Người dân và quản lý lao đao vì giá thuốc “điên loạn”

Người dân và quản lý lao đao vì giá thuốc “điên loạn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Tính riêng tháng 4 có 65 loại thuốc nội, 43 loại thuốc ngoại tăng giá so với tháng trước đó

Theo khảo sát của Người đưa tin, khi khung giá viện phí mới chưa được áp dụng thì giá thuốc trong mấy tháng vừa qua đã liên tục tăng. Theo số liệu của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam, tháng 4, trong 12.695 mặt hàng thuốc nội có 65 loại tăng giá với tỷ lệ trung bình 16%, thậm chí, có loại tăng cao nhất tới 45%.

Xã hội - Người dân và quản lý lao đao vì giá thuốc “điên loạn”Dự báo trong thời gian tới giá thuốc vẫn tiếp tục tăng

Bên cạnh đó, 43 loại thuốc ngoại cùng hòa nhịp tăng theo với tỷ lệ trung bình gần 7%. Có thể kể ra một số loại thuốc tăng mạnh so với tháng 3 như Trafedin tăng từ 12.500 đồng lên 18.000 đồng, tuýp Niroral mỡ tăng từ 16.500 đồng lên 24.000 đồng, thuốc Stugerol tăng thêm 45.000 đồng một hộp….

Thường xuyên mua thuốc bổ sung sắt cho vợ, anh Vũ Tiến Thịnh (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Vợ tôi đang mang thai nên phải uống viên Ferovit. Giá cũ của thuốc này là 80.000 đồng/hộp, nay đã tăng hơn 10.000 đồng”.

Đem thắc mắc này hỏi nhân viên bán hàng ở gần Bệnh viện Phụ Sản, anh Thịnh được giải thích: “Hiện nay tất cả mọi thứ đều tăng giá nên thuốc cũng phải tăng theo. Sắp tới vào mùa hè, nhiều dịch bệnh bùng phát nên giá thuốc có thể sẽ bị đẩy lên nữa”.

Lý giải cho thực trạng giá thuốc tăng gần đây, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu đều viện cớ do chi phí đầu vào, xăng dầu, vận tải, lương… đều tăng.

Điều này mâu thuẫn với kết quả khảo sát 40 lượt mặt hàng nguyên liệu trong tháng 4. Theo kết quả này chỉ có một mặt hàng tăng giá 5,5%, thậm chí có loại còn giảm giá so với tháng trước đó.

Thực tê,ë đây là đợt tăng giá thuốc thứ 2 kể từ đầu năm. So với lần trước, giá thuốc hiện tăng mạnh hơn 10-30%.

Giá thuốc tăng liên tục trong những tháng đầu năm đã đẩy tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm lên trung bình 25%. Dự báo, con số này sẽ còn tăng nữa vào cuối năm 2012.

Các chuyên gia lo ngại, khung viện phí mới chuẩn bị được áp dụng, cộng với mức tăng chóng mặt của giá thuốc chắc chắn sẽ khiến người dân chật vật mỗi khi ốm đau bệnh tật phải nằm viện.

Giá thuốc cao phải “cắn răng” chấp nhận

Trao đổi với Người đưa tin, TS. Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Thời điểm hiện tại, không chỉ thuốc mà rất nhiều mặt hàng khác trên thị trường cũng tăng. Giá thuốc tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, mà còn lây lan sang cả phía bệnh viện. Đơn vị này cũng tương đương như một người mua, doanh nghiệp bán mức giá cao bao nhiêu cũng đành nhắm mắt chấp nhận để có thuốc điều trị cho bệnh nhân. Theo quy định, bệnh viện mua thuốc từ các doanh nghiệp theo giá đấu thầu được cơ quan chức năng thẩm định. Song trên thực tế, chúng tôi vẫn phải chịu mức giá tự do do các doanh nghiệp quy định. Giá thuốc cao nhưng ai cũng cố phải mua bởi không mua là “chết”.

Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi

Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, vẫn có không ít kẽ hở trong các quy định hiện hành tiếp tay cho doanh nghiệp lợi dụng tăng giá. Chẳng hạn, theo quy định hiện nay, khi nhập khẩu thuốc, các doanh nghiệp chỉ khai báo giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng - PV) với cơ quan hải quan. Song giá này lại không được kiểm chứng mà đưa ra lưu hành trong thị trường. Ngoài ra, cơ quan quản lý giá thuốc hiện mới chỉ thực hiện được phần hậu kiểm, khi doanh nghiệp kê khai, niêm yết giá và đấu thầu còn giá cơ sở vẫn bị bỏ ngỏ.

Giá thuốc vẫn làm loạn trên thị trường

Từ ngày 1/6/2012, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc có hiệu lực được kỳ vọng sẽ là một công cụ ngăn chặn tình trạng loạn giá thuốc tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quản lý ngay từ khâu đầu vào liệu có đưa thị trường thuốc vào trật tự vẫn còn đang là một câu hỏi chờ thực tế kiểm chứng. Theo lãnh đạo của một doanh nghiệp kinh doanh thuốc, Thông tư 50 vẫn tồn tại kẻ hở mà nhà sản xuất có thể dễ dàng lợi dụng để tự định mức giá thuốc cho mình.

Thiên Vũ