Người dân xây lô cốt chống “mộ tặc”

Người dân xây lô cốt chống “mộ tặc”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Làng Mơ H'ra có tất cả 3 khu nhà mồ thì 2 khu nằm ở vị trí xa khu vực nhà dân. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, kẻ xấu đã đào bới tan tành hàng trăm ngôi mộ.

Nhiều người dân ở làng Mơ H'ra, xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang, Đak Pơ và thị xã An Khê (Gia Lai) phản ánh, việc ăn trộm tại các ngôi mộ không phải bây giờ mới xảy ra.

Cách đây 5 năm, trong mấy đêm liền, có một nhóm người đi rà kim loại đã vào khu nhà mả của làng đào bới hàng trăm ngôi mộ để lấy tài sản. Sự việc được phát hiện khi một người dân đi ngang qua khu mộ và nhìn thấy những mảnh xương người vương vãi khắp nơi.

Ngay lập tức, một số người chạy vào trong khu mộ thì sững sờ khi chứng kiến khung cảnh tan hoang của hàng trăm ngôi mộ bị đào bới. Hầu hết các ngôi mộ sau khi đào bới lên đã bị lấy đi hết các tài sản có giá trị như quan tài bằng gỗ quý, bộ chiêng, chén đồng, ghè sứ, xoong nồi... Nhiều người đã bật khóc khi thấy mộ của ông bà, cha mẹ, mình bị lật tung nắp.

Xã hội - Người dân xây lô cốt chống “mộ tặc”Những ngôi mộ bị trộm để lấy gỗ huỳnh đàn (ảnh minh họa)

Hầu hết ở những khu mộ cũ, ngoài đào mộ lấy gỗ huỳnh đàn, bọn xấu còn chú ý đến những cái chén bằng đồng mà theo một số người dân, kể cả già làng Đinh HMưng cho biết, đó có thể là đồng đen. Theo già làng Mơ H'ra Đinh HMưng (68 tuổi), ngày xưa người dân thường có những cái chén nhỏ bằng đồng đen hay dùng để uống rượu cần, xúc gạo. Và một tài sản khác cũng có giá trị lớn, đó là những chiếc ghè cổ bằng sứ.

"Có những chiếc ghè bằng sứ cổ có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan có thể đổi được cả một con trâu to. Loại ghè này trên thân của nó thường được chạm trổ bằng những hoa văn, mặt trăng, mặt trời, con thú... rất đẹp. Có loại thì 2 ghè mới đổi được một con trâu", già làng Đinh HMưng cho biết.

Chính vì những chiếc ghè đựng rượu có giá trị lớn như vậy nên cách đây 2 năm mộ của bố ông Đinh Văn Nghèo (61 tuổi, người dân làng Mơ H'ra, xã Kon Lơng Khơng) đã bị kẻ xấu đào trộm và lấy mất 2 cái ghè sứ và một số chén bát sứ cổ.

Ông Nghèo tỏ rõ sự bất bình: "Mộ của cha tôi được chôn cất trong khu mộ mới gần khu vực nhà dân vậy mà cũng bị kẻ gian đến phá và lấy trộm 2 ghè sứ. Lúc cha mất, mẹ tôi và gia đình đã chia cho ông 2 cái ghè có giá trị nhất. Mỗi cái ghè lúc đó đổi được một con trâu. Trước khi chôn 2 cái ghè cùng người chết, mẹ và tôi đã đập thủng đít để kẻ gian khỏi lấy. Ai ngờ bọn chúng cũng mang đi".

Già làng Đinh HMưng cho biết: Kẻ xấu bây giờ ma mãnh lắm nên không dễ dàng gì phát hiện và bắt được chúng. Dù người dân đã tìm đủ mọi cách ngăn ngừa nhưng đều thất bại. Hiện tượng đào bới mồ mả của người chết thì cũng đã diễn ra hàng chục năm nay, có những ngôi làng thì xảy ra cách đây chừng 6-7 năm, có làng thì cách đây 2-3 năm. Bọn "mộ tặc" trước khi đào trộm thường chuẩn bị rất kỹ càng. Một người đào thì 2-3 người đứng canh gác nên khi có người, chúng hô hoán nhau bỏ chạy.

Xã hội - Người dân xây lô cốt chống “mộ tặc” (Hình 2).

Một ngôi nhà mồ ở Gia Lai bị trộm cách đây chưa lâu.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân trong làng hoảng hốt tìm biện pháp bảo vệ mộ phần như làm rào chắn xung quanh, cảnh giác và báo lại với chính quyền địa phương khi có người lạ xuất hiện. Tuy nhiên, đúng mùa mưa năm sau, một khu nhà mồ khác trong làng cũng bị những kẻ vô lương đào bới và lấy sạch đi các tài sản có giá trị. Dân làng lại một phen đau lòng, ngậm ngùi với người thân đã khuất của mình.

Già làng Đinh HMưng cho biết, làng Mơ H'ra có tất cả 3 khu nhà mồ thì 2 khu nằm ở vị trí xa khu vực nhà dân. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, kẻ xấu đã đào bới tan tành hàng trăm ngôi mộ. Sự việc đã làm cho người dân trong làng hoang mang, lo sợ. Chính vì vậy, cả ngày và đêm, người dân đều cảnh giác mỗi khi có người lạ xuất hiện trong làng. "Bất kỳ một người lạ mặt nào vào làng cũng phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh không phải là kẻ gian", già làng Đinh HMưng cho biết.

Đối với khu nhà mồ được xây dựng từ năm 2003 thì người dân đến bây giờ vẫn phải canh chừng ngày đêm. Chính vì vậy, kẻ xấu khó có cơ hội đào phá. Tuy nhiên, kẻ gian thường chọn thời điểm đêm khuya hoặc khi trời mưa lớn, lẻn vào khu nhà mả mới để đào trộm mồ mả người chết. Chính vì thế, để chống lại đám "mộ tặc", người dân Gia Lai đã quyết định biến những ngôi mộ thành "lô cốt" bằng xi măng và đá.

Theo quan niệm của người Ba Na, khi trong gia đình có người qua đời thì những người còn lại bắt buộc phải chia tài sản cho người chết để họ mang sang thế giới bên kia.

Sau khi ngôi mộ của người chết được đắp xong, người ta bắt đầu việc chia của cải cho người chết bằng cách chôn trên mặt mộ người chết một số đồ dùng khi còn sống như chén đồng, chiêng, ghè sứ, quần áo, khung dệt vải, gùi, rìu, cuốc xẻng, chén bát, xoong nồi...

Nguyễn Tâm