Người dùng liệu pháp âm nhạc điều trị bệnh nhân tâm thần

Người dùng liệu pháp âm nhạc điều trị bệnh nhân tâm thần

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Ông là PGS.TS Nguyễn Văn Thọ người đã dùng những điệu nhạc để xoa dịu những cơn sóng dữ trong ký ức bệnh nhân tâm thần.

“Gây mê” bệnh nhân bằng nhạc

PGS.TS Thọ say sưa nói về điều liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần. âm nhạc có thể kéo thẳng con người đi du lịch về thế giới của tiềm thức đầy cảm xúc. Bệnh nhân sẽ tự kể lại những xung đột trong tâm thức. Một khi đã giải quyết được khúc mắc cho người bệnh trong cuộc sống thì việc điều trị ổn định, cải thiện các triệu chứng và kỹ năng sống cho bệnh nhân chỉ là vấn đề của thời gian.

Xã hội - Người dùng liệu pháp âm nhạc điều trị bệnh nhân tâm thần

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ đang sáng tác những giai điệu để điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại Viện Tâm lý thực hành.

Ngoài việc điều trị bằng liệu pháp âm nhạc chuyên biệt, PGS.TS Thọ còn nghĩ đến phương pháp kết hợp giữa âm nhạc và nghệ thuật hội họa. Người thầy thuốc muốn giúp bệnh nhân dễ dàng diễn tả những cảm nhận và cảm xúc để bắt bệnh. Các bệnh nhân sẽ được tăng cường khả năng diễn tả cảm xúc không ngôn ngữ. Người tâm thần thường có những ý nghĩ kỳ dị và họ sẽ vẽ được những bức tranh bằng ảo giác trong cơn hoang tưởng của bản thân.

Cách đây nhiều năm, PGS.TS Thọ vẫn không quên được bệnh nhân Lê Viết T. được đưa đến điều trị. Bệnh nhân này thể hiện sự cắn rứt lương tâm bằng một bức tranh màu sắc sặc rỡ với hình ảnh khá chuẩn nét. Hoàn chỉnh bức tranh, mọi người đều hình dung ra được, bệnh nhân T vẽ một hình người có hàm răng ngay ổ bụng. Theo diễn giải của T, hàm răng đang ở trong bụng như cắn đứt ruột gan của chính bệnh nhân.

Sau đó vài hôm, bệnh nhân T được các bác sĩ cho nghe tiếp một bản nhạc của Beethoven. Khi nghe bản nhạc, T thấy hình tượng cô bé lọ lem và bầy chuột trong tâm trí. ở phần điệp khúc của bản nhạc, bệnh nhân hình dung cả một đoàn quân Pháp đang cầm những cây cờ đỏ diễu binh trên đường và kêu gọi chấm dứt chiến tranh.

Kết hợp liệu pháp vẽ tranh với bệnh nhân này, PGS.TS Thọ phát hiện ra anh đang trải nghiệm bố cục bức tranh bằng hình thù lá cây mọc. Theo diễn đạt, bệnh nhân T muốn gửi gắm tâm tư nguyện vọng sự sống phải có ích. Muốn khơi gợi được cảm xúc trong tâm hồn của bệnh nhân, đòi hỏi người thầy thuốc phải có sự am hiểu nhạc lý một cách chuẩn xác. Ở cùng một bản nhạc, có thể được điều chỉnh theo cung bậc khác nhau, bệnh nhân có một cách hình dung và những cảm xúc rất khác ở sau khi nghe nhạc.

Bác sĩ về hưu vẫn chưa... nghỉ việc

Ngày cuối tuần, tôi tìm đến PGS.TS Thọ trong một căn biệt thự gần chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp). Hai mươi năm tròn công tác và cống hiến tại Bệnh viện tâm thần Trung ương II, nhiều người tưởng ông bằng lòng với những gì đã làm được. Ông đón nhận những ngày tháng nghỉ hưu để rời khỏi cương vị giám đốc bằng nhiều công việc tất bật hơn khi còn đương chức. PGS.TS Thọ nhận lời mời của trường Đại học Văn Hiến làm phó trưởng khoa Tâm lý học. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp mời gọi ông tiếp tục cống hiến cho những bệnh nhân tâm thần ở Viện Tâm lý thực hành trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh).

PGS.TS Thọ nhớ như in năm 1966, khi đất nước đang đứng trước chiến dịch Mậu Thân thì ông trúng tuyển vào trường Học viện Quân y. Chất nghệ sĩ như được khơi dậy khi ông tham gia vào đội âm nhạc, sáng tác và biểu diễn trong trường.

Hoàn tất khóa học, PGS.TS Thọ tốt nghiệp loại ưu và được giữ lại trường để phục vụ giảng dạy. GS Lê Hải Chi thấy được ở ông có khiếu âm nhạc bẩm sinh nên khuyến khích ông nghiên cứu về trị liệu tâm thần bằng âm nhạc. Một ngã rẻ chuyển hướng cuộc đời giúp PGS.TS Thọ bước sang nghiên cứu liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần. Ông được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Hối chính thức dạy về âm nhạc trong 3 năm ngắn ngủi. Bằng ấy thời gian nâng cao nhạc lý, chơi đàn piano tại học viện Quân y 103 đủ để PGS.TS Thọ lĩnh hội được những điều cần thiết về loại hình nghệ thuật này.

Ở Việt Nam, đầu những năm 80, người mắc bệnh tâm thần vẫn còn bị cùm xích, xà lim. Người bị bệnh không được đòi hỏi gì cho bản thân, bị xã hội xem thường và coi là tàn phế. Từ những năm đầu thập niên 90, PGS.TS Thọ về làm phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương II, ông mạnh dạn xóa bỏ cùm xích và cởi trói cho nhiều bệnh nhân tâm thần. Các bệnh nhân được sinh hoạt như những con người bình thường trong bệnh viện.

Vốn được nghiên cứu chuyên ngành tâm lý, PGS.TS Thọ dùng biện pháp lao động, đan lát, dệt chiếu, may vá, lao động nông nghiệp để người bệnh hòa nhập với cộng đồng. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đều được đầu tư để giúp bệnh nhân tăng thể lực. Đời sống bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện ngày một cải thiện để mọi người yên tâm công tác điều trị cho bệnh nhân.

Không lâu sau đó, một đoàn vân công bán chuyên nghiệp của bệnh viện được thành lập. Những buổi trình diễn nhạc giao hưởng dành cho bệnh nhân được diễn ra đều đặn để làm dịu đi những cơn ức chế bất chợt có thể đến với người bệnh. PGS.TS Thọ cho rằng, âm nhạc chỉ là phương tiện để điều trị nhưng không phải là thuốc thần để có thể chữa các dạng bệnh tâm thần. Âm nhạc hằng ngày mà mọi người thưởng thức chưa phải là công cụ dùng để điều trị cho bệnh nhân.

Liệu pháp chữa bệnh kỳ lạ

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều phát triển bình thường. Nếu chẳng may, xung năng sẽ bị dồn xuống vô thức, bị kiềm nén và chuyển dịch thành bệnh lý. Theo lối phân tích tâm lý của PGS.TS Thọ, những cái bị dồn nén không được thể hiện sẽ dễ dẫn đến phân tâm. Khi dùng những dòng âm nhạc giao hưởng, người thầy thuốc mới có thể gợi cho người bệnh một loạt các trải nghiệm giác quan trên cơ thể, làm cho người bệnh thấy được cánh đồng, thấy được quê hương, thấy được lũy tre làng...Theo đó bệnh tình của bệnh nhân có thể sẽ dần được thuyên giảm.

Đỗ Hưng