Người hơn 20 năm bắn pháo hoa đêm giao thừa

Người hơn 20 năm bắn pháo hoa đêm giao thừa

Thứ 3, 12/02/2013 | 08:21
0
"Chúng tôi là những người xông nhà, xông đất của chính mình đầu tiên. Thông thường, 5h sáng ngày mùng 1 tết, chương trình bắn pháo hoa mới kết thúc, và khi đó mọi người mới được trở về với gia đình".

Từ năm 1990 đến nay, thượng tá Phan Đình Trứ - Phó Chủ nhiệm kỹ thuật bộ Tư lệnh TP.HCM chưa bao giờ được sum vầy cùng gia đình, vợ con trong thời khắc giao thừa. Bởi trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, anh cùng các chiến sĩ phải vất vả tạo ra hàng trăm bức tranh đủ màu sắc trên bầu trời mang theo thông điệp của niềm tin và hạnh phúc đến với muôn nhà.

Cải tiến kĩ thuật bắn pháo hoa

Thượng tá Phan Đình Trứ (SN 1960) quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Học xong cấp 3, anh thi đậu vào trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhưng chưa kịp ngồi ở giảng đường đại học thì anh nhận được giấy báo lên đường nhập ngũ. Khi bước vào môi trường quân đội, anh lại được cử đi học tại khoa Cơ khí, chuyên ngành thuốc pháo tại học viện Kĩ thuật Quân sự tại thị xã Vĩnh Yên (Phú Thọ).

Xã hội - Người hơn 20 năm bắn pháo hoa đêm giao thừa

Ngay sau khi ra trường, Phan Đình Trứ được điều về công tác tại Ban quân khí, phòng kĩ thuật, sư đoàn 302 thuộc mặt trận 479 (Campuchia). Khoảng giữa năm 1987, ông được nhận quyết định về bộ Chỉ huy quân sự  TP.HCM làm phó, rồi trưởng ban quân khí. Từ năm 2004 đến nay, anh được đề bạt làm phó chủ nhiệm kỹ thuật bộ Tư Lệnh TP.HCM. Từ ngày về công tác tại bộ tư lệnh TP.HCM, anh được tiếp quản công việc bắn pháo hoa tại TP.HCM trong các dịp lễ tết. 

Kể về quá trình gắn bó với công tác bắn pháo hoa, thượng tá Phan Đình Trứ cho biết: "Thực ra vào năm 1975 ở Việt Nam đã bắt đầu bắn pháo hoa, nhưng chủ yếu là bắn pháo hoa dạng gia đình có đường kính 1,5cm được nhà máy quân đội chế tạo. Đến năm 1990, UBND TP.HCM có kế hoạch bắn pháo hoa tại hội trường dinh Thống Nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Nhận được thông tin này, thủ trưởng của tôi lúc đó là Nguyễn Răng đã ra chỉ thị phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt, đảm bảo thiết kế như thế nào để bắn pháo hoa đẹp và an toàn nhất. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy lo lắng nhất vì không biết hiệu quả đi đến đâu".

Đến năm 2000, bộ Quốc phòng tiến hành tập huấn bắn pháo hoa thế hệ mới cho 63 tỉnh thành. Bộ Tư lệnh TP.HCM đã cử 10 cán bộ đi dự lớp tập huấn tại tỉnh Phú Thọ, trong đó thượng tá Phan Đình Trứ được cử làm trưởng đoàn. Từ đó ông trở thành lực lượng nòng cốt phụ trách công tác bắn pháo hoa phục vụ nhân dân TP.HCM suốt từ năm 2000 đến nay.

Nhớ lại những tháng ngày bắn pháo hoa bằng phương pháp thủ công, thượng tá Phan Đình Trứ bày tỏ: "Ngày đó, trình độ khoa học cũng như phương tiện còn thô sơ, nên việc bắn pháo hoa vào dịp tết được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Pháo hoa chỉ toàn châm ngòi bằng quẹt diêm nên cần rất nhiều chiến sĩ pháo thủ phải ngồi bên châm lửa. Để khai hỏa, mỗi lần châm ngòi lửa cho một quả pháo hoa cần từ 4 đến 5 người hỗ trợ. Một người làm nhiệm vụ đưa pháo, một chỉ huy chỉ cầm loa hô khẩu lệnh, một cầm quẹt diêm châm ngòi và một người cầm quả pháo đưa vào nòng".

Tuy nhiên, khó khăn nhất lúc bấy giờ là cán bộ chiến sĩ phòng kỹ thuật của bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM phải mày mò suy nghĩ làm sao phải thiết kế những cái giá đặc biệt. Thượng tá Trứ đã cùng các chiến sĩ sáng tạo thêm bằng cách thiết kế giá có gắn những thanh cọc nhỏ để cố định những quả pháo. Mỗi một quả đạn pháo có ba thanh cọc giữ thăng bằng. Mỗi giá gắn được 10-15 quả pháo. Thiết kế xong các giá đỡ các chiến sĩ mới dùng dây cháy chậm lồng vào, sau đó dùng dây quấn lại.

Có lẽ kỉ niệm làm cho thượng tá Phan Đình Trứ nhớ nhất đó là vào năm 1995, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa ở bến cảng Nhà Rồng và khu vực quận 9. Song, tại bến cảng Nhà Rồng, khi đang bắn thì chân pháo bị lún. "Vì chương trình bắn pháo hoa không thể dừng lại được nên tôi đã chỉ huy bộ phận kĩ thuật dùng sức người để tạo thế đòn bẩy để nâng nòng pháo lên. Nhờ vậy mà những bông pháo hoa được bắn lên cao và bông nở trên bầu trời thành những bông hoa rực rỡ. Cuối cùng chương trình bắn pháo hoa đêm giao thừa cũng thành công tốt đẹp. Các anh em chiến sĩ nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm", thượng tá Trứ kể lại.

Xã hội - Người hơn 20 năm bắn pháo hoa đêm giao thừa (Hình 2).

Thượng tá Phan Đình Trứ - Phó chủ nhiệm kỹ thuật bộ Tư Lệnh TP.HCM

Người bắn pháo hoa chưa bao giờ được xem pháo hoa

Hơn 20 năm gắn bó với công tác bắn pháo hoa nhưng thượng tá Phan Đình Trứ vẫn không giấu nổi cảm giác hồi hộp mỗi khi nhìn những quả pháo hoa bay lên bầu trời với những màu sắc khác nhau. Anh kể: "Khi chuẩn bị đưa các bức tranh rực rỡ nhất được tung lên bầu trời. Tất cả các điểm bắn đều tuân theo khẩu lệnh của người chỉ huy thông qua bộ đàm. Từ bộ đàm phát ra khẩu lệnh từ 10-0, bắn!

Đúng lúc 0h ngày 1/1, tất cả những người phụ trách kĩ thuật nhấn nút bắn. Lúc quả đạn pháo đầu tiên được bắn lên bầu trời cũng là lúc tôi và các chiến sĩ cảm thấy nhẹ nhõm trong người bởi chỉ huy hô bắn mà pháo không nổ thì nguy lắm".

Thượng tá Phan Đình Trứ cho biết thêm: "Theo lệ mỗi vị trí bắn pháo hoa phải được dự bị thêm từ vài quả pháo để dự phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra để đảm bảo đúng theo kịch bản đã đề ra. Tuy nhiên, tôi cũng phải tự hào từ ngày cùng đồng đội tham gia công tác bắn pháo hoa trong dịp lễ tết chưa để xảy ra sự cố nào".

Hơn 20 năm gắn bó với công tác bắn pháo hoa cũng là chừng ấy năm thượng tá Phan Đình Trứ phải xa vợ con vào dịp giao thừa. Nhưng đối với vị thượng tá này khi hoàn thành xong 15 phút bắn pháo hoa để đem thông điệp niềm tin và hạnh phúc đến với muôn nhà cũng là lúc niềm vui của ngày tết đã đến với mình, nên cho dù có thức trắng cả đêm nhưng trong lòng vẫn thấy vui vì mình đã đem không khí xuân đến cho muôn người. Anh tâm niệm: "Đối với người lính cảnh sống xa gia đình là lẽ thường tình. Nay đất nước được sống trong thanh bình, mọi người ấm no, dù về đón giao thừa muộn tôi cũng cảm thấy hài lòng".

Tuy nhiên, hơn 20 năm đồng hành cùng những quả pháo hoa nhưng thượng tá Phan Đình Trứ cùng đồng đội chưa bao giờ được trực tiếp nhìn những quả pháo hoa bay lên bầu trời. Nói về điều này, anh vui vẻ tâm sự: "Trong dịp tết đến xuân về, tôi cùng anh em chỉ biết tập trung cao độ để tạo ra những làn pháo hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất trên bầu trời. Bởi, trong lúc bắn pháo hoa người xem phải đứng cách xa 300m nên người bắn pháo hoa chẳng bao giờ được xem bắn pháo hoa. Tới khi bắn xong thì giao thừa cũng đã hết. Về tới đơn vị anh em chỉ được xem lại qua truyền hình, rồi tự rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo.

Để tạo ra những bức tranh lộng lẫy, lung linh sắc màu tôi và bộ Tư lệnh TP.HCM đã phải huy động lực lượng đến hàng ngàn người bao gồm từ chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ, kĩ thuật đến pháo thủ. Bên cạnh đó, để bảo vệ an toàn cho việc vận chuyển hàng tấn thiết và pháo hoa từ đơn vị tới từng địa điểm bắn, bộ Tư lệnh TP.HCM đã phối hợp với nhiều lực lượng từ các ban ngành khác nhau như lực lượng phòng cháy chữa cháy, công an, sở Y tế để đưa pháo về điểm bắn an toàn".

Khi những màn trình diễn pháo hoa kết thúc cũng là lúc thượng tá Phan Đình Trứ và đồng đội phải thức trắng đêm để kiểm tra lại hiện trường xem có quả pháo nào bị lép không? Nếu có thì phải tìm hướng xử lí tốt nhất. Khi mọi công việc đã xong xuôi cũng là lúc trời vừa rạng sáng. "Đúng 5h sáng ngày mùng 1, chúng tôi là những người xông nhà, xông đất của chính mình vì phải kết thúc việc bắn pháo hoa,mọi người mới được trở về với gia đình đón năm mới", thượng tá Phan Đình Trứ chia sẻ.

Luôn cẩn thận đến từng chi tiết

Thượng tá Phan Đình Trứ chia sẻ về công việc làm họa sĩ vẽ bầu trời: "Để tạo ra những bức tranh trên bầu trời với đủ chủng loại màu sắc, tôi và anh em phải đặt những quả pháo trước nhiều tháng từ nhà máy Z21(thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, bộ Quốc phòng). Sau khi pháo được đưa từ nhà máy về tới bộ Tư lệnh tôi và anh em phải chọn lựa kĩ lưỡng theo nhiều kích cỡ khác, chủng loại khác nhau như cành liễu rủ, song vàng lấp lánh, mưa vàng, mưa bạc, đuôi hổ rồi mới đánh dấu thứ tự trên thân pháo. Sau đó những họa sĩ làm công tác vẽ bầu trời sẽ xếp pháo vào đúng vị trí những khẩu pháo theo một thứ tự rất phức tạp. Vì vậy, công việc này đòi hỏi người thiết kế lắp ráp phải cẩn thận tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chỉ cần lắp sai vị trí một quả pháo khi bắn lên bầu trời sẽ không tạo thành một bức tranh hoàn hảo theo như kịch bản".     

Tùng Xuân

Con đường đưa pháo hoa trở thành văn hoá chào năm mới

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:12
Ngày nay, bắn pháo hoa đêm giao thừa để tiễn năm cũ, đón chào năm mới đã trở thành thông lệ phổ biến tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trong những ngày lễ lớn, những dịp kỷ niệm ý nghĩa, pháo hoa cũng được bắn lên bầu trời, tạo nên những cảnh đẹp kỳ thú làm say đắm lòng người.

Đà Nẵng lung linh lễ hội pháo hoa 2011

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
Diễn ra vào tối 29 và 30/4, lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng có 5 đội tham dự là Anh, Hàn Quốc, Italia, Trung Quốc và nước chủ nhà Việt Nam. Hàng triệu người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tập trung về cây cầu bắc qua sông Hàn để xem bắn pháo hoa.

Chiêm ngưỡng pháo hoa rực trời Đà Nẵng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Cùng ngắm nhìn những màn pháo hoa đẹp mắt trong đêm hội Lung linh sông Hàn 2011. Đây là lần thứ tư cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức ở Đà Nẵng, thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Giao thừa lặng lẽ của những người 'giải nguy' ở Trung tâm 115

Thứ 7, 09/02/2013 | 09:02
Chỉ còn chưa đầy 60 phút nữa là đến giao thừa - thời khắc giao hòa trời - đất, đánh dấu thời điểm sang một năm mới linh thiêng của dân tộc, chị Loan nhận được tin nhắn chúc Tết sớm của chồng con ở nhà.