Người giao liên già và cuộc sống bên động Moso nổi tiếng

Người giao liên già và cuộc sống bên động Moso nổi tiếng

Thứ 4, 06/02/2013 | 11:49
0
Bên cửa hang động Moso, cụ Tiết vẫn ngày ngày gìn giữ tấm hình Bác. Cụ được xem là thế hệ đầu tiên đến khai phá, có đóng góp to lớn và là nhân chứng sống của bao biến động lịch sử trên vùng đất Ba Trại anh hùng này. Tâm nguyện lớn nhất của cụ là được một lần ra Hà Nội để được vào lăng viếng Bác.

ức về "người mẹ hang"

Năm tháng qua qua đi, thời gian nhuộm mái đầu bạc trắng, người giao liên Nguyễn Văn Tiết ở hang động Moso lịch sử ngày nào nay đã bước sang tuổi 82. Trọn cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, lòng dạ trước sau như một, vững tin theo cách mạng, theo cụ Hồ, cuộc đời thanh bạch của cụ đã trở thành tấm gương cho thế hệ con cháu mai sau. Đi hết con đường dẫn từ ấp Ba Trại (xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), chúng tôi tìm đến núi Moso.

Đã qua rồi thời bom rơi đạn lạc, cũng không còn những cuộc giao tranh đẫm máu dành chiến địa trong ngoài cửa hang. Giờ Moso chỉ có tiếng cười, cùng cuộc sống yên bình của những con người chân chất, ngày ngày bám trụ giữ đất, cũng là bảo vệ di tích lịch sử của Tổ quốc thiêng liêng. Nhà cụ Nguyễn Văn Tiết (thời kháng chiến các cán bộ cách mạng gọi cụ Tiết là Năm Quắn vì cụ có mái tóc xoăn) nằm khiêm tốn bên cửa hang. Vùng lân cận quanh chân núi hiện cũng là nơi dâu rể, con cháu cụ dựng lều cư ngụ.

Xã hội - Người giao liên già và cuộc sống bên động Moso nổi tiếng

Cụ Tiết hiện ở một mình trong căn lều nhỏ bên cửa hang động Moso.

Tuy tuổi đã cao nhưng trí nhớ của cụ Tiết vẫn còn rất tốt. Thi thoảng nhớ đồng đội và những tháng ngày oanh liệt, cụ lại chống gậy luồn vào cửa hang để được sống lại một thời hào hùng. Tuy không sinh ra trên mảnh đất tươi đẹp này, nhưng suốt cuộc đời cụ gần như gắn bó với từng cửa hang, con rạch ở động Moso. Vách đá, hang sâu dường như giờ đã là một phần máu thịt, thấm đẫm mồ hôi của chàng trai Năm Quắn những ngày còn trẻ đi đưa lương, vận chuyển thuốc, chở thương binh. Ở đó còn cả hài cốt xương cốt của nhiều chiến sỹ đã ngã xuống. Vì thế trong tiềm thức của người dân Ba Trại, hang động Moso là một nơi vô cùng thiêng liêng. Cụ Tiết bảo, thời kỳ đầu kháng Pháp, nơi đây được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực dùng làm căn cứ đóng quân, rèn binh khí. Các thời kỳ sau với bao biến động, Moso lại là bức thành đồng vững chãi trước đạn bom quân thù.

Chúng tôi theo chân cụ Tiết luồn vào hang, giữa trời nóng đổ lửa của buổi giao mùa trời Nam mà ngỡ như đang về miền đất lạnh, đứng trong hang như thể chiêm nghiệm một tòa lâu đài. Đi theo lối mòn, qua một cửa động thì phía trước không gian bừng sáng, lòng núi rỗng thếch mở một vùng đất trống xuyên thẳng không trung. Bao quanh những bức viền đá dựng đứng, tựa như một đấu trường của Hi Lạp cổ đại, thời chiến, nơi đây  từng đặt xưởng công binh chuyên rèn, chế vũ khí. Từ hang công binh, người ta có thể len lỏi qua những hang đá bất tận, nối liền từ hướng Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, đi khắp trong lòng núi.

Đến một cửa hang, cụ Tiết chỉ tay lên vách đá cho khách đọc dòng chữ: "Hang quân y". Thời kháng chiến chống Mỹ, đây là bệnh viện dã chiến, lát đầy ván làm giường để chữa trị cho thương bệnh binh. Lòng hang Moso rộng đến nỗi người ta có thể làm nhà, những con rạch đầy cá tôm, có thể chèo thuyền, giăng lưới đánh cá. Vậy nên, thời kháng Pháp, đuổi Mỹ hang Moso đã là "người mẹ" bao dung che chở các sư đoàn bộ đội. Những lúc khan lương thực, cụ Tiết và những chiến sỹ thường đánh cá ngay trong hang để ăn. Cá nhiều đến nỗi khi lội xuống, nhờn nhợn cả bàn chân.

Mối tình son sắt

Cụ Tiết ví mình và núi Moso như đôi tình nhân có duyên từ kiếp trước, đến bên nhau để rồi trọn đời chung thủy không rời. Quê ở Tây Đô (nay là Cần Thơ), 8 tuổi, cậu bé Tiết theo ba mẹ về Ba Núi để rồi bây giờ trở thành thổ dân thứ thiệt. Cụ Tiết thuộc núi Moso từng vỉa đá, từng ngõ ngách trong hang, mồ hôi cụ rỉ thấm trên từng lọn đất ở vùng Ba Trại. "Xưa vùng này hoang vu, ngút ngàn lau sậy và quanh năm ngập nước, chứ không phải có đường nhựa láng bóng dễ đi như bây giờ", cụ Tiết nhớ lại. Ngày đó để vào được núi Moso, cha con cụ phải  khua mái chèo vượt qua khoảng ngập nước từ con lộ lớn (nay là quốc lộ 80) mới vào được. Khó khăn vô vàn, mẹ cụ bao lần nản chí đòi quay về Cần Thơ sướng khổ có nhau. Thế nhưng ba cụ nằng nặc không chịu, ông nhìn thấy tương lai của một vùng đất giàu tiềm năng nên quyết tâm ở lại khai phá.

Những ngày khốn khó ấy, cả gia đình cụ lấy hang Moso làm nhà, vạt lau, phát sậy khai hoang vùng đất quanh núi Moso làm vườn. Cụ Tiết vẫn nhớ như in những ngày cùng người cha cần mẫn khai hoang vỡ đất, ươm mầm cây trái. Mồ hôi rỏ xuống, cây trái đơm hoa. Nào cà phê, dừa, cau, chuối, chôm chôm, sầu riêng..., sum suê sai quả, rồi cụ ngày đêm biến những lối đi hoang lạnh trong hang thành những đường mòn.

Cụ Tiết kể: "Không biết bao nhiêu công sức mà tính cháu ạ, cha con bác ngày ngày đục đá làm lối đi quanh núi, vần đất lấp miệng hố bom, lát đường khám phá rồi kết nối chỉ dẫn các hang phụ lại với nhau để người đi vào không bị lạc". Biết bao cống sức đổ xuống, ngày cha cụ Tiết mất đi, ông cụ có cầm tay dặn rằng: "Mảnh đất này đã che chở chúng ta, thấm mồ hôi, xương máu của bao người, con và thế hệ cháu chắt sau nữa cố bám trụ giữ đất".

Thế rồi vùng đất yên bình dậy tiếng súng, quân Mỹ- Ngụy cho máy bay, xe bọc thép đến càn quét hòng thủ tiêu căn cứ cách mạng Moso. Bom đạn phanh đất, hào hố loang lổ, vườn cây xanh mướt quanh núi bị máy bay, xe bọc thép càn gãy đổ ngang dọc. Ác độc hơn, hòng triệt tiêu sự ngụy trang của bộ đội ta, chúng còn rải thảm chất độc hóa học đến nỗi trong nhiều năm liền, cây không ra lá. Chúng còn đầu độc nguồn nước trong vùng khiến cá chết nổi trắng bụng. "Chúng nó ác quá con ơi, cái thứ chất độc gì mà làm cho không con gì sống nổi, cá trong hang chết hàng loạt, có con sống sót thì biến dạng dữ lắm, dẫu có bắt được cũng không dám ăn. Vườn cây trái nhà bác cũng không bao giờ còn sum suê nữa", cụ Tiết hồi tưởng về những ngày tháng giữa năm 60, khi bọn giặc mở rộng phạm vi càn quét ra toàn Nam Bộ.

Ngày ấy, vùng đất Kiên Lương anh hùng một lòng theo cách mạng, bọn địch coi vùng Ba Trại- Moso là căn cứ đầu não cần phải thủ tiêu bằng mọi giá. Ngày đó giữa lòng núi Moso, bộ đội ta đặt một xưởng công binh chuyên chế tạo vũ khí. Xưởng làm việc ngày đêm, địch biết điều đó nên chúng thường lấy hang Moso là hạt nhân cho những cuộc hành quân càn quét. Các cuộc giao tranh giữa ta và địch giờ vẫn còn chưa thôi trong ký ức cụ. Cụ Tiết ngồi lặng, giọng trầm nhớ lại: "Có những trận đánh người chết không thể nào kể xiết, nhưng có bao giờ chúng tiến quân được vào cửa hang đâu. Vừa vào đến chân núi, chúng đã bị đánh bật ra vì chúng ta biết tổ chức dàn binh, thủ trận dựa vào hình sông thế núi. Trong hang có cơ quan tham mưu đầu não, có nơi rèn đúc và chế tạo vũ khí, có bệnh viện dã chiến vừa bí mật, lại an toàn. Và, "mẹ núi" Moso cũng là khối thạch thành vững chãi bất khả chiến bại, chưa một lần địch có thể thâm nhập".

Để góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hồi đó cụ Tiết theo kháng chiến làm giao liên, đưa tin từ căn cứ Moso đến những nơi khác. Sau những trận đánh, cụ lại không quản ngại vận chuyển thương binh về hang quân y để chữa trị. Tại hang Moso, cụ Tiết cũng là người chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, có những thương binh ngày độc lập còn quay trở lại tìm cụ. Đất nước im bặt tiếng súng, một mình cụ lại âm thầm đi tìm hài cốt, giúp đỡ thông tin cho các thân nhân liệt sỹ. Cụ bấm ngón tay nhẩm tính, đến nay đã tìm được 16 bộ hài cốt liệt sĩ qui tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Kiên Lương cùng nhiều vũ khí đạn dược khác. Năm 1994, Nhà nước đã trao tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, ghi nhận sự cống hiến của cụ đối với ngành quân dân y Tây Nam Bộ trong thời kỳ chống Mỹ.

Trước khi chia tay, cụ ông nắm bàn tay tôi rưng rưng nhắn nhủ: "Tôi đã gắn bó với núi, hang động và mảnh đất này gần trọn đời rồi. Khi chết, tôi cũng chỉ muốn được gối đầu trên viền đá núi của hang động mà thôi".

Mong một lần được về Thủ đô

Cụ Tiết tâm sự, mong muốn lớn nhất của đời mình là được gặp Bác. Từ ngày thức tỉnh đi theo lý tưởng cách mạng cũng là ngần ấy năm cụ Tiết mang hình Bác trong tim. Đến tuổi bóng xế, cụ vẫn đau đáu một mong muốn là có ngày được ra Hà Nội, để vào lăng dâng lên Bác một nén hương cho thỏa lòng nguyện ước. Thế nhưng do điều kiện kinh tế gia đình, rồi sức khỏe không cho phép nên ước nguyện ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được.  Ai về động Moso cũng thấy một ông cụ tóc trắng và tấm ảnh Bác được cụ treo trang trọng trong căn lều nhỏ, bên động Moso lịch sử.

 Kỳ Anh

Huyền thoại về người già làng hai lần được phong tặng anh hùng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Mới lên bảy, ông băng qua rừng núi hiểm trở để làm cách mạng.

Thầy giáo anh hùng vượt lên số phận

Thứ 6, 18/01/2013 | 08:43
Xếp bút nghiên, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) lên đường chữa trị căn bệnh nan y - bệnh phong. Những cơn đau thấu xương, như khoan vào xương tủy, nhưng thầy vẫn hát, làm thơ và viết nhật ký để quên đi nỗi đau và chiến thắng bệnh tật. Thầy không cho phép mình gục ngã mà phải gắng sống để trở về với gia đình và thực hiện những công việc còn dang dở.

Người anh hùng sau 35 năm "giấu mặt"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Sau khi đất nước thống nhất đã 36 năm, nhưng cho đến nay ít người biết được ai là người đã cắm lá cờ quân giải phóng lên cột cờ của Bộ tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn sào huyệt của quân đội ngụy quyền vào ngày 30/4/1975.

Người anh hùng thời chiến và chuyện tình ngàn dặm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Đánh giặc giỏi trên chiến trường nhưng ngoài đời thường, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu khi đã là Trung đoàn trưởng vẫn có lúc bẽn lẽn trước mặt các cô gái, chưa từng có mối tình đầu.