở nước ngoài. Chính những bài báo này đã được anh Nguyễn Quốc Hùng, đặc phái viên của báo Đời sống & Pháp luật, thuộc Hội Luật gia Việt Nam tại Liên bang Nga dịch sang tiếng Việt và được đăng tải trên báo Đất nước của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng như đăng một phần trên chuyên trang Hồ sơ sự kiện của Tạp chí Cộng sản.

"Một nửa trong tôi là dòng máu Việt"

Xã hội - “Người con Nga” 40 năm đi tìm hiện vật về Bác Hồ (Hình 2).
Anh Nguyễn Quốc Hùng, Đặc phái viên báo Đời sống & Pháp luật tại Liên bang Nga.

Lần đầu sang Việt Nam, Gla-du-nop là một cậu sinh viên chưa tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Nga (khoa tiếng Việt). Vì nhiệm vụ đất nước giao phó, chàng trai trẻ này đã lên đường sang Việt Nam. Mặc dù trước đó, anh chỉ biết đất nước, con người Việt Nam qua những trang báo. Năm 1962, Gla-du-nov sang đất nước hình chữ S làm việc tại Đại sứ quán Nga. Chính từ đây, sự nồng hậu của con người Việt đã khiến Gla-du-nop cảm thấy như đang được sống tại quê nhà.

Sau khi sang Việt Nam không lâu, biết mình sẽ được phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng sinh viên mừng lắm, cả đêm chăm chú nhìn kim đồng hồ để đến sáng hôm sau được gặp vị lãnh tụ Việt Nam vĩ đại. Trước đó, anh chỉ biết đến Hồ Chủ Tịch qua những "truyền thuyết" mà những thế hệ trước kể lại. Gần 40 năm trở lại đất nước này, trong ông vẫn giữ trọn những kỷ niệm. Ông vẫn nhắc lại hình ảnh chiếc áo dài, nón lá của những thiếu nữ Việt Nam. Những con phố thân quen mà ngày xưa ông thường đi lại.

Cầm trên tay những bức ảnh có chữ ký của Bác Hồ, chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt xúc động cho biết: "Bộ sưu tập này thể hiện tình cảm sâu sắc không chỉ cá nhân tôi mà còn của những thế hệ nhân dân LB Nga dành cho Bác Hồ vĩ đại cũng như dân tộc Việt Nam anh hùng. Tôi muốn trao bộ sưu tập này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để không phải chỉ có chúng tôi mà toàn thể nhân dân Việt Nam, cũng như những thế hệ thanh niên Việt Nam sau này có thể hiểu được và tự hào về những chặng đường lịch sử của dân tộc của họ. Để càng khâm phục và kính trọng Bác Hồ vĩ đại, tình hữu nghị lâu đời và thủy chung của hai dân tộc Nga-Việt".

Lúc nhận tấm giấy khen của Đảng ủy Ngoài nước, khuôn mặt người mà tự nhận mình là "một nửa trong tôi là người Việt" này rạng rỡ. Đây là phần thưởng xứng đáng cho 40 năm miệt mài đi tìm "dấu chân" Bác. Anh Nguyễn Quốc Hùng cho chúng tôi biết: "Trong những năm trợ giúp ông Gla-du-nop đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có tâm sự với tôi rằng, đây là những "báu vật" đã gắn bó với ông nửa cuộc đời.

Ông muốn tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ để thế hệ trẻ Việt Nam hiểu thêm về những việc làm của Bác ở nước ngoài. Việt Nam là đất nước chuộng hòa bình, luôn sản sinh ra những nhân tài kiệt xuất. Thế hệ trẻ hãy phấn đấu học tập theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh".

Văn Chương