“Người hát dân ca cần nặng lòng với những miền quê”

“Người hát dân ca cần nặng lòng với những miền quê”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Mấy năm gần đây, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền ít xuất hiện trên sân khấu. Không ít người nghĩ có lẽ chị cũng đã ở cái tuổi toan về già và sự vắng bóng của chị để nhường đất cho thế hệ trẻ.

Thế nhưng có mặt ở Hà Nội trong những ngày khởi động giải Sao Mai 2011 vòng chung khảo phía Bắc, Thu Hiền khiến nhiều người rất đỗi ngạc nhiên, bởi sự trẻ trung của mình. Không váy vóc, không tóc xoăn, tóc uốn, chị để nguyên mái tóc dài, búi cao, một hình ảnh quen thuộc gắn liền nhiều năm trong nghiệp hát của chị.

Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền

"Tôi chưa bao giờ có đỉnh cao"

Xin được bắt đầu câu chuyện với chị bằng một câu hỏi về cuộc sống hiện tại? Sau khi nghỉ hưu, chị đã làm những gì?

Tôi nghỉ hưu năm 2007, sau đó không lâu thì chuyển hẳn vào TP.HCM sinh sống với hai cô con gái cho đến tận bây giờ. Tôi cũng đã lên chức bà ngoại rồi. Vào Sài Gòn để gần với con cái. Khí hậu và điều kiện sống trong đó rất tốt nhưng tôi vẫn yêu và thích sống ở Hà Nội hơn. Bạn bè mình chủ yếu ở đây hết, vào đó ít bạn nên hay buồn lắm. Cho nên dăm bữa, nửa tháng lại làm một chuyến ra Hà Nội, vừa là công việc, vừa để tụ tập bạn bè cho đỡ nhớ.

Hai cô con gái của chị có theo nghề của mẹ không?

Chúng đều tốt nghiệp trường nhạc viện nhưng không theo nghề của mẹ. Thứ nhất vì chúng cũng không thực sự có tài năng nổi bật. Thứ hai, như con gái đầu của tôi nói là: "Có giỏi đến mấy thì cũng khó mà vượt qua được cái bóng của mẹ”. Thực ra, tôi biết không phải chúng không có đam mê nhưng để thành công trong sự nghiệp ca hát thì cần nhiều yếu tố.

Hơn nữa, cuộc sống lúc trước khó khăn lắm. Tôi mang tiếng là nghệ sĩ nhưng không có nhiều tiền để mua cái này, cái khác cho con. Thời của tôi không có cơ hội để kiếm sống như các bạn trẻ bây giờ. Tôi nghĩ làm nghệ thuật khó mà giàu được, và nếu có ý định kiếm tiền thì đừng nên làm nghệ thuật. Đó cũng là lí do mà cả hai con gái của tôi đều lựa chọn con đường khác với mẹ.

Chị nghĩ sao nếu có người nói "chị đã qua cái thời đỉnh cao"?

Tôi thì nghĩ mình chưa bao giờ có được đỉnh cao cả. Tôi vẫn luôn hát bằng tâm niệm ấy và hát bằng tất cả trái tim, tâm hồn mình. Đôi lúc tự nghĩ lại, mình còn không ngờ được là có thể hát được lâu đến thế.

Bây giờ một ngày tôi làm nhiều việc lắm. Ở nhà thì làm vợ, làm mẹ, làm bà, thậm chí là ôsin khi không có người giúp việc. Ra ngoài là công việc của một người nghệ sĩ. Tuy nhiên, dù bận rộn đến mấy, một ngày tôi vẫn dành ra 2 tiếng đồng hồ để nghe nhạc, nhạc của mình và của cả người khác nữa.

Tôi luôn nghĩ rằng, không phải mình đã là nghệ sĩ lớn thì mình không nghe nhạc của người khác. Tôi luôn tìm và cập nhật những tác phẩm mới. Kể cả những người hát mới để xem họ hát như thế nào và cũng là để rút kinh nghiệm cho mình. Sợ nhất là bị lạc hậu so với thời đại; mà sự lạc hậu thì sẽ dẫn đến tự ti, e ngại.

Niềm trăn trở về dòng nhạc dân gian

Chị chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ ca sĩ sau mình, chị nhận xét thế nào về họ?

Tôi rất quý các bạn trẻ và luôn giúp họ hết khả năng của mình. Như lần này, tôi bay ra Hà Nội chỉ với mục đích là cổ động mấy em đã theo học mình nay đi thi giải Sao Mai. Có bao nhiêu lứa học trò rồi nhưng mỗi lần họ lên sân khấu là tôi lại không khỏi hồi hộp. Các em bây giờ rất giỏi, có giọng hát đẹp, điều kiện tốt để phát triển. Theo tôi cái thuận lợi nhiều hơn là khó khăn.

Tôi từng chứng kiến những sự trưởng thành rất đáng quý như Anh Thơ, Trọng Tấn... Họ đều xuất phát từ nông thôn, thậm chí trong những gia đình không có nhiều truyền thống về âm nhạc, nghệ thuật. Thế nhưng bằng ý chí và năng lực họ đã khẳng định được mình và trở thành những tấm gương sáng đáng để noi theo.

Theo chị sự phát triển của dòng nhạc dân gian hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì?

Cái khó khăn của ca sĩ trẻ bây giờ chính là những cám dỗ của cuộc sống. Nếu không tỉnh táo sẽ bị cuốn trôi theo những mưu tính của cuộc sống. Tôi nghĩ việc các em đi hát kiếm tiền là bình thường, không có vấn đề gì nếu đó là những đồng tiền chính đáng. Họ cũng phải kiếm tiền để sống, để phục vụ cho học tập, công việc, sự nghiệp. Nhưng nếu những điều đó bị lạc sang một hướng khác, tiêu cực hơn thì rất nguy hiểm. Phải cân bằng cuộc sống, điều chỉnh bản thân để phù hợp hơn với cuộc sống. Có như thế mới đạt được một sự nghiệp lâu bền được.

"Bí kíp" trẻ lâu

Theo chị để hát hay nhạc dân gian, cần nhất điều gì?

Dòng nhạc dân gian có ít người theo đuổi nhất so với những dòng nhạc khác. Theo tôi, những em theo dòng nhạc này đều là những người rất tâm huyết. Cho nên tôi rất quý các em, mỗi khi có cuộc thi về dòng nhạc này, các cô ở trường nhạc viện lại gửi các em đến nhờ chỉ bảo những kĩ năng hát dân ca và tôi rất sẵn sàng. Tôi nói với các em, hát dân ca của miền nào là phải hiểu được văn hóa của miền đó. Văn hóa ở đây là lời ăn, tiếng nói, là tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán được nhắc đến trong ca từ.

Không thể hát một bài dân ca Hà Tĩnh thành chất quan họ Bắc Ninh được. Mỗi làn điệu lại có riêng một hồn cốt, không lẫn vào đâu được. Dân ca của nước mình là quá hay, quá xúc động rồi. Nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cách hát để không chỉ đánh thức được cái hay đó mà còn thổi được vào đó một cái hồn riêng của mình.

Các ca sĩ trẻ bây giờ thường hay lạm dụng kĩ thuật. Tất nhiên đã hát thì phải có kĩ thuật. Nhưng kĩ thuật phải nhuần nhuyễn làm sao để đạt đến sự mộc mạc, giản dị thì mới gọi là thành công. Hát dân gian, rất cần cái tình, sự nặng lòng, vương vấn với mỗi một miền quê hay nói cách khác, người hát dân ca cần nặng lòng với những miền quê.

Trên sân khấu, dù đã qua tuổi 50 nhưng người ta vẫn thấy chị xinh đẹp, chuyên nghiệp. Làm cách nào để giữ được một phong độ như thế, thưa chị?

Tôi cũng như các nghệ sĩ thuộc thế hệ của mình luôn nghĩ rằng, đã là nghệ sĩ thì phải có một cái tâm. Cái tâm ở đây là sự trân trọng khán giả. Cho nên, một khi đã lên sân khấu, người nghệ sĩ không được phép xuề xòa, xộc xệch, phải đẹp nhất có thể. Có thể chiếc áo dài mình mặc lên sân khấu không cần phải đắt tiền nhưng phải có sự chỉn chu, lịch sự trong đó. Cái đẹp quan trọng nhất là sự phù hợp.

Người nghệ sĩ trên sân khấu không chỉ có tiếng hát mà cần phải kết hợp nhiều yếu tố nữa như phong thái, cảm xúc... Ngoài ra tôi thường xuyên tập thể dục để giữ sức khỏe, ăn uống khoa học và kiêng khem nếu điều đó tốt cho giọng hát. Tôi nghĩ khi mình trân trọng khán giả thì họ cũng tôn trọng lại mình. Điều đó rất quan trọng vì chính họ là nguồn động lực để mình không ngừng cố gắng trong sự nghiệp.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Đào Bích

Tag: Bắc Ninh