Người dân e ngại đồ hải sản

Người dân e ngại đồ hải sản

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Gần đây thông tin về sự phát tán phóng xạ tại Nhật Bản và các quốc gia lân cận có thể làm nước biển bị nhiễm xạ đã khiến không ít người ngần ngại trước việc chọn mua thực phẩm có nguồn gốc từ biển.

Từ nông thôn đến… thành thị thượng đế đều e ngại

Mặc dù, các chuyên gia đã khẳng định nước biển Việt Nam chưa bị nhiễm xạ, công tác kiểm tra và đo đạc được kiểm định hàng ngày nhưng nhiều bà nội trợ vẫn tỏ ra khá ngần ngại trước các thực phẩm là hải sản và đặc biệt là các gia đình nông thôn thì tỏ ra rất hoang mang, lo lắng.

“Tôi biết Nhật Bản xử lý nước nhiễm xạ tại nhà máy hạt nhân bằng cách xả chúng ồ ạt ra biển. Điều này rất nguy hại cho môi trường biển và những sinh vật nước mặn. Trước đây tôi thường xuyên ăn cá biển nhưng từ khi xảy ra sự cố tại Nhật Bản, tôi cũng có dè chừng hơn, có thèm lắm thì mới dám mua”. Chị Hường – Nhân viên cung cấp thiết bị máy văn phòng Thành Nam (Hà Nội) trao đổi với chúng tôi.

Cùng ý kiến trên, chị Vinh nhân viên Công ty cổ phần giải pháp trực tuyến VietNamBiz cho biết: “Đọc thông tin cập nhật từng ngày, từng giờ trên mạng, tôi cũng có đôi chút lo lắng. Tuy nhiên trong cái thời thực phẩm đang trong cơn bão giá thế này, lựa chọn thực phẩm biển vẫn là rẻ và hợp với túi tiền của những nhân viên có thu nhập bình dân như tôi”.

Nhiều người tiêu dùng e ngại trước đồ hải sản

Anh Hà (Nhân viên ngân hàng Nông nghiệp Agribank) chia sẻ: “Có lẽ một thời gian nữa mình mới đề phòng đồ biển thôi, chứ hiện tại thì chưa có thông tin chính thức là hải sản bị nhiễm xạ mà. Mọi người cũng không nên lo lắng vì nếu đồ biển bị nhiễm xạ thì còn rất nhiều thực phẩm và loại cá, tôm, cua nước ngọt nước lợ thay thế.”

Không có điều kiện tiếp nhận thông tin hàng ngày, người dân nông thôn và ven biển lại có tinh thần “cảnh giác” cao hơn với tôm, cua, cá, ghẹ từ biển.

Cô Thơm (Xuân Trường – Nam Định) cho hay: Từ hồi nghe nước biển có nguy cơ nhiễm xạ từ Nhật Bản, tôi chưa mua cá biển cho gia đình ăn một lần nào. Vùng tôi lại gần mấy huyện đánh bắt ven biển nên hải sản nhiều lắm. Cá ngoài chợ người ta cứ kháo nhau là ăn cá có nguy cơ nhiệm xạ sẽ không tốt cho sức khỏe. Hàng cá bể ngoài chợ cũng ế ẩm hơn trước. Tôi thấy rẻ thường mua về cho mèo nhà ăn thôi.”

Chủ hàng kêu trời vì ế khách

Chợ đã tàn buổi, nhìn vào mấy sạp cá còn đầy vợi, chị Tuyết - một chủ hàng cá tại chợ Chung – Xuân Trường (Nam Định) ái ngại: “Trưa rồi mà cá còn nhiều hàng quá, độ này người ta cứ lo cá bị nhiễm xạ nên ít người mua hẳn. Thuyền thì không thể một ngày không ra khơi, cá đánh vẫn đều nhưng bán thì cứ chậm dần. Không biết nước biển có bị nhiễm xạ thật hay không chứ cứ đà này nhà tôi lo phải bán sỉ cho nhà máy thủy sản chứ không chông chờ vào bán lẻ được.”

Chị Tuyết cũng cho biết thêm, mặc dù đã giảm giá mỗi loại tôm cá từ 5000 – 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Trong giờ cao điểm mua sắm nhưng khu hàng đồ biển tại chợ Thành Công khá vắng khách

Trả lời phóng viên Nguoiduatin chủ hàng hải sản tươi và hải sản đông lạnh tại các chợ ở khu vực Phùng Khoang, Triều Khúc, Dịch Vọng, Thành Công… cho biết, trước thông tin nước biển có nguy cơ nhiễm xạ nhiều người dân tỏ ra khá dè dặt trước việc lựa chọn hải sản cho bữa cơm gia đình.

Cùng với chiêu hạ giá, nhiều chủ cửa hàng phải “mông má”cho hàng hóa của mình bằng những lời PR đậm tính chuyên môn rằng: “Nhật Bản cách xa Việt Nam hàng ngàn km, việc nước biển nhiễm phóng xạ là hoàn toàn khó xảy ra. Hơn nữa, các quan chức năng kiểm định hàng ngày hàng giờ cũng luôn luôn khẳng định là vùng biển nước ta chưa bị nhiễm xạ”.

“Mong các cơ quan báo khẳng định thông tin và giải thích rõ ràng để thượng đế của chúng tôi an tâm lựa chọn thực phẩm cho gia đình. Chứ cứ tình hình này thì cánh hàng cá chúng tôi nguy quá” – Anh Di chủ một gian hàng cá tại chợ Thành Công nói.

Có bị nhiễm xạ cũng dưới mức cho phép – không đáng lo ngại

Xung quanh vấn đề người dân e ngại trong việc chọn mua đồ hải sản do lo ngại nước biển nhiễm phóng xạ, trao đổi với phóng viên Nguoiduatin, Giảng viên chuyên ngành vật liệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Ông Nguyễn Trục Luyện khẳng định: “ Các khu vực lân cận với khu xả thải và vùng biển Nhật Bản mới đáng lo ngại.

Còn đối với vùng biển nước ta, xác suất nước biển bị nhiễm xạ là rất thấp. Mấy chục nghìn tấn làm mát lò phản ứng hạt nhân so với nước biển mênh mông vô tận, khi đã bị bão hòa và di chuyển theo các dòng hải lưu thì nồng độ chắc chắn sẽ bị nhạt đi rất nhiều”. Nếu vùng biển Việt Nam bị nhiễm xạ thì nồng độ nhiễm xạ cũng dưới mức cho phép nhiều lần nên người dân không nên quá lo ngại.”

Ông Nguyễn Trục Luyện cũng khuyến cáo thêm: “Đối với các loại hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, người dân chỉ nên mua khi các sản phẩm này đã được kiểm chứng độ an toàn bởi Cục ATVSTP, Cơ quan an toàn hạt nhân của Nhật Bản và của Việt Nam. Còn đối với các loại hải sản trong nước, người dân có thể an tâm sử dụng mà không quá lo ngại đến sức khỏe”.

Phạm Hạnh