Người hiến tặng gần 1.000 cổ vật cho đất nước

Người hiến tặng gần 1.000 cổ vật cho đất nước

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Vương Hồng Sển (SN 1902) là nhà sưu tập cổ vật và nghiên cứu văn hóa hàng đầu ở TP.HCM. Ông là người đầu tiên hiến tặng toàn bộ cổ vật và sách sưu tầm cả một đời cho nhà nước, cũng là người viết sách nghiên cứu về cổ vật nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ.

Nhập khẩu theo đơn đặt hàng

Theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) - TP.HCM, bộ sưu tập (BST) Vương Hồng Sển hiến tặng cho Nhà nước gồm 849 cổ vật và hơn 1.000 cuốn sách. BTLSVN - TP.HCM được giao tiếp nhận BST cổ vật, còn sưu tập sách chuyển về Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. BST cổ vật của Vương Hồng Sển gồm nhiều chất liệu khác nhau: Gốm sứ, đồng, gỗ, thủy tinh, ngà, sừng, đồi mồi có xuất xứ từ nhiều quốc gia như: Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Trong đó, nhiều nhất là gốm sứ men xanh trắng Trung Quốc thế kỷ XVIII-XIX.

Sự kiện - Người hiến tặng gần 1.000 cổ vật cho đất nước

Vương Hồng Sển trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

Trong BST của Vương Hồng Sển, chủng loại gốm sứ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam theo đặt hàng của Việt Nam mà Vương Hồng Sển gọi là đồ sứ men lam Huế được chủ nhân ưa thích nhất.

Theo tài liệu của BTLSVN-TP.HCM thì vào thế kỷ XVII - XVIII, nhà cầm quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong cho rằng, gốm sứ Trung Quốc có chất lượng tốt nên đã đặt các lò gốm tại trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây sản xuất các loại đồ dùng trong hoàng cung, phủ chúa. Đó là khởi đầu cho một dòng gốm Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của vua, chúa Việt Nam và cũng là khởi đầu cho việc gốm Trung Quốc tràn vào Việt Nam, góp phần làm suy yếu nghề gốm Việt Nam lúc bấy giờ.

Gốm sứ Trung Quốc sản xuất theo yêu cầu của chúa Trịnh - chúa Nguyễn được biết đến là những sản phẩm đồ đựng, đồ trang trí cao cấp, men xanh trắng vẽ phong cảnh, đồ án, tích truyện, thơ chữ Hán, chữ Nôm hàm chứa những ý tưởng, ẩn dụ tốt đẹp. Loại hàng sản xuất cho chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, hoa văn chủ yếu là các đồ án rồng, lân, phượng những linh vật chỉ dùng cho vua chúa, hoàng tử, hoàng hậu. Ở phần trôn loại hiện vật này được ghi các loại hiệu đề đặc biệt bằng chữ Hán: “Nội phủ thị Đông”, “Nội phủ thị Đoài”, “Nội phủ thị Trung”, “Nội phủ thị Bắc”, “Nội phủ thị Nam”, “Nội phủ thị Hữu”…

Sự kiện - Người hiến tặng gần 1.000 cổ vật cho đất nước (Hình 2).

Cổ vật "biết nói"

BST của Vương Hồng Sển có tất cả 20 sản phẩm Nội phủ, Khánh Xuân, điển hình như: Tô, "Nội phủ thị Hữu" thế kỷ 18. Hiện nay, tô đã bị rạn vài chỗ. Thành trong và thành ngoài của tô vẽ rồng, phụng chầu mặt trời. Rồng có 5 móng đang bay, ẩn hiện trong những lớp mây, trôn ghi chữ Hán Nội phủ thị Hữu. Vì kích thước khá lớn nên Vương Hồng Sển gọi là quán tẩy, tức chậu rửa mặt.

Đây là một loại mâm đựng trầu cau hay đựng lễ vật. Sản phẩm Nội phủ Khánh Xuân thế kỷ 18 là loại hàng cao cấp đương thời chỉ được đặt hàng vài lần với một số lượng ít và với một hợp đồng chặt chẽ như là sản phẩm độc quyền, các lò gốm ở Trung Quốc đã không sản xuất thêm để bán ra ngoài. Vì vậy, ngay ở Trung Quốc cũng rất ít người biết đến sự hiện diện của chúng.

Có tác giả cho rằng, việc đặt tên gọi với các từ chỉ phương hướng như Nam, Bắc, Đông, Đoài, nghĩa là phương Tây, gọi phương Tây là Đoài nhằm tránh húy Tây vương Trịnh Tạc; Tả, Hữu, có lẽ chủ yếu để mô tả đây là đồ dùng trong khu vực thuộc các hướng trong phủ Chúa. Hoặc cũng có thể như Vương Hồng Sển nhận định là do chúa Trịnh không muốn ghi niên hiệu vua Lê trên đồ gốm sứ mà phủ Chúa sở hữu nên đã dùng các hiệu đề như trên để chứng tỏ sự độc lập và quyền uy của phủ Chúa.

So với các sản phẩm của Đàng Ngoài thì các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng đặt hàng gốm sứ men xanh trắng của Trung Quốc nhưng với mẫu mã hoàn toàn khác. Đồ sứ ghi thơ Nôm là một đặc điểm của gốm sứ đặt hàng thời chúa Nguyễn, tuy nhiên cũng có những sản phẩm bằng chữ Hán chép các bài thơ do Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), vị chúa thứ 7 thời tiền Nguyễn còn có biệt hiệu Thiên Túng đạo nhân sáng tác như: “Thiên Mụ hiểu chung” (Chuông sớm chùa Thiên Mụ), “Tam Thai thính triều” (Núi Tam Thai nghe sóng triều), “Thuận Hóa vãn thị” (Chợ chiều Thuận Hóa), “Ải Lĩnh xuân vân” (Mây mùa Xuân đèo Hải Vân). Điển hình như Bát được vẽ cảnh núi non hiểm trở, có tác giả cho rằng đây chính là cảnh đèo Hải Vân và có bài thơ thất ngôn bát cú: "Ải Lĩnh xuân vân".

Đĩa Nội phủ thị Đông được cụ Vương mua ngày 30/6/1960, vẽ cả mặt trong và thành ngoài, đó là hình ảnh của hai con lân đang vờn nhau giữa đám mây. Nét vẽ điêu luyện, giúp người xem cảm tưởng như từng đường gân, bắp thịt của con lân cuộn lên, cảnh sống động, vui tươi. Dưới đáy ghi chữ Hán Nội phủ thị Đông.

Nhiều người nghiên cứu loại hình này, hầu hết cho rằng những đồ dùng ghi Nội phủ thị Đông được dùng trong Đông cung của phủ Chúa, mà Đông cung là nơi ở của Thái tử, người sẽ thay thế ngôi vị sau này. Hay chiếc đĩa Khánh Xuân thị tả, Vương Hồng Sển mua ngày 3/6/1959 do một người mang từ Huế vào Sài Gòn bán. Chiếc đĩa này khá lớn, nguyên vẹn, trong lòng đĩa vẽ hình rồng 5 móng ẩn hiện trong mây và chữ Thọ ở giữa. Mặt sau của đĩa vẽ đề tài thủy ba gợn sóng. Trên sóng nước cuồn cuộn có một con long mã lớn, đầu có gạc có sừng, phía sau có hai long mã khác nhỏ hơn đang chạy theo con lớn. Dưới đáy ghi chữ Hán Khánh Xuân thị tả.

Sự kiện - Người hiến tặng gần 1.000 cổ vật cho đất nước (Hình 3).

Một số cổ vật của Vương Hồng Sển tại BTLSVN TP.HCM

“Khi nghiên cứu hiện vật này, Vương Hồng Sển cho rằng, Trịnh Sâm khi đặt làm những sản phẩm này đều có dụng ý về chính trị, âm mưu soán quyền vua Lê. Trịnh Sâm coi mình có quyền thống soái (rồng 5 móng). Hàm ý của đề tài long mã lớn và 2 long mã nhỏ chỉ chúa Trịnh Sâm và hai con trai, ngầm hiểu ý là Thái sư, Thiếu sư trong triều", tác giả Phí Ngọc Tuyến, nghiên cứu sinh trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM phân tích.

Sang thế kỷ XIX, việc đặt sản phẩm gốm tại Trung Quốc được tiếp tục ngày càng nhiều, lúc này không chỉ có chúa Nguyễn đặt hàng mà tầng lớp thượng lưu cũng có thể đặt hàng. Sản phẩm lúc này được ghi ký hiệu theo nhiều cách: Sản phẩm do chúa Nguyễn đặt làm thường được ký hiệu bằng chữ Hán: Năm âm lịch, thí dụ như Giáp Tý, Canh Dần hoặc niên hiệu chúa Nguyễn như Thiệu Trị niên chế, hoặc niên hiệu kèm can chi như Tự Đức Tân Mùi hoặc chữ Nhật…

Về cách ghi ký hiệu năm âm lịch có lẽ là để ghi dấu năm đặt hàng. Việc dùng chữ Nhật làm ký hiệu được giải thích là vì tên của các chúa Nguyễn đều có bộ Nhật (mặt trời) nên dùng ký hiệu này để biểu thị, cứ thấy vật dụng có chữ Nhật thì biết rằng đó là những vật thuộc về hoàng đế. Hoa văn trên các sản phẩm này là các loại phong cảnh, tích truyện Trung Quốc như Bá Nha - Tử Kỳ, Trương Lương - Hoàng Thạch Công và Việt Nam như Gia Long tẩu quốc, các đồ án như Mai hạc, rồng, phụng, tứ linh, hoa lá.

Ông Tuyến cũng cho biết: "Là một thành viên trong quá trình tiếp nhận BST cổ vật trên từ gia đình cố học giả Vương Hồng Sển theo di chúc, chúng tôi đã có một số thời gian nhất định để phân loại, sắp xếp, thống kê, đo vẽ, chụp ảnh, đối chiếu với những công trình nghiên cứu và sổ tay ghi chép cổ vật của ông. Suốt quá trình ấy, những cổ ngoạn trong BST này như có sức hút kỳ lạ chúng tôi. Mỗi chiếc đĩa, tô, chén, bát, chậu, bình, ấm trà đều là một tác phẩm nghệ thuật, là thời khắc lịch sử".

Thanh Tùng