Bằng chứng tội ác kẻ gieo rắc cái chết màu da cam

Bằng chứng tội ác kẻ gieo rắc cái chết màu da cam

Thứ 6, 08/03/2013 | 16:29
0
Cho đến nay ông đã nhận tất cả 10 giải thưởng quốc tế về bảo vệ môi trường. Có những giải thưởng trị giá tới 6 tỷ đồng, nhưng ông đều dành để nghiên cứu và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành môi trường. Ông còn là một nhà điểu học hàng đầu Việt Nam với những phát hiện được quốc tế công nhận, đó là loài trĩ cuối cùng trên thế giới được biết đến. Ông chính là nhà giáo, nhà điểu học, nhà sinh học, giáo sư Võ Quý.

"Lăn lộn" ở các cánh rừng bị tàn phá

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quý sinh năm 1929, tại vùng đất giàu truyền thống hiếu học xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đây cũng là quê hương của hai nhà trí thức lớn là Nguyễn Biểu và Hoàng Xuân Hãn. Bởi vậy ngay từ nhỏ ông đã rất ham học và yêu thích khám phá thiên nhiên.

Xã hội - Bằng chứng tội ác kẻ gieo rắc cái chết màu da cam

GS. Võ Quý vinh dự là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng MIDORI về Đa dạng sinh học (người đứng giữa)

Học chưa hết kỳ I, trường Quốc học Huế, thực dân Pháp đánh chiếm vào Huế, trường của ông phải tạm thời đóng cửa. Ông về quê làm ruộng, coi như con đường học hành khép lại. Bản thân ông nghĩ có lẽ chẳng bao giờ được trở lại trường nữa, yên tâm ở nhà đi cày cùng bố. "Ở nhà được gần một năm, lúc đó tôi cày bừa cũng khá giỏi. Vào một buổi sáng sớm, tôi dắt trâu, vác cày ra đồng thì gặp thầy giáo dạy môn hóa ở trường Quốc học Huế. Qua thầy, tôi biết trường mới chuyển về xã bên cạnh (trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng). Tôi mừng quá vì được đi học trở lại", Giáo sư Võ Quý kể.

Năm 1949, dự định học xong Võ Quý sẽ theo học ngành quân y, phục vụ trong quân đội. Nhưng cái duyên, cái nghiệp cầm phấn đã chọn ông. Ngày mới ra trường ông được phân công về dạy tại một trường cấp 2 ở xã nhà. Sau đó ông dạy ở nhiều cấp học khác nhau từ cấp ba đến Sư phạm trung cấp, rồi công tác ở Nha giáo dục phổ thông (bộ Giáo dục và Đào tạo). Kể từ năm 1956, ông về giảng dạy tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này ông là người sáng lập trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (trực thuộc đại học Quốc gia HN).

Với tình yêu thiên nhiên từ thuở thiếu thời, đặc biệt là các loài chim, GS. Võ Quý "lăn lộn" tại các vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề để nghiên cứu môi trường. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi miền Nam vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, ông cùng một nhóm các nhà khoa học đi khảo sát hậu quả chiến tranh do chất độc hóa học dioxin Mỹ rải xuống khu vực sông Bến Hải. Ngoài việc nghiên cứu về chim, ông bắt đầu nghiên cứu về môi trường chiến tranh từ đó. Nhiều tháng trời ông cùng đoàn lội dọc Trường Sơn, chứng kiến hàng ngàn héc ta rừng bị rải chất độc hóa học, mọi sự sống đều bị huỷ diệt. Thực tế này, thôi thúc ông phải làm gì đó để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Xã hội - Bằng chứng tội ác kẻ gieo rắc cái chết màu da cam (Hình 2).

GS. Võ Quý tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An)

Trong những chuyến đi khảo sát thực tế, GS. Võ Quý đã ghi lại hàng trăm thước phim về những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ bị chết khô vì chất độc da cam, đất trống đồi trọc hoang vắng, không một tiếng chim hót. Nhờ đó mà lần đầu tiên Việt Nam đưa ra lời khẳng định và đầy đủ căn cứ khoa học về tác động khủng khiếp của chất độc da cam đối với môi trường tự nhiên. Tận mắt chứng kiến nên ông đi đến kết luận rằng, để những cánh rừng bị rải chất độc tự hồi sinh trở lại phải mất hàng trăm năm nữa. Không thể chờ rừng hồi sinh tự nhiên, GS. Võ Quý đã cùng các đồng nghiệp đề xuất giải pháp trồng rừng và được nhiều địa phương hưởng ứng. Với sự nỗ lực của bản thân giáo sư và trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án về bảo vệ thiên nhiên, phục hồi những vùng đất bị suy thoái đã dần dần được thực hiện có hiệu quả.

Sau này khi ông nhận giải thưởng về môi trường của đại học Michigan (Mỹ), toàn bộ số tiền thưởng 150 nghìn USD ông dùng để giúp đỡ một số xã nghèo ở Hà Tĩnh không phá rừng, bảo vệ thiên nhiên. GS Võ Quý từng phát biểu tại hội nghị chiến lược toàn cầu về môi trường tại Canada năm 1994: "Dân thiếu ăn thì giúp họ làm kinh tế, giúp dân học nghề, bày cách cho dân biết kết hợp trồng rừng bảo vệ động vật hoang dã với nuôi cá, tôm, ong,... để lấy lại cân bằng sinh thái. Chỉ đơn giản vậy thôi". Ông không giúp người dân bằng cách cho tiền mà đến tận nơi tìm hiểu cuộc sống thực tế của người dân thế nào, cần cái gì, qua đó sẽ giúp họ phát triển kinh tế, không phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm.

"Giải Nobel về môi trường"

Năm 2003, GS. Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ 2 vinh dự nhận giải thưởng Hành tinh xanh, tiền giải thưởng lên đến 50 triệu yên Nhật (tương đương 6 tỉ đồng). Đây là một giải thưởng quốc tế tương đương giải Nobel về môi trường do Ashahi Glass Foundation trao tặng. "Trước khi lên đường nhận giải thưởng, tôi đã bàn với gia đình, toàn bộ số tiền thưởng sẽ được dùng để nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường".

Xã hội - Bằng chứng tội ác kẻ gieo rắc cái chết màu da cam (Hình 3).

GS. Võ Quý nghiên cứu ảnh hưởng chất độc hóa học tại huyện Năm Căn (Cà Mau)

Cuối năm 2012, GS. Võ Quý  một lần nữa mang vinh quang về cho đất nước. Ông là một trong ba nhà khoa học vinh dự được nhận giải thưởng MIDORI về Đa dạng sinh học chọn ra từ danh sách 145 nhà khoa học được cân nhắc từ 50 quốc gia khác nhau. Mặc dù số tiền giải thưởng lần này không nhiều nhưng giáo sư nói nó có ý nghĩa rất lớn. Đây là phần thưởng mà Trưởng ban thư ký Công ước đa dạng sinh học đánh giá là Giải Nobel về Đa dạng sinh học.

Tại buổi lễ trao giải ở Ấn Độ, trước mặt hàng trăm quan khách quốc tế, các nhà khoa học tên tuổi, GS. Võ Quý phát biểu: "Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào đa dạng sinh học để tồn tại. Nhưng ngày nay, tốc độ các loài mất đi nhanh chóng song hành với mức tăng dân số và tiêu thụ tài nguyên lại đặt gánh nặng lên môi trường sống và các loài động thực vật hoang dã. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thành công để tìm ra một cách thức để tồn tại và phát triển trong giới hạn của vốn tự nhiên hay không. Đây là lúc phải hành động ngay lập tức, chậm trễ sẽ làm tăng mức độ suy thoái đa dạng sinh học... Không có giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Mỗi thành viên của cộng đồng toàn cầu có một vai trò, một số làm những việc lớn, một số làm những việc nhỏ, nhưng mỗi người đều đóng góp phần mình vào giải quyết toàn bộ vấn đề. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều cần hợp tác để giải quyết vấn đề này, nếu không chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi vì đều chia sẻ một hành tinh, một Trái đất".

Ngoài ra, GS. Võ Quý còn được đồng nghiệp quốc tế biết đến bởi phát hiện của ông về một loài trĩ mới cho khoa học ở vùng Kẻ Gỗ (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), người dân nơi đây quen gọi là gà lừng. Sau này để ghi nhận công lao của ông, Hội đồng bảo vệ chim quốc tế đã lấy tên ông đặt cho loài trĩ này là "Vo Quy pheasant" (Trĩ Võ Quý).

Nay, ở tuổi 85, đôi mắt GS. Võ Quý vẫn còn khá tinh tường, đôi chân từng đặt lên hầu hết các vùng rừng núi của đất nước nay vẫn không chịu dừng bước. Ông vẫn đi giảng dạy, tham gia các buổi hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường đa dạng sinh học và hậu quả của chất độc hoá học trong chiến tranh. Mong muốn nhất đối với ông là có sức khoẻ để tiếp tục làm những công việc mà ông yêu thích, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.                 

Với những nghiên cứu xuất sắc của mình GS.TS. NGND Võ Quý đã lần lượt được trao tặng nhiều phần thưởng quốc tế  cao quý: Huy chương Vàng về thành tích bảo vệ động vật hoang dã và xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (1988); Người Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay nhận bằng Danh dự Global 500 của Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (1992); Huy chương John Philipps của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) và giải thưởng hạng nhất của Đức về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học (1994); Giải thưởng về môi trường của Trường đại học Michigan, Hoa Kỳ (1995); Huân chương Golden Ark của Hà Lan (1997); Giải thưởng "Hành tinh xanh" do tổ chức ASAHI (Nhật Bản) trao tặng với những giải pháp cải tạo môi trường thế giới và dự báo về sự phát triển môi trường trong tương lai (2003); Bằng danh dự vì Thế hệ tương lai của tổ chức Quốc tế vì Thế hệ tương lai  WARD (2004); Một trong 35 nhà khoa học được bầu chọn là Anh hùng môi trường theo Tạp chí Time, Hoa Kỳ (2008); Một trong ba nhà khoa học được nhận giải thưởng MIDORI về Đa dạng sinh học năm 2012.      

Thiên Vũ

Chất độc da cam được chôn giấu ở Hàn Quốc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Ngày 27/5, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc từ những binh lính Mỹ từng đóng tại Hàn Quốc rằng quân đội Mỹ đã chôn chất độc da cam gần 1 căn cứ của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Nỗi đau của cựu binh ba lần mất con vì chất độc da cam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Một gia đình cựu chiến binh đã ba lần phải tiễn những đứa con xấu số về cõi vĩnh hằng vì chất độc da cam/điôxin.

Cầu truyền hình kỷ niệm thảm họa da cam Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Chiều 25/7, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Viêt Nam (VAVA), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, tập đoàn Tài chính SVA đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “50 năm – Nỗi đau còn đó”.

82 hồ sơ da cam bị ngâm tủ lãnh đạo trong 3 năm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Có 82 bộ hồ sơ xét duyệt công nhận đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hóa học vẫn nằm im trong... tủ của xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh mà không được chuyển xuống huyện để xem xét như theo quy định liên tục trong 3 năm trời.

“Chàng trai da cam” đánh cược sinh mạng vì tri thức

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
Nguyễn Chiến Thắng là người Việt Nam đầu tiên nhận tấm bằng Microsoft có chữ ký danh dự của Bill Gate. Chàng trai ấy đã vượt qua nỗi đau da cam, thậm chí “đánh cược” cả mạng sống của mình cho khát khao vươn tới tri thức.