Người đàn ông Việt bỏ tiền túi xây trường học ở Campuchia

Người đàn ông Việt bỏ tiền túi xây trường học ở Campuchia

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Nhìn người đàn ông đã vào tuổi thất thập, nước da đen bóng, hiền lành đúng kiểu miệt vườn khiến tôi cảm thấy bối rối về những suy đoán trước đó của mình về một ông hiệu trưởng lớn của người Việt ở Campuchia.

Tôi gặp ông Trần Văn Tư lần đầu tiên trong cái nắng tháng sáu chói chang ở Xiêm Reap sau một vài lời giới thiệu của hội người Campuchia gốc Việt. Nghe tin có nhà báo muốn đến thăm trường dạy trẻ em người Việt ở Biển Hồ Tonle Sap, ông bắt xuồng, đợi cả tiếng đồng hồ để đón.

Nhìn người đàn ông đã vào tuổi thất thập, nước da đen bóng, hiền lành đúng kiểu miệt vườn khiến tôi cảm thấy bối rối về những suy đoán trước đó của mình về một ông hiệu trưởng lớn của người Việt ở Campuchia.

Xã hội - Người đàn ông Việt bỏ tiền túi xây trường học ở Campuchia

Trường học của ông Tư

Người hiệu trưởng “ki bo” nhất Campuchia

Thấy tôi có vẻ áy náy vì để ông lặn lội đường xa lên đón, ông chỉ cười xuề xòa: “Có gì đâu cô. Đoàn nào đến thì tôi cũng lên đón như vậy mà. Bà con mình sang không biết tiếng, biết đường thì cực lắm”. Ngồi nói chuyện với ông mới thấy ông lành thực, chân chất và dễ gần. Những câu chuyện của chúng tôi cũng trở nên cởi mở hơn.

Vào giữa trưa, sau khi ngồi cà phê cóc bên đường để nắm sơ qua tình hình dưới trường học, tôi mời ông bữa trưa trong một nhà hàng nhỏ gần đó. Ông có vẻ ngần ngại rồi khoát tay phân bua: “Bình thường không có cô, tôi chỉ dám ăn cơm bụi mấy ngàn thôi. Nghĩ tới lũ nhỏ ở nhà làm sao tui dám tiêu xài hoang phí cho bản thân mình được. Nhiều khi cứ phải ki bo chắt bóp từng đồng từng hào như vậy đấy”.

Đường từ Xiêm Reap xuống Biển Hồ chỉ chừng mười mấy cây số nhưng rất xóc và bụi. Đi hết đoạn đường bộ, chúng tôi phải bắt ghe đi tiếp. Men theo một lối nhỏ xuống bờ sông trơn tuột vì sình lầy đã có một chiếc ghe nhỏ chạy bằng điện chờ sẵn. Thấy chúng tôi, mấy em nhỏ đầu cắt tóc ba chỏm gần đó đứng khoanh tay chào rất lễ phép trong khi cha mẹ chúng niềm nở hỏi thăm tình hình thầy giáo. Tất cả đều sử dụng tiếng Việt khiến tôi không hề có cảm giác mình đang ở một nơi cách xa tổ quốc tới nghìn cây số.

Ông Tư quay sang bảo tôi, bình thường một khách du lịch muốn ra đảo phải tốn chừng hơn 20USD chỉ để tham quan cuộc sống của bà con ở mức độ “cưỡi ngựa xem hoa”. Cộng thêm các khoản chặt chém khác của các công ty du lịch. Lúc ấy, khách vẫn cứ tưởng là mình đang đóng góp cho bà con, nhưng kì thực không phải như vậy. Trên đảo đông trẻ con, khách du lịch thường được dụ mua quà cho các cháu như thùng mì tôm, bao gạo. Mỗi ngày có rất nhiều đoàn đến đây tham quan. Tính sơ sơ thì các công ty cũng đã ăn bẫm rồi. Điều này cũng khó khăn cho việc nhà trường đi vận động đưa các cháu nhỏ đến trường. Việc cho quà vô tình tạo nên những tiền lệ xấu. Các cháu đều chưa đến tuổi lao động chỉ ở nhà chơi, có khách du lịch thì từng đám kéo đến để xin tiền, xin quà. Hiện chỉ còn khoảng chừng 100 em đến tuổi tới trường vẫn chưa được đi học.

Nói là đảo nhưng kì thực chỉ là làng người Việt với gần 600 hộ dân sống trên ghe, thuyền dọc theo hai bờ sông Chong Khneas rồi đổ ra Biển Hồ. Ước tính cả khu vực Biển Hồ thì làng người Việt sống rải rác có khoảng 2000 hộ. Họ sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Các hộ gia đình đều đã sinh sống ở đây nhiều đời, co cụm lại với nhau. Nhiều người còn không nhớ chính xác quê gốc của mình ở đâu. Họ chỉ lấy tiếng Việt là phương tiện duy nhất để phân biệt người Việt và người Miên.

Cuộc sống người dân nơi đây dựa vào thiên nhiên là chủ yếu với hai mùa cá, mùa được đánh bắt và mùa sinh sản. Đặc biệt, vào mùa sinh sản, luật đánh bắt bị thắt chặt khiến cuộc sống của bà con trở nên khó khăn hơn. Những hộ có điều kiện đi đánh bắt lớn ngoài Biển Hồ không nhiều.

Những hộ bé hơn lại không có tiền để đóng thuế cho cảnh sát đường biển nên chỉ có thể kiếm ăn loanh quanh khu vực kênh rạch hoặc đi làm thuê cho các hộ khác. Cuộc sống thiếu đói quanh năm nên cứ chỗ nào có luồng cá, kiếm ăn được là bà con lại kéo cả nhà di động đến đó. Điều kiện sống thấp, bấp bênh từ đời này sang đời khác chưa có thay đổi là bao.

Xã hội - Người đàn ông Việt bỏ tiền túi xây trường học ở Campuchia (Hình 2).

Hai vợ chồng già bỏ tiền túi xây trường học

Biển Hồ chìm trong nạn mù chữ

Câu chuyện miên man hết chuyện này đến chuyện khác khiến con đường trở nên gần lại. Trường học Việt Nam nuôi dạy trẻ em nghèo đã hiện ra trong tầm mắt chúng tôi từ lúc nào.

Trường cũng là hai nhà bè lớn nối lại với nhau. Bà Tư cho biết, đây là lớp dạy nghề dành cho các em gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi trở đi. Chái nhà phải là Trạm y tế với một tủ thuốc nhỏ được trang bị những loại thuốc cơ bản để cấp phát miễn phí cho bà con khi ốm đau. Mé trái nhà là nhà bếp. Khi tôi bước vào, bữa chiều của các em nhỏ đang được nấu trong mấy chiếc nồi quân dụng lớn với đầy đủ rau, thịt, cá.

Ông Tư dẫn tôi đi tham quan lớp học. Trường có tất cả năm phòng học. Thầy hiệu trường phải chia học sinh học hai ca sáng, chiều. Tính ra có mười lớp nhưng chỉ có năm giáo viên. Họ đều là những con, cháu của ông bà Tư được vận động sang để dạy học. Mức lương cũng được tính theo bậc nhà nước.

Thấy chúng tôi, các thầy cô đang đứng lớp cho tạm ngừng. Những em bé từ 5-8 tuổi đồng loạt đứng dậy khoanh tay chào. Trên tường mỗi lớp học đều có dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” và ảnh Bác Hồ treo trang trọng. Chương trình học cũng chuẩn theo chương trình của bộ giáo dục trong nước.

Vợ chồng ông Tư tâm sự, để thành lập được trường họ cũng phải chịu lắm gian nan. Trước đây, ông Tư vốn là công an ở xã Minh Hải (tỉnh Cà Mau). Ông công tác đến năm 1978 mới về hưu. Sau đó, ông chuyển qua làm ăn buôn bán. Năm 1980, ông sang Campuchia tìm nguồn hàng. Là người hay quan tâm tới người khác, ông để ý thấy tình trạng mù chữ của người Miên nói chung là khá lớn.

Đặc biệt khi đến khu vực Biển Hồ Tonle Sap là nơi tập trung đông người Việt thì tình trạng này khá nghiêm trọng. Có đến hơn 90% người Việt ở đây không biết chữ. Để đọc được môt lá thư gửi trong nước sang, có khi người ta phải bơi năm đến bảy cái ghe mới nhờ được người đọc.

Lúc ấy, ông Tư đã nghĩ ngay đến việc bỏ tiền túi ra để xây trường cho bà con. Tiếp đó, ông cho hai người con nuôi sang dạy học còn bản thân mình đứng kèm lớp. Tính thế hệ học sinh đầu tiên của ông ở Biển Hồ tới nay, có người đã con cháu đầy đủ cả. Trường duy trì được mấy năm thì đến 1989, bộ đội Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Tình hình chính trị cũng tương đối phức tạp, ông Tư đành phải về nước. Đến năm 2006 ông mới có dịp trở lại Campuchia. Ông tìm lại ngôi trường xưa của mình nhưng không còn một dấu tích. Những cô con gái nuôi của ông cũng đã trở về Sài Gòn từ lâu.

Nhìn những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên ở Biển Hồ khiến ông trăn trở. Nếu không làm một điều gì đó thì đến lượt đời các em cũng không thoát khỏi nạn mù chữ như đời cha, đời ông chúng. Các em còn quá nhỏ, cha mẹ lại quanh năm bận rộn với sông nước, không có ai chăm sóc dạy dỗ cẩn thận nên nói tục, cư xử kém. Khi gặp người lớn, đến cách chào hỏi cũng không biết. Ông Tư mới ấp ủ việc lập lại trường ở Biển Hồ.

Những căn nhà mỏng manh trước gió

Ghe chạy từ từ dọc theo triền sông, hai bên bờ san sát ghe thuyền. Trên mỗi chiếc thuyền neo đậu hai bên bờ là những gia đình sinh sống. Những căn nhà nổi này đều là những gia đình được xếp vào diện khá giả, có của ăn, của để. Phần lớn những hộ nghèo thì lại men theo những con rạch nhỏ hơn, ăn sâu vào những bãi bồi rậm rạp để tránh gió. Nhà của họ chỉ là chiếc thuyền nhỏ, lắp ghép tạm bợ bằng nan tre nứa, thêm mấy tấm nilong phủ lên. Lúc mưa bão, chúng trở nên nhỏ bé, liêu xiêu và đang là mồi của “hà bá”. Thậm chí, mỗi lần có tàu lớn (chỉ là tàu du lịch) đi qua cũng đủ làm cho những căn nhà này chao đảo.

Đỗ Huệ