Người đàn bà tật nguyền chống lại số phận

Người đàn bà tật nguyền chống lại số phận

Thứ 4, 06/02/2013 | 08:13
0
Chân trái bị teo, liệt từ nhỏ, việc di chuyển của Y Nong hoàn toàn phải dựa vào hai cây tre làm gậy chống. Nghị lực của người đàn bà tàn tật ấy lại càng toả rạng hơn trong những ngày cùng cực khốn khó của gia đình, khi chồng bị điên và 3 đứa con hãy còn nhỏ dại.

Hạnh phúc vun trồng sau những ngày đắng đót

Theo chân thầy giáo Phùng Hoài Sơn, giáo viên trường trung học Đăk Kôi thuộc xã Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, chúng tôi men theo những con đường đất đỏ trong cái nắng khét của Tây Nguyên đến thăm các gia đình học sinh. Trên đường đi, thầy Sơn cứ nhắc đi nhắc lại một hoàn cảnh đặc biệt của học sinh: Mẹ tàn tật, cha bị điên, A Lý (tên cậu học trò nhỏ) thường xuyên phải nghỉ học để ở nhà trông cha, phụ mẹ cạo vỏ củ mì cho người làng để kiếm thêm tiền.

Nghe thầy Sơn kể, tưởng như việc nghỉ học của em đã là một chuyện tất yếu, giọng thầy cứ chìm chìm trong buổi chiều miền đất đỏ vốn đã buồn lại càng buồn hơn. Đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, với thầy Sơn, việc đưa các em trở lại trường học đã trở thành một phần công việc. Có những trường hợp cực chẳng đã, vận động đi vận động lại các em đến trường rồi lại bỏ, thầy Sơn tặc lưỡi: "Gia cảnh các em khó, nghe phụ huynh phân trần mà ứa cả nước mắt. Bắt các em đến trường thì cũng tội, day dứt lắm".

Từ trường học, đi men theo con đường mòn, qua mấy nhánh rẽ, nhìn lên phía mé đồi đã thấy một túp nhà chênh vênh len giữa những bụi cây dại, đó là nhà của vợ chồng Y Nong- A Ech, cha mẹ của A Lý. Ngôi nhà nhỏ bé, xập xệ, tưởng chỉ một cơn mưa rừng quét qua cũng đủ san bằng cả gia tài ấy. Chiều muộn nên cả gia đình đều có mặt ở nhà, cô bé Y Lăng đang ngồi trong bếp thổi lửa, A Lý và cậu em trai lên 7 tuổi đang chơi ở góc nhà, vừa chơi vừa thi thoảng để ý bố đang ngồi ở ngoài sân. A Ech năm nay cũng đã ngoài ngũ tuần, ánh mắt ngây dại như trẻ con, nụ cười ngờ nghệch không buồn, không vui cứ quấn lấy suy nghĩ của chúng tôi. Trong cái gia đình ấy, người trụ cột lại là một phụ nữ tàn tật chưa đầy 50 tuổi. Một tay chị vừa trồng nương trồng rẫy, chăm chồng chăm con, điều mà cho đến những người bình thường cũng khó lòng chịu đựng nổi.

Xã hội - Người đàn bà tật nguyền chống lại số phận

Vợ chồng Y Nong- A Ech.

Sinh ra và lớn lên ở Đăk Kôi đúng vào thời kì ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Y Nong được bố mẹ nuôi lớn bằng củ sắn củ mì như mọi đứa trẻ trong thôn bản. Nhưng đến năm 2 tuổi, trong một lần được mẹ cõng lên nương, hai mẹ con Y Nong gặp phải kẻ địch đi càn. Viên đạn lạc xuyên từ chân Y Nong sang lưng mẹ, may mắn được bà con trong bản cứu sống kịp thời nhưng từ đó chân Y Nong cứ ngày một teo đi, tê liệt. Thương con, bố mẹ cũng đã tìm mọi cách chạy chữa cho chị nhưng vô hiệu. Tuổi con gái, Y Nong cũng đẹp như một bông hoa rừng nhưng mắt lúc nào cũng buồn. Biết mình thiệt thòi, thương cha mẹ nên chị lại càng cố gắng làm lụng. Việc bếp núc, chăm sóc em út, lúc cần thì lên nương giúp cha mẹ những việc gieo trồng trong khả năng có thể. Chính sự hiền lành, tảo tần của Y Nong đã khiến chàng trai A Ech cảm động. Tình thương dẫn đến tình yêu đã giúp họ có động lực để xây dựng nên một gia đình nhỏ khi Y Nong đã ngoài 30 tuổi.

Lấy nhau được một thời gian, Y Nong đã sinh cho A Ech hai đứa con, một gái một trai. Việc nương rẫy dồn lên vai A Ech, phần Y Nong thì ngày ngày phụ giúp người làng làm những việc lặt vặt như gọt củ mì, trông trẻ, may vá để có thêm tiền sinh hoạt. Thấy hai vợ chồng chị thương yêu nhau, người làng cũng mến, thường chung tay giúp đỡ việc cấy hái, cày bừa. Đột nhiên đến năm 2007, khi đứa con thứ ba là A Long ra đời, bỗng dưng A Ech mắc phải bệnh thần kinh, suốt ngày lang thang khắp trong nhà ra ngoài bản, trên nương, ngoài suối...

Nghịch cảnh và nghị lực vươn lên của người đàn bà tàn tật

Ngày chồng mới mắc bệnh, Y Nong khóc suốt, nhìn ba đứa con lũn cũn, đứa bé còn đang ẵm ngửa trong lòng, nhiều lúc Y Nong cũng muốn chết. Nhưng nhìn 3 đứa con thơ, Y Nong lại quệt nước mắt, chống gậy đi ra nương cùng với người làng. Con cái thì đứa lớn trông đứa bé, tiện luôn cả trông cha. Mọi người trong làng cũng thương tình, giúp chị phát rẫy, làm đất, tưới nước cho cây,... Y Nong cứ lết trên từng vuông rẫy, gieo hạt, lấp đất, đến mùa thì tỉa bắp, đào củ... Có những buổi về, hai bàn tay rớm máu, chỗ vết thương ở chân cũng nhức nhối lắm. Năm miệng ăn trông cả vào hai bàn tay chị. Có thời gian, Y Nong lại nhận thêm việc của người làng về làm. Bọn trẻ cũng giúp mẹ cạo vỏ, thái củ mì, trông trẻ cho người làng. Số tiền phụ cấp hỗ trợ của Nhà nước cho người tàn tật chỉ có 450.000 tháng cũng đỡ được phần nào gánh nặng.

"Cũng không hiểu sao gia đình tôi có thể vượt qua được những lúc khốn cùng đến vậy thầy cô ạ! Cứ ngày này qua ngày khác nối nhau, lay lắt cũng sống được. Nhờ vào người làng nước cả", Y Nong nói rồi lại nhìn chồng. "Anh ấy bị bệnh cứ như đứa trẻ, ăn rồi lại chơi, chẳng làm hại ai bao giờ, có điều hay đi lang thang nên mới phải trông chừng. Có lần A Ech bỏ đi vào rừng lạc sang tận huyện Kom Plong cách đây mấy ngày đường đi bộ. May bà con bên ấy cũng thương, cưu mang đến hơn mười ngày... Y Nong thương chồng lắm". Lúc còn trẻ, A Ech cường tráng bao nhiêu thì bây giờ gầy và hom hem đi nhiều. Tuy không ý thức được những chuyện xung quanh nhưng A Ech vẫn hiểu được tình cảm của vợ con dành cho mình. Làm người vợ, chỉ muốn có người đàn ông để nương tựa, thế nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc, Y Nong phải cáng đáng vai trò của một người đàn ông trong gia đình. Chị bảo: "Con chim rừng còn có đôi có bạn. Mình cũng có đôi có bạn, không được như người ta thì cũng là vợ chồng, phải thương lấy nó chứ".

Khi lũ trẻ còn nhỏ thì vất vả nhiều, dăm năm gần đây thì các con cũng đỡ đần được chị. Con bé Y Lăng tính ra năm nay cũng phải học lớp 7 rồi nhưng cứ phải bỏ học triền miên vì việc nhà. Các thầy cô giáo trong trường đến vận động cho Y Lăng đi học trở lại nhưng chính con bé phải từ chối. Con gái miền núi, mười bốn mười lăm tuổi đầu đã phải đảm nhận công việc như một lao động chính trong gia đình. Quanh năm tất bật với công việc, Y Lăng chưa từng biết tới làm đẹp là gì. Nhìn con gái, nhiều khi Y Nong ứa nước mắt, chị đang nhìn thấy mình của nhiều năm về trước, có điều con gái chị không phải người tàn tật, con bé đáng lẽ được hưởng nhiều hơn thế. Nhiều hôm, cứ sáng sớm thấy Y Lăng đứng ngẩn ngơ ở góc nhà trông theo bạn bè cắp sách tới trường, Y Nong lại phải gạt nước mắt quay đi.

Gia đình có 3 đứa con nhưng chỉ có A Long nhỏ tuổi nhất là được đến trường. Năm nay em cũng mới chỉ vào lớp 1. Hồi đầu năm, chị đưa con đến trường, thấy bạn bè có quần áo mới, về nhà thằng bé cứ nằng nặc đòi cho bằng được bộ quần áo mới. Mọi người nói thế nào cậu bé cũng không nghe, bực quá, Y Nong mới đánh con mấy cái. Nhìn con khóc, chị cũng khóc, trong lúc đó người chồng vẫn cứ cười ngờ nghệch. Có anh chị Thuận làm nghề buôn bán trong làng, biết chuyện mới đem cho bộ quần áo cũ của con nhà anh chị, thằng bé mới im và đi học tử tế.

Nhắc tới vợ chồng Y Nong, người dân Đăk Kôi ai cũng thương và mến phục nghị lực của người phụ nữ tật nguyền này. Anh A Nhoe, thôn trưởng thôn 6 chia sẻ: "Nhà nó tội lắm thầy cô ạ, ngày xưa tụi nhỏ còn bé không làm được gì, nó (chỉ Y Nong) phải làm hết, hai tay hai cái gậy đi từ nhà ra ruộng cùng người làng cày cuốc xong lại đi về nấu ăn giặt giũ quần áo cho chồng con. Có nhiều bữa không có gạo ăn, nó không dám xin người trong làng, lại lấy củ mì nấu ăn. Nhiều lần tôi sang bắt gặp, mắng cho một trận. Hai đứa nhỏ lúc ấy, đứa học lớp 1, đứa học lớp 3 mà cứ như đứa học mẫu giáo vậy. Năm nay con Lăng, Lý lớn rồi nó đỡ cho nhiều việc chứ như xưa khổ lắm, mà nó cũng kiên cường, chứ như tôi thì chắc cũng không trụ được".

Nhìn người phụ nữ tóc đã hoa râm, già hơn cái tuổi của mình rót nước vào cái chén rồi rướn người đưa cho chồng chúng tôi hiểu được cái ấm áp, nghĩa cử đạo phu thê. Có lẽ, chính Y Nong cũng không nghĩ nhiều đến thế, chỉ là với chị ngày nào còn sống thì vẫn còn là người nhà của A Ech, là còn phải chăm sóc anh cho tới giây phút cuối cùng. Điều mà Y Nong day dứt nhất vẫn là không cho con cái đến trường được đầy đủ.

Chứng kiến cuộc sống khó khăn của vợ chồng Y Nong, ý định thuyết phục vợ chồng Y Nong cho A Lý đi học trở lại của chúng tôi đành phải bỏ dở. Trên đường về, thầy Sơn cứ lầm lũi bước đi, trong lòng người thầy giáo vùng cao ấy đang nặng trĩu tâm sự. Hoá ra, cho dù phải đối diện với sự thực nhiều nỗi khổ lâu rồi nhưng người ta cũng không thể quen được. Còn tôi, hình ảnh của Y Nong, A Ech cứ ám ảnh hoài trong câu chuyện về một thôn bản vùng cao của mảnh đất Tây Nguyên đỏ lửa này.      

Đỗ Hu

Câu chuyện đầy nghị lực của nữ sinh tí hon

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Chỉ với chiều cao chưa tới 80 cm, cân nặng chỉ bằng đứa trẻ 56 tuổi, cô gái Lê Thị Vi ở xã Bình Phục (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn không từ bỏ ước mơ được đi học, làm người có ích.

Nghị lực phi thường của người phụ nữ tật nguyền

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Năm 2010, một cơn đột quỵ đã cướp đi khỏi Kat Heriot Maitland, sống tại Perthshire, Anh tất cả những điều tươi đẹp nhất và biến cô thành một người tật nguyền. Không chấp nhận số phận, Kat đã vượt lên, giành lại hạnh phúc bằng nghị lực phi thường.

Sống nghị lực như thiếu nữ già nhất thế giới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Lần đầu tiên căn bệnh của Hayley Okines được phát hiện là lúc cô bé mới 21 tháng tuổi. Khi đó, Haley trông như một thiếu niên đã bước qua tuổi 13.

Nghị lực "thép" của chàng sinh viên không chân

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Khi sinh ra Lê Văn Chiến đã bị cụt đôi chân do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người bố. Không đầu hàng số phận, bằng nghị lực phi thường, Chiến đã chiến thắng bản thân mình và ghi danh vào đại học.

Cám cảnh người mẹ nhốt con đẻ suốt 8 năm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Mối lần dùng khóa nhốt con lại, bà như đứt từng khúc ruột. 8 năm qua, đã hàng ngàn lần bà phải cắn răng làm việc đau lòng đó để bảo vệ tính mạng của bản thân và người dân trong thôn xóm mỗi khi con trai bà lên cơn điên!

Cám cảnh gia đình chồng ngây, vợ bệnh, con liệt giường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Thắp nén nhang lên năm bát hương, lòng người mẹ có mái tóc bạc phơ quặn thắt lại.