Người

Người "cứu" những cuốn sách khỏi tuyệt bản

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
15 năm nay, chàng trai Hoàng Minh (SN 1971, sống tại TP.HCM) đã dành nhiều tâm huyết, sức lực, tiền của cho niềm đam mê sưu tầm sách xưa.

Tận dụng mọi thời gian đi "vớt" hàng

Nghe tin nhà sưu tầm Hoàng Minh cùng một vài người bạn trong diễn đàn sachxua.net có chuyến đi về Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, để săn sách xưa, PV Người đưa tin may mắn có dịp "bám càng". Mỗi người mỗi công việc khác nhau nhưng hễ khi sắp xếp được thời gian, người Nam, kẻ Bắc lại lên đường đi thăm những dấu tích còn lại của những nhà văn, nhà thơ, nhà Cách mạng thời xưa.

Ăn, nói chuyện sách, ngủ, họ cũng nói chuyện sách, những người yêu sách cổ như dân phượt chính hiệu, họ đi không phải chỉ để khám phá những vùng đất, địa danh mà đi để khát khao tìm lại những giá trị cổ xưa đang dần mất vĩnh viễn, đang bị người đời quên lãng.

Xã hội - Người 'cứu' những cuốn sách khỏi tuyệt bản

Nhà sưu tầm Hoàng Minh (bên phải) cùng nhà nghiên cứu Folklore Đỗ Đình Thọ

Anh Hoàng Minh kể: "Ngay từ hồi nhỏ, khi đi mua sách thiếu nhi, sách Kim Đồng, tôi đã có thói quen lưu giữ có ý thức xây dựng tủ sách riêng của mình. Sau này thì bắt đầu thích sưu tầm sách xưa, sách cổ. Cuốn sách xưa đầu tiên mà tôi sưu tầm là cuốn Nho giáo (tập I, in năm 1930) của học giả Trần Trọng Kim (năm 1998).

Ngày đó, tình cờ bắt gặp cuốn sách này, thấy có niên đại khá xưa ở hiệu sách, tôi rất thích nhưng sách lại lẻ tập. Tôi đã đọc, tìm hiểu thông tin về bộ sách này và đi tìm những tập còn lại. Hai năm kế tiếp tôi mới có may mắn sưu tầm trọn 3 tập của bộ sách”.

Trong diễn đàn sachxua.net mà Hoàng Minh tham gia, những người chơi sách có đủ ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả những người còn rất trẻ ở độ tuổi 8X, 7X.

Trước năm 2000 là thời kỳ mà những người sưu tầm sách xưa chủ yếu là người lớn tuổi và các nhà nghiên cứu, rất ít kẻ ngoại đạo như anh bởi anh vốn là dân kỹ thuật, tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ngày đó, Hoàng Minh là một trong số những người sưu tầm trẻ nhất. Anh gặp không ít khó khăn trong quá trình theo các bậc tiền bối học nghề. Để có thể tiếp xúc và trò chuyện, đối thoại được với những nhà nghiên cứu, Hoàng Minh đã dành rất nhiều thời gian để đọc về đời sống lịch sử văn học và các tác phẩm. Biết được sách ở đâu đã khó nhưng để thuyết phục chủ nhân nhường lại càng khó hơn. Người sở hữu những cuốn sách cổ chỉ nhường lại cho ai xứng đáng. Muốn đối thoại được thì tự bản thân mình phải có một vốn kiến thức nhất định.

Giới trẻ bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều vì mọi thông tin cần thiết đều có trên mạng. Nếu không có kiến thức về sách sẽ rất dễ bỏ qua những cuốn sách quý. "Chẳng hạn, tác phẩm Túp lều nát in năm 1937, ký bút danh Nguyễn Trần Ai, nếu ai không biết sẽ nghĩ đây là một tác giả vô danh. Đây chính là bút danh của nhà văn Nguyễn Đổng Chi", Hoàng Minh nói.

Anh Hoàng Minh đã dành nhiều thời gian đi "vớt" hàng, săn tìm cả trên mạng và gây dựng trong nhiều năm. Mỗi chuyến đi xa là sự tốn kém về tiền của, công sức, hao hụt tâm trí nhưng không phải cứ đi là có mà phải trải qua cả một quá trình lâu dài.

Chuyến đi Nam Định vừa rồi cả đoàn không "vớt" được cuốn sách xưa nào tuy nhiên đoàn đã gây dựng được mối quan hệ lâu dài, thuận lợi cho việc tìm ra những cuốn sách xưa. Người sưu tầm sách xưa cũng là cả một kỳ công cùng những éo le. Năm 2002, biết có người đang giữ trong tay bản thảo viết tay tác phẩm Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, anh đã tới đặt vấn đề xin được nhường lại để cho vào bộ sưu tập của mình.

"Chủ nhân của bản thảo đó chưa chịu nhượng lại khiến tôi đã theo đuổi ròng rã 8 năm trời, tán tỉnh còn hơn cả tán gái. Năm 2011 tôi đã có trong tay bản viết tay tác phẩm Vỡ đê. Nếu không gặp được đúng người, những cuốn sách có tuổi già hơn cả những người đang tồn tại trên cõi đời này sẽ bị thất bản vĩnh viễn", Hoàng Minh cười nói.

Mỗi một năm, Hoàng Minh lại có mặt tại các tỉnh thành phía Bắc, đến Huế, Nha Trang khi nghe được bất kỳ manh mối nào về một cuốn sách xưa nào đó. Những cuốn sách quý hiện nay chủ yếu nằm trong tủ của các nhà sưu tầm, nghiên cứu và rải rác trong tủ sách của các gia đình.

Anh tâm sự: "Nếu các gia đình không biết giá trị thì cuốn sách mãi mãi cứ nằm yên cho đến khi bị mối mọt và tuyệt bản, khi đến tay những người sưu tầm thì chúng tôi sẽ công bố về sự tồn tại của nó, đồng thời làm tư liệu nghiên cứu về sau". Anh là một trong số ít những người có trong tay bộ sưu tập khá bài bản về sách và những tư liệu phi văn bản liên quan đến các tác giả, tác phẩm, những người muôn năm cũ.

Người lưu giữ những cuốn sách vô giá

Tính đến nay, anh đã có gần 15 năm sưu tầm sách xưa. Hiện trong tủ sách của Hoàng Minh có tất cả 2.000 cuốn sách đủ các loại, nếu tính những cuốn xuất bản từ năm 1945 trở về trước (sách xưa) khoảng 600 cuốn. Cùng với đó là khoảng vài chục đầu báo, bản ra đầu tiên, chẳng hạn báo Nam Phong(1917 - 1934), Phụ nữ Tân Văn (1929 - 1934), Ngày nay (Tự Lực Văn Đoàn), Tao Đàn tạp chí (1939), Gia Định báo (tờ báo Quốc ngữ đầu tiên)…

Có những cuốn có thể coi là vô giá, không thể tìm được ở hiệu sách, thư viện nào trong cả nước, thậm chí các nhà nghiên cứu cũng không có được. Một trong những cuốn cổ nhất trong bộ sưu tập sách xưa của Hoàng Minh là Lịch sử Đàng ngoài của Alexandre de Rhodes in năm 1652.

Thời đó sông Gianh chia làm 2 phần, phía Bắc gọi là Đàng ngoài, phía Nam gọi là Đàng trong, cuốn sách này viết về lịch sử và các phong tục tập quán của miền Bắc dưới con mắt người Tây Phương. Cuốn sách này đã đoạt giải Nhất cuộc thi Những cuốn sách vàng năm 2006 do NXB TP. HCM tổ chức.

Bộ từ điển Taberd (1383) là một trong những bộ từ điển rất quý trong bộ sưu tập của Hoàng Minh, hiện cả nước chỉ có vài ba người có. Anh Minh hiện sở hữu đủ bộ 2 cuốn Latin Annam và Annam Latin, bộ sách cũng đoạt giải Nhất cuộc thi trên năm 2002.

Nói về việc thất bản các cuốn sách xưa quý hiếm, nhà sưu tầm sách Hoàng Minh cho biết, sách xưa thất lạc là do chiến tranh, do sự nhận thức ấu trĩ của một thời mà người ta coi đó là văn hóa phản động, đồi trụy, văn hóa của đế quốc thực dân nên tiêu hủy. Sách xưa bị mất còn do khí hậu nóng ẩm nước ta làm sách dễ bị mối mọt, kinh tế các gia đình thời đó còn khó khăn, chật chội không còn đất cho niềm đam mê sách.

Ngoài ra, không phải ai có sách xưa cũng ý thức được về việc phải lưu giữ những bản sách xưa đó, Thêm nữa, nhiều người thời đó có sách mà không dám giữ. "Tôi còn ám ảnh mãi hình ảnh nhà văn Ngọc Giao đã từng vừa khóc vừa đốt sách", Hoàng Minh tâm sự.

Giới sưu tầm sách xưa hiện nay vẫn đau đáu mong sở hữu được tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên (gồm 2 quyển là Từ điển Việt Bồ - La và Phép giảng tám ngày, in năm 1651) của tác giả Alexandre de Rhodes. Đây là 2 cuốn sách thuộc hàng cực hiếm, giá trị cao và là niềm mơ ước của người chơi sách. Đã từng có thời gian, cuốn Phép giảng tám ngày được một trang mạng nước ngoài rao bán với giá khoảng 650 triệu đồng.

Dành hết tâm huyết cho thú chơi sách, Hoàng Minh bảo, tủ sách không chỉ phục vụ thú chơi mà còn mang lại cho anh sự hiểu biết. Có những cuốn mà khi tái bản lại, nhiều thông tin bị cắt xén đi rất đáng tiếc. Nhiều cuốn giờ không được tái bản, trở thành tuyệt bản, may mắn tủ sách của tôi còn giữ giúp làm tư liệu cho các nhà nghiên cứu.

“Bộ sưu tập còn giúp cho các triển lãm chuyên đề nhân các dịp kỷ niệm mốc lịch sử liên quan đến từng dòng văn học khác nhau”, Hoàng Minh nói.

May mắn được sở hữu bản gốc tác phẩm Giông tố

Hoàng Minh chia sẻ: "Tác phẩm Giông tố in 1937 của Vũ Trọng Phụng trong giới nghiên cứu đều không tìm được bản gốc và ai cũng đinh ninh là đã tuyệt bản. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn tôi và linh mục Nguyễn Hữu Triết (nhà sưu tầm sách ở TP.HCM) là có bản gốc. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã công bố lại tác phẩm này, so sánh văn bản gốc với các bản in sau trong công trình Nghiên cứu văn bản học Giông tố".

Yến Dương